11 "Đi Cày" một mình

(Post 05/04/2007) Nguyễn Thu Huyền là nhân vật của bài viết “Đường vòng tới nước Nhật” trên tạp chí Aptechite số 29. Khi những ngày cuối năm 2006 sắp đi qua, cô bạn nhỏ bé người Hải Dương lại tất bật chuẩn bị cho chuyến đi làm việc 3 năm tại xứ sở hoa anh đào xa xôi. Vượt qua kì thi tuyển của Sysystem theo Huyền mới chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường nhiều khó khăn, gian nan lập thân nơi đất khách quê người.

Tôi bước chân tới nước Nhật vào sáng thứ 6 ngày 15 tháng 12 năm 2006. Sau một hồi đánh vật với đống hành lí khổng lồ, cuối cùng tôi cũng ra được cửa đón khách quốc tế. Lúc đó mới khoảng 7h sáng giờ Nhật (khoảng 5h sáng giờ Việt Nam) nhưng đã thấy sếp Ando (trưởng khu vực Kanto) đứng đợi sẵn. Sau một hồi líu ríu chào hỏi, sếp hỏi có đói bụng không rồi dẫn tôi vào một quán ăn ở ngay sân bay, gọi cho một bát udon và một chai nước trà. Thú thật, suốt chuyến bay Hà Nội – Narita, tôi không ngủ được tẹo nào nên chả có tinh thần muốn ăn uống gì sất, đã thế lại bị ù tai, ăn đúng nửa bát, rình mãi mới được cơ hội sếp đi ra ngoài để bỏ lại. Không hiểu sếp có biết hay không nhưng trong khi đợi tàu về Tokyo, sếp tôi lại hì hục đi mua cho một hộp mì xào và một chai nước trà. Trên chuyến tàu về Tokyo, khi trò chuyện cùng sếp, tôi mới biết sáng nay sếp đã dậy từ 4h sáng để đón tôi. Sau này, khi đã làm việc cùng sếp thì được biết thêm, đã 10 năm nay, ngày nào sếp cũng dậy từ 4h và luôn bắt đầu làm việc từ 6h sáng mặc dù theo qui định thì 9h30 mới bắt đầu tính giờ làm.

Khi chúng tôi về tới ga Kanda(Tokyo) đã khoảng 9h sáng. Vốn tính cẩn trọng, sếp bắt đầu bài giảng làm quen với nước Nhật bằng cách giải thích rất nhiệt tình về hệ thống tiền tệ của Nhật, tiền nào mệnh giá cao nhất, thấp nhất để tránh cho việc nhầm lẫn đáng tiếc sau này. Khoảng 11h sếp có việc bận nên sẽ có một nhân viên khác trong công ty đưa tôi từ ga Kanda về ký túc xá ở Chi Ba. Có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được câu hỏi của sếp sau khi đã giải thích xong các mệnh giá tiền:

“Huyền mang bao nhiêu cân hành lý?”

“Dạ, khoảng 40kg”

“Thế Saito (Saito Manager – Quản lí nhân sự của chi nhánh Tokyo) đã dặn thế nào trong mail. Nếu hôm nay không có tôi thì bạn có thể tự mình xoay xở được không?”

Lúc đó chỉ ước có cái lỗ để chui xuống đất bởi dù đã săm soi rất kĩ cái mail của Saito nhưng tôi vẫn cố tình vác những 40 kg. Đừng bao giờ cố tình làm sai nguyên tắc có lẽ là bài học đầu tiên của tôi trên đất Nhật. Tôi ngồi đợi tới đúng 10h thì sếp Kitayama có mặt như đã hẹn. Hành trình về kí túc xá bắt đầu. Kí túc xá nằm ở khu vực Barakinakayama nên phải di chuyển bằng chikatetsu tốc độ cao (tàu điện ngầm). Hôm đó trời lạnh lắm chỉ khoảng 11độ nhưng sếp Kitayama vẫn phải đổ mồ hôi vì cái đống hành lí lỉnh kỉnh của tôi. Kí túc xá nơi tôi ở là một khu chung cư 6 tầng, tôi sẽ sống cùng hai cô bạn người Trung Quốc đã làm việc cho Sysystem được gần hai năm. Ổn định xong chỗ ở, sếp kéo tôi đi làm Torokusyo (thẻ đăng kí định cư dành cho người nước ngoài). Thẻ này có thể coi như một chứng minh thư tạm thời, khi đi ra ngoài bạn sẽ không cần mang hộ chiếu.

Sau hai ngày nghỉ ngơi và làm quen với các cô bạn cùng căn hộ, tôi chính thức bắt đầu ngày làm việc đầu tiên. Một điều thật may mắn là làm việc cùng với tôi còn có một cậu bạn người Việt Nam. Cậu này là cựu sinh viên Bách Khoa, trúng tuyển cùng đợt với tôi nhưng đã nhanh chân sang trước tôi một tháng.

Sáng thứ hai, tôi dậy thật sớm, đi bộ ra ga chờ tầu điện. Khi ra khỏi nhà tôi cứ ngó nghiêng mãi vì không thấy hai cô bạn người Trung quốc đi làm cùng. Sau này tôi mới biết rằng có tới 3/4 nhân viên văn phòng Tokyo đang làm việc tại công ty khách. Hôm đầu tiên đến công ty, tôi cố gắng ăn mặc thật lịch sự, vest công sở đàng hoàng nhưng hóa ra chỉ có mỗi các manager và sếp Ando là mặc vest, toàn bộ nhân viên ăn mặc rất thoải mái theo các xì – tai khác nhau. Đúng 9h30 phút sáng, toàn bộ nhân viên tập trung điểm danh và nghe các sếp thông báo kế hoạch trong ngày. Nhân sự của Sysystem rất trẻ nên không khí khá thoải mái, không căng thẳng như mình tưởng. Sếp Saito (Manager quản lí nhân sự văn phòng Tokyo) giải thích cho tôi rất tận tình nội qui công ty, cách thức tổ chức, cách viết báo cáo tuần, báo cáo tháng…Ngày làm việc đầu tiên trôi đi bình lặng. Ngày thứ hai, tôi bước vào giai đoạn training dành cho nhân viên mới. Tất cả các thực tập sinh sẽ được đào tạo một trong 2 ngôn ngữ: C hoặc Java. Tôi được training phần C. Đây cũng có thể coi là một điều may mắn vì Tùng (cậu bạn đồng nghiệp người Việt Nam) đã hoàn thành phần training C trước tôi nên rất nhiệt tình giải đáp mọi thắc mắc.

Tôi sang Nhật đúng vào dịp cuối năm nên có cơ hội được đón lễ Giáng sinh và năm mới. Tôi háo hức lắm nhưng những ngày lễ ở đất nước công nghiệp thật bình lặng, không có được không khí rộn rã như ở Việt nam. Chỉ sau hai tuần làm việc, Tết dương lịch lại đến. Tranh thủ kì nghỉ Tết kéo dài tới 10 ngày, tôi tranh thủ đi chơi các địa điểm nổi tiếng ở Tokyo như: khu Asakusa, Akihabara (chợ điện tử lớn nhất), Mejijingu…Phải công nhận rằng người Nhật rất nguyên tắc và tự giác, đi đâu họ cũng tự nguyện xếp hàng theo thứ tự, cảnh chen lấn xô đẩy hầu như không thấy.

Công ty tôi có khá nhiều nhân viên đang làm việc tại công ty khách hàng nên tạo thành một truyền thống là hàng tháng tại các văn phòng chi nhánh như Tokyo hay Osaka hay ở cả tổng công ty ở Nagoya đều tổ chức Zentaikaigi (hội nghị toàn công ty) để báo cáo tình hình trong một tháng. HộI nghị thường bắt đầu từ khoảng 1h chiều thứ 7 tuần thứ 2 của tháng nhưng tôi vẫn đến công ty từ 9h30 sáng vì từ 9h30 sáng đến 12h trưa là thời gian dành cho các benkyokai (hội học tập). Ở Sysytem, các benkyokai thi nhau nở rộ: hội học tiếng Nhật, hội chứng chỉ FE, hội Security, hội thông tin…. Tham gia hội nào là tự do lựa chọn của nhân viên. Vì là người nước ngoài nên tôi quyết định tham gia hội học tiếng Nhật. Các thành viên đều rất tích cực học tập và thường giúp đỡ lẫn nhau một cách vui vẻ.

Khi quãng đường 70% khoá training C đi qua thì kế hoạch có chút thay đổi, phần mềm Quản lí khách sạn viết bằng VB của công ty đang thiếu nhân lực, tôi được đề nghị tham gia vào nhóm. Điều đáng tiếc là ở Aptech tôi không học VB nên cũng khá lo lắng. Sau 2 ngày mày mò tự học VB với sự trợ giúp đắc lực của Tùng, tôi được trưởng nhóm tin cậy giao cho chỉnh sửa và code lại một module nhỏ của dự án. Code xong, trình sếp duyệt, sửa, lại trình sếp duyệt cuối cùng cũng xong. Thở phào nhẹ nhõm. Dự án kết thúc, thấy khả năng về VB của mình vẫn kém, đề nghị sếp quản lí cho học VB. Sếp gật đầu cái rụp, thế là có cơ hội được học thêm một ngôn ngữ mới. Chuyện nhân viên tích cực học tập ở công ty được các sếp ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình. Điều đặc biệt là ở Sysystem, bạn có thể chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 trở lên. Công ty sẵn sàng đào tạo bạn từ đầu, điều kiện cần là bạn trải qua được vòng thi tuyển của công ty bao gồm thi viết, kiểm tra IQ, kiểm tra các kiến thức xã hội, tiếng Anh…Đồng nghiệp trẻ nhất của tôi ở văn phòng Tokyo mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông.

Suy đi nghĩ lại sau hai tháng ở Nhật, tôi vẫn thấy quyết định của mình thật đúng đắn. Ở Sysystem, có điều gì không hiểu, bạn sẽ được chỉ bảo tận tình, chi tiết cho đến khi bạn thật sự hiểu thì thôi. Trước khi đi Nhật, tôi đã được nghe nhiều về sự chăm chỉ của người Nhật nhưng khi làm việc cùng, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Mọi người đều tập trung làm việc cao độ và hầu như không thấy vụ “buôn dưa lê”. Giờ làm việc thường bắt đầu từ 9h30 sáng và kết thúc vào 6h30 chiều tối nhưng hiếm khi thấy mọi người về đúng giờ. 10h tối là giờ tàu điện đông nhất vì khi đó mọi người
mới lục tục rời sở làm. Đa số người Nhật đều đi làm bằng các phương tiện giao thông công cộng như: xe điện, tàu điện ngầm, xe bus. Trên đường phố Tokyo nói chung không hề có sự lộn xộn do tắc đường và người đi bộ là đối tượng được ưu tiên số một.

Quanh đi quẩn lại, tết Đinh Hợi lại ngấp nghé ngoài cửa. Tôi thấy nhớ nhà ghê gớm vì bên này người Nhật ăn tết dương lịch nên tết âm lịch không được trông đợi. Trước Tết khoảng một tuần, hội thanh niên học sinh Việt nam ở Nhật (vysa) có tổ chức một buổi gặp mặt thân mật. Tôi mừng cuống lên khi được gặp toàn người Việt, được nói tiếng Việt, được cùng mọi người hát những bài hát Việt Nam, được ăn những món ăn thuần Việt.

Thứ 6 ngày 16/02/2007, tính theo lịch âm là đúng 30 Tết, tôi vẫn đến công ty bình thường nhưng vừa code vừa nghĩ: bằng giờ này năm ngoái, mình đang cùng bố dọn dẹp nhà cửa, cùng mẹ chăm chút chậu hoa đào…Chỉ cần nghĩ đến đó thôi nước mắt đã trào ra rồi. Không thể nào tập trung làm việc được, tôi đành xin phép chạy ra ngoài gọi điện về Việt nam. Tôi chưa kịp nói câu nào đã khóc nức nở trong điện thoại, không ngờ mình cũng yếu đuối đến thế. Hai mẹ con tôi chẳng nói được gì chỉ thi nhau khóc qua điện thoại.

Thứ 7 ngày 17/02/2007 mùng 1 Tết), bao nhiêu cảm xúc nhớ nhà, nhớ Việt nam, nhớ không khí ấm cúng của Tết cổ truyền đã tuôn chảy hết từ 30 Tết nên mùng 1 tết tôi chả còn cảm giác gì cả. Trên đường đi làm về, tôi ghé vào tiệm Kaiten sushi ăn một mạch 4 đĩa sushi cho bữa tiệc ngày mùng 1 tết.

Những ngày sau đó, tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật, đi làm, học thêm, cuối tuần thì tranh thủ khám phá Tokyo và tham gia dancing tại câu lạc bộ Dance của Vysa. Cuộc sống của tôi đã có sự thay đổi rất lớn kể từ khi tôi quyết định bước chân tới nước Nhật. Có những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, có những niềm vui nho nhỏ khi nhận được tình cảm nồng ấm, thân thiết của các bạn đồng nghiệp người Nhật. Hơn tất cả, tôi tự tin rằng ở đích đến cuối con đường tôi đi qua sẽ có hoa hồng.

Nguyễn Thu Huyền
(theo Nội san Aptechite)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96