Xin chào quý thầy cô và các bạn! Chúng mình là nhóm sinh viên gồm 4 thành viên: Cho In Yeong, Nguyễn Văn Nghị, Trần Thanh Phong và Nguyễn Anh Tuấn. Trong hành trình học tập và thực hiện đồ án tại trường, nhóm đã có cơ hội làm việc với doanh nghiệp để phát triển MedCare – một ứng dụng đặt lịch khám trực tuyến cho bệnh viện.
Trong quá trình thực hiện dự án phần mềm về đặt lịch khám bệnh theo yêu cầu từ doanh nghiệp. Với thời gian 5 tuần để hoàn thành dự án, nhóm đã có nhiều trải nghiệm đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị và cảm nhận đáng nhớ. Đây là một dự án có tính thực tiễn cao, không chỉ giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực y tế, mà còn là cơ hội để nhóm áp dụng kiến thức và kỹ năng trong việc xây dựng phần mềm giải quyết vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Dưới đây là một số cảm nhận chính của nhóm trong quá trình phát triển dự án này:
Quá trình thực hiện dự án không chỉ giúp chúng em củng cố kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tư duy giải quyết vấn đề và giao tiếp với doanh nghiệp. Đây là một trải nghiệm quý giá, giúp chúng em hiểu rõ hơn về quy trình phát triển sản phẩm thực tế và chuẩn bị hành trang vững chắc cho tương lai.
Nội dung
Tổng quan dự án MedCare
MedCare là ứng dụng đặt lịch khám trực tuyến, hoạt động theo mô hình Client-Server, giúp bệnh nhân dễ dàng đăng ký lịch hẹn, theo dõi hồ sơ bệnh án và tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, nhằm giảm thời gian chờ đợi và nâng cao trải nghiệm người dùng. Một số tính năng chính của MedCare:
- Đặt lịch trực tuyến: Cho phép bệnh nhân đặt lịch khám qua ứng dụng di động, website.
- Quản lý lịch trình bác sĩ: Giúp bác sĩ và nhân viên y tế dễ dàng quản lý lịch trình làm việc và danh sách bệnh nhân.
- Quản lý hồ sơ bệnh nhân: Giúp bác sĩ theo dõi hồ sơ bệnh nhân, và bệnh nhân có thể theo dõi hồ sơ bệnh án của mình.
- Thông báo và nhắc nhở: Gửi thông báo và nhắc nhở cho bệnh nhân về lịch hẹn để tránh tình trạng quên hoặc trễ hẹn.
- Tích hợp bảo hiểm y tế: Hỗ trợ việc thanh toán và quản lý bảo hiểm y tế trực tuyến.
- Chatbot AI (trợ lý ảo): Giúp phản hồi theo thời gian thực các câu hỏi của khách hàng về lĩnh vực y tế.
Dự án được xây dựng trên nền tảng:
- Database: SQL Server
- Backend: Java Spring Boot
- Frontend Web: Vite + ReactJS
- Mobile App: Flutter

Quá trình phát triển dự án
Giai đoạn 1: Lên kế hoạch và phân tích yêu cầu
Nhóm khảo sát nhu cầu thực tế từ bệnh viện, bệnh nhân, đồng thời tham vấn doanh nghiệp cùng thầy Sinh (GVHD) để xác định các tính năng cốt lõi. Với kinh nghiệm thực tiễn, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nhóm hiểu rõ hơn về quy trình khám chữa bệnh thực tế, các điểm đau của bệnh nhân và cách hệ thống có thể giải quyết vấn đề.
Dựa trên thông tin thu thập được, nhóm tiến hành phân tích các yêu cầu chức năng và yêu cầu phi chức năng của hệ thống, thiết kế các sơ đồ hệ thống, thống nhất triển khai hệ thống theo mô hình Client-Server, phân chia công việc cho từng thành viên gắn với deadline. Sau khi được chấp thuận từ GVHD và DN, nhóm tiến hành tạo các giao diện cơ bản và lập kế hoạch phát triển chi tiết nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng sản phẩm.

Giai đoạn 2: Phát triển và kểm thử
Sau khi thống nhất thiết kế, nhóm bắt tay vào lập trình và phát triển các thành phần hệ thống. Backend được triển khai với Java Spring Boot, đảm bảo khả năng mở rộng và bảo mật. Đồng thời, frontend web sử dụng Vite + ReactJS và mobile app được phát triển bằng Flutter để mang đến trải nghiệm mượt mà trên nhiều nền tảng.
Nhóm gặp nhiều thách thức, từ việc tích hợp hệ thống API đến tối ưu hiệu suất và xử lý luồng dữ liệu đồng bộ giữa các nền tảng. Những buổi họp với doanh nghiệp giúp nhóm tinh chỉnh kiến trúc, điều chỉnh luồng dữ liệu và tối ưu hiệu suất API. Các lần kiểm thử và điều chỉnh liên tục giúp nhóm cải thiện tính ổn định của ứng dụng.

Giai đoạn 3: Hoàn thiện và tối ưu hóa
Sau khi hệ thống hoạt động ổn định, nhóm tập trung vào tối ưu trải nghiệm người dùng (UX/UI), giúp giao diện trực quan hơn và đảm bảo tốc độ xử lý nhanh chóng.
Một trong những bước quan trọng nhất trong giai đoạn này là buổi đánh giá trực tiếp với doanh nghiệp, trong đó đại diện Project Manager Công ty TinViet Soft – anh Nguyễn Vũ Phong đã đến review, góp ý và kiểm tra tiến độ sản phẩm. Đây là cơ hội quan trọng để nhóm hiểu rõ hơn về cách sản phẩm sẽ vận hành trong thực tế. Nhờ những phản hồi từ doanh nghiệp, nhóm đã cải tiến quy trình vận hành, tăng tính khả dụng của sản phẩm, giúp ứng dụng không chỉ hoạt động tốt mà còn thực sự hữu ích cho bệnh nhân và bệnh viện.

Giai đoạn 4: Kiểm thử toàn diện và bảo vệ trước hội đồng
Ở giai đoạn cuối, nhóm tập trung kiểm thử toàn diện để đảm bảo hệ thống hoạt động mượt mà, từ đặt lịch khám, quản lý hồ sơ đến hiệu suất và bảo mật. Doanh nghiệp và thầy Sinh tiếp tục hỗ trợ nhóm bằng cách cung cấp các tình huống thực tế mà ứng dụng có thể gặp phải khi triển khai, giúp nhóm phát hiện và xử lý các lỗi tiềm ẩn.
Trong buổi bảo vệ trước hội đồng phản biện và doanh nghiệp, nhóm chia sẻ về quá trình phát triển, những thách thức gặp phải và cách giải quyết. Nhờ những góp ý thực tế từ hội đồng và doanh nghiệp, nhóm không chỉ cải thiện MedCare mà còn rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá cho các dự án sau này.

Hoàn thành MedCare là một trải nghiệm thực tế quý giá, giúp nhóm tiếp cận quy trình phát triển sản phẩm chuyên nghiệp. Việc làm việc trực tiếp với doanh nghiệp không chỉ nâng cao kỹ năng, kỹ thuật mà còn rèn luyện tư duy phản biện, khả năng làm việc nhóm và thích ứng với yêu cầu thực tế, mà còn mang lại cơ hội để phát triển bản thân và đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực y tế.
Sự đồng hành của doanh nghiệp và góp ý từ thầy cô là chìa khóa giúp MedCare hoàn thiện và tiệm cận nhu cầu thực tế, tối ưu tính năng và đảm bảo tính ứng dụng thực tế cao. Những thử thách gặp phải trong quá trình triển khai đã mang lại nhiều bài học sâu sắc, giúp nhóm tự tin hơn khi bước vào môi trường làm việc thực tế.
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |