(Post 09/03/2010) Năm 2010 sẽ chứng kiến sự lên ngôi của hàng loạt dịch vụ web mới, trong đó đáng chú ý hơn cả là cỗ máy tìm kiếm Bing của Microsoft hay Google Voice cũng hứa hẹn sẽ trở thành địa chỉ quen thuộc của người dùng
1. Fancast Xfinity TV
Sau nhiều lời đồn đại, cuối cùng hãng Comcast cũng ra mắt một phiên bản trên nền Web chương trình TV nổi tiếng của nhà cung cấp dịch vụ này. Tại Fancast Xfinity TV, bạn có thể xem các show diễn quen thuộc từ PC và hỗ trợ cả hình thức đặt hàng.
Ra mắt tuần trước, hiện Fancast Xfinity TV đã sẵn sàng với 2000 giờ phim và một số chương trình truyền hình. Bổ sung thêm nội dung mới, Fancast Xfinity TV có thể sẽ làm nên một cuộc cách mạng trên web, nhờ vào chất lượng cao.
2. Bing
Bing xuất hiện vào giữa năm 2009 với nhiều nghi vấn xung quanh. Tuy nhiên cho đến nay, thật tuyệt vời khi công cụ tìm kiếm của Microsoft đang có` tốc độ tăng trưởng đáng kể. Bing đã chứng tỏ với người dùng về một sản phẩm cách tân trước “chuẩn” Google, nhất là trong việc tìm kiếm ảnh, video, dữ liệu theo thời gian thực từ Twitter, tích hợp kết quả tìm kiếm từ công cụ tìm kiếm ngữ nghĩa Wolfram Alpha.
- Qua mặt Yahoo, Bing đe dọa Google
- Bing vượt CNN, Digg và Twitter ngay trong tháng đầu
Mặc dù Google vẫn nắm giữ 2/3 thị trường, nhưng chỉ sau nửa năm, Bing đã giành được 10% thị phần, một con số thị phần đáng kể. Kết hợp với dịch vụ web Microsoft Office 2010, năm 2010, Bing được mong đợi sẽ tiến bước nhiều hơn.
3. Android Market
Hiện hệ điều hành Android của Google mới chỉ chiếm 3.5% thị phần smartphone toàn cầu. Tuy nhiên, theo dự đoán của Gartner đến năm 2012, Android sẽ trở thành hệ điều hành cho thiết bị di động chiếm vị trí thứ hai toàn cầu, sau iPhone OS.
Năm 2009, người ta mới chỉ thấy 10 chiếc Android, nhưng năm tới, con số này được dự đoán sẽ lên tới 50, kéo theo đó là nhu cầu tìm kiếm ứng dụng. Với khoảng 20.000 ứng dụng như hiện nay, Android Market vẫn còn kém xa con số ấn tượng hơn 175.000 của App Store, nhưng mọi chuyện sẽ bắt đầu thay đổi trong năm tới.
4. Grooveshark
Là trang chia sẻ nhạc số miễn phí, Grooveshark thu hút khá đông đảo lượng truy cập trong thời gian qua. Grooveshark còn là một mạng xã hội, tại đó người dùng có thể cùng nhau thưởng thức âm nhạc. Điểm thú vị là các tác giả có thể tải nhạc của mình lên trên để chia sẻ với thính giả, một khi họ đồng ý mua tác quyền, các tác giả này sẽ được nhận tiền.
Hình thức kinh doanh của Grooveshark không mới, nhưng về mặt lí thuyết, một mạng xã hội như Grooveshark có thể thu hút người dùng, nhất là họ có thể chia sẻ cảm xúc, quảng bá âm nhạc bạn bè.
5. Google Voice
Google Voice nhận được sự quan tâm đáng kể của cộng đồng mạng trong năm qua, nhất là sự cố Apple từ chối ứng dụng Google Voice dành riêng cho iPhone. Nguyên nhân nằm ở chỗ dịch vụ của Google phương hại tới quyền lợi của nhà mạng A&T.
