Di chuyển khá nhanh bằng 2 chiếc ghế con, khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt sáng long lanh và nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên môi là ấn tượng đầu tiên về Nguyễn Việt Hương. Cô từng giành 2 HCV nội dung đẩy tạ và ném lao tại Para Games 2, nay theo học lớp lập trình viên quốc tế của Aptech Hà Nội.

Hai chiếc ghế con là người bạn thân thiết nhất của Hương.

Tiếp xúc với VnExpress trong căn phòng tập thể của làng sinh viên Hacinco (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Hương luôn miệng bảo “em sống dai lắm, thần chết mấy lần gõ cửa, nhưng em kiên quyết không đi”. Và cô kể luôn về tai nạn khủng khiếp xảy ra đúng ngày nhà giáo Việt Nam – 20/11/1993. Năm đó, cô học sinh lớp 5 trường tiểu học Bảo Thắng 1, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, tấp tểnh đèo em trai ra chợ mua quà tặng thày cô. Trên đường về, chiếc xe đạp bị va vào xe tải đi ngược chiều khiến cậu em trai văng qua hàng rào, còn Hương thì bị bánh sau xe tải nghiến đứt 2 chân.

“Gia đình đã chuẩn bị hậu sự vì lúc đó không một ai, kể cả bác sĩ ở Bệnh viện huyện Bảo Thắng tin rằng em sống được. Máu mất quá nhiều, người em vốn nhỏ nay mất hai chân chỉ còn ngắn tũn”, Hương kể. Với hy vọng mong manh còn nước còn tát, bố mẹ đã đưa Hương đi hết bệnh viện tỉnh, lại bệnh viện trung ương ở Hà Nội. Kết quả cô sống được, nhưng không ngồi, không di chuyển.

Mất chân, phải ngồi nhà, cô bé vốn được lũ trẻ ở xã Bảo Thắng coi như “đại ca” bởi những trò nghịch ngợm nay cảm thấy ngứa ngáy không chịu nổi. Hương nằng nặc đòi đi học, bất chấp lời gièm pha rằng có học cũng chẳng để làm gì. Và Hương đã “ngon lành” qua hết cấp 2, cấp 3, thậm chí quyết chí đi thi ĐH Quốc gia để “cho những người vốn coi thường em biết tay”.

Hương bảo việc học đối với cô không khó, nhưng khó nhất là chuyện đi lại. Từ nhà đến trường THPT Bảo Thắng cách 3 km, hằng ngày cô cứ một tay cầm ô, một tay điều khiển xe lăn đến trường. Lào Cai lắm đèo, nhiều dốc, có hôm mưa lớn, xe lao xuống vực, Hương nhắm nghiền mắt nghĩ rằng may mắn không đến với mình lần thứ hai. Nhưng thật kỳ lạ, tạnh mưa, người nhà bổ đi tìm và thấy Hương đang “treo” mình trên cây, xe lăn chỏng chơ.

Trượt đại học, Hương học thêu thổ cẩm và năm 2002 khi xuống Hà Nội làm chân giả, cô tham gia lớp kỹ thuật viên quốc tế của Aptech Hà Nội. Mỗi tuần 3 buổi, người dân quanh khu Fafilm lại thấy một cô bé đi xe lăn tay từ ngôi nhà trọ ra lớp học. Buổi tối, cô đến lớp học Anh văn. Thiếu tiền trang trải cho cuộc sống, Hương xin đi làm thu ngân cho một phòng khám tư ở Đội Cấn. “Em vốn niềm nở, hay cười nên bệnh nhân và cả y bác sĩ ở đó thích lắm”, vừa ríu rít nói, Hương vừa nhoẻn miệng cười, để lộ hàm răng đều và trắng xóa.

Góc phòng của Hương.

Cuộc sống của Hương chắc sẽ trôi phẳng lặng như vậy nếu không có Para Games 2003. Vốn thích được giao lưu, cô đăng ký sinh hoạt tại Câu lạc sinh viên khuyết tật Hà Nội và được giới thiệu vào đội tuyển quốc gia, rồi đội tuyển Para Games tập luyện môn đẩy tạ, ném lao. “Tập mệt lắm, hôm nào về mình mẩy cũng đau nhức, các gai xương ở đầu mỏm cụt thúc vào thịt đau phát khóc. Nhưng lúc đứng trên bục vinh quang nhận huy chương vàng thì mọi mệt mỏi như tan biến”, Hương kể.

Hạnh phúc nhất với cô gái phố Lu này là tham gia Para Games được gặp gỡ nhiều bạn bè quốc tế. “Em rất phân vân không biết có xin được việc làm, có kiếm tiền nuôi được mình? Nhưng đến khi gặp các bạn vốn đang đi làm thu ngân, lập trình, quản lý mạng…, em đã củng cố niềm tin nhất định sẽ có việc làm. Nếu không xin được thì tại sao mình không tự tạo việc làm cho mình”, Hương tâm sự.

Bây giờ thì Hương đang theo học lớp lập trình viên quốc tế của Aptech Hà Nội và thực tập tại UNDP. Ngoài giờ học, Hương đang dồn sức xây dựng một trang web cho người khuyết tật. Cô giải thích, Việt Nam có tới 5,1 triệu người khuyết tật, đa phần sống thu mình, không hòa nhập với cộng đồng. Nếu có một trang web để họ cập nhật các thông tin thời sự, trao đổi tâm tư, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tìm việc thì quá tuyệt vời. “Nhiều thứ phải lo lắm, nhưng em tin rằng nếu có sự hỗ trợ từ các bạn, từ các nhà hảo tâm và đặc biệt là sự cố gắng của bản thân thì trang web sẽ thành công”, Hương thổ lộ.

Nói về cuộc sống riêng, Hương bảo: “Em đã 23 cái xuân xanh rồi và chắc chắn 25 tuổi sẽ lấy chồng. Còn phu quân tương lai thì xin phép được giữ bí mật”. Nói rồi cô cười vang, nụ cười rạng rỡ như tô điểm cho góc phòng vốn được sắp xếp khá ngăn nắp. Nơi ấy treo rất nhiều tấm ảnh gia đình, những câu danh ngôn như để Hương tự động viên mình. “Biết sống trong hiện tại/Biết học tự quá khứ/Biết hoạch địch cho tương lai” đó chính là câu Hương coi như phương châm sống của mình.

Như Trang
(Theo VnExpress.net, ngày 23/4/2005)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96