11 20 tính năng Windows không thể thiếu

(Post 19/06/2009) Bạn mong muốn có thể truy xuất tập tin, sao lưu dữ liệu hay sắp xếp công việc dễ dàng hơn? Hệ điều hành Linux và OS X thường cung cấp nhiều tính năng hấp dẫn mà Windows không bao giờ có được. Đừng quá lo lắng, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để bổ sung những tính năng này vào Windows một cách đơn giản nhất.

1. KHÔNG GIAN LÀM VIỆC ẢO

Hiện có trên: Linux, Mac, Unix

Người dùng Linux từ lâu đã tận hưởng được sự thoải mái khi hệ điều hành mã nguồn mở này cung cấp khả năng kiểm soát nhiều ứng dụng đang cùng hoạt động – mà không phải lo ngại đến tình trạng làm tràn ngập màn hình – nhờ vào sức mạnh của tính năng không gian làm việc ảo (virtual workspace). Trong một phiên bản Linux cài đặt thông thường, 4 không gian làm việc sẽ tự động xuất hiện ở thời điểm khởi động, được báo hiệu bằng một bản đồ nhỏ nằm ở góc dưới màn hình. Khi người dùng mở nhiều ứng dụng, các biểu tượng hình thu nhỏ (thumbnail) của ứng dụng cũng đồng thời xuất hiện trên thanh chuyển đổi không gian làm việc, cho biết cửa sổ ứng dụng đang chạy trong mỗi không gian làm việc. Để thay đổi không gian làm việc, người dùng chỉ đơn giản thực hiện thao tác nhấn chuột vào vùng thích hợp trên thanh chuyển đổi hay kích hoạt một tổ hợp phím tắt chẳng hạn như – < mũi tên phải> để di chuyển qua lại giữa các không gian làm việc.

Người dùng có thể sắp xếp các không gian làm việc trên màn hình nền Linux theo tác vụ, loại ứng dụng, mức độ ưu tiên hay bất kỳ tiêu chí nào để phân loại không gian làm việc của mình. Tính năng này thuận tiện để người dùng có thể tạm thời rời mắt khỏi vài ứng dụng nhưng không nhất thiết phải tắt hẳn chúng. Trong khi đó, Apple bổ sung mô hình không gian làm việc ảo vào hệ điều hành OS X kể từ phiên bản Leopard được trình làng hồi tháng 11/2007, tuy nhiên tính năng Space của Leopard lại thiếu các hình thu nhỏ dạng động trong biểu tượng Dock. Để có được tính năng không gian làm việc trong Windows, người dùng phải tải về các tiện ích bổ sung. Người dùng XP có một giải pháp dễ dàng là sử dụng tiện ích miễn phí Microsoft Virtual Desktop Manager (find.pcworld.com/60937). Trong khi đó, người dùng Vista phải chuyển sang sử dụng tiện ích của các hãng thứ 3, chẳng hạn như tiện ích miễn phí Dexpot (find.pcworld.com/60932) với ưu điểm cung cấp nhiều tùy chọn cấu hình.

2. ĐƠN GIẢN TRUY CẬP TỪ XA

Hiện có trên: Mac

Sẽ thật bực mình khi bạn làm việc tại văn phòng nhưng phiên bản mới nhất của tài liệu cần xử lý lại nằm trên máy tính ở nhà. Trên một máy Mac chạy hệ điều hành Leopard, bạn có thể sử dụng công cụ Back to My Mac (cùng dịch vụ MobileMe của Apple) để khởi tạo kết nối đến máy tính ở xa và duyệt như thể bạn đang ngồi trước màn hình máy tính đó. Vài phiên bản của Windows XP và Vista đi kèm ứng dụng mang tên Remote Desktop, tuy nhiên người dùng Vista phiên bản Starter, Home Basic và Home Premium không thể sử dụng tính năng này. Nếu bạn sử dụng một trong những phiên bản Windows kể trên, hãy dùng thử dịch vụ GoToMyPC (gotomypc.com). Với lệ phí 180USD/năm, dịch vụ này không rẻ nhưng lại cung cấp cho bạn khả năng truy xuất toàn diện đến máy tính chạy Windows của mình từ bất kỳ trình duyệt web nào. Ngoài ra, người dùng thích mày mò cũng có thể đạt được đầy đủ khả năng điều khiển từ xa một máy tính thông qua tiện ích miễn phí UltraVNC (find.pcworld.com/60979).

3. GHI VÀ BIÊN TẬP ÂM THANH

Hiện có trên: Linux, Mac, Unix

Một tính năng của Mac OS X, phần mềm Garage Band của hãng Apple có ở các máy Mac mới cho phép bạn soạn nhạc trên bàn phím máy tính hay kết nối thiết bị gắn ngoài để thiết lập một phòng thu âm ngay tại nhà. Điều này giúp cho việc đưa âm thanh lên mạng (podcast) dễ dàng hơn bởi vì bạn có thể ghi lại và chỉnh sửa các bài diễn thuyết và nhạc để mọi thứ trông bóng bẩy và chuyên nghiệp hơn. Trong khi đó, Linux cung cấp cho người dùng nhiều công cụ ghi âm mã nguồn mở để lựa chọn.

Ngược lại, Windows Sound Recorder không hề mang đến sự hấp dẫn nào ngoại trừ khả năng thu thập những gì mà bạn nói vào chiếc microphone máy tính. Thật may, bạn có thể bổ sung những công cụ âm thanh thông minh vào Windows với Audacity (find.pcworld.com/60132). Tiện ích miễn phí này cho phép bạn ghi âm, chỉnh sửa và nối ghép các đoạn ghi âm vào một bản tin podcast, cũng như tinh chỉnh các thông số âm thanh. Khi đã hoàn tất khâu sáng tác với Audacity, bạn có thể sử dụng công cụ Easypodcast (find.pcworld.com/60935) để bổ sung các siêu dữ liệu mà qua đó giúp tác phẩm của bạn dễ dàng được công chúng tìm thấy hơn.

4. NHẮC NHỞ GHI NHỚ

Hiện có trên: Linux, Mac, Unix

Có nhiều ứng dụng được thiết kế với nhiệm vụ giúp bạn sắp xếp toàn bộ danh sách việc cần làm. Tuy nhiên khi ứng dụng này hoàn toàn bị vô hiệu hóa thì không thứ gì qua mặt được giải pháp dùng giấy ghi chú truyền thống. Từ lâu, máy Mac cung cấp một ứng dụng mang tên Stickies, bổ sung tính năng cho phép người dùng “dán” các chú thích ở bất cứ đâu trên một mẫu giấy ảo được mã màu cũng như cho phép người dùng tự chọn kiểu chữ. Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp Linux bổ sung tiện ích TomBoy Notes, mang ý tưởng của Stickies lên một tầm cao mới khi tích hợp các tính năng siêu liên kết cho các thông tin ghi chú.

Windows Vista hiện cung cấp một tính năng tương tự mang tên Notes trên thanh Windows Sidebar. Tuy nhiên, ứng dụng này không thể sánh với những gì có ở Mac và Linux. Để có được một ứng dụng tạo ghi chú thực sự “bốc”, hãy thử Stickies for Windows (find.pcworld.com/60934). Tiện ích mã nguồn mở này đơn giản, cho phép bạn tùy biến các chú thích của mình và rồi sau đó dán chúng lên bất kỳ đâu trên màn hình Windows.

5. CHIA SẺ MÀN HÌNH

Hiện có trên: Mac

Khi xuất hiện trên các kệ hàng hồi năm ngoái, phiên bản Leopard của hệ điều hành Mac OS X đi kèm một nâng cấp nhỏ nhưng hữu ích cho iChat (tiện ích tán gẫu cơ bản của Apple), qua đó cho phép 2 người dùng Leopard chia sẻ màn hình với nhau thông qua mạng Internet.

Muốn cho đồng nghiệp, bạn bè hay người thân trong gia đình thấy được những gì đang hiển thị trên màn hình của mình? Quá đơn giản với Leopard. Bạn cũng có thể yêu cầu đối tác bên kia chia sẻ màn hình của họ. Mọi thứ đều miễn phí. Bạn sẽ có được chính xác tất cả những gì mà họ thấy, kèm theo đó là khả năng kiểm soát chuột và bàn phím của họ (nếu muốn). Đây có thể xem là một biện pháp xuất sắc để sửa chữa một máy tính từ xa.

Meeting Space của Vista cũng cung cấp một tính năng tương tự, nhưng chỉ hỗ trợ cho mạng nội bộ, việc chia sẻ màn hình với một máy tính từ xa hoàn toàn không thể. Trong khi đó, Live Messenger cho phép bạn chia sẻ thư mục nhưng không cho phép kiểm soát màn hình của đầu bên kia.

Microsoft hiện đang thử nghiệm (giai đoạn beta) một ứng dụng mới có tên ShareView (find.pcworld.com/60980), cho phép bạn khởi tạo một phiên chia sẻ màn hình với bất kỳ ai (dĩ nhiên người dùng này cũng phải cài ShareView). Bạn khởi chạy ứng dụng, nhấn Start a new session, chép đoạn văn bản thư mời được cung cấp và dán nội dung này vào một email gửi đến người dùng mà bạn muốn chia sẻ màn hình. Sau đó, người dùng này sẽ tham gia vào buổi chia sẻ màn hình của bạn bằng cách nhấn chuột vào đường link trong email hay khởi chạy ứng dụng ShareView trên máy tính cá nhân của họ, tiếp đến nhập vào tên phiên làm việc và mật khẩu.

6. KHO LƯU TRỮ PHẦN MỀM

Hiện có trên: Linux, Unix

Trong một thế giới hoàn hảo, bạn có lẽ không bao giờ phải rời khỏi chiếc bàn làm việc để tìm ra những phần mềm xuất sắc cho máy tính của mình. Bạn chỉ cần kích hoạt một phần mềm “ma thuật” và thực hiện vài tùy chọn, rồi sau đó bất kỳ phần mềm nào mà bạn cần sẽ ngay lập tức tự thực hiện cài đặt. Tính năng này đã có trên Linux, cung cấp kho lưu trữ phần mềm để qua đó người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và cài đặt phần mềm mới.

Ví dụ, trong Ubuntu, một tiện ích mang tên Synaptic Package Manager cho phép bạn duyệt qua các thư viện phần mềm trực tuyến lớn để xác định và cài đặt các phần mềm theo yêu cầu. Chọn và đánh dấu phần mềm cần cài đặt, ngay lập tức phần mềm đó sẽ được tự động tải về và cài đặt khi bạn nhấn Apply. Thậm chí, tiện ích sẽ tự động thu thập những tập tin liên quan khác mà vào mà không đòi hỏi bạn thực hiện bất kỳ công việc bổ sung nào.

Các nhà phân phối Linux có thể thực hiện điều này bởi vì gần như tất cả phần mềm mà họ cung cấp đều miễn phí và là dạng mã nguồn mở, do đó người dùng không phải lo âu về vấn đề phí bản quyền. Tuy nhiên, với Windows, mọi thứ dường như phức tạp hơn. Một hỗn hợp các loại bản quyền, từ phần mềm miễn phí (freeware) đến phần mềm chia sẻ (shareware), dùng thử (trial) và thậm chí vài loại mã nguồn mở, cũng sẽ gây khó khăn cho bất kỳ người dùng nào có ý định xây dựng một thư viện phần mềm đáng tin cậy với tính năng “nhấn và nhận” mà người dùng Linux đã được cung cấp từ trước đến giờ. Cho đến khi có ai đó xây dựng được một thư viện khổng lồ các phần mềm Windows có khả năng tự động cài đặt thì người dùng Windows hiện nay sẽ phải tiếp tục phụ thuộc vào các website tải về như Download.com, Tucows và dĩ nhiên có cả trang Downloads của PC World.

7. HIỆU ỨNG MÀN HÌNH

Hiện có trên: Linux, Unix

Không giống Linux, giao diện Windows hết sức tẻ nhạt, tất cả những gì mà bạn có thể thấy được trên đó chỉ là biểu tượng. Còn với Linux, để mọi thứ hấp dẫn hơn, người dùng có thể sử dụng tiện ích Compiz Desktop Effects.

Với sự ra đời của phiên bản Ubuntu 7.0 Gutsy Gibbon vào tháng 10/2007, Dekstop Effects trở thành một tính năng mặc định của Ubuntu. Vì vậy giờ đây bất kỳ người dùng Ubuntu nào sở hữu card đồ họa đủ mạnh đều có thể xoay các hình khối, làm lắc lư các cửa sổ hay bất kỳ hiệu ứng đẹp mắt khác.

Trong khi đó, để đáp ứng sự mong mỏi của người dùng Windows, hãng Otaku Software đã trình làng phần mềm Desktop Space (find.pcworld.com/60937), cho phép bạn biến màn hình nền Windows thành một hình khối với 4 không gian làm việc như trong Linux. Bạn có thể điều chỉnh độ trong suốt, tốc độ xoay và hiệu ứng phản chiếu, thậm chí có thể kéo-thả các cửa sổ ứng dụng từ một mặt của hình khối sang một mặt khác để nhanh chóng sắp xếp lại không gian làm việc. Tuy nhiên, không giống như tính năng mà các nhà phân phối Linux cung cấp, DeskSpace chỉ cho phép bạn dùng thử trong vài 14 ngày, nếu muốn dùng tiếp bạn phải trả phí 20USD.

8. SAO LƯU TỰ ĐỘNG

Hiện có trên: Mac

Tiện ích sao lưu Time Machine của Apple là một trong những tính năng hấp dẫn nhất của hệ điều hành OS X Leopard. Với sự trợ giúp của tiện ích này, sao lưu toàn bộ tập tin của bạn vào một ổ đĩa gắn ngoài trở nên dễ dàng. Hơn thế, tiện ích cho phép bạn nhanh chóng khôi phục một phiên bản cũ của bất kỳ tập tin sao lưu nào, vì thế bạn có thể khắc phục hậu quả do những sai lầm của mình.

Windows XP và vài phiên bản của Vista không cung cấp tính năng tương tự. Nhưng Windows có một tiện ích sao lưu tích hợp tuy nhiên không dễ sử dụng như Time Machine. Tiện ích này không thực hiện bất cứ điều gì để giúp bạn lấy lại phiên bản đã mất của các tập tin quan trọng. Tuy nhiên, Vista phiên bản Ultimate, Business và Enterprise đi kèm tiện ích Shadow Copy, cho phép bạn khôi phục phiên bản cũ của các tập tin bằng cách nhấn phải chuột lên tập tin và chọn “Restore previous versions” từ trình đơn ngữ cảnh. Những phiên bản rẻ tiền hơn của Vista (bao gồm Home Basic và Home Premium) cũng có khả năng thu thập dữ liệu cho Shadow Copy tuy nhiên bạn không thể truy cập được những dữ liệu này. Rất may, một tiện ích miễn phí mang tên ShadowExplorer (find.pcworld.com/60933) có thể khai thác miễn phí những dữ liệu này, cho phép bạn tìm lại phiên bản cũ của bất kỳ tập tin nào trên đĩa cứng mà không yêu cầu nâng cấp lên một phiên bản hệ điều hành đắt tiền hơn.

9. KHAY ỨNG DỤNG

Hiện có trên: AmigaOS, Linux, Mac, Unix

Trung tâm của mỗi máy tính Mac là một ứng dụng nhỏ mang tên Dock. Ứng dụng đóng vai trò như một khay khởi chạy các ứng dụng thường được sử dụng và bạn có thể tùy biến khay này để có thể chứa nhiều ứng dụng hơn. Không giống Start Menu và Taskbar của Windows, Dock là một không gian mỏng và thoáng đãng, nơi bạn có thể truy xuất nhanh các ứng dụng chỉ với một thao tác nhấn chuột.

Bạn có thể bổ sung một khay ứng dụng đơn giản vào Windows với phần mềm ObjectDock (find.pcworld.com/60938). ObjectDock xuất hiện ở trên thanh TaskBar của Windows và hoạt động hệt như tính năng của Dock, kèm theo đó là hiệu ứng phóng to các biểu tượng mỗi khi bạn rê chuột qua. Phần mềm cũng có thể làm ẩn thanh Taskbar, làm cho màn hình Windows của bạn có giao diện trông như một máy Mac. Phiên bản chuẩn miễn phí; phiên bản Plus (20USD) bổ sung các hiệu ứng chuyển động, khay ứng dụng dạng thẻ, khả năng hiển thị nhiều khay ứng dụng trên màn hình và nhiều tuỳ chọn hữu ích khác.

10. TỰ ĐỘNG CHỤP MÀN HÌNH

Hiện có trên: Mac

Chụp lại giao diện màn hình trong Windows chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Bạn chỉ đơn giản ấn vào phím và giao diện màn hình hiện tại ngay lập tức được chép vào bộ nhớ (Clipboard). Tuy nhiên, do Clipboard này chỉ lưu được một ảnh chụp màn hình nên bạn phải mở tiện ích Paint hay tiện ích chỉnh sửa ảnh nào khác để dán nội dung từ Clipboard vào trước khi có thể chụp một giao diện khác. Công cụ Snipping Tool của Vista có thể khắc phục nhược điểm này. Tuy nhiên, ngay khi đã thiết lập một biểu tượng QuickLaunch cho tiện ích này, bạn vẫn không được cung cấp tùy chọn để tạo ra một tổ hợp phím tắt đơn giản để kích hoạt lệnh chụp màn hình.

Mọi thứ dễ dàng hơn trên máy Mac. Khi bạn ấn –3, một ảnh của toàn bộ vùng màn hình hiển thị ngay lập tức được lưu vào màn hình nền. Bạn ấn –4, và con trỏ chuột sẽ đổi thành hình dấu + để bạn có thể kéo qua vùng màn hình mà bạn muốn chụp.

Bạn có thể cải thiện tính năng này của Windows bằng một tiện ích miễn phí có tên FastStone Capture (find.pcworld.com/60981). Tiện ích này cho phép bạn gán bất kỳ phím tắt nào để chụp toàn bộ màn hình, hay một vùng màn hình nhất định hay thậm chí các màn hình dạng cuộn. Ngoài ra, FastStone Capture còn cung cấp nhiều tùy chọn chỉnh sửa ảnh hữu ích khác.

11. XEM NHANH TẬP TIN

Hiện có trên: Mac

Mỗi người dùng có cách thức xử lý thông tin khác nhau, vài người dùng thực hiện tốt hơn sự kiểm soát với thông tin dạng đồ họa thay vì văn bản. Đó chính là sự hấp dẫn từ tính năng Cover Flow của Apple, cho phép người dùng Mac OS X lật qua qua các thư mục, tập tin, nhạc và những dữ liệu một cách trực quan – và thậm chí có được một cái nhìn sơ bộ về nội dung của mỗi tập tin – thay vì phải nhìn mọi thứ trong một nhóm lộn xộn các biểu tượng.

Vista đã cải thiện giao diện tiện ích Windows Explorer, tuy nhiên Windows vẫn chưa tích hợp mọi thứ như Cover Flow. Dù vậy, với tiện ích miễn phí Harmony (find.pcworld.com/60939), bạn có thể bổ sung khả năng duyệt dữ liệu tương tự như Cover Flow vào tiện ích Windows Media Player. Harmony chỉ làm việc với tập bìa album được tạo bởi iTunes, và không được tích hợp vào Windows Explorer. Nhưng dù sao đi nữa, tiện ích này miễn phí và đơn giản để người dùng có thể thêm chút hương vị cho Windows Media Player.

12. GHI ẢNH ĐĨA

Hiện có trên: Linux, Mac, Unix

Mac OS và Linux có thể thực hiện công việc này. Ngoài ra, hệ điều hành nguồn mở PC-BSD và những hệ điều hành hiện đại cũng có thể. Tuy nhiên vì vài lý do, Windows không thể ghi các tập tin ảnh đĩa (.iso) lên CD mà không cần đến sự trợ giúp của phần mềm hãng thứ 3.

Nếu thỉnh thoảng bạn muốn ghi một ảnh đĩa CD nhưng không muốn mua một phần mềm ghi đĩa đắt tiền, hãy dùng thử tiện ích miễn phí ISO Recorder (find.pcworld.com/60794). Hỗ trợ Windows XP và Vista, ISO Recorder bổ sung tính năng ghi ảnh đĩa vào trình đơn ngữ cảnh bất cứ khi nào bạn nhấn phải chuột lên một tập tin .iso. ISO Recorder hiện có phiên bản 32-bit và 64-bit cho Windows Vitsa, ngoài ra phiên bản dành cho Vista còn hỗ trợ ghi đĩa DVD.

13. XẾP CHỒNG CỬA SỔ

Hiện có trên: Linux, Mac, Unix

Đó là ý tưởng đơn giản, lịch lãm và Apple đã cung cấp tính năng này trên máy Mac từ năm 2003. Khi muốn có một cái nhìn rõ ràng về tất cả cửa sổ ứng dụng đang mở ở bất cứ thời điểm nào, bạn chỉ đơn giản ấn một phím chức năng và một tính năng nhỏ mang tên Exposé sẽ sắp xếp chúng ở dạng hình thu nhỏ được trải rộng một cách gọn gàng trên màn hình. Nhấn vào một hình thu nhỏ, cửa sổ tương ứng sẽ xuất hiện ngay phía trước, trong khi những cửa sổ còn lại xếp ở phía sau. Trên một máy tính chạy Linux, bạn có thể có cùng tính năng này thông qua tiện ích bổ sung Scales cho tiện ích Compiz Desktop Effects.

Với sự xuất hiện của Vista, Microsoft cung cấp một tính năng mang tên Flip3D, cố gắng đơn giản hóa khả năng kiểm soát cửa sổ theo một cách thức hơi chút khác lạ. Flip3D cho phép người dùng lật qua các cửa sổ 3D của mọi cửa sổ đang mở, tuy nhiên không cung cấp khả năng hiển thị tức thời như Exposé.

Người dùng Windows Vista có thể bổ sung những ưu điểm của Exposé vào hệ thống với tiện ích bổ sung Switcher (find.pcworld.com/60982). Một khi đã được cài đặt, Switcher cho phép bạn chọn cách thức để các cửa sổ ứng dụng của bạn tự sắp xếp, cũng như cho phép bạn tùy chỉnh màu cửa sổ và cấu hình phím tắt. Trong Windows, công cụ TopDesk (find.pcworld.com/60959) bổ sung một tính năng tương tự với giá 20USD (bạn có thể dùng thử miễn phí trong vòng 14 ngày).

14. TẠO TÀI LIỆU PDF

Hiện có trên: Linux, Mac, Unix

Microsoft và Adobe dường như kình nhau nhiều hơn là hợp tác trong những năm qua. Có lẽ đó là lý do tại sao Microsoft không trang bị tính năng tạo tập tin Portable Document Format cho Windows dù tính năng này đã từ lâu được tích hợp vào hệ điều hành Linux và Mac OS X. Những hệ điều hành này cho phép bạn xem và tạo các tập tin PDF mà không phải sử dụng tiện ích của một hãng thứ 3. Microsoft đã thiết kế ra một định dạng riêng để cạnh tranh với PDF, đó là XPS trong Vista, với hy vọng mọi người sẽ từ bỏ chuẩn PDF đã được chấp nhận toàn cầu và chuyển sang sử dụng chuẩn mới này. Tuy nhiên, người dùng XP không thể đọc được các tập tin ở định dạng XPS.

Từ đây cho đến lúc Microsoft biến PDF trở thành một thành phần chuẩn trong Windows, bạn có thể sử dụng giải pháp thay thế PrimoPDF (find.pcworld.com/60944). Ứng dụng miễn phí này có khả năng làm việc song hành với Adobe Reader (adobe.com/reader) để biến bất kỳ tài liệu mà bạn có thể mở sang định dạng PDF.

15. TƯƠNG THÍCH POSIX

Hiện có trên: BeOS, Linux, Mac, Unix

Bên ngoài màn hình Windows, nhiều phần mềm được viết để thích nghi với một tiêu chuẩn trên nền Unix mang tên POSIX. Bất kỳ hệ điều hành nào tương thích chuẩn POSIX cũng có thể chạy hầu hết các ứng dụng được viết cho Unix. Linux mặc định tương thích với POSIX. Mac cũng thế bởi vì hệ điều hành này được xây dựng trên nền tảng Unix. Thậm chí, hệ điều hành BeOS không còn tồn tại cũng tương thích với POSIX. Tuy nhiên, Windows lại không.

Về lý thuyết, dù người dùng Vista Enterprise và Ultimate có thể bổ sung các ứng dụng nền Unix vào máy PC tuy nhiên các bước thực hiện khá “chua”. Một cách tốt hơn để bổ sung các ứng dụng tương thích POSIX vào XP hay Vista là chạy tiện ích Cygwin (find.pcworld.com/60940). Tiện ích giả lập Linux miễn phí này cài đặt nhanh và hỗ trợ nhiều ứng dụng nền Linux thông dụng đã được thiết kế lại để chạy với Cygwin. Tiện ích này cũng cung cấp tính năng dấu nhắc dòng lệnh Linux, cho phép bạn chạy các tiện ích Linux ở dạng dòng lệnh, chẳng hạn như ToDo (todotext.com). Dù Cygwin không cung cấp cho bạn khả năng hỗ trợ toàn diện cho tất cả phần mềm Linux trên máy tính chạy Windows, nhưng cũng cung cấp vài tính năng Linux cơ bản.

16. XÉ VỤN TÀI LIỆU

Hiện có trên: Mac

Liệu tính năng xé vụn tài liệu có là một đòi hỏi quá đáng trong Windows XP? Trong khi đó, hệ điều hành Mac OS X đã trang bị tính năng này cùng với tính năng Secure Emty Trash từ nhiều năm qua, và Disk Utility có thể “nghiến nát” không gian trống trên một ổ đĩa như là một giải pháp “làm mờ” những dữ liệu nhạy cảm mà có thể trước đó người dùng đã xóa theo một cách thức không an toàn. Tuy nhiên, cho đến nay, Windows vẫn không cung cấp tính năng hữu ích này.

File Shredder (find.pcworld.com/60943) cho phép bạn bổ sung những tính năng như trên vào Windows XP hay Vista. Công cụ hữu ích này cho phép bạn “xé vụn” một tập tin hay toàn bộ một thư mục, hay tất cả vùng dữ liệu trống trên đĩa cứng với nhiều kỹ thuật “nghiền” dữ liệu để lựa chọn.

5 TÍNH NĂNG XUẤT SẮC MÀ MICROSOFT TÍNH THÊM TIỀN

Gửi Fax: Hầu hết bo mạch chủ đời mới đều trang bị modem quay số tích hợp. Nếu bạn muốn gửi fax từ Vista, bạn sẽ cần phiên bản Business hay Ultimate.

Truy xuất từ xa: Remote Desktop Server là tính năng chuẩn trong phiên bản Vista Business, Enterprise và Ultimate, cho phép bạn kiểm soát máy tính từ xa hoàn toàn miễn phí. Nhưng nếu muốn truy xuất từ xa một máy tính chạy các phiên bản Vista khác, bạn sẽ phải trả phí cho một dịch vụ đắt tiền hay học cách sử dụng tiện ích miễn phí UltraVNC (find.pcworld.com/60979).

Giải trí đa phương tiện: Một trong những tính năng đáng giá của Vista là Media Center, tiện ích này cho phép bạn chia sẻ nhạc, phim, hình ảnh qua mạng. Đáng tiếc, tính năng này chỉ hỗ trợ người dùng Vista Business và Home Basic.

Mã hóa ổ đĩa: Với tính năng mã hóa, bạn có thể giữ cho dữ liệu của mình luôn an toàn nếu chẳng may máy tính cá nhân rơi vào tay kẻ xấu. Tính năng BitLocker chỉ có trong Vista phiên bản Business, Enterprise và Ultimate.

Truy xuất RAM dung lượng lớn: Hầu hết máy tính mới cũng như sản xuất gần đây được trang bị BXL 64-bit nên có khả năng nhận dạng hơn 4GB dung lượng bộ nhớ RAM. Tuy nhiên nếu như bạn không cài một phiên bản Vista 64-bit thì Windows không thể nhận biết hơn 3,5GB dung lượng RAM. Dĩ nhiên, nếu chuyển sang sử dụng hệ điều hành 64-bit, có thể bạn sẽ gặp phải vài rắc rối khác, chẳng hạn như vài ứng dụng sẽ không thể hoạt động.

17. KHỞI CHẠY TIỆN ÍCH BỔ SUNG

Hiện có trên: Linux, Unix

Người dùng chuyên nghiệp biết rằng để kích hoạt nhanh các ứng dụng thì sử dụng bàn phím luôn nhanh hơn chuột. Các hệ thống Linux và Unix đi kèm Deskbar, một tiện ích cho phép bạn khởi chạy bất cứ tập tin nào trên máy tính mà không phải rời tay khỏi bàn phím. Tiện ích này cũng có thể khởi chạy một địa chỉ URL, thực hiện tìm kiếm Google hay Yahoo, và hỗ trợ các tiện ích bổ sung làm việc với ứng dụng của các hãng thứ 3, vì thế bạn có thể gửi một tin nhắn văn bản hay xuất bản một bài viết lên Twitter mà không cần sử dụng chuột.

Dù thanh tìm kiếm trong Windows Explorer của Vista có thể khởi chạy các ứng dụng và địa chỉ URL, tuy nhiên lại không hỗ trợ các plug-ins. Để có những tính năng như trên, hãy thử dùng tiện ích miễn phí Launchy (find.pcworld.com/60973).

18. TRÌNH ĐƠN DẠNG RUY-BĂNG

Hiện có trên: Mac

Windows thiếu một trình đơn dạng ruy-băng hợp nhất cho tất cả ứng dụng. Hầu hết ứng dụng Windows đều bị gắn chặt với định dạng trình đơn thông dụng như File, Edit và View, mặc dù Windows cũng đã cải tiến điều này qua việc giới thiệu một giao diện dạng ribbon với bộ ứng dụng văn phòng Office 2007. Ngược lại, trình đơn của các ứng dụng Mac OS X đã hoàn toàn được chuẩn hóa với các dạng ribbon được bố trí dọc trên màn hình, vì thế người dùng luôn luôn biết được nơi có thể tìm kiếm các tính năng quan trọng.

Với tiện ích ObjectBar (find.pcworld.com/60941) của hãng StarDock, bạn có thể sử sụng loại giao diện MacPC để chuyển Windows Taskbar thành một trình đơn dạng ribbon mang phong cách Mac. Tiện ích thậm chí còn cho phép bạn “sao y” trình đơn của hầu hết các ứng dụng thường sử dụng, vì thế bạn có thể kiểm soát chúng trực tiếp từ màn hình như khi đang sử dụng hệ điều hành Mac OS X. Hiện Objectbar chỉ làm việc với Windows XP, phiên bản dành cho Vista dự kiến sẽ sớm có mặt trong thời gian tới.

19. KÉO THẢ ĐA ĐIỂM

Hiện có trên: Mac

Bắt đầu từ thế hệ MacBook mới, tất cả máy tính xách tay Apple tối thiểu cung cấp vài tính năng điều khiển đa điểm (multi-touch). Bạn có thể sử dụng 2 ngón tay để thực hiện những thao tác thú vị như cuộn lên/xuống, thu giảm kích thước các đối tượng trên màn hình, hay lật qua các trình đơn Cover Flow. Dòng MacBook Pro nhận dạng được nhiều thao tác điều khiển đa điểm hơn so với dòng MacBook cấp thấp.

Dĩ nhiên, Apple cố gắng làm cho ngón nghề điêu luyện này ngày càng hoàn hảo bởi vì họ tự sản xuất phần cứng và phần mềm cho các sản phẩm của mình. Trong khi đó, Microsoft chỉ sản xuất phần mềm và một số ít phụ kiện. Tuy nhiên, vài hãng sản xuất máy tính xách tay, chẳng hạn như AsusTek, đang bắt đầu bán ra các mẫu MTXT di động được trang bị hệ thống trỏ chuột hỗ trợ cảm ứng đa điểm (kèm theo trình điều khiển để thiết bị này có thể hoạt động).

Dẫu vậy, đông đảo người dùng vẫn thích nhìn thấy công nghệ đa điểm trở thành một tiêu chuẩn trên các MTXT nền Windows – với khả năng hỗ trợ nhận dạng các thao tác điều khiển đa điểm được tích hợp trực tiếp vào Windows. Theo Microsoft, tính năng này sẽ xuất hiện trong phiên bản Windows 7 dự kiến phát hành vào năm 2010.

20. CÁC ỨNG DỤNG DẠNG MỘT TẬP TIN

Hiện có trên: Mac

Thực tế cho thấy, công cụ Add/Remove Programs là nơi người dùng có thể quan sát số lượng phần mềm hiện được cài trên máy tính và thực hiện các thao tác gỡ bỏ cài đặt. Tuy nhiên, trên máy Mac, vài ứng dụng thường gồm nhiều tập tin. Về phương diện kỹ thuật, chúng là những thư mục được “đóng gói” một cách đặc biệt, nhưng với người dùng thì chúng xuất hiện như một tập tin đơn lẻ. Để gỡ bỏ một ứng dụng Mac thường bao gồm các thao tác kéo các biểu tượng của ứng dụng vào “thùng rác” Trash.

Bạn có thể có được tính năng tương tự trong Windows bằng cách chạy các ứng dụng dạng portable (xem thêm bài “Văn phòng di động”, ID: A0805_148). Dĩ nhiên, làm như thế sẽ bắt buộc bạn phải từ bỏ vài tính năng mạnh trong các ứng dụng Windows mà bạn ưa thích.

Tường Vy – PC World Mỹ
(theo PC World VN)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96