(Post 05/09/2011) Một chợ ứng dụng do người Việt, cho người Việt trên nền Android là mơ ước không của riêng ai. Chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với người đã dám hiện thực ước mơ ấy với sản phẩm ViMarket, chợ ứng dụng thuần Việt.
1 vài năm trở lại đây, trong cuộc chạy đua giữa các HĐH dành cho smartphone, yếu tố quyết định người thắng cuộc không còn nằm ở bản thân HĐH mà lại do số lượng, chất lượng và khả năng tiếp cận người sử dụng của “chợ ứng dụng” dành cho nền tảng đó.
App Store của Apple đã góp phần rất lớn trong việc làm nên thành công rực rỡ của iPhone, iPad. Tương tự như vậy, Android sở dĩ có những bước tiến nhanh chóng như một vài năm trở lại đây một phần là vì Android Market đang có những sự tăng trưởng ấn tượng và trên đà bắt kịp App Store của Apple.
Ngoài số lượng, chất lượng ứng dụng thì khả năng tiếp cận người sử dụng là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến khả năng thành công của 1 chợ ứng dụng. Vấn đề là ở chỗ, những chợ ứng dụng mang tính “quốc tế” như Android Market hay App Store đều được Google hay Apple xây dựng cho các thị trường chủ lực.
Đó là Mỹ, là châu Âu và các nước phát triển ở châu Á, nơi mà các dịch vụ thanh toán trực tuyến đã trưởng thành, và việc mua và thanh toán tiền cho 1 ứng dụng chỉ đơn giản là 1 cái nhấp chuột. Nhưng khi cập bến Việt Nam, những rào cản về ngôn ngữ và thanh toán trực tuyến đã ngăn cản sự tiếp cận của người sử dụng đến dịch vụ này. Điển hình như App Store của Apple đòi hỏi phải có thẻ tín dụng thanh toán quốc tế mới có thể tải được ứng dụng, dù là miễn phí. Tất nhiên cũng có 1 vài cách “lách luật”, nhưng rõ ràng với những rào cản như vậy, đại đa số người sử dụng sẽ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể đến những rào cản về ngôn ngữ cũng gây nhiều khó khăn cho người dùng.
Nắm được nhu cầu ấy, một số chợ ứng dụng “made in Việt Nam” ra đời. Đặc điểm của những chợ ứng dụng này thường là do người Việt tạo nên và hướng tới phục vụ người Việt. Vì vậy những ưu điểm của chợ ứng dụng “thuần Việt” là rất lớn khi so sánh với các chợ ứng dụng quốc tế. Trên nền tảng iOS hiện tại có thể nhắc tới AppStoreVN, và trên nền Android có 1 cái tên đáng chú ý: ViMarket. Chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ anh Lê Văn Giáp người phát triển ViMarket để tìm hiểu về chợ ứng dụng này.
Nội dung
- 1 Anh có thể giới thiệu đôi nét về chợ ứng dụng ViMarket?
- 2 Ý tưởng về ViMarket đã đến với anh như thế nào?
- 3 Anh có thể nói qua về mục đích của anh khi lập nên ViMarket, vì hiện tại Android Market là 1 chợ ứng dụng rất lớn bao quát toàn bộ HĐH Android. Liệu 1 ViMarket ra đời có là “thừa”?
- 4 Hiện tại nếu như tôi là 1 lập trình viên, muốn đưa ứng dụng của mình lên ViMarket thì sẽ phải làm như thế nào?
- 5 Hiện tại trên ViMarket có bao nhiêu ứng dụng của người Việt và bao nhiêu lập trình viên Việt Nam?
- 6 Tôi thấy hiện tại trên ViMarket có khá nhiều game, ứng dụng của nước ngoài. Liệu những ứng dụng đó có phải là do nhà phát triển tự đưa lên?
- 7 Đã có ứng dụng “thuần Việt” nào do lập trình viên gửi lên bị ViMarket từ chối hay chưa?
- 8 Khó khăn lớn nhất mà anh gặp trong quá trình xây dựng ViMarket là gì?
Anh có thể giới thiệu đôi nét về chợ ứng dụng ViMarket?
