Trong 3 năm tham gia sàn “catwalk” công nghệ (từ tháng 1/2007), chiếc smartphone với biểu tượng hình quả táo – iPhone – đã làm được một việc rất quan trọng, đó là định nghĩa lại khái niệm về thiết bị di động (TBDĐ).
Nhưng dù thông dụng và được chào đón cuồng nhiệt (mỗi khi trình làng phiên bản mới) đến mức nào đi nữa thì không có nghĩa là iPhone chắc chắn sẽ trở thành Windows trên nền tảng di động.
Hôm 26/10 vừa qua, gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm Google đã chính thức ra mắt phiên bản 2.0 mới của hệ điều hành (HĐH) mã nguồn mở Android. Ngay lập tức, bản nâng cấp lần thứ 4 của HĐH dành cho thiết bị di động này được giới chuyên môn đánh giá là ứng viên sáng giá có đủ khả năng tạo ra những tác động đáng kể đến con đường phát triển đang phủ đầy hoa hồng của iPhone.
Android 2.0 (tên mã Eclair) được cải thiện rất nhiều và cung cấp hàng loạt tính năng hữu ích mới cho thiết bị trên nền này: tốc độ xử lý tối ưu, màn hình nhiều kích cỡ và độ phân được đẩy lên mức 840×480, hỗ trợ HTML 5, tích hợp Google Maps 3.1.2. Ngoài ra, Android 2.0 còn hỗ trợ thêm Microsoft Exchange để khai thác dịch vụ email cộng tác trong môi trường doanh nghiệp; những tính năng liên quan đến máy ảnh số như flash, zoom số, cân bằng trắng, hiệu ứng màu và chụp ảnh macro; đặc biệt, bàn phím ảo được cải tiến để nhập liệu nhanh và chính xác hơn; hỗ trợ kết nối Bluetooth 2.1 và tìm kiếm email, tin nhắn (SMS và MMS) linh hoạt hơn.
Android 2.0 cũng được bổ sung tính năng Quick Contact, cho phép người dùng truy cập email, tin nhắn hay nhật ký cuộc gọi trong danh bạ liên lạc thông qua hình thu nhỏ tượng trưng. Đặc biệt, Quick Contact có thể được tích hợp vào ứng dụng tin nhắn, email và cả lịch làm việc.
Thực vậy, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ những ông lớn như Motorola, Verizon Wireless, Acer và nhiều hãng sản xuất thiết bị di động tên tuổi khác như Samsung, Sony Ericsson, chiến binh Android đã và đang thu gom nội lực để sớm có thể “soán ngôi” iPhone hay chí ít thì cũng đẩy Apple vào trạng thái đứng ngồi không yên. Trong khi đó, hãng Research In Motion (RIM) vẫn tỏ ra hết sức thản nhiên và dường như không cung cấp bất kỳ tính năng mới nào ngoài tin nhắn cho các dòng BlackBerry. Trong khi đó, HĐH Symbian của Nokia thống trị gần như cả thế giới ĐTDĐ nói riêng và TBDĐ nói chung; mặt khác, trên thực tế hãng Palm và Microsoft vẫn chưa có ý định từ bỏ tham vọng với WebOS và Windows Mobile.
Nội dung
Motorola và Verizon: Bám sát iPhone
Chỉ trong tuần lễ đầu tiên, khi mà những mẫu smartphone chạy trên nền Android 2.0 vẫn chưa có mặt trên thị trường, 2 đối thủ của Apple là Motorola và Verizon đã mạnh miệng tâng bốc Droid (cách gọi khác của Android) như là kẻ hủy diệt mới của iPhone. Một điểm đáng lưu ý là bộ thư viện lập trình mobile app 2.0 SDK cũng được giới thiệu trong dịp này chắc chắn sẽ mang đến rất nhiều “cảm hứng” cho giới lập trình cũng như hãng sản xuất. Vậy điều gì giúp Android 2.0 trở thành một đối thủ nặng ký?
Trước hết, hậu duệ đời thứ 4 của Android cuối cùng cũng hỗ trợ Microsoft Exchange – một tính năng hết sức quan trọng đối với người dùng doanh nghiệp – cho dù các nhà cung cấp dịch vụ mạng và hãng sản xuất thiết bị hoàn toàn có thể vô hiệu hóa tính năng này nếu muốn. Android 2.0 cũng hỗ trợ đồng bộ nhiều tài khoản email vào một hộp thư cá nhân. Cạnh đó, do được nâng cấp để hỗ trợ các công nghệ HTML 5 mới – bao gồm các hàm API dành cho dữ liệu, khả năng gán vị trí địa lý dựa trên dữ liệu GPS – nên các thiết bị và ứng dụng chạy trên nền HĐH Android 2.0 sẽ có được nhiều tính năng hữu ích từng xuất hiện trên iPhone.
Được biết, HĐH WebOS trên Palm Pre cũng đã cung cấp hầu hết những tính năng đó, song vẫn chưa đủ mạnh để đương đầu với iPhone; hơn nữa, Palm là một công ty nhỏ đang đứng giữa ranh giới sự phá sản trước khi Pre xuất hiện, đồng thời chỉ có mỗi hãng viễn thông Sprint đồng ý bán sản phẩm này tại thị trường Bắc Mỹ.
Trong khi đó, Android được Motorola và Verizon “chống lưng”, và 2 hãng này đang ra sức cạnh tranh với iPhone. Rõ ràng là Motorola đang muốn tạo dựng thời kỳ huy hoàng của chiếc di động nắp gập StarTAC hơn một thập niên trước, còn Verizon đã bị “cô lập” bởi AT&T trong việc cung cấp 2 mẫu smartphone cao cấp là iPhone và BlackBerry Bold. Cả Motorola và Verizon đang đẩy mạnh các môi trường phát triển ứng dụng trên nền tảng Android với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ iPhone App Store.
Với những hãng sản xuất TBDĐ khác như Acer và HTC cũng đang “lên thuyền” Android thì câu hỏi đặt ra là liệu người dùng có đi theo xu hướng này khi mà ngay từ thuở ban đầu, Android có xuất phát điểm là một nền tảng mở vốn dĩ chỉ là sân chơi cho cộng đồng mã nguồn mở.
Những rào cản
Bất chấp những lời hứa hẹn và quảng cáo “có cánh” từ Google và các thành viên thuộc liên minh Open Handset Alliance (OHA), vẫn còn đó vài yếu tố khiến người dùng, các nhà quản trị hệ thống CNTT và phát triển ứng dụng do dự khi đầu tư vào Android.
Trước hết, Android cần đến 4 phiên bản (bản nâng cấp) trong vòng 2 năm để có được những thành quả (tính năng) tương tự iPhone; trong khi WebOS đã có bản nâng cấp 1.1 chỉ vài tháng sau ngày phát hành. Bước đi chậm rãi của Google là điều gây ra sự lo lắng bởi nó làm gợi nhớ những khó khăn mà Microsoft từng gặp trong nổ lực phát triển HĐH dành cho nền di động. Bài học từ Windows Mobile và Java là điều Android hết sức quan tâm, và Google đã hiểu ra rằng mỗi thiết bị có những điểm khác biệt đặc thù nên rất khó có thể xây dựng một HĐH hoàn hảo và phủ rộng cho tất cả.
Ngoài ra, Android khởi đầu từ một nền tảng “thân” Google, nghĩa là Google dùng Android để đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của GMail và những dịch vụ điện toán đám mây (cloud computing) mà hãng này cung cấp. Tuy nhiên, điểm mấu chốt lại nằm ở chỗ nhiều ứng dụng của Apple cũng như Microsoft không thể hoạt động trong “chiếc lồng” do Google tạo ra. Google là một tên tuổi lớn nhưng ý đồ sử dụng HĐH cho nền tảng di động để tạo ra một kênh độc quyền mới trong lĩnh vực ứng dụng, dịch vụ trực tuyến vẫn chưa chứng tỏ được gì nhiều.
Giữ chân người dùng
Trước đây, khi nhắc đến smartphone, người ta thường nghĩ đó là thiết bị dành cho doanh nghiệp, doanh nhân cũng như các ứng dụng nghiệp vụ, tiên phong cho phong trào email di động và các tính năng bảo mật ở tầm doanh nghiệp lại chính là BlackBerry. Còn trong bối cảnh hiện nay, chính người dùng phổ thông lại đang dẫn dắt thị trường smartphone.
Cho đến mùa hè 2008, iPhone vẫn được xem là một món đồ chơi công nghệ dành cho người dùng phổ thông. Nhưng việc hệ điều hành iPhone mới, bổ sung khả năng hỗ trợ Microsoft Exchange ActiveSync đã cho phép iPhone kết nối đến hệ thống email của nhiều tổ chức, và từ đó nhanh chóng thâm nhập các hạ tầng CNNT của doanh nghiệp. Cũng từ đây, iPhone đặt các hệ thống CNTT dưới một áp lực lớn khi phải nới lỏng các nguyên tắc về bảo mật để người dùng không chỉ có thể truy xuất email, mà còn duyệt web và các ứng dụng khác.
Tuy nhiên, việc Apple chỉ sử dụng một nhóm tính năng của ActiveSync và vài khó khăn trong việc thực thi ActiveSync sẽ không thể thuyết phục các nhà quản trị mạng đặt nặng yếu tố bảo mật cho phép iPhone đi vào môi trường doanh nghiệp. Dẫu thế, iPhone vẫn thể hiện sự vượt trội so với hầu hết thiết bị hỗ trợ ActiveSync khác như Pre (nền WebOS) của Palm, dòng N-Series của Nokia và gần nhất là các thiết bị chạy Android 2.0. Trong khi đó, Microsoft Windows Mobile hỗ trợ nhiều tính năng của ActiveSync hơn nhưng HĐH này trong vài năm trở lại đây rất ít xuất hiện trên các mẫu smartphone mới. Với khả năng hỗ trợ ActiveSync ở mức đủ dùng cho hầu hết tính năng cần thiết, iPhone sẽ tạo ra một cuộc tấn công “hoành tráng” vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí iPhone có thể trở thành chiếc smartphone thống trị trên cả thị trường phổ thông và doanh nghiệp, tối thiểu là tại Bắc Mỹ, trong năm tới.
Các yếu tố toàn cầu
Yếu tố cuối cùng “ngăn cản” bước tiến của một nền tảng di động chính là tính địa phương. Ví dụ, tại Mỹ, Nokia không tạo ra được kỳ tích nào trong khi những chiếc smartphone của hãng này rất thành công tại châu Âu. Ngược lại, iPhone gần như không thông dụng tại châu Âu nhưng lại bán chạy như tôm tươi tại Bắc Mỹ.
Theo báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Canalys, tại Mỹ, BlackBerry tuy chiếm 52% số lượng smartphone bán ra trong năm nay nhưng nếu so với kết quả kinh doanh của năm ngoái thì đã giảm đến 56%; trong khi đó iPhone chiếm 23% thị phần và đạt mức tăng trưởng 7% so với năm ngoái. Qua đó, có thể thấy, iPhone đang theo sát BlackBerry để trở thành chiếc smartphone thông dụng nhất.
Còn tại châu Âu, thị trường đang chứng kiến sự thống trị của Nokia bị xói mòn, chủ yếu là do iPhone; đáng tiếc, BlackBerry vẫn chưa giành được nhiều thị phần tại đây. Các số liệu bán lẻ gần đây của Canalys cho thấy Nokia hiện giữ 64% thị phần, iPhone là 13% và BlackBerry là 10%. Nếu xét trên số lượng bán ra, so với kết quả kinh doanh trong năm 2008, Nokia giảm 71%, riêng iPhone tăng 2% và BlackBerry tăng 7%.
Trong khi đó, châu Á lại là lục địa do Nokia thống trị khi chiếm 60% thị phần, theo sau là Sharp và Fujitsu với cùng chiếm 9%. Cả iPhone lẫn BlackBerry không có nhiều ảnh hưởng tại châu Á.
Xét trên phạm vi toàn cầu, công ty nghiên cứu thị trường Gartner cho rằng iPhone là chiếc smartphone bán chạy hàng thứ 3 với thị phần 13%, thua BlackBerry ở vị trí thứ 2 (19%) và ngôi vị đầu bảng vẫn là Nokia (45%). Trong khi đó, các thiết bị chạy trên nền tảng Android của Google và WebOS của Palm gần như không có tên tuổi.
Doanh số là một chuyện, cách sử dụng lại là chuyện khác. Và cách sử dụng “vẽ đường” cho các nhà phát triển nội dung, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, các nhà phát triển ứng dụng trên nền web quyết định “căn cứ” đầu tư. Theo StatCounter, iPhone đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các mẫu điện thoại được sử dụng thường xuyên cho nhu cầu duyệt web (tính cả ĐTDĐ thường và smartphone) trên phạm vi toàn cầu; riêng tại Bắc Mỹ và châu Âu, iPhone đứng đầu bảng. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, giữ vị trí số 1 là ĐTDĐ sử dụng trình duyệt Opera Mobile, tất cả là nhờ Opera Mobile được cài sẵn trên nhiều loại ĐTDĐ truyền thống tại châu Á – nơi BlackBerry và iPhone không có nhiều ảnh hưởng. Còn nếu chỉ tính riêng cho smartphone, theo báo cáo của công ty quảng cáo trực tuyến AdMob, trên phạm vi toàn cầu, iPhone được sử dụng nhiều nhất cho mục đích duyệt web với tỷ lệ 40%, theo sau là các thiết bị chạy trên nền HĐH Symbian (chủ yếu được sử dụng bởi Nokia) với 34%, trong khi đó BlackBerry chỉ đạt 8%.
Nhìn chung, theo nhiều chuyên gia, thị trường di động là một thị trường “trẻ” và biến động đủ để làm tiêu tan mọi dự báo. Ví dụ, Android có thể bị Verizon “hất hủi” để “cặp kè” với WebOS của Palm, hay Microsoft quay trở lại đầu tư vào Windows Mobile như cách thức mà hãng này từng làm với máy nghe nhạc Zune.
???Xem thêm thông tin: Android 12 sẽ đại tu về thiết kế – Lập Trình Viên Quốc Tế FPT Aptech
FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |