Bạn có một công việc ổn định nhưng chưa bao giờ thấy thực sự hài lòng. Đam mê của bạn bị lãng quên, bởi bạn đang bận phải chạy theo những thành tích, bằng cấp, áp lực cơm áo mà gia đình, xã hội đặt lên vai bạn. Cứ sống thế này, bạn vẫn tồn tại, nhưng thế thì tẻ nhạt quá. Khi nhìn những người khác theo đuổi đam mê đến quên ăn, quên ngủ với tâm thái mạnh mẽ và nhiệt huyết, tìm kiếm những khoảnh khắc hạnh phúc, bạn có hối hận, tiếc nuối không?
Nguyễn Ngọc Thắng là một trong số những người trẻ đã tìm ra và kiên trì theo đuổi đam mê của mình. Cũng chịu áp lực từ cuộc sống cơm áo, gạo tiền, nhưng với mong muốn không phải hối tiếc và được làm việc mà mình có thể sống với nó suốt đời, Thắng đã dồn rất nhiều tâm lực vào niềm đam mê của đời mình: đó là trở thành một Lập trình viên.
Thắng bắt đầu tiếp xúc với máy tính là khoảng thời gian học lớp 6. Ngày đầu tiên sử dụng máy tính, thành tích của Thắng là đã xóa sạch hệ điều hành Windows (thời đó là hệ điều hành Windows 3.1). Đến năm lớp 10, chương trình học có môn học chính thức là môn Lập trình bằng ngôn ngữ Pascal và kết quả điểm trung bình môn của Thắng là 10.0, đây chính là động lực để Thắng quyết định đăng ký nguyện vọng 1 vào trường Đại học Bách Khoa chuyên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) và nguyện vọng 2 là trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Kết quả là bạn không đủ điểm vào nguyện vọng 1. Ở thời điểm đó, Thắng có khá trẻ nên vẫn còn rất mơ hồ giữa đam mê và mong muốn kiếm tiền của mình, nên đã quyết định học Đại học Kinh tế.
Sau khi tốt nghiệp, Thắng vào làm ở Ngân hàng Sacombank. Lúc đó, khi đã có thu nhập cá nhân cùng với sự hỗ trợ của gia đình, Thắng quyết định quay trở lại với đam mê của mình tại FPT Aptech (Thắng đăng ký học ngành Lập trình viên Quốc tế vào năm 2007). Tuy nhiên, sau khi học được một thời gian ngắn thì bạn phải thực hiện Nghĩa vụ quân sự vào cuối năm 2007. Năm 2009, dù đã hoàn tất Nghĩa vụ quân sự nhưng Thắng cũng không thể tiếp tục việc học lập trình do áp lực về thu nhập và nghề nghiệp. Trải qua công tác ở một số ngân hàng và cho đến bây giờ, sau khi đã ổn định gia đình và sẵn sàng về tài chính, một lần nữa Thắng quyết định quay trở lại FPT Aptech để tiếp tục niềm đam mê ấy, và một quyết định lớn hơn nữa là nghỉ việc để tập trung toàn bộ cho việc học.
Có thể thấy con đường đến với ngành lập trình của Thắng trải qua khá nhiều trắc trở do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Thắng tâm sự: “Lần này thì khó khăn lớn nhất là chấp nhận từ bỏ công việc và nghề nghiệp hiện tại để quay lại từ đầu. Nhưng thực sự đã có nhiều tấm gương về “Never too late to start”, đã có những người khởi nghiệp và thành công ở độ tuổi lớn hơn mình rất nhiều (trong đó điển hình là Harland Sanders đã lập nên KFC ở tuổi 65), chính điều này là động lực để mình quyết định.”
Nghỉ làm để tập trung cho việc học khi đã lập gia đình cũng khiến gia đình Thắng lo lắng nhiều (đặc biệt là vợ của Thắng). Tuy nhiên, mọi người vẫn ủng hộ và là nguồn động lực rất lớn để Thắng vững tâm theo đuổi điều mình mong muốn.
Thắng chia sẻ: “Vào thời điểm lần đầu tiên tìm trường để học, theo mình biết lúc đó có rất ít trường đào tạo Lập Trình Viên theo giáo trình quốc tế như FPT Aptech. Tìm hiểu thì mình thấy FPT Aptech được các thành viên ở các diễn đàn CNTT đánh giá tốt nên mình quyết định đăng ký học tại đây”.
Thành tích học tập tại FPT Aptech của Thắng rất tốt. Theo Thắng là do được tiếp cận với những gì mình thích nên rất hứng thú với các kiến thức được học. Ngoài thời gian học tại lớp, Thắng dành phần lớn thời gian còn lại trong ngày để tự học, hoàn thành các bài tập được thầy/cô giao, tự đặt ra các vấn đề mở rộng của bài tập/ nội dung môn học để tìm hiểu thêm nhằm nắm bắt kiến thức của bài học, tìm hiểu thêm về môn học ở các website hoặc các ebook có liên quan. Hàng ngày, Thắng cố gắng dành tối thiểu 10 tiếng cho việc học (bao gồm việc học ở lớp và tự học).
Vượt qua nhiều trở ngại, Thắng vẫn nuôi dưỡng niềm yêu thích thuở nhỏ và đến với lập trình với niềm đam mê chưa hề giảm và ngày một lớn hơn. Trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với gia đình chính nguồn động lực cho để bạn tiếp tục theo đuổi ngành này.
|
Khi hỏi về những tố chất cần và đủ đối với người lập trình viên, Thắng cười nói: “Đây là câu hỏi khá khó đối với người mới bắt đầu như mình, nhưng theo mình nghĩ điều kiện cần là phải có đam mê và điều kiện đủ là phải có khả năng tư duy logic. Đam mê để có thể hết mình với những gì mình làm. Tư duy logic sẽ giúp giải quyết được các bài toán lập trình: như định hình các vấn đề cần giải quyết của bài toán, sắp xếp các vấn đề đó hợp lý và tìm ra các thủ tục lập trình cho từng vấn đề, từ đó bài toán lập trình được giải quyết”.
Về dự định sau khi tốt nghiệp FPT Aptech, Thắng chia sẻ: “Hiện tại công nghệ về Trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thế giới và mình cũng rất yêu thích đối với lĩnh vực này. Đây sẽ là định hướng học tập, nghiên cứu và làm việc của mình bây giờ và sau này. Mục tiêu: mình sẽ cố gắng để một ngày nào đó là một trong những chuyên gia về AI của các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Google, IBM…”
Từ kinh nghiệm bản thân, Thắng muốn khuyên các bạn trẻ hãy xác định đúng đam mê của mình, và đừng để bị nhầm lẫn giữa đam mê và trào lưu. Hãy chủ động tạo ra đam mê cho chính mình. Khi bạn đã đặt niềm tin vào mục tiêu mà mình đã lựa chọn rồi thì công việc tiếp theo của bạn đó là xây dựng cho mình một kế hoạch để hoàn thành mục tiêu đó. Một khi đã xác định được đam mê của mình thì đừng bao giờ từ bỏ.
|
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |