Chỉ sau hai tháng, từ những bạn trẻ chưa từng viết một dòng code nào, nhiều sinh viên đã có thể tự tay lập trình các chương trình bằng C, thiết kế website cá nhân đầu tiên và bước đầu hình thành tư duy logic – nền tảng không thể thiếu của một lập trình viên.
Nội dung
Cảm giác “ngợp” ban đầu: lạ lẫm nhưng đầy hứng khởi
Hầu hết sinh viên đều thừa nhận rằng những tuần học đầu tiên khiến họ “khá choáng” bởi lập trình là lĩnh vực hoàn toàn mới, đòi hỏi tư duy khác biệt. Tuy nhiên, cảm giác đó không khiến họ nản lòng, mà trái lại, càng khơi gợi sự tò mò, muốn khám phá đến cùng.
“Mình cảm thấy rất vui mỗi khi tiếp thu được kiến thức mới. Môn lập trình C giúp mình tư duy logic, còn lập trình web thì thích vì được tự tay tạo ra sản phẩm” – Lê Thị Kiều Duyên chia sẻ.
Mai Trần Thụy Đan cũng có cảm nhận tương tự: “Lúc mới học, mình thấy mọi thứ khá lạ lẫm. Một bên thì logic khô khan (C), một bên thì phải nhớ đủ thứ chi tiết (Web). Nhưng càng học càng thấy hay vì biết máy tính vận hành như thế nào.”
Khi lập trình web là “lối vào dễ thở” cho người mới
Đối với nhiều sinh viên, môn Lập trình Web căn bản được xem là dễ tiếp cận hơn so với lập trình C. Với HTML và CSS, chỉ cần vài dòng lệnh là đã có thể nhìn thấy sản phẩm trên trình duyệt – điều này tạo động lực lớn cho người học.
Lưu Anh Thuận cho biết: “Lập trình web dễ tiếp cận hơn vì code không quá phức tạp, lại trực quan.”
Trong khi đó, Kiều Duyên nhận xét: “Môn nào cũng mới lạ, phải thực hành nhiều thì mới nắm được. Nhưng web vẫn dễ hiểu hơn một chút vì trực quan hơn.”
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là các môn học còn lại trở nên lép vế. Ngôn ngữ lập trình C, dù khô khan và đòi hỏi nhiều suy luận hơn, lại mang đến những bài tập giúp sinh viên hiểu rõ cách máy tính xử lý dữ liệu ra sao.
Những bài tập đầu tiên: Hành trang đáng nhớ
Với nhiều sinh viên, cảm giác “viết được chương trình thực sự” lần đầu tiên là một cột mốc khó quên. Những bài tập quản lý sinh viên bằng mảng cấu trúc, thao tác với dữ liệu, nhập – xuất thông tin,… không chỉ là bài học lập trình mà còn là trải nghiệm thực tế.
“Bài quản lý sinh viên bằng mảng cấu trúc khiến mình thấy như đang làm chương trình thật sự. Mình có thể thao tác với nhiều sinh viên cùng lúc” – Trần Quốc Toàn hào hứng kể lại.
Còn về môn lập trình web, các bạn rất tự hào với những sản phẩm đầu tay:
Mai Trần Thụy Đan tạo ra “SoftieMart” – một web bán hàng dành cho Gen Z, kết hợp thông điệp chữa lành và truyền cảm hứng.

Lưu Anh Thuận xây dựng một trang web có chatbot tương tác, hiển thị thời gian và hiệu ứng.

Lê Thị Kiều Duyên làm một web chỉnh sửa ảnh với giao diện rõ ràng, bố cục hợp lý.

Trần Quốc Toàn và nhóm đã tạo được một trang web giới thiệu sản phẩm.

Còn với lập trình web, mỗi sinh viên đều có sản phẩm đầu tay cho riêng mình: một trang giới thiệu bản thân, một giao diện website đơn giản nhưng đầy tự hào.
Không thiếu khó khăn, nhưng không ai bỏ cuộc
Lập trình chưa bao giờ là môn học dễ dàng. Với ngôn ngữ C, khái niệm con trỏ, vòng lặp lồng nhau hay file handling là những thử thách thực sự đối với người mới bắt đầu. “Lúc học về vòng lặp và mảng, mình bị rối vì không hình dung nổi máy tính đang chạy cái gì bên trong” – Thụy Đan chia sẻ.
Trong khi đó, lập trình web lại khiến nhiều bạn phải “vật lộn” với CSS và JavaScript. Kiều Duyên thú nhận: “Mình bối rối với JS và JQuery vì thời gian học ít mà kiến thức lại nhiều.”
Trần Quốc Toàn thì từng đau đầu khi giao diện chỉnh mãi vẫn không đúng: “Lúc làm quen với Flexbox, Grid và responsive, mình gặp khá nhiều lỗi do chưa hiểu cách dàn trang.”
Bí quyết vượt khó: Tự học, tự luyện và cùng nhau tiến bộ
Không ai học giỏi lập trình chỉ bằng cách nghe giảng. Phương pháp được nhiều sinh viên áp dụng chính là chủ động thực hành càng nhiều càng tốt. Ngoài giờ học, các bạn tìm hiểu thêm qua YouTube, các trang học lập trình như w3schools, GeeksForGeeks…, đồng thời thường xuyên hỏi bạn bè, giảng viên khi gặp khó khăn.
“Mình hay ghi chú lại lỗi thường gặp và cách khắc phục, để sau này đỡ phải tìm lại từ đầu” – Quốc Toàn chia sẻ một mẹo học đơn giản mà hiệu quả.
“Ngồi đọc hoài không hiểu đâu. Phải tự gõ code, chia nhỏ logic, viết từng bước rồi xem chạy ra sao” – Thụy Đan nói về cách học mà cô thấy hiệu quả nhất. Ngoài ra, nhiều sinh viên còn vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức và thử làm sản phẩm thực tế nhỏ sau mỗi phần học. Các nhóm học chung cũng phát huy vai trò khi mọi người cùng nhau thảo luận, hỗ trợ khi bí ý tưởng hoặc chưa hiểu bài.
Chỉ trong thời gian ngắn, những bạn trẻ từng “mù tịt” về công nghệ đã có thể viết chương trình, thiết kế website, và quan trọng hơn hết là hình thành tư duy giải quyết vấn đề một cách logic và có hệ thống. Họ không chỉ học được kỹ năng chuyên môn, mà còn rèn được sự kiên nhẫn, tự học và tinh thần vượt khó – những hành trang cần thiết cho con đường lập trình phía trước.
Và hơn tất cả, chính họ đã chứng minh rằng: “Lập trình không hề khô khan nếu bạn biết cách tìm thấy niềm vui trong từng dòng code.”
Giảng viên Phạm Thị Lánh
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |