(Post 29/08/2011) Dù năm 2011 mới đi được hơn nửa chặng đường, giới công nghệ đã phải đón nhận hàng loạt thông tin gây sốc, có khả năng quyết định số phận của nhiều công ty…
Cuối ngày 24/8, Steve Jobs, vẫn được ví như thủ lĩnh tinh thần, nguồn năng lượng, nguồn sáng tạo cho Apple, bất ngờ xin rút khỏi vị trí Tổng giám đốc của hãng công nghệ lớn nhất thế giới. Đây chỉ là tin mới nhất trong chuỗi sự kiện “động trời” khiến giới phân tích nhận định 2011 là năm rối ren của công nghệ.
“Sẽ có một Apple hoàn toàn khác kể từ sáng nay'”
Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, có tới 2 năm chuẩn bị cho kế hoạch chuyển giao trước khi chính thức rời khỏi hãng phần mềm lớn nhất thế giới. Còn sự rút lui của Steve Jobs lại rất đột ngột dù đã có nhiều tin đồn liên quan đến vị trí CEO của ông. Vẫn biết sức khỏe của ông đang ngày một thuyên giảm và ông đã vắng mặt ở Apple vài tháng nay để đi chữa bệnh, không ít “iFan” vẫn tỏ ra hụt hẫng còn cổ phiếu của Apple lập tức giảm 5%.
Người ta lại nhớ đến giai đoạn khó khăn của Apple khi Jobs rời hãng này vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Apple chỉ thực sự “hồi sinh” khi ông trở lại vào năm 1997. Sự ra đi lần hai của Jobs không ảnh hưởng đến chiến lược và tầm nhìn của Apple trong vài năm tới vì loạt sản phẩm mới của hãng này đã được thiết kế và sẽ sớm đưa vào thử nghiệm. Điều giới quan sát lo ngại chính là tầm ảnh hưởng về mặt tinh thần của Jobs.
“Sẽ có một Apple hoàn toàn khác kể từ sáng nay. Họ phải giải bài toán khó mà không được phép sai. Và dù gì đi chăng nữa, không cách nào có thể thay thế một thiên tài vĩ đại như Jobs”, chuyên gia phân tích Richard Doherty nhận định.
Trong khi đó, Jobs lại rất tin tưởng vào tương lai của Apple. “Ở Apple có sự gắn kết đến khó tin, được tổ chức và hoạt động như thể vừa mới thành lập vậy. Chúng tôi là công ty mới thành lập lớn nhất thế giới”, Jobs từng nhận xét. Ông cũng đề nghị tiếp tục được giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị và đưa Tim Cook lên làm CEO. Cook đã có kinh nghiệm điều hành Apple mỗi khi Jobs vắng mặt và tỏ ra là người nhanh nhạy, thông minh.
Nokia và nguy cơ rơi vào hiệu ứng Osborne
Thay đổi của Apple đang nối dài thêm danh sách các tin tức gây kinh ngạc trong làng công nghệ. Những sự kiện này được mở màn bằng việc Nokia bắt tay với Microsoft và từ bỏ Symbian. Quyết định này gây chấn động bởi Symbian khi đó là nền tảng di động phổ biến nhất thế giới và Nokia là hãng điện thoại lớn nhất thế giới.
Nhiều chuyên gia công nghệ nhắc tới bài học Osborne. Cỗ máy Osborne 1 ra đời năm 1981 và trở thành một trong những máy tính ăn khách, nhưng nhà sản xuất lại nói họ chuẩn bị tung ra phiên bản 2 siêu việt hơn. Người dùng lập tức ngừng mua Osborne 1 và chờ đợi nhưng sản phẩm mãi không xuất hiện và công ty này phá sản. Người ta lo ngại Nokia đang đi vào vết xe đổ của Osborne. Trong thời gian tới, khách hàng sẽ không mua điện thoại của Nokia vì họ không muốn sở hữu một sản phẩm tích hợp nền tảng Symbian gần như đã bị bỏ rơi trong khi smartphone của hãng này chạy hệ điều hành Windows Phone vẫn chưa được chính thức công bố.
Câu hỏi lớn cho số phận của Android
Google Android đang là hệ điều hành di động phổ biến nhất và xuất hiện trên hàng loạt điện thoại của Motorola, HTC, Samsung, LG… Tuy nhiên, Google bỗng khiến nhiều đối tác “ngã ngửa” khi bỏ ra 12,5 tỷ mua lại Motorola. Động thái của hãng tìm kiếm Mỹ thâu tóm 17.000 bằng sáng chế của Motorola, giúp họ và các đối tác Android tự tin hơn trong cuộc chiến bản quyền với Apple và Microsoft.
Nhưng ai cũng thấy đầu tư hơn chục tỷ chỉ để mua các mẫu sáng chế là sự lãng phí quá lớn và hẳn Google đang tham vọng phát triển một mẫu điện thoại đột phá nào đó với kinh nghiệm của Motorola. Như vậy, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “miếng bánh” của đối tác. “Các đối tác sẽ điều chỉnh lại để xuất xưởng nhiều điện thoại Windows Phone 7 hơn để ít phụ thuộc Android hơn”, hãng nghiên cứu IDC nhận định.
Câu hỏi được đặt ra là Google đang ấp ủ điều gì với Motorola và liệu Microsoft có tận dụng cơ hội này để lôi kéo các nhà sản xuất châu Á chuyển sang dùng nền tảng của họ không. Nhiều ý kiến cho rằng Google đã tự sắm con dao hai lưỡi và các dự đoán Windows Phone sẽ phổ biến vào năm 2015 đang trở nên chính xác.
HP giã từ ngành kinh doanh máy tính
Giống như Nokia, HP vừa có một quyết định “hoặc thay đổi, hoặc chết”. Số phận máy tính mang thương hiệu HP sẽ được định đoạt trong 8-12 tuần nữa. Kế hoạch tự bán mình này khiến giới công nghệ vẫn đang cố lý giải vì sao HP sẵn sàng từ bỏ ngai vàng khi đang là công ty sản xuất máy tính số một thế giới và các hãng khác như Dell, Acer… đang cố với tới mà không được.
Trong quý vừa qua, doanh thu máy tính HP đạt tới 9,6 tỷ USD nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 567 triệu USD. Trong khi đó, bộ phận phần mềm, dịch vụ có doanh thu 9 tỷ USD nhưng lại giúp họ bỏ túi tới 1,23 tỷ USD. Như vậy, HP đang muốn dũng cảm chia tay rời bỏ thị trường quá cạnh tranh, khốc liệt nhưng mang về chẳng bao nhiêu. Hơn nữa, cơn bão smartphone và tablet đang càn quét khắp thế giới khiến các hãng máy tính buộc phải định hình lại chiến lược kinh doanh nếu không muốn tụt hậu.
HP không phải công ty đầu tiên nhận thấy họ lỗi nhịp trong sự phát triển điện toán. Dell cũng thừa nhận công việc kinh doanh PC không còn được như trước. Nhìn toàn cảnh, ngành công nghiệp PC bị ví như ngọn đèn le lói trong làn sóng điện toán di động.
Châu An
(theo VnExpress)
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |