(Post 03/04/2008) …Giang Thiên Phú (Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế APTECH) không còn nhớ mình đã đoạt tổng cộng bao nhiêu giải thưởng. Chỉ riêng 3 năm liên tiếp, từ 2004-2007, Phú đã đoạt 2 giải nhất và 1 giải ba cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc”…

Hai gương mặt trẻ dưới đây cùng thế hệ 8X, cùng một niềm đam mê cháy bỏng là đưa những nghiên cứu khoa học của mình phục vụ cộng đồng. Họ vừa được bình chọn Gương mặt trẻ tiêu biểu 2007.

Mỗi năm một giải thưởng

Giang Thiên Phú (Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế APTECH) không còn nhớ mình đã đoạt tổng cộng bao nhiêu giải thưởng. Chỉ riêng 3 năm liên tiếp, từ 2004-2007, Phú đã đoạt 2 giải nhất và 1 giải ba cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc” với các sản phẩm: “Máy vệ sinh chuồng gà”; “Kính hiển vi thông minh làm từ webcam” và “Máy bay chạy bằng động cơ đốt trong điều khiển từ xa”. Ở tuổi 19, cái tên khá đặc biệt: Giang Thiên Phú đã khiến nhiều bạn trẻ cùng trang lứa phải ngưỡng mộ.

Năm 2003, với con “Robot bốc xi măng” mang tham dự cuộc thi Nhà khoa học trẻ tương lai, Phú đã giành giải sáng tạo nhất. Từ năm đó đến nay, hễ tham gia cuộc thi nào, y như rằng, Phú đều có tên trong danh sách nhận giải thưởng… Không chỉ đoạt giải trong nước, Phú còn nhận được giải thưởng của WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới).

Có một điều khá thú vị với gương mặt trẻ này là Phú luôn làm mọi người phải bất ngờ với những quyết định hơi… khác người. Mặc dù nhà ở huyện Đông Anh (Hà Nội), song Phú lại muốn lên Sóc Sơn học cấp 3 chỉ vì lý do ghét học thêm. “Đi học thêm lắm khi còn làm giảm hiệu quả học trên lớp. Tại sao mọi người cứ phải chạy theo thành tích, chạy theo đám đông trong khi mình thấy chỉ cần học trên lớp đã quá đủ rồi” – Phú giải thích. “Sự nghiệp” nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục gặt hái thành công khi Phú đỗ vào khoa Cơ khí (ĐH Công nghiệp Hà Nội), nhưng cậu đột ngột rẽ ngang thi vào Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế APTECH.

Cuối năm 2007, sau khi trở về từ Festival sáng tạo trẻ của T.Ư Đoàn tổ chức, Phú đã nảy ra ý tưởng xây dựng diễn đàn. Phú thổ lộ: “Không phải năm nào các bạn trẻ đều có điều kiện tham gia vào các cuộc thi khoa học hay sáng tạo trẻ. Mình muốn tạo một không gian riêng để những người yêu khoa học trong cả nước có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu. Nếu T.Ư Đoàn chấp thuận, mình sẵn sàng xây dựng nó thành diễn đàn của phong trào Sáng tạo trẻ”

Làm bạn với các virus nguy hiểm

Nhắc đến tên virus H5N1 hẳn nhiều người đều biết, nhưng ít ai biết, một thành viên trẻ nhất của nhóm nghiên cứu sản xuất chủng giống H5N1 là Phạm Minh Tuấn – gương mặt trẻ Việt Nam (làm việc tại Phòng Vi sinh vật học phân tử – Viện Công nghệ sinh học). Năm 2005, dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, có nguy cơ lan rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, gây thiệt hại cho đời sống bà con nông dân. Nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước là trong 6 tháng, Viện sinh học phải nghiên cứu sản xuất chủng giống virus cúm gia cầm H5N1 sử dụng cho tạo vắc-xin cúm gia cầm.

Được tham gia nghiên cứu trong đề tài cấp nhà nước là một vinh dự nhưng cũng là thách thức với một sinh viên trẻ mới ra trường. Nhắc lại những kỷ niệm “nếm mật, nằm gai” cùng với virus H5N1, Tuấn kể: “Công việc đầu tiên của mình là hằng ngày chạy ngược chạy xuôi lên sân bay ngóng chờ chủng giống từ bên Anh về. Vừa hồi hộp lo lắng, không biết quá trình bay, rồi thời gian bảo quản ở sân bay có ảnh hưởng đến chất lượng chủng giống hay không. Trách nhiệm càng nặng nề hơn, khi biết chỉ có một liều duy nhất, nếu hỏng không có cái thứ hai”. Cũng may, chủng giống đã được đưa về phòng thí nghiệm an toàn.

Suốt mấy tháng trời làm việc không ngày nghỉ, không phân biệt ngày hay đêm, “người bạn” thân thiết nhất của Tuấn là virus H5N1. Đối với Tuấn, virus H5N1 không đáng sợ bằng việc canh chừng nhiệt độ phòng ấp trứng. “Điều kiện nuôi virus rất phức tạp, có một quy trình nghiêm ngặt. Chỉ sơ sẩy một chút, sẽ không có cơ hội làm lại, thành quả cố gắng coi như đổ xuống sông, xuống biển. Xin lại chủng giống sẽ rất khó. Hơn nữa, còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia” – Tuấn nói.

Thu Hằng
(theo báo Thanh Niên)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96