(Post 16/02/2006) Được đánh giá là một trong năm nghề “nóng” nhất khi Việt Nam gia nhập WTO nên theo nhận định của một số chuyên gia về lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT), để nắm bắt kịp thời những cơ hội việc làm và khả năng thăng tiến thì những kỹ sư CNTT của VN cần có sự chuẩn bị tốt về chuyên môn cũng như khả năng thích nghi. Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ Việt Nam (PNVN), ông Nguyễn Khắc Thành – Giám đốc Trung tâm Aptech FPT – đã nhấn mạnh đến vấn đề này.

Ông nghĩ gì khi Việt Nam (VN) gia nhập WTO trong bối cảnh CNTT phát triển mạnh mẽ như hiện nay?

Sau cuộc khủng hoảng của DOT Com năm 2000, từ đó đến nay thị trường CNTT thế giới phát triển rất nhanh và mạnh. Ở VN cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao. Riêng ngành công nghệ phần mềm trong 3 năm trở lại đây luôn duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao 30 – 40%. Tốc độ tăng trưởng này cũng có nghĩa nó cần một lực lượng lao động rất lớn. Xin đưa ra một ví dụ là công ty FPT Software – một công ty chuyên gia công phần mềm của FPT, cuối năm 2004 mới có khoảng 400 nhân viên nhưng đến nay số lượng nhân viên đã tăng lên gấp đôi, chỉ riêng công ty này trong năm 2005 cũng đã tạo ra hơn 500 việc làm. Có thể thấy đây là một cơ hội rất lớn cho lực lượng lao động trẻ của VN để được thăng tiến trong một ngành kinh tế mở đầy tiềm năng. Như vậy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực CNTT thì việc VN gia nhập WTO chắc chắn sẽ là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội việc làm cho đội ngũ kỹ sư CNTT. Vấn đế là chúng ta chuẩn bị lực lượng lao động đến đâu để đón đầu cơ hội.

Theo ông, sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì đối với kỹ sư CNTT Việt Nam khi tham gia thị trường quốc tế?

Chúng ta đang được sống trong môi trường mở. Những thành tựu khoa học và công nghệ mới không còn bó hẹp trong phạm vi của một quốc gia mà được chuyển giao nhanh chóng và mạnh mẽ giữa các nước trên thế giới. Vì thế, đội ngũ kỹ sư CNTT của VN có thể tiếp cận rất nhanh với công nghệ mới. Hơn nữa, chúng ta đang sở hữu trong tay một đội ngũ lao động trẻ, dồi dào và có khả năng nắm bắt nhanh. Những phẩm chất vốn có như cần cù, không ngừng học hỏi sẽ giúp cho người VN tranh thủ được kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật và công nghệ của nước ngoài. Đó thực sự là những thuận lợi rất lớn khi VN mở cửa hội nhập vào thị trường CNTT thế giới.

Tuy nhiên, việc gia nhập thị trường CNTT quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với họ. Trước hết là trình độ ngoại ngữ. Trong thời đại toàn cầu hóa, hầu hết các ngành nghề đều cần đến yếu tố này, đặc biệt là ngành CNTT. Song, khi những kỹ sư CNTT của chúng ta bắt đầu gia nhập thị trường quốc tế thì điểm yếu này lại bộc lộ khá rõ, đặc biết là các kỹ năng về giao tiếp và đàm phán. Tiếp đến là trình độ quản lý. Trên thực tế, những kỹ sư CNTT của VN hiện đang làm ở những vị trí cấp quản lý như quản trị dự án, trưởng nhóm… rất ít, chủ yếu mới tập trung trong khâu lập trình.

Thứ ba là tác phong làm việc. Do xuất phát điểm thấp, chúng ta thực hiện CNH từ một nền nông nghiệp nên tính kỷ luật trong lao động chưa cao. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến “thương hiệu” của lao động VN trên trường quốc tế. Nếu chúng ta không thích nghi tốt, chương trình đào tạo và hệ thống bằng cấp không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cũng như đòi hỏi của thị trường thì những kỹ sư CNTT của chúng ta sẽ không có việc làm, thậm chí là phải chịu cảnh “lấn sân” của lao động từ nước ngoài vào nước ta làm việc. Đây sẽ là một sự lãng phí rất lớn không chỉ về chi phí đầu tư cho đào tạo mà còn cả nguồn chất xám.

Là người đứng đầu một trung tâm chuyên đào tạo kỹ sư CNTT ở VN, ông nghĩ gì về hoạt động đào tạo CNTT trong các trường học của VN hiện nay?

Phải thừa nhận rằng giữa đào tạo và lao động thực tế luôn có khoảng cách. Nhiệm vụ của mình là làm sao giữ cho khoảng cách đó càng hẹp càng tốt. Việc nhà trường trang bị những kiến thức gốc, mang tính hàn lâm cho lực lượng kỹ sư trẻ là yếu tố cần nhưng chưa đủ, mà phải có sự bổ sung của các kỹ năng ứng dụng mới giúp các cử nhân khi ra trường thích ứng nhanh với thị trường lao động.

Hơn nữa, việc tạo ra một cơ chế thông thoáng trong việc thừa nhận những bằng cấp không chính quy sẽ là rất cần thiết nhằm tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những bạn trẻ yêu thích lĩnh vực này. Được biết, trong Luật giáo dục sữa đổi sẽ có hiệu lực từ năm 2006, Bộ GD&DT đã đưa ra một quyết sách kịp thời, đó là tạo ra một cơ chế để hệ thống bằng cấp có sự liên thông với nhau. Cụ thể, tấm bằng có được từ những hệ thống đào tạo hai năm giống như của Aptech có thể sẽ được công nhận tương đương như bằng cao đẳng. Thực tế, chương trình đào tạo của Aptech hiện đã được một số trường đại học nước ngoài thừa nhận. Chỉ cần học viên đã tốt nghiệp Aptech học thêm một năm rưỡi thì sẽ được cấp bằng của trường đó.

Theo ông, con đường nào là thích hợp với ngành CNTT nói chung và lực lượng kỹ sư CNTT của VN nói riêng?

Khi hội nhâp vào thị trường quốc tế, ngành CNTT Việt Nam muốn phát triển thì cần phải đi bằng cả hai chân, tức là vừa phát triển thị trường trong nước vừa phát triển thị trường nước ngoài, có như vậy, ta mới có sự phát triển bền vững. Do đó, việc cần làm là phải thực hiện xúc tiến thương mại tốt, bằng cách xây dựng cho mình một hình ảnh đáng tin cậy. Giống như ngành du lịch cần một khẩu hiệu để quảng bá, những kỹ sư CNTT của VN cũng nên xây dựng cho mình hình ảnh “Việt Nam là điểm đến, là sự lựa chọn đáng tin cậy” của các doanh nghiệp cần gia công phần mềm.

Tất nhiên, để sáng tạo được những phần mềm mang tính ứng dụng cao như Microsoft bán ra thị trường đối với các kỹ sư CNTT VN là một tương lai khá xa. Tuy nhiên, hãy nhìn lại những gì đã đạt được trong thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng đó. Cách đây 2 năm, VN chưa được xếp hạng trên bảng tổng sắp thế giới nhưng hiện nay chúng ta đã có được một chỗ đứng. Mặc dù mới ở vị trí khiêm tốn nhưng VN đã được xem là một sự lựa chọn về gia công phần mềm, đặc biệt là với đối tác Nhật Bản. Họ rất coi trọng những sản phẩm của các kỹ sư CNTT VN. Họ coi VN là sự lựa chọn thứ 4 của họ. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Song, điều tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta hãy chuẩn bị lực lượng lao động thật tốt với trình độ tay nghề và khả năng thích ứng cao khi đó sẽ có cơ hội để phát triển.

Xin cám ơn ông!

Thu Thủy
(theo Báo Phụ Nữ Việt Nam)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96