(Post 16/11/2012) Nhờ giá bán mềm, cấu hình và tính năng đầy đủ không thua kém đi kèm với chất lượng ổn, nhiều người dùng đang chuyển sang lựa chọn những chiếc Android hàng nội địa Hàn Quốc…

Trong khi mốt chơi điện thoại Nhật đã rộ lên từ khá lâu thì phong trào chơi smartphone Hàn Quốc chỉ mới bắt đầu ở Việt Nam khoảng một năm trở lại. Minh chứng là sự xuất hiện của hàng loạt các cửa hàng chuyên kinh doanh dòng điện thoại này ở Hà Nội hay TP HCM, cũng như trên các trang mạng hay diễn đàn trực tuyến. Bên cạnh đó, cộng đồng người chơi smartphone Hàn Quốc trong nước hình thành và mở rộng, tạo ra các phong trào Việt hóa, chế ROM cho sản phẩm.

Giá mềm, phù hợp với túi tiền là lý do mà nhiều người cảm thấy thích thú với những chiếc smartphone nội địa từ Hàn Quốc. Cũng chạy hệ điều hành Android, chip lõi kép hay camera 8 “chấm” như Galaxy S II chính hãng, nhưng chiếc Sky IM-A820 mới tính rẻ tới gần một nửa S II, chỉ hơn 5 triệu đồng. Hay như chiếc Optimus Tag của LG giá chưa đến 5 triệu đồng nhưng vẫn có chip lõi kép, màn hình 4,3 inch chạy Android 4.0 tích hợp cả giao tiếp NFC.

Anh Quang Muộn, chủ cửa hàng chuyên điện thoại Hàn Quốc ở Trường Chinh, Hà Nội, giải thích, giá của những sản phẩm này tốt và thấp là hàng phân phối cho các nhà mạng, được trợ giá nhiều. Nhưng khác với Nhật, điện thoại ở Hàn Quốc thường không khóa mạng, hoặc nếu có cũng dễ mở chứ không phức tạp và khó như điện thoại Nhật nên không mất thêm nhiều chi phí phụ, ngoài tiền vận chuyển.

Ngoài ra, khác với smartphone Nhật thường có giá bán khá cao so với cấu hình hay các phiên bản quốc tế, smartphone nội địa của Hàn Quốc giá mềm hơn hẳn và cũng khá đa dạng, anh Muộn cho biết. Dòng bình dân tầm 3 đến 5 triệu đồng thì có Sky A760, A800 hay LG Optimus Tag, đắt hơn từ 6 đến 8 triệu đồng có những model như LG Optimus LTE2, Samsung Galaxy R Style hay Sky A830, A840, tuy nhiên đắt nhất cũng không quá 12, 13 triệu đồng ngay cả với những model vừa mới xuất hiện ở Việt Nam.

Trong các dòng smartphone Hàn Quốc, Sky (Pantech) là nhãn hiệu có giá bán tốt nhất và cũng được người chơi trong nước lựa chọn nhiều, chứ không phải những tên tuổi nổi tiếng như Samsung hay LG. Người dùng điện thoại Hàn Quốc ngoài sinh viên, những người mới chơi smartphone cũng có những người mê công nghệ hay có kinh nghiệm, anh Muộn chia sẻ.

Điện thoại hàng Hàn Quốc còn dễ khiến người dùng “mê mẩn” nhờ sở hữu những tính năng hay cấu hình thậm chí còn tốt cả hàng quốc tế, trong khi kiểu dáng bóng bẩy, không thô như hàng Nhật, anh Công Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội), một người chơi chia sẻ. Như chiếc Sky A840 mới tinh vừa đập hộp của anh Tâm có giá 9 triệu đồng nhưng cấu hình lõi kép, màn hình HD 5 inch IPS LCD, RAM 1 GB, camera 13 “chấm”… không thua kém những model như S III, Note, One X hay Xperia TX có giá 12, 13 triệu đồng. Một số model khác như Galaxy S III hàng Hàn Quốc cũng được ưu ái hơn, như có dung lượng RAM tới 2GB gấp đôi phiên bản quốc tế, tặng kèm pin phụ, sạc rời…

Dù vậy, chơi điện thoại Hàn Quốc người dùng cũng phải chấp nhận với một vài bất tiện như việc máy luôn được cài sẵn các phần mềm bản địa dành riêng cho Hàn Quốc, có thể gây chậm và hao pin cho điện thoại. Một số model hỗ trợ kết nối 4G LTE đôi lúc có trục trặc khi tắt mở dữ liệu mạng, hay tin nhắn SMS chỉ hỗ trợ tối đa 80 ký tự (phải cài ứng dụng nhắn tin riêng)…

Một số người dùng điện thoại Hàn Quốc cũng nói đùa rằng, dùng smartphone “xịn” đôi khi dễ bị hiểu nhầm thành hàng nhái hay hàng Trung Quốc “rởm” vì hầu hết chiếc nào cũng có ăng-ten để thu truyền hình (chỉ dùng được ở Hàn Quốc) trong khi thương hiệu như Sky thì ít người biết.

Thị trường điện thoại Hàn ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những nguồn hàng kém chất lượng, anh Sơn, quản trị của một diễn đàn chuyên về smartphone Hàn Quốc tiết lộ. Loại hàng chuẩn là những model được nhập về từ Hàn Quốc, hầu hết là hàng mới nguyên hộp và chỉ có số ít dùng lướt nhưng vẫn có đủ phụ kiện và vỏ hộp. Tuy nhiên, với loại hàng có giá rẻ hơn một chút thường không đi kèm với hộp và phụ kiện mà chỉ gồm cáp, sạc là xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng bởi vậy cũng khó đảm bảo rằng chuẩn, anh Sơn chia sẻ.

 

 

Tuấn Anh
(theo Số Hóa)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96