(Post 13/02/2006) Các bạn trẻ ấy đã không may mắn khi phải mang khuyết tật, nhưng họ đã không quỵ ngã. Bằng niềm tin và ý chí, họ đã đứng lên, mỉm cười với cuộc đời. Xin giới thiệu một vài gương sinh viên nhận học bổng “sinh viên khuyết tật vượt khó học giỏi”.

Nguyễn Việt Hương

Với Nguyễn Việt Hương, cuộc đời tưởng như chỉ còn là màu đen khi đôi chân em dập nát sau một tai nạn ô tô từ ngày mới lên 10 tuổi. Em kể lại rằng gần như suốt những năm học phổ thông tại quê nhà ở Lào Cai, em đã không còn niềm tin vào tương lai. Được bố mẹ đưa xuống Hà Nội để lắp và tập đi bằng chân giả, hằng ngày Hương đọc nhiều báo và biết đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin. Mặc dù gần 1 năm trời tập luyện, do thương tật quá nặng, Hương vẫn không thể đi được bằng chân giả, nhưng trong em đã cháy bỏng mơ ước trở thành một lập trình viên phần mềm tin học. Hương quyết tâm học tập và thi đỗ vào Trường Đào tạo lập trình viên APTECH.

Say mê với ngành học đã chọn, Hương dự định xây dựng một website tổng quan về người khuyết tật, nhằm vận động cộng đồng trong, ngoài nước cùng giúp đỡ, sẻ chia với những người không may mắn. Hương tâm sự: “Mong muốn của em là tìm cách tạo dựng, qui tụ những người khuyết tật thành từng nhóm tại các vùng xa xôi, từ đó thông tin hỗ trợ cho nhau và tìm kiếm sự giúp đỡ của những người hảo tâm, những chương trình hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm. Hỗ trợ người khuyết tật cũng chính là một trong những điểm quan trọng trong Mục tiêu thiên niên kỷ mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện với cộng đồng 198 nước trên thế giới…Hi vọng sẽ có nhà hảo tâm nào đó giúp em thực hiện dự định nhân đạo này!”. Hương cũng tích cực tham gia sinh hoạt tại CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội và vận động tìm kiếm hỗ trợ người khuyết tật ở CLB Phụ nữ quốc tế Hà Nội, UNDP (Cơ quan Phát triển của Liên hợp quốc)…

Đặng Ánh Tuyết

Sự tủi thân về đôi chân bị bại liệt từ nhỏ của Đặng Ánh Tuyết chỉ càng làm cô bé thêm quyết tâm giành nhiều giải thưởng học sinh tiên tiến, học sinh giỏi suốt những năm học phổ thông. Năm 2002, Tuyết đỗ vào khoa tiếng Pháp, trường ĐHDL Phương Đông, cuộc sống và học tập của Tuyết tiếp tục là một chặng đường vượt khó. Với tính tình thâm trầm và sâu sắc, những ngày mưa gió, đường ngập, người ta vẫn thấy một cô gái trẻ đi chiếc xe ba bánh lặn lội tới trường. Nhiều hôm rời xe lăn, bước chân chống nạng, cô lập cập và ngã ngay gần cửa lớp… Tháng 4 vừa rồi, Tuyết tham gia sinh hoạt CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội, tháng 7, gia nhập CLB Thể thao Khúc Hạo. Bằng nỗ lực sắt đá, tháng 10 Tuyết được đi dự giải thể thao toàn quốc tại TP. HCM và đoạt HCB ở bộ môn cử tạ. Tuyết vui lắm, thấy cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa hơn. Tuyết tâm sự sẽ nỗ lực hơn nữa để đạt được những thành tích cao trong thể thao và học tập. Hiện nay Tuyết đang cùng với các chuyên gia đi tới các tỉnh phía Bắc để tuyên truyền phát động phong trào tập thể thao. Thay cho nét mặt trầm lặng, giờ đây nụ cười tươi thường xuyên ngự trị trên khuôn mặt của cô gái trẻ Đặng ánh Tuyết.

Nguyễn Hải Bằng

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mới 8 tháng tuổi, Nguyễn Hải Bằng đã bị di chứng từ cơn sốt viêm não Nhật Bản, khiến liệt hệ thần kinh vận động, hai chân bị teo và co quắp, đôi bàn tay không thể cầm nắm bình thường. Năm 6 tuổi, trong khi bạn bè cùng lứa đã cắp sách đến trường, Hải Bằng lại phải nằm trên giường bệnh. Vì thương con, mẹ Bằng quyết định nghỉ việc ở xí nghiệp để đưa con đi chạy chữa, với hy vọng duy nhất Bằng có thể đứng trên đôi chân của mình… Mãi đến năm lên 8 tuổi, ước mơ của Bằng và gia đình mới trở thành hiện thực sau ca mổ chân tại một bệnh viện ở TP.HCM.

Năm 10 tuổi, Hải Bằng mới bắt đầu đến trường trên đôi nạng gỗ – quà tặng của bố mẹ cho ngày đầu tiên đi học. Những ngày ấy thật khó khăn đối với cậu, những nét chữ cứ nguệch ngoạc không theo ý muốn vì bàn tay luôn co cắp. Nhưng nghị lực và lòng say mê học tập đã giúp Hải Bằng luôn là học sinh giỏi suốt 12 năm học phổ thông. Cách đây 2 năm, Hải Bằng thi đỗ Khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ với số điểm rất cao (9 điểm môn Tiếng Anh) nhưng do nhà xa không có điều kiện đi lại, Bằng đã xin chuyển về học tại trường ĐHDL Quản trị kinh doanh. Sống cởi mở và nhiệt tình, cậu được đông đảo bạn bè, thầy, cô yêu quý. Bước vào năm thứ ba đại học, với danh hiệu là sinh viên giỏi xuất sắc, Bằng có một tủ sách đầy tài liệu và từ điển tiếng Anh, băng đài… Bằng tâm sự: “Tiếng Anh cần thiết như… đôi chân giúp mình hòa nhập cùng bè bạn. Mỗi người chỉ cần cố gắng hơn một chút là có thể thành công, còn mình thì phải nỗ lực gấp nhiều hơn thế mới hy vọng…”. Mong ước của Bằng là được ở lại giảng dạy tại trường sau khi tốt nghiệp và học thêm một bằng Quản trị Kinh doanh để tích lũy kiến thức. Có lẽ đây cũng chưa phải là dự định duy nhất của Bằng cho tương lai…

(theo Báo Hànộimới điện tử)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96