(Post 14/06/2013) Thành công của một cá nhân luôn hội đủ 3 yếu tố “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. Giờ đây cả 3 yếu tố ấy lại xuất hiện trước mắt người thủ lĩnh CNTT… Đã đến thời của kiến trúc sư doanh nghiệp? Kiến trúc sư doanh nghiệp (Enterprise Architect – EA) là người có thể xây dựng hệ thống thông tin vừa linh hoạt vừa là nền tảng cho doanh nghiệp (DN) yên tâm sử dụng và tăng tốc kinh doanh. Thời cơ để CNTT hòa nhập vào sự phát triển chung của DN đã xuất hiện. Các DN cần nhanh chóng tận dụng cơ hội khiến sức mạnh CNTT cộng hưởng với sức mạnh chung của DN. Kiến trúc sư doanh nghiệp…, anh là ai? CIO là chức danh của một người lãnh đạo CNTT ở các công ty đa quốc gia hay tập đoàn, công ty… Nhưng không phải CIO nào cũng có thể xây dựng hệ thống thông tin vừa linh hoạt, vừa là nền tảng cho DN sử dụng trong hiện tại và phát triển tốt trong tương lai. Gần đây, trên thị trường lao động, có một chức danh khác chỉ người đóng vai “đầu tàu” CNTT của các tổ chức, DN lớn, vừa và nhỏ, một cái tên gần gũi nhưng cũng “rất oai”: Enterprise Architect (EA – kiến trúc sư doanh nghiệp). Simon Guest, giám đốc bộ phận Architecture Strategy của Microsoft giải thích về EA: “Vai trò của EA là đảm bảo định hướng của DN và CNTT phải đi cùng hướng (alignment). EA cố gắng để tối đa hóa lợi ích đầu tư cho CNTT bằng cách hoặc ưu tiên chi tiêu cho lợi ích kinh doanh hoặc làm tác động của CNTT lên dịch vụ, tài nguyên, dự án và quy trình của DN là cao nhất”. EA ví như cầu nối giữa 3 thành phần: lãnh đạo, phát triển và điều hành DN để đảm bảo rằng cả 3 hiểu nhau, trả lời câu hỏi “mục tiêu DN đặt ra khả thi hay không?” đồng thời kiểm soát được các vấn đề phát sinh. Tầm nhìn của EA bao quát như người lãnh đạo DN, nhiệm vụ giải quyết mối liên hệ con người và công nghệ nhằm tạo ra được sản phẩm có đẳng cấp quốc tế, những tầm nhìn dài hơi. Và, đôi khi EA còn được gọi là Strategic Architect – kiến trúc sư chiến lược. Thiên thời của EA… Các chuyên gia cho rằng, giờ là lúc các “kiến trúc sư doanh nghiệp” được đủ 3 yếu tố “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”…. Lý do: Môi trường kinh doanh ngày nay luôn thay đổi; sự cạnh tranh cũng không còn là chuyện của một hai đối thủ trong ngành; sức ép cạnh tranh được xác định là nặng nề, dày đặc và liên tục; áp lực của việc luôn phải giữ lợi thế cạnh tranh, giữ khoảng cách với đối thủ buộc các phòng ban, bộ phận kinh doanh hay liên quan phải liên tục phát hiện, sáng tạo những phương pháp tiếp cận khách hàng mới; phát triển sản phẩm phải nhanh hơn; thông tin phản hồi từ bên ngoài cũng phải kịp thời hơn v.v… và không có CNTT, DN không thể xoay sở. Trong quá trình tồn tại, phát triển của DN, CNTT đã đóng một vai trò rất quan trọng, vừa là huyết mạch để thông tin của DN hoạt động vừa tạo nên một kiến trúc để “cất giữ” thông tin. Tuy nhiên, mô hình này lại xây dựng, phát triển trên ý tưởng phân cấp, các ứng dụng, phần mềm trong DN phát triển theo nhu cầu hiện tại, cần tới đâu đầu tư tới đó, dẫn đến hệ thống khó đáp ứng khi có nhu cầu mở rộng, chuyển đổi và sẽ rất khó khăn khi muốn cộng tác với hệ thống khác. Vấn đề, khó khăn của DN hóa ra lại là “thiên thời” của chuyên gia CNTT, thời cơ để một ý tưởng CNTT mới, triết lý công nghệ mới trong DN ra đời. Chuyên gia cần thêm “địa lợi – nhân hoà”. Địa lợi, nhân hoà… “Đất” để EA sinh trưởng, tu luyện và dụng võ ngày càng rộng mở. Hiện có rất nhiều chương trình đào tạo kỹ năng làm kinh doanh cho người có kinh nghiệm về CNTT. Thời gian học thường ngắn (chương trình của ĐH Carnigie Mellon, cái nôi của nghành công nghệ phần mềm, hay chương trình thạc sĩ CNTT theo định hướng kinh doanh của RMIT, Úc). IBM, Microsoft… cũng không đứng ngoài cuộc xây dựng và phát triển đội ngũ “tín đồ Architect” cho mình. Để đạt được chứng nhận là Architect của các hãng này, bạn không chỉ tốn một ít chi phí đầu tư và thời gian theo học nào đó mà phải có thâm niên! Chương trình Microsoft Architect yêu cầu ứng viên có ít nhất 10 năm kinh nghiệm về CNTT, gia nhập đội ngũ Architect của Microsoft và giới thiệu tính ưu việt của giải pháp đề xuất trước hội đồng thẩm định. “Nhân hòa” lại nằm trong một hiện thực khác, nơi khoảng cách “chung sức” giữa 2 đối tượng kinh doanh và CNTT. Thường khối kinh doanh chỉ xem CNTT là công cụ hỗ trợ thực hiện; Khối CNTT chưa đạt tầm vạch ra một kế hoạch kinh doanh độc lập dựa trên lợi thế công nghệ, chưa có quyền “sinh sát” để sử dụng tài chính, nhân sự để thực hiện dự án hay ít nhất là hợp tác với lãnh đạo bộ phận kinh doanh trong DN – CNTT chưa là một “thế lực” trong DN. Một cách ví von, DN mới chỉ sử dụng lợi thế CNTT như một người bình thường gài số 2 chạy xe máy đường trường! May thay, có một thứ để EA tin rằng thời của mình đã đến là sự xuất hiện của kiến trúc hướng dịch vụ (Services Oriented Architect – SOA). Gần như một xu thế của hệ thống thông tin trong DN, kiến trúc SOA xây dựng toàn bộ thông tin theo ý tưởng mạng liên kết trực tiếp, điểm tới điểm. Thay vì nguồn dữ liệu chỉ được truy cập một cách hạn chế với một hai ứng dụng như trước, kiến trúc SOA với nguồn dữ liệu biến thành dịch vụ cung cấp cho phép truy cập bất kỳ ứng dụng nào miễn là thiết bị đầu cuối có “đầu thu” dịch vụ. Khi EA phát triển kiến trúc SOA cho DN là họ đã tạo điều kiện để bộ phận CNTT bắt tay với những bộ phận, phòng ban khác trong DN. Khi đó, EA đã phải thiết kế lại các quy trình bên trong DN không chỉ đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà còn dễ dàng sắp xếp lại, bổ sung khi yêu cầu DN xuất hiện ở tương lai. Yếu tố “nhân hòa” phụ thuộc vào chính bản thân của EA, tầm nhìn của người này về tương lai tương tự như chính lãnh đạo DN đó, nhận diện đâu là xu thế phát triển tiếp theo của DN để hiện thực hoá phần đón đầu trong kiến trúc SOA của mình. FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001 Học CNTT – Học Aptech – Học tại FPT |
|
Hải Phạm (theo PC World VN) |