ViMarket là chợ ứng dụng dành cho các thiết bị chạy HĐH Android, ViMarket ra đời từ tháng 4-2011 và hiện nay ViMarket đã có khoảng 25 ngàn người dùng với khoảng trên 500 ứng dụng và hơn nửa triệu lượt tải ứng dụng. Trong thời gian tới, ViMarket sẽ đưa ra 1 phiên bản chính thức hỗ trợ nhiều tính năng mới, đồng thời có thêm 1 phiên bản web ở địa chỉ vimarket.vn
Ý tưởng về ViMarket đã đến với anh như thế nào?
Tôi sử dụng Android từ những ngày đầu tiên mà HĐH này ra mắt, cách đây hơn 3 năm và thấy rằng đây là 1 HĐH có nhiều tiềm năng. Ngay từ khi đó tôi đã có ý định làm 1 chợ ứng dụng cho Android. Tuy nhiên vào thời điểm đó Android còn có quá ít người sử dụng. Qua năm 2010 lượng người dùng Android ở Việt Nam tăng vọt, tạo điều kiện cho 1 chợ ứng dụng trên nền Android tồn tại và phát triển thì tôi mới triển khai được chợ ứng dụng này và hiện tại đã chạy thử nghiệm được 3 tháng.
Anh có thể nói qua về mục đích của anh khi lập nên ViMarket, vì hiện tại Android Market là 1 chợ ứng dụng rất lớn bao quát toàn bộ HĐH Android. Liệu 1 ViMarket ra đời có là “thừa”?
ViMarket mong muốn tạo một chợ ứng dụng riêng cho người Việt và phục vụ người Việt theo văn hóa và thị trường nội địa. Bản thân tôi thấy phương thức thanh toán của Android Market khiến người sử dụng Việt Nam khó tiếp cận với những ứng dụng trả phí, điều này dẫn tới việc những ứng dụng trả phí dành cho người Việt không tìm được chỗ đứng trên Android Market. Vì vậy các lập trình viên Việt Nam khi viết ứng dụng cho Android chỉ có 2 sự lựa chọn, 1 là phát hành miễn phí ứng dụng của mình, 2 là viết ứng dụng hướng đến đối tượng… người nước ngoài. Thành ra ứng dụng thuần Việt trên Android Market vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng bất chấp việc cộng đồng học lập trình game của Việt Nam có rất nhiều người giỏi có thể viết được những ứng dụng chất lượng cao.
Những thông tin về quyền truy cập thế này rất quan trọng nhưng lại thường bị người dùng Việt Nam bỏ qua vì trên Android Market được viết bằng tiếng Anh. Ở ViMarket việc các mô tả này được viết và chú thích bằng tiếng Việt sẽ tạo nhiều thuận lợi và an toàn cho người sử dụng hơn.
Android Market lại sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh là chủ yếu gây khó khăn cho nhiều người khi cần đọc hiểu những mô tả về ứng dụng. ViMarket với giao diện thuần Việt, hỗ trợ tối đa cho các ứng dụng thuần Việt và sẽ hỗ trợ các phương thức thanh toán đơn giản, tiện lợi như nhắn tin SMS, thanh toán bằng ngân hàng nội địa tin tưởng là có thể khắc phục được yếu điểm đó của Android Market và đem lại lợi ích cho cả người dùng lẫn lập trình viên.
Hiện tại nếu như tôi là 1 lập trình viên, muốn đưa ứng dụng của mình lên ViMarket thì sẽ phải làm như thế nào?
Ở thời điểm hiện tại, bạn có thể liên hệ với ban quản lý ViMarket ở email [email protected] để đưa ứng dụng của mình lên. Trong thời gian tới, ViMarket sẽ phát triển tính năng giúp mỗi lập trình viên có thể đăng ký tài khoản và tự upload ứng dụng của mình lên ViMarket.
Hiện tại trên ViMarket có bao nhiêu ứng dụng của người Việt và bao nhiêu lập trình viên Việt Nam?
Vì thời gian hoạt động còn ngắn nên số lượng ứng dụng chưa nhiều, mới chỉ khoảng 30 ứng dụng với hơn chục lập trình viên Việt Nam tham gia đóng góp cho ViMarket. Nhưng chắc chắn con số này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới khi ViMarket có những cải tiến và ra phiên bản chính thức. Thêm nữa đứng sau ViMarket là sự hỗ trợ của cộng đồng diễn đàn VietAndroid.com với hơn 17000 thành viên, phần lớn là developer nên sẽ dễ dàng thu hút các lập trình viên.
Tôi thấy hiện tại trên ViMarket có khá nhiều game, ứng dụng của nước ngoài. Liệu những ứng dụng đó có phải là do nhà phát triển tự đưa lên?
Hiện tại hầu hết các ứng dụng nước ngoài trên ViMarket đều cho đội ngũ điều hành tuyển chọn các ứng dụng chất lượng cao để đưa lên, không phải do nhà phát hành. Vì vậy dù chỉ mới có trên 500 ứng dụng nhưng ViMarket được đảm bảo không có ứng dụng “rác” và những ứng dụng đã ở trên ViMarket đều là những ứng dụng hay, có giá trị sử dụng cao đồng thời giúp người dùng không mất thời gian chọn lựa cũng như thuận tiện hơn trong việc download nếu so với Android Market.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều đối với các chợ ứng dụng đó là việc kiểm duyệt ứng dụng để đảm bảo nội dung cũng như sự an toàn cho người sử dụng. Ngay cả Android Market cũng đang gặp nhiều rắc rối khi những ứng dụng có hàng chục ngàn lượt tải bị phát hiện là có giấu malware bên trong. ViMarket ứng xử với vấn đề này như thế nào?
ViMarket hiện tại đã có quy trình kiểm duyệt ứng dụng của riêng mình, gồm 2 bước, bước đầu tiên là kiểm duyệt tính an toàn và các hành vi của ứng dụng trên thiết bị. Bước thứ 2 là kiểm duyệt về nội dung của ứng dụng để đảm bảo ứng dụng không vi phạm pháp luật cũng như thuần phong mỹ tục Việt Nam.
??? Tìm hiểu thêm: Game trên Google+ sẽ tuyệt vời hơn trên Facebook?
Đã có ứng dụng “thuần Việt” nào do lập trình viên gửi lên bị ViMarket từ chối hay chưa?
Hiện tại thì chưa, mặc dù cũng có 1 số trường hợp ứng dụng có những hành vi không minh bạch như tự động gửi tin nhắn SMS, ViMarket chỉ yêu cầu lập trình viên sửa đổi tính năng này chứ không từ chối ứng dụng.
Hiện tại đã có 1 số chợ ứng dụng của Việt Nam thương mại hóa sau 1 thời gian hoạt động miễn phí, như AppStoreVN chẳng hạn. Hiện tại ViMarket cũng chỉ đăng tải ứng dụng miễn phí, liệu trong tương lai ViMarket có ý định thương mại hóa và nếu có thì anh sẽ làm như thế nào?
ViMarket đã có phương hướng thương mại hóa. Việc thương mại hóa giúp lập trình viên có được nguồn thu từ ứng dụng, giúp họ có thu nhập và khích lệ việc viết ra các ứng dụng có chất lượng hơn. Và chắc chắn người dùng Việt Nam cũng không ngại ngần gì khi phải bỏ ra 10-15 ngàn đồng để mua 1 game chất lượng cao hoặc 1 ứng dụng hay do người Việt viết ra. Nếu chỉ đăng lên các ứng dụng miễn phí thì ViMarket không khác gì Android Market cả. Một trong những mục đích của ViMarket là giúp người dùng Việt có thể mua được các ứng dụng trả phí 1 cách dễ dàng hơn. Thử tưởng tượng bạn có thể chỉ cần nhắn 1 tin nhắn SMS hoặc ngồi ở nhà sử dụng cổng thanh toán trực tuyến như NganLuong, BaoKim, Sohapay để mua ứng dụng. Ngoài ra việc tích hợp các cổng thanh toán thông qua dịch vụ ebanking của 1 số ngân hàng nội địa cũng đang được xem xét.
Khó khăn lớn nhất mà anh gặp trong quá trình xây dựng ViMarket là gì?
Chắc là vấn đề tài chính (cười). Chi phí để xây dựng, vận hành ViMarket có lẽ không đong đếm hết được nhưng lại hầu như do cá nhân tôi chi trả. Hiện tại ViMarket cũng đang muốn tìm kiếm nguồn tài trợ từ các quĩ đầu tư hoặc các công ty đang muốn phát triển chợ ứng dụng trên nền Android.
Cám ơn anh và chúc những dự định trong tương lai của ViMarket sớm thành sự thực!
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |