11 Apple và một năm sau ngày mất của Steve Jobs

(Post 08/10/2012) Ngày 5/10 một năm trước, cả giới công nghệ lẫn những ai yêu thích Apple đều chết lặng trước sự ra đi đột ngột của Steve Jobs, CEO huyền thoại và nhà đồng sáng lập Apple. Một năm sau sự ra đi của Jobs, Apple có còn được như trước đây, dưới sự chèo lái của ông?

Mặc dù biết Steve Jobs đã bị mắc bệnh ung thư từ khá lâu và ông đã phải rút lui khỏi Apple vì lý do sức khỏe từ tháng 8, tuy nhiên cả thế giới, những ai yêu thích công nghệ lẫn những ai yêu mến Apple đều bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của Steve Jobs, nhất là chỉ một ngày trước đó, Apple đã tổ chức sự kiện hoành tráng để chào mừng sự ra mắt của iPhone 4S.

Ngay sau sự ra đi của Steve Jobs, hẳn câu hỏi được đặt ra nhiều nhất của tất cả mọi người đó là: “Liệu Apple sẽ thế nào nếu thiếu đi Steve Jobs?”, “Quả táo có còn tồn tại trước sức ép từ các đối thủ, khi mất đi cái bóng quá lớn của Jobs?”…

Nhân dịp một năm sau ngày mất của Steve Jobs, cùng nhìn lại những thay đổi của Apple sau khi “con tàu” được chuyển giao cho người kế vị Tim Cook và đã vắng bóng sự ảnh hưởng của nhân vật quyền lực Steve Jobs.

Apple không Steve Jobs – Vẫn ăn nên làm ra

Có một sự thật không thể chối cãi, đó là cho dù không còn dưới sự dẫn dắt của vị CEO huyền thoại Steve Jobs thì Apple vẫn tiếp tục phát triển, chí ít là về mức độ giàu có lẫn doanh thu.

Những con số thống kê của Apple liên tục tăng sau mỗi quý, số lượng sản phẩm tiêu thụ vẫn không có dấu hiệu giảm sút, giá cổ phiếu liên tục lập những mốc mới, giá trị công ty tăng không ngừng… đã giúp Apple trở thành hãng công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay.

Dĩ nhiên, để có được thành công của ngày hôm nay cần phải nhờ đến một nền tảng sẵn có mà Steve Jobs đã tạo dựng cho Apple trước đó, với cách xây dựng một thương hiệu “quả táo” đi sâu vào lòng người dùng. Chính hình ảnh một CEO khó tính, luôn đòi hỏi sự hoàn thiện của Steve Jobs đã tạo cho người dùng một sự tin tưởng vào các sản phẩm của Apple.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận khả năng lãnh đạo của người kế nhiệm Tim Cook sau một năm chèo lái con tàu Apple. Nếu chỉ dựa vào những nền tảng sẵn có mà không tiếp tục tìm cách phát triển thì có lẽ Apple khó có thể đạt được những thành công như hiện tại, nhất là khi Apple đang trở thành mục tiêu chính của mọi đối thủ khác trên thị trường, từ thị trường smartphone, máy tính bảng (với sự cạnh tranh gay gắt của Android) và thậm chí cả thị trường máy tính xách tay (sự cạnh tranh của laptop siêu mỏng ultrabook)…

Apple không Steve Jobs – Mềm mỏng và nhẹ nhàng hơn

Nổi tiếng là một người nóng nảy và cộc cằn, Apple dưới thời đại của Steve Jobs chưa từng đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào, cho dù đó là lỗi từ ngay chính sản phẩm của Apple.

Còn nhớ trước đây, chính Steve Jobs đã tự tin tuyên bố nền tảng MacOS X của Apple “miễn nhiễm” hoàn toàn với virus và mã độc. Sự thật không phải vậy, MacOS X vẫn bị lây nhiễm virus và mã độc, có chăng hacker không “thèm” để mắt đến một nền tảng với số lượng người dùng khiêm tốn (so với Windows). Apple đã im lặng khi tuyên bố này bị chối bỏ.

Gần đây nhất và đáng nhớ nhất chính là sự kiện iPhone 4 (ra mắt năm 2010) bị lỗi mất sóng và rớt mạng, khiến nhiều người dùng phản ảnh tình trạng chập chờn khi sử dụng. Thay vì thừa nhận lỗi trên sản phẩm, Steve Jobs thậm chí còn mạnh miệng… đổ lỗi cho người dùng, vì họ đã cầm máy không đúng cách, khiến iPhone 4 bị rớt mạng.

Tuy nhiên, sau đó Apple cũng thừa nhận lỗi ăn-ten trên iPhone 4 gây ra tình trạng này, tuy nhiên cả Steve Jobs lẫn Apple đều không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào về sự việc, mà chỉ đưa ra các biện pháp để bồi thường và hỗ trợ người dùng khắc phục lỗi.

Trái ngược lại Steve Jobs, Apple dưới “triều đại” Apple đã có những động thái mới cho thấy một hình ảnh mềm mỏng, nhẹ nhàng và biết lắng nghe.

Quay trở lại vào tháng 7 vừa qua, khi Apple tuyên bố rút toàn bộ các sản phẩm ra khỏi hệ thống đánh giá EPEAT để đánh giá tiêu chuẩn phù hợp môi trường của sản phẩm điện tử, với lý do tiêu chuẩn EPEAT không còn phù hợp với sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, ngay lập tức, quyết định của Apple đã nhận phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dùng và các nhóm hoạt động môi trường.

Lập tức, Apple đã phải nhân nhượng, đưa sản phẩm trở lại tiêu chuẩn đánh giá EPEAT, đồng thời Bob Mansfield, Phó chủ tịch và Giám đốc bộ phận phần cứng của Apple đã phải lên tiếng xin lỗi công khai:

“Chúng tôi gần đây nghe nói trong số các khách hàng trung thành của Apple, nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng khi chúng tôi rút sản phẩm của mình ra khỏi hệ thống đánh giá EPEAT. Tôi nhận ra điều này là một sai lầm. Bắt đầu từ hôm nay, tất cả các sản phẩm của Apple sẽ đáp ứng đủ tiêu chuẩn của EPEAT”.

Ngay việc “nhận ra sai lầm” của Apple đã là một sự bất ngờ của không ít người, nhất là khi trước đây, dưới thời Steve Jobs, lỗi lầm chưa bao giờ là của Apple.

Gần đây nhất, khi ứng dụng bản đồ Apple Maps trên iOS 6 gặp phải hàng loạt lỗi ngớ ngẩn khiến người dùng phàn nàn và khó có thể chấp nhận, đích thân CEO Tim Cook của Apple đã lên tiếng xin lỗi toàn thể người dùng Apple và nhận lỗi về phía Apple.

“Tại Apple, chúng tôi đang cố gắng tạo ra những sản phẩm đẳng cấp thế giới, mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của chúng tôi. Với sự ra mắt của ứng dụng bản đồ vào tuần trước, chúng tôi đã không đáp ứng được cam kết này. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sự thất vọng đã gây ra cho khách hàng của mình và chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để giúp cho ứng dụng bản đồ trở nên tốt hơn.”, trong bức email xin lỗi có đoạn viết.

Đồng thời, phía Apple cũng đã phải rút lại tuyên bố “ứng dụng bản đồ tốt nhất thế giới” với dịch vụ bản đồ Apple Maps của mình. Đây được xem là một hành động nhận sai sâu sắc và hiếm có từ phía Apple.

Có vẻ như khi Apple không còn cái bóng quá lớn của Steve Jobs để tạo lòng tin với người sử dụng như trước đây, không cách nào khác Apple cần phải biết lắng nghe và mềm mỏng hơn với người dùng, để thay đổi hình ảnh của chính mình và tạo nên lòng tin theo một cách khác so với trước đây.

FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001

Học CNTT – Học Aptech – Học tại FPT

Phạm Thế Quang Huy
(theo Dân Trí)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96