(Post 23/11/2006) Không biết khi đặt tên cho con, bố của Chiến Thắng – Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân có lường tới việc cái tên đó sẽ ứng với số mệnh của cậu đến thế? 27 tuổi tròn, tròn 27 năm, Thắng sống và vật lộn quyết liệt để dành lấy những điều tưởng vô cùng giản dị: học cái chữ, có việc làm, “kiếm” cô vợ dễ thương… Chỉ với tấm bằng chứng nhận đọc thông viết thạo của Làng trẻ Hoà Bình (Thanh Xuân, Hà Nội), những gì chàng thanh niên có cái tên mạnh mẽ này làm được còn nhiều hơn thế.

Nguyễn Chiến Thắng và bố trong dịp nhận giải Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam

1. Hẳn là không. Ông Nguyễn Vĩnh Trân hẳn đã không lường tới điều đó. Sau nhiều năm đi qua hầu hết các chiến trường ác liệt nhất thời kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị, Tây Nguyên, rồi sang CamPuChia… anh lính công binh quê Vĩnh Phúc có thêm một cậu con trai bụ bẫm khoẻ mạnh, đủ cả nếp lẫn tẻ. Chiến Thắng chào đời trong sự chào đón hân hoan của bố mẹ. Nhưng, chỉ vài tháng sau, niềm vui tắt lụi khi cả nhà phát hiện ra chân tay cậu bị co quắp dần, có những dấu hiệu phát triển bất bình thường.

Mắc bệnh thì vái tứ phương, ông Trân kể, vợ chồng ông đã gõ cửa khắp các bệnh viện lớn nhỏ, cầu cứu cây kim vàng Nguyễn Tài Thu, rồi điện châm, rồi Đông Tây y đủ cả. Bệnh không thuyên giảm, cũng không tìm ra nguyên nhân. Họ xót lòng nhìn con lớn lên, vẫn bụ bẫm nhưng không còn khoẻ mạnh. Não phải của Thắng bị tổn thương nặng, ảnh hưởng đến khả năng nói và viết.

10 tuổi, Thắng nhúc nhắc chân đến Làng trẻ em Hoà Bình để học chữ cùng các bạn khuyết tật. Tay co quắp, khó cầm bút đã đành, Thắng còn bị liệt thể cứng, cứ chăm chú làm việc gì đó đòi hỏi độ chính xác là toàn cơ cứng đờ. Không ai nghĩ cậu sẽ đủ sức bám lớp. Kể chi tới chuyện “tốt nghiệp” ra trường.

Tạm coi, đó là chiến thắng đầu tiên của Chiến Thắng – bệnh tật.

2. Một người bạn đồng nghiệp biết Thắng trước, thấy hay nên “mách” với tôi. Loay xoay suốt một tuần vẫn không có được điện thoại để hẹn gặp. Vào Google gõ Nguyen Chien Thang tìm hú họa, may chăng có đôi chút thông tin. Mà may thật, tôi “bắt” được nick của Thắng. Add thử, lại gặp lúc cậu đang online. Thắng lịch thiệp đúng kiểu của người quen với việc được báo giới để ý: em có thể giúp gì chị? Thắng dí dỏm như một anh chàng mới lớn còn hay mắc cỡ: em đang định nhờ báo tìm vợ đây!

Chúng tôi chuyện phiếm với nhau đủ thứ trên giời dưới biển. Nếu bạn là người kiên nhẫn, chờ Thắng gõ phím, nhấn enter chậm, rất rất chậm thì chắc chắc sẽ bị Thắng “quyến rũ” bởi kiểu chát hóm hỉnh duyên duyên. Trong suy nghĩ của cậu dường như không hề gợn chút xíu nào nỗi mặc cảm về hình thức và những khó khăn hiện tại của bản thân. Tỷ như đã hỏi tôi: chị có xinh không? Rồi “khóc” hu hu khi nhận được câu trả lời: không. Tỷ như khai thật: em 27 tuổi nhưng chưa từng có bạn gái đâu. Chị quen ai thì giới thiệu cho em đi. Mẹ mất 10 năm nay rồi. Thấy bố già cặm cụi nấu ăn giặt giũ thương lắm. Học hành với em thế cũng tạm ổn. Lương đủ sống. Chỉ mong sao có một gia đình…

Nghe nói trước đây, Thắng có một cô bạn thân nhau qua mạng, nhà ở Sài Gòn. Lâu lâu, Thắng đã bắt đầu hi vọng. Nhưng, gia đình cô gái không chấp nhận gả con lấy chồng xa, hoàn cảnh lại như thế. “Chắc họ lo em dính đioxin…”

Tôi đọc, mà thấy nước mắt muốn rơi cái độp xuống bàn phím.

Hôm sau, lò dò bấm chuông nhà số 29, ngõ 80, đường Lê Trọng Tấn. Và, chờ khá lâu mới thấy Thắng xuống mở cửa. Thắng đúng như tôi hình dung, hoàn toàn tự tin khi khẳng định từ bé đến lớn chưa một giây phút nào thấy buồn vì cái dáng đi của mình nó “chấm phẩy”, vì cái giọng mình nó ngọng líu lô, tới trường bị bạn bè trêu chọc ném đá vào đầu cũng chẳng tủi phận… Còn bảo: “Chị nhìn ảnh em nhận giải Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam kia, cao to đẹp giai đấy chứ”. Rồi cười nắc nẻ đầy vẻ hài lòng.

Tạm coi, đó là chiến thắng thứ hai của Chiến Thắng – nỗi buồn.

3. Tôi tin, một người lạc quan có thể sẽ không màng tới chuyện mình xấu hay đẹp, mình có tật hay không để “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Nhưng, đủ nghị lực học được như Thắng, mà lại về một lĩnh vực mà ngay cả người bình thường khoẻ mạnh chưa chắc học đã giỏi thì cũng đáng để chia sẻ với bạn đọc.

Trên phòng Thắng có 3 máy tính để bàn, và một máy xách tay. Còn mỗi laptop là sử dụng được. 3 cái kia đang bị Thắng tháo tung, phụ tùng để bừa bộn trên sàn. Tính từ năm 13 tuổi, để theo học công nghệ thông tin, bố mẹ Thắng đã phải dành dụm mua cho con sơ sơ trên …chục cái như thế. Tay chân loạng quạng, đụng đâu gãy đó hỏng đó. Xót của, bực mình, cậu quyết tâm học thêm nghề sửa chữa máy tính, bằng cách gỡ mọi thứ ra rồi… lắp lại. Giả dụ như không được FPT nhận vào làm việc ở phòng Nghiên cứu ứng dụng sau lần Thắng dành giải Nghị lực của Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2004 với phần mềm “Giải pháp bảo mật tích cực cho web” thì Thắng đã xin bố mở một cửa hàng như thế để lập nghiệp. Tại sao lại không nhỉ? Với chàng thanh niên có nụ cười mãi hồn nhiên của một đứa trẻ này, cảm giác như chẳng có gì là khó thực hiện. Cái đầu lúc lắc không thể tự giữ yên, cái tay khều, giọng líu lo ngắt quãng – thế mà Thắng thuyết phục được Giám đốc Aptech cho đăng ký một khoá học tại đây, dù lúc đó vốn tiếng Anh của cậu đang ở mức Zêrô.

Năm đó Thắng 23 tuổi, là một trong hai học sinh đặc biệt nhất của Aptech. Cậu trót mê máy tính từ cái độ bố mẹ mua tặng chị gái một cái nhân ngày nhập trường ĐH Bách Khoa. Suốt 10 năm trước khi lấy hết dũng khí đi xin đăng ký học tại Aptech, Thắng lọ mọ tìm mua và đọc tất cả các loại sách có thể có liên quan đến máy tính, mày mò từ game, các chương trình tin học văn phòng đơn giản, Foxpro cho đến ngôn ngữ lập trình như Visual Basic… Bố mẹ cũng mừng, vì nghĩ việc gõ máy tính có thể giúp cho đôi tay tật nguyền của con cử động nhiều hơn.

Kỳ thi cuối khoá học Aptech, Thắng tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Tuy nhiên, cậu phải nhờ bạn dịch hộ tiếng Anh và được trường cho thêm thời gian làm bài. Thao tác sử dụng – đó luôn là khó khăn lớn nhất đối với Thắng khi quyết tâm xâm nhập thế giới IT. Sau nữa là Anh ngữ, khi mà cậu nói tiếng Việt còn chưa rõ. “Còn lại, em chẳng sợ bất cứ điều gì, cả phần mềm lẫn phần cứng, em có thể khẳng định trình độ của em bây giờ ngang tầm … đại học”.

Tạm coi, đó là chiến thắng thứ ba của Chiến Thắng – hoà nhập cộng đồng, với một tấm bằng lớp lang, bài bản.

4. Trong thời gian theo học ở Aptech, Thắng được một người bạn quen qua mạng đang làm việc cho Trung tâm đào tạo của Microsoft tại Pháp giới thiệu và giúp theo học một khoá đào tạo miễn phí. Thế là gần hai năm trời, có những thời điểm, ngày thì Thắng đến Aptech, đêm về, thức từ 22h đến 4h sáng để học trực tuyến (do lệch múi giờ). Ban đầu, bố Thắng chặc lưỡi chiều con là chính, chứ hoàn toàn không hi vọng Thắng đủ sức để theo. Không ai tin Thắng “bám” chương trình này qua nổi vài tuần, huống hồ kéo dài đến thế. Chuyện như đùa, sau khi lấy xong hai chứng chỉ Lập trình viên quốc tế (2004) với số điểm 99/100 và An ninh mạng (2005) với số điểm 99,5/100 từ Pháp gửi về, có chữ kỹ của Bill Gates hẳn hoi, Thắng phải mất cả tháng để đổi đồng hồ sinh học quay thuận chiều, tập… ngủ đêm thức ngày.

Bây giờ, tiếng Anh của Thắng cũng được cải thiện phần nào. Giá sách của cậu luôn nặng trĩu những quyển dày cộm. Nói không tốt nhưng đọc, hiểu nhất là thuật ngữ chuyên ngành thì… ngon – Thắng khoe. Thiệt thòi không được qua trường lớp (dù là phổ thông nhất), Thắng cần mẫn bổ sung kiến thức cho chính mình, chí ít, cũng đủ để tạo “phông” cơ bản cho công việc của một lập trình viên, đòi hỏi phải biết nhiều lĩnh vực. Mới đây, với nhiệm vụ chính được giao là nghiên cứu về an ninh mạng, bảo mật ở FPT – Thắng đưa ra ý tưởng và hoàn thành đề tài “Chống và xử lý email giả mạo”. Sắp tới, Thắng sẽ tham gia cuộc thi Nhân tài đất Việt với một công trình khá độc đáo, tuy nhiên, vào thời điểm này thì chưa thể tiết lộ đề tài, Thắng hấp háy mắt ra chiều mong tôi thông cảm.

Tốt nghiệp lớp 5 mà “dám” vào làm ở FPT thì ghê đấy nhỉ? – tôi về nhà, nhắn tin offline cho Thắng. Và, hình dung vẻ mặt của cậu lúc đọc câu đó, đầu lắc lắc, miệng cười tít, hồn nhiên như một đứa trẻ.

Chắc chắn, đó là chiến thắng lớn nhất của Chiến Thắng – luôn luôn mỉm cười, trước cuộc sống.

La Thủy Giang
(Tạp chí Truyền hình VTV)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96