Bạn cần in gấp một số tài liệu nhưng máy in hết mực? Điện thoại rơi vào nước? Ổ cứng “toi” khi vẫn còn nhiều dữ liệu quan trọng? Hãy thử một số mẹo vặt sau đây.

Những khách hàng đứng quanh quầy tính tiền của một cửa hàng ở trung tâm thành phố San Francisco đã bắt đầu tỏ ra thiếu kiên nhẫn trong khi ông chủ vẫn đang loay hoay “cà” chiếc thẻ tín dụng của một khách hàng vào máy đọc. Mặc cho đã làm đi làm lại chiếc máy vẫn không nhận thẻ, Sam Azar – ông chủ cửa hàng lấy một mẩu nilon bọc vào chiếc thẻ và đưa vào máy. Tiếng “bip” quen thuộc vang lên. “Tôi cũng chẳng biết tại sao như thế thì máy mới đọc thẻ – chỉ biết là nó đã hoạt động”, Azar nói.

Đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy, trong cuộc sống hiện đại, nhiều khi những vật dụng công nghệ cao lại phải viện đến những mẹo vặt “công nghệ thấp” để cấp cứu và chúng tỏ ra khá hữu hiệu.

Hãy bỏ điện thoại ra ngoài túi quần

Bạn có để ý rằng khi thường xuyên để trong túi quần, pin điện thoại của bạn nhanh hết hơn không? Một phần của nguyên nhân đó là do nhiệt độ cơ thể của bạn đã khiến cho các quá trình phản ứng hóa học trong pin điện thoại xảy ra nhanh hơn. Một cách đơn giản, nếu bạn không muốn phải thường xuyên sạc pin, hãy bỏ điện thoại ra khỏi túi quần (áo) và đặt ở những nơi mát mẻ. Giải pháp đeo trong bao da ở thắt lưng cũng khá tốt. Không chỉ giữ được pin lâu hết mà thường xuyên để ở nơi có nhiệt độ thấp còn khiến tuổi thọ của các loại pin kéo dài hơn.

Còn nếu bạn đi công tác mà quên mang theo sạc pin? Hãy làm như trên và khi nào không dùng đến điện thoại nữa (khi đi ngủ chẳng hạn) hãy tắt máy, tháo viên pin ra và đặt nó vào trong tủ lạnh của khách sạn.

Bắt máy in hết mực… in tiếp

Hộp mực trong chiếc máy in laser của bạn đã gần như cạn kiệt mà bạn vẫn còn vài trang tài liệu cần phải in gấp? Hãy tháo hộp mực (cartridge) ra và kiếm một chiếc máy sấy tóc. Dùng máy sấy ở chế độ nóng, thổi vào cartridge trong khoảng 2-3 phút và lắp lại vào máy in trong khi hộp mực vẫn còn đang ấm. Bạn sẽ thấy bất ngờ vì những bản in lại rõ nét và đẹp “như mới”. Giải pháp này có thể giúp bạn in thêm được một vài trang trước khi cần phải thay hộp mực mới.

Cấp cứu khi điện thoại rơi vào nước

Chiếc điện thoại di động của bạn “nhảy dù” xuống nước? Hãy nhanh chóng vớt nó lên và lập tức tháo pin ra khỏi máy để tránh hiện tượng đoản mạch. Lau nhẹ và kỹ càng thân máy bằng khăn bông và đặt vào trong một chiếc bình chứa đầy gạo sống. Gạo sống có chứa một thành phần có cấu trúc phân tử gần giống với cấu trúc phân tử của nước nên có tính hấp dẫn khá mạnh với nước và nó sẽ hút nước lọt vào bên trong thân máy rất tốt. Một cách khác nếu nhà bạn không có gạo, hãy lấy các gói chống ẩm (thường có dòng chữ “Do not eat” hoặc “không được ăn”) có trong các thùng, hộp đựng nhiều loại hàng hóa khác… và đặt xung quanh thân máy.

“Nối dài” sóng Wi-Fi

Nếu bạn có chiếc router Wi-Fi có tầm phát sóng quá ngắn hoặc đôi khi bạn cần phải làm việc ở vị trí “ngoài vùng phủ sóng” của mạng Wi-Fi nhà mình thì cũng đừng nên vội vàng đi mua chiếc router mới. Chỉ cần khoảng gần 1 tiếng đồng hồ và vài dụng cụ nhà bếp là bạn có thể tạo ra một bộ phản xạ sóng bị động có tác dụng đưa sóng Wi-Fi “phát tập trung tại một điểm” nên có thể đi xa gấp đôi bình thường. Các bước để làm một bộ phản xạ sóng này khá đơn giản và bạn có thể tham khảo tại địa chỉ: freeantennas.com/projects/template.

Lau đĩa DVD hoặc CD

Chiếc đĩa DVD bị bụi bẩn có thể khiến đầu đọc không hoạt động hoặc cho chất lượng rất kém. Nhiều người thường có thói quen lau ngay bằng khăn hoặc giẻ mềm nhưng đây là việc làm có hại cho tuổi thọ của đĩa. Hãy lau chúng bằng nước chuyên dụng. Nhưng nếu bạn không có nước chuyên dụng hoặc lọ nước lau đĩa của bạn đã hết? Còn nhiều giải pháp thay thế có tác dụng tốt không kém: Hãy lấy miếng giẻ mềm và sạch, thấm một ít rượu vodka hay thậm chí là chai nước súc miệng Listerine có giá 30.000 đồng… và lau nhẹ nhàng bề mặt đĩa.

Xử lý ổ cứng “chết”

Chiếc ổ cứng trên máy tính của bạn đột nhiên “lăn đùng ra chết”? Bên trong đó còn cả “núi” dữ liệu quan trọng mà bạn không thể không lấy ra. Mang ổ đến các trung tâm cứu hộ cũng là một cách nhưng sẽ rất tốn tiền. Trước khi dùng đến chiêu cuối cùng đó hãy thử qua cách sau đây: Bọc kỹ ổ cứng bằng túi nilon (tránh trường hợp hơi ẩm hoặc nước lọt vào trong ổ) và đặt nó vào trong tủ lạnh 1 đêm. Khi lấy ổ ra khỏi tủ lạnh, không nên lắp ngay vào máy tính mà hãy để ở nhiệt độ bình thường (nhiệt độ trong phòng) cho đến khi cảm thấy ổ cứng không còn lạnh nữa rồi lắp vào máy. Nhớ chuẩn bị sẵn phương tiện để sao lưu dữ liệu ra ngoài ngay khi chiếc ổ cứng này hoạt động trở lại. Mẹo này đã được khá nhiều người áp dụng thành công và giúp cho chiếc ổ cứng có thể hoạt động lại được ít nhất vài phút hoặc vài tiếng.

(theo ICT News/PC Advisor, PCW, CNET)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96