- Hay – dở Google Voice
- Google Voice chính thức khởi tranh với Skype
- Google Voice đe doạ hàng loạt dịch vụ truyền thống
Hợp nhất tất cả các số điện thoại của người dùng về một mối, Google Voice thực sự thân thiện và tiện dụng. Một khi Google bổ sung công nghệ VoIP (nhờ vào vụ thâu tóm Gizmo5), Google Voice có thể sẽ trở thành địa chỉ thu hút các tín đồ của Skype lâu nay. Ngoài ra, sự xuất hiện của Google Phone cũng khiến cộng đồng IT lên cơn sốt, khi hỗ trợ rất tốt cho các dịch vụ của Google, trong đó có Voice.
Hi vọng gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm có thể mở rộng Google Voice ở nhiều quốc gia hơn nữa trên thế giới. Khi ấy, Google Voice chắc chắn sẽ trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”.
6. Justin.tv
Tại trang web này, bạn có thể tìm thấy một bữa tiệc “lẩu thập cẩm” các clip video do thành viên ghi hình và phát theo thời gian thực, cũng tương tự như UStream và Qik, khi thành viên của các mạng này phát video trực tiếp từ smartphone. Một khi mạng không dây phổ biến và tốc độ tốt hơn, chắc chắn mô hình của Justin.tv sẽ ngày càng phổ biến.
Justin.tv đặc biệt hấp dẫn người dùng, nhất là những khi diễn ra các sự kiện “nóng”, người dùng muốn theo dõi tường thuật trực tiếp. Một điểm khá thú vị của trang chia sẻ video này là bạn còn có thể “tán” với những ai đang xem clip phát trực tiếp, nhờ vào một phòng chat bên cạnh.
7. Clicker
Đây là một trang thống kê video theo địa điểm, hỗ trợ người dùng tìm kiếm video một cách dễ dàng.
Bộ máy tìm kiếm của Clicker tương đối ấn tượng. Clicker liên kết tới các video đông người xem nhất hiện nay trên Hulu, TV.com… Năm 2010 sẽ là một trang mới trong lịch sử phát triển của Clicker.
8. Yammer
Yammer có mô hình gần giống Twitter nhưng thay vì hỏi “Chuyện gì đang diễn ra với bạn” như Twitter, Yammer sẽ hỏi “Bạn đang làm gì thế” (phiên bản tiếng Việt).
Mục tiêu của Yammer hướng tới giới doanh nghiệp. Hiện Yammer có sự góp mặt của nhân viên AMD, Adobe, Fox… Điểm đặc biệt là Yammer là mạng xã hội dành riêng cho các tổ chức, công ty, do đó, để tham gia, người dùng phải có địa chỉ email xác thực của các tổ chức công ty này. Tuy nhiên, dịch vụ của Yammer hoàn toàn miễn phí.
9. Wikitravel.org
Lấy cảm hứng (và cả thông tin) từ bách khoa thư mở Wikipedia, Wikitravel mang đến cho người dùng, đặc là khách du lịch nguồn thông tin chi tiết. Nội dung trên Wikitravel được lựa chọn và biên tập kĩ, giúp người theo dõi dễ dàng tiếp nhận.
Hiện người dùng không còn xa lạ với phong cách wiki, tức trí tuệ đám đông. Một khi huy động được lượng người dùng đông đảo, nội dung tốt và ổn định, Wikitravel sẽ trở thành địa chỉ lý tưởng.
10. Postabon
Đây là địa chỉ dành cho các chị em muốn đi shopping. Khi truy cập từ PC hay điện thoại di động (chẳng hạn từ ứng dụng trên iPhone), Postabon sẽ tự động dò địa chỉ của người dùng và hiển thị những mặt hàng đang bán. Bạn sẽ thấy khá nhiều loại mặt hàng, từ thức ăn, đồ uống… và bạn có thể chọn loại món hàng muốn hiển thị trên bản đồ.
Mặc dù cửa hàng trực tuyến không có gì mới mẻ trong thời thương mại điện tử, nhưng nhờ vào tính năng định vị người dùng, hứa hẹn Postabon sẽ nở rộ trong năm tới. Đáng tiếc là dịch vụ này hiện chỉ hỗ trợ người dùng New York.
Nhật Vương
(Theo PC World)
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |