(Post 09/02/2006) Ở một địa bàn xa xôi như huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, không có Internet, khái niệm CNTT vẫn là xa lạ, song Lê Thị Như Tưởng bằng ý chí, nỗ lực đã lập trình được phần mềm “Quản lý công tác khiếu nại và tố cáo”, đem đến tham dự cuộc thi TTVN. Với sản phẩm này, Như Tưởng được nhận phần thưởng Nghị lực của Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao Động và học bổng Aptech…
Chỉ với vốn kiến thức từ lớp học sửa chữa phần cứng trong 6 tháng, Như Tưởng phải thường xuyên mày mò, tìm hiểu về lập trình qua công cụ HELP trên máy tính. Và để thực hiện được theo các hướng dẫn trên HELP, Như Tưởng phải nhờ người anh chồng Nguyễn Đức Tân (cán bộ thanh tra huyện Vân Canh, đồng tác giả phần mềm dự thi TTVN) dịch giúp các hướng dẫn trên công cụ hỗ trợ đó. Tài liệu tham khảo hiếm hoi, Như Tưởng học hỏi thêm qua đọc ké tạp chí PC World – Thế giới Vi tính – của anh Đức Tân. Chính vì hay đọc PC World, Như Tưởng biết đến cuộc thi TTVN.Sống ở Vân Canh – một huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng, cô cán bộ của Liên đoàn Lao động huyện Lê Thị Như Tưởng, 24 tuổi, ngược lại, muốn thực hiện những trò “phù thuỷ” trên chiếc máy tính.
Không có máy tính riêng, Như Tưởng thường xuyên phải hy sinh ít nhất 1 giờ chăm sóc gia đình buổi tối để thực hiện sản phẩm. Đã thế, chiếc máy tính ở cơ quan cấu hình thấp với bộ xử lý 133 MHz, RAM 8 Mb, HDD (ổ cứng) 1,2 Gb cứ khoảng 1 giờ là nóng máy nên mỗi lần sử dụng lâu lại phải tắt máy và… ngồi chờ nguội bớt. Thêm nữa, đôi khi Như Tưởng gặp khó khăn, vì không phải ai cũng ủng hộ cô, nên quá trình hoàn thành sản phẩm bị chậm lại. May mắn, cùng với quyết tâm của mình, Như Tưởng còn nhận được sự ủng hộ từ những người thân.
Cuối cùng, qua hơn một năm lao tâm khổ tứ, chương trình “Quản lý khiếu nại và tố cáo”, gọi tắt là “Quản lý khiếu tố”, đã ra đời vào tháng 4.2003, giúp quản lý tốt hơn tình hình khiếu nại tố cáo (KNTC) trong toàn huyện, cung cấp những thông tin cần thiết cho các cấp lãnh đạo. Chương trình hiện đang sử dụng cho cơ quan thanh tra huyện. Cơ quan Thanh tra tỉnh Bình Định (ở Quy Nhơn) cũng muốn được làm việc trên chương trình này, nhưng vì đường sá xa xôi (cách khoảng 50km) nên công việc cài đặt chưa tiến hành được. Vậy là ý muốn đóng góp một phần ý tưởng vào việc lập hệ thống quản lý KNTC chung, đưa việc quản lý KNTC bằng CNTT thành một nghiệp vụ hành chính của Như Tưởng đã thành hiện thực. Như Tưởng đem sản phẩm của mình đi dự thi TTVN vì “TTVN là một cuộc thi hấp dẫn, bổ ích, qua đó, tôi có điều kiện giao lưu, học hỏi thêm về CNTT và giới thiệu sản phẩm của mình”.
Như vậy, con đường đến với CNTT, với cuộc thi TTVN của Như Tưởng như một cuộc kết nối Internet không dây.
Thú vị hơn, Như Tưởng còn có “cuộc kết nối Internet không dây sinh học” thành công với người bạn đời của mình. Đấy là hồi Như Tưởng về làm việc tại LĐLĐ huyện Vân Canh. Vì niềm say mê, ham thích học hỏi CNTT, Như Tưởng quen biết, làm bạn với anh Nguyễn Đức Tân. Anh Đức Tân có người em trai cũng thích tìm hiểu CNTT nên hay đến học hỏi, quan sát công việc ngoài giờ của hai đồng tác giả. Và chàng trai thích tìm hiểu CNTT kia giờ là phu quân của Như Tưởng. Thời điểm sản phẩm đem đến dự thi TTVN cũng là lúc niềm vui của Như Tưởng được nhân đôi, vì cùng với việc đem sản phẩm dự thi TTVN, Như Tưởng hoàn thiện một sản phẩm nữa – một bé trai ra đời.
Theo Thanh Huyền – báo Lao Động
FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |