Kết thúc kỳ học thứ 3 với loạt dự án web ứng dụng thực tiễn, các bạn sinh viên lớp T2310E đã mang tới những sản phẩm không chỉ “chạy được” mà còn “giải quyết vấn đề thật”, từ tư vấn nghề nghiệp đến chăm sóc sức khỏe online. Hội đồng phản biện của buổi bảo vệ đồ án gồm hai giảng viên là cô Đặng Kim Thi và thầy Nguyễn Lê Minh. Hãy cùng FPT Aptech điểm lại từng sản phẩm nổi bật trong buổi bảo vệ vừa qua trong bài viết dưới đây.

Nhóm 1 – Dự án CareerGuidance

Nhóm 1 mang đến dự án CareerGuidance – một nền tảng định hướng nghề nghiệp bài bản và hệ thống. Sản phẩm giúp người dùng xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp từ những bước cơ bản đến dài hạn, đồng thời kết nối trực tiếp với các mentor giàu kinh nghiệm.

 

Với các chức năng như tạo hồ sơ nghề nghiệp, truy cập tài nguyên học tập, kỹ năng cần thiết và tỷ lệ có việc làm sau sử dụng lên đến 95%, dự án thể hiện rõ mục tiêu và đối tượng hướng đến. Hội đồng đánh giá cao sự rõ ràng trong giao diện và định hướng người dùng, tuy nhiên nhóm được khuyến nghị đầu tư thêm vào trải nghiệm người dùng (UX) để sản phẩm trở nên chuyên nghiệp và thân thiện hơn.

Nhóm 2 – Dự án MyImage

Với ý tưởng giúp ảnh không còn “ngủ quên trong điện thoại”, nhóm 2 giới thiệu MyImage – nền tảng in ảnh trực tuyến giúp người dùng dễ dàng tải ảnh, chọn mẫu, thanh toán và nhận ảnh tại nhà. Điểm đặc biệt là hệ thống cho phép duyệt thư mục ảnh, chọn in theo nhu cầu, tích hợp thanh toán qua Stripe hoặc trực tiếp tại chi nhánh, và tự động xoá ảnh sau in nhằm đảm bảo quyền riêng tư.

Ngoài ra, phần kiểm duyệt chất lượng ảnh in của admin cũng cho thấy sự nghiêm túc trong trải nghiệm khách hàng. Hội đồng nhận xét đây là một ý tưởng thực tế, dễ triển khai và có tiềm năng mở rộng. Đề xuất mở rộng thêm phiên bản mobile để tiếp cận người dùng phổ thông tốt hơn.

Nhóm 3 – Dự án Online Mobile Recharge

Đón đầu xu hướng số hóa, nhóm 3 phát triển một nền tảng nạp tiền điện thoại trực tuyến không cần dùng thẻ cào, hỗ trợ cả thuê bao trả trước lẫn trả sau. Sản phẩm được tối ưu hóa về tốc độ, tính ổn định và phù hợp với xu hướng thanh toán kỹ thuật số toàn cầu.

Nhóm đã thể hiện sự nhạy bén với nhu cầu thị trường và xây dựng một mô hình mở, dễ mở rộng trong tương lai. Tuy nhiên, hội đồng nhận thấy giao diện của sản phẩm còn cần cải thiện về mặt thẩm mỹ để nâng cao trải nghiệm người dùng.

Nhóm 4 – Dự án Pharmaceutical Website

Dự án của nhóm 4 hướng tới các doanh nghiệp dược phẩm với một nền tảng website chuyên nghiệp và thân thiện với người dùng. Website cho phép giới thiệu công ty, trưng bày sản phẩm, đăng tuyển và quản lý hồ sơ ứng viên, đồng thời tiếp nhận yêu cầu báo giá và thu thập phản hồi khách hàng.

 

Hệ thống quản trị nội dung được thiết kế mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Nhóm thể hiện tư duy sản phẩm rõ ràng, sát với thực tế vận hành của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giao diện người dùng (UI) vẫn cần được cải tiến để dễ sử dụng hơn đối với nhóm khách hàng không chuyên về công nghệ.

Nhóm 5 – Dự án Finance Dashboard

Nhóm 5 đem đến một ứng dụng quản lý tài chính cá nhân hiện đại, nơi người dùng có thể ghi chép chi tiêu, theo dõi thu nhập, quản lý các khoản vay, đầu tư như cổ phiếu hay tiền điện tử, đồng thời lập kế hoạch tiết kiệm dài hạn. Sản phẩm có khả năng cảnh báo vượt ngân sách và phân tích báo cáo tài chính theo tuần, tháng, năm, giúp người dùng nắm rõ tình hình tài chính của bản thân. Hội đồng đánh giá cao tính logic và nhu cầu thị trường lớn của dự án, đồng thời gợi ý nhóm tích hợp thêm các tính năng phân tích thông minh như AI hoặc học máy để nâng cao trải nghiệm tư vấn tài chính tự động.

Nhóm 6 – Dự án OHCP

Dự án OHCP của nhóm 6 là một nền tảng hỗ trợ đặt lịch, tư vấn và khám bệnh trực tuyến. Sản phẩm cho phép người dùng đặt lịch khám, trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, khám bệnh và kê đơn online, cũng như quản lý lịch sử khám và đơn thuốc cá nhân.

Đây là một giải pháp thiết thực trong bối cảnh số hóa y tế ngày càng phổ biến, giúp kết nối bệnh nhân với bác sĩ dễ dàng và an toàn hơn. Ý tưởng được đánh giá là đúng nhu cầu thực tế và có thể phát triển thêm bằng cách tích hợp chatbot y tế để tự động hỗ trợ người dùng trong bước đầu tư vấn.

Buổi bảo vệ PRJ3 không chỉ là lúc “chạy demo”, mà là minh chứng cho tư duy sản phẩm, năng lực phát triển và khả năng nhìn ra giải pháp từ vấn đề thật. Từ y tế, tài chính đến ảnh in và nghề nghiệp, mỗi nhóm đều mang đến màu sắc riêng, cho thấy sinh viên T2310E đã sẵn sàng bứt tốc trên hành trình nghề nghiệp phía trước. 

Đỗ Thị Thu Hoài – Phòng Công tác sinh viên

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96