11 Ngôn ngữ lập trình nào tốt nhất

Khi công nghệ thay đổi thì ngôn ngữ lập trình cũng có sự điều chỉnh, do vậy, không có ngôn ngữ nào được coi là tốt hay quan trọng nhất.

Nhiều sinh viên đã hỏi tôi rằng ngôn ngữ lập trình nào (Java, C++ hay Python) quan trọng và tốt nhất. Câu trả lời của tôi là khi công nghệ thay đổi thì ngôn ngữ lập trình cũng thay đổi theo, do vậy không có ngôn ngữ nào được coi là tốt hay quan trọng nhất. Một khi bạn đã vững một ngôn ngữ lập trình nào thì học ngôn ngữ khác sẽ dễ hơn.

Là kỹ sư phần mềm, bạn học ngôn ngữ lập trình như một công cụ để sử dụng nhưng kỹ năng chính của bạn phải làm về quy trình doanh nghiệp, kiến trúc hệ thống, thiết kế hệ thống, quản lý dự án, quản lý mối quan hệ… Tuy nhitên, có một kỹ năng quan trọng mà các bạn cần phải có là biết ít nhất một ngoại ngữ chứ không phải ngôn ngữ lập trình.

Thế giới chúng ta sống hôm nay thay đổi rất nhanh và đang trở thành một cộng đồng chung khi mọi quốc gia, mọi công ty, mọi việc làm, và mọi người đều được kết nối. Để thành công, người làm phần mềm cần biết ít nhất một ngoại ngữ và tôi nghĩ nó nên là tiếng Anh.

Tôi chắc nhiều bạn không đồng ý, vì một số các bạn đã học tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, hay tiếng Hàn nhưng trong thế giới kinh doanh, nếu bạn có thể nói tiếng Anh lưu loát, bạn có thể làm việc được gần như ở mọi nơi. Ngày nay có nhiều cơ hội để làm việc với công ty nước ngoài hay cung cấp dịch vụ cho công ty nước ngoài và hầu hết các việc này đều yêu cầu tiếng Anh.

Là người làm việc trong lĩnh vực phần mềm, bạn cần cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng trao đổi để làm việc với khách hàng ở các nước khác nhau. Hiện nay, tiếng Anh được dùng như ngôn ngữ chính của kinh doanh toàn cầu, bất kể bạn làm việc ở đâu. Tiếng Anh rất thông dụng ở châu Âu và Ấn Độ, và nó cũng được được dùng ở châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc…).

Tôi đã đi dạy ở nhiều nước và tôi toàn dùng tiếng Anh, hầu hết sinh viên Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia đều không cần phiên dịch. Tôi thấy phần lớn các lớp tại các đại học hàng đầu như Viện khoa học và công nghệ Hàn Quốc (Korea Advanced Institute in Science and Technology (KAIST), Viện Công nghệ Ấn Độ (Indian Institute of Technology (ITT), và đại học Thanh Hoa (Tsinghua University, Bắc Kinh) đều sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính. Phần lớn các lớp khoa học và công nghệ đều được dạy bằng tiếng Anh. Điều này cũng dễ hiểu vì hầu như các sách giáo khoa, các tài liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ đều được viết bằng tiếng Anh.

Tôi biết một số bạn thích đọc bản dịch hơn tài liệu nguyên gốc tiếng Anh. Điều đó dễ dàng và thuận tiện đấy, nhưng tôi lưu ý các bạn rằng không phải người dịch nào cũng có kiến thức sâu về khoa học và công nghệ, một số thuật ngữ có thể không dịch tốt, đặc biệt các thuật ngữ công nghệ.

Tôi thích giữ thuật ngữ nguyên trong ngoặc, chẳng hạn: “Băng thông” (Broadband) hay để thuật ngữ tiếng Anh như “Internet” vì mọi người đều biết nó là gì. Trong môi trường phần mềm, hầu hết các từ khoá, thuật ngữ kỹ thuật đều dựa trên danh từ tiếng Anh. Đa số các hướng dẫn và thảo luận cũng được tiến hành trong tiếng Anh. Khi bạn viết chú thích và làm tài liệu cho mã của mình, bạn cần làm trong tiếng Anh nữa vì nó được hiểu bởi những người bảo trì mã, có thể là những người này không ở cùng nước với bạn.

Ngày nay, toàn cầu hoá tác động tới mọi nước và người phát triển phần mềm không đơn thuần viết mã mà làm việc trong tổ. Nhiều dự án được phát triển 24 giờ và 7 ngày một tuần với nhiều tổ làm việc từ các nước khác nhau, các tổ làm việc này phải dùng ngôn ngữ chung để thảo luận và chia sẻ thông tin và hầu hết đều dùng tiếng Anh.

Để trả lời câu hỏi về ngôn ngữ trong nghề phần mềm, tôi nghĩ điều bạn cần là kỹ năng trao đổi, tham gia, tạo điều kiện, viết, để chia sẻ, ảnh hưởng, và hướng dẫn nỗ lực phát triển. Tôi tin kỹ năng mềm là quan trọng cho những người làm việc kỹ thuật, đặc biệt những người làm việc với khách hàng như kỹ sư lấy yêu cầu, người phân tích nghiệp vụ và người quản lý dự án. Do đó, biết ngoại ngữ thông thạo như tiếng Anh sẽ giúp các bạn có thể tiến xa trong nghề nghiệp hơn là những ngoại ngữ khác.

Cách đây vài năm, tôi có một số sinh viên người Trung Quốc phải học tiếng Nhật vì họ làm việc cho công ty gia công phần mềm có dịch vụ với Nhật. Từ tiếng Trung học sang tiếng Nhật tuy không khó lắm nhưng cũng mất nhiều nỗ lực. Ít lâu sau, công ty của họ có hợp đồng với Mỹ và chỉ những người biết nói tiếng Anh mới được chọn vào dự án này. Hầu hết sinh viên học với tôi đều biết tiếng Anh nên đa số đều được chọn. Những nhân viên khác than rằng nếu họ biết cơ hội này thì họ sẽ học tiếng Anh hơn là tiếng Nhật.

Tôi cũng nghĩ mọi công ty phần mềm phải huấn luyện nhân viên của họ về ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, vì thị trường sử dụng tiếng Anh rất lớn và có tiềm năng cao. Lí do chính khiến Ấn Độ vượt xa Trung Quốc trong lĩnh vực gia công phần mềm vì nhân viên của họ đều biết tiếng Anh. Khi họ đã nắm bắt được thị trường gia công khắp thế giới thì rất khó cho Trung Quốc có thể len vào cạnh tranh.

Hiện nay, với xu thế toàn cầu hoá, nhu cầu biết ngoại ngữ rất quan trọng và với những người làm phần mềm có khả năng ngoại ngữ như tiếng Anh, họ có nhiều cơ hội làm việc khắp nơi trên thế giới hơn những người biết ngoại ngữ khác. Hàng năm, các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh đều phải nhập khẩu một số lớn những người làm phần mềm từ các nước khác đến làm việc vì có sự thiếu hụt công nhân có kỹ năng. Những việc này đều đòi hỏi trình độ ngoại ngữ bằng tiếng Anh. Với các bạn vẫn chưa biết học ngoại ngữ nào, lời khuyên của tôi là nên học tiếng Anh.

 

 

Giáo sư John Vũ
Viện trưởng Viện nghiên cứu phần mềm của Đại học Carnegie Mellon
Nghiên cứu viên kỹ thuật và Kĩ sư trưởng Công nghệ Thông tin tại Boeing

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96