Nếu thân với lập trình viên, một trong những điều bạn nhận thấy đầu tiên chính là niềm tin gần như cực đoan vào ngôn ngữ lập trình của họ, rằng chỉ có ngôn ngữ ấy là đúng đắn nhất…

Các câu hỏi tưởng như đơn giản trên mạng hỏi đáp Quora hay diễn đàn Reddit như “tôi nên học ngôn ngữ lập trình nào” thường nhận được những câu trả lời dài dằng dặc, không khác gì bài luận về lý do vì sao nên chọn cái này mà không phải cái kia. Ngay sau đó, chủ đề đó sẽ biến thành cuộc tranh luận không có hồi kết.

Chẳng hạn, “cuộc chiến” giữa Python – Java, Java – Google Go, Java – Ruby, hay Java và bất kỳ ngôn ngữ nào khác đều luôn nóng bỏng. Java là ngôn ngữ phổ biến nhưng bị đánh giá thấp, dẫn đến không ít lập trình viên nhấn mạnh đã đến lúc bỏ qua Java và gợi ý một ngôn ngữ khác hiện đại hơn, nhanh hơn để thay thế.

Gần đây hơn là tranh cãi Objective-C, ngôn ngữ để viết phần lớn ứng dụng iPhone, tốt hơn hay Apple Swift tốt hơn. Apple muốn Swift là ngôn ngữ kế nhiệm Objective-C, cam kết nó không chỉ giúp viết ứng dụng dễ hơn mà bản thân ứng dụng cũng chạy nhanh hơn. Swift đang phát triển nhanh chóng song vẫn chỉ là miếng bánh nhỏ trong bức tranh toàn cục.

Đối với những người không phải dân kỹ thuật, các cuộc tranh luận như vậy có vẻ khá kỳ quái, bởi ngôn ngữ lập trình là thứ hoàn toàn “vô hình” khi dùng ứng dụng.

Khi lựa chọn một ngôn ngữ, lập trình viên muốn chọn loại có triển vọng nghề nghiệp ổn định, mức lương cao. Mặt khác, họ cũng không e ngại sự thay đổi và các thách thức khi phải học ngôn ngữ mới. Mọi ngôn ngữ đều đại diện cho một thứ triết lý riêng.

Theo Paul Jansen, người quản lý TIOBE Index, bảng xếp hạng các ngôn ngữ lập trình uy tín, phần lớn đều có cảm xúc mãnh liệt về ngôn ngữ mình theo đuổi. “Sự khác biệt giữa phần lớn ngôn ngữ là khá nhỏ và sự khác biệt chỉ là vấn đề sở thích cá nhân”. Trong khi đó, các lập trình viên cũng luôn theo dõi các ngôn ngữ hàng đầu từ nhiều nguồn giống như dân chơi chứng khoán để biết thế giới đang chuyển động theo hướng nào.

Mọi thể loại máy tính, từ iPhone cho đến desktop HP, đều hoạt động như nhau. Dù chọn ngôn ngữ nào trong hàng ngàn loại đang tồn tại để viết lệnh, chúng đều cho ra kết quả tương tự.

Tất nhiên, không phải lúc nào lập trình viên cũng được tùy ý lựa chọn. Đôi lúc, họ làm việc trong các dự án đã được người khác triển khai trước, đồng nghĩa với quyết định sử dụng ngôn ngữ nào đã được đưa ra. Khi khác, họ bị thúc ép phải học điều gì đó mới mẻ vì còn dư thừa nhiều thời gian.

Theo Jansen, không có ngôn ngữ nào là tốt hơn cả. Như một hệ quả, các cuộc tranh luận về ngôn ngữ nào tốt nhất đều chỉ là cuộc chiến mang tính tín ngưỡng. Ngoài ra, còn có hai yếu tố khác dẫn đến hiện tượng này: một là tính cộng đồng, khi bạn nằm trong nhóm nào đó, bạn sẽ được hỗ trợ bởi một nhóm các chuyên gia, những người nhiều kinh nghiệm và đủ tử tế để giúp bạn xử lý vấn đề; hai là các lập trình viên muốn bảo vệ thời gian và công sức mà mình đã đầu tư khi học một ngôn ngữ. “Mọi người đều biện hộ cho ngôn ngữ riêng và tuyên bố nó là tốt nhất để bảo đảm công sức của họ không bị đổ sông đổ bể”, Jansen giải thích.

 

 

Du Lam (theo Bloomberg)
(nguồn ICTnews)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96