Một phần tư người dùng Internet Trung Quốc đã trên 50 tuổi, họ đang phải đối mặt với mặt trái của thế giới mạng như thông tin sai lệch hay lừa đảo nhiều hơn bao giờ hết. Điều căn bản giúp người cao tuổi tiếp cận công nghệ là kết hợp giữa giáo dục trên lớp và giáo dục gia đình. Nhưng thực tế lại có trở ngại mà người cao tuổi đang phải đối mặt là họ không được các thành viên trong gia đình quan tâm về mặt công nghệ.
Từ “phần thưởng” nhấp nháy trên điện thoại bằng dòng chữ màu đỏ bắt mắt, khiến ông Zheng bối rối. Một phút trước, ông chầm chậm di ngón tay trên màn hình để viết cụm từ “cách chụp ảnh màn hình điện thoại”. Nhưng quảng cáo có chữ “phần thưởng” ngăn ông đi theo hướng của mình.
“Có phải họ yêu cầu tôi thưởng thì mới trả lời câu hỏi? Hay họ đang cho tôi một phần thưởng? Phần thưởng để làm gì?”, người đàn ông 70 tuổi ở Thượng Hải đặt câu hỏi.
Báo cáo mới đây của Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc cho thấy tính đến tháng 12/2020, tỷ lệ người dùng Internet từ 50 tuổi trở lên là 26,3%, tương đương 260 triệu người.
Người cao tuổi bắt đầu học cách gọi điện, nhắn tin trên điện thoại từ nhiều năm trước. Nhưng ngày nay, chỉ nghe gọi thì không đủ. Điện thoại thông minh khiến mọi thứ trở nên phức tạp, trong khi suộc sống ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, từ đi lại đến đặt đồ ăn. Ngày càng có nhiều người lớn tuổi trở thành nạn nhân của công nghệ. Ngay cả những người cố gắng hết sức để học hỏi, như ông Zheng, thường bị bối rối trước thông tin sai lệch và thậm chí trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo.
Tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Tĩnh An, Thượng Hải, một sinh viên đại học chăm chú nói chuyện với một nhóm người ở độ tuổi 60, 70. Họ chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại trên tay nữ sinh không rời mắt.
Cai Yijun – sinh viên đại học tại Đại học Sư phạm Thượng Hải, đồng thời là giám đốc chương trình “Người cao tuổi thông minh” của trường – cho biết hiện trường cô đã thành lập được 30 điểm dạy ở các quận khác nhau trên khắp Thượng Hải. Bắt đầu từ năm 2014, tới nay họ đã dạy 100.000 người cao tuổi.
“Những khó khăn mà người cao tuổi gặp phải không quá phức tạp như chúng ta nghĩ. Một số thứ mà chúng ta coi là dĩ nhiên thì lại là bí ẩn với họ”, Cai nói. Ví như trong một buổi học về tắt nguồn điện thoại, một cụ bà háo hức lên bảng để trình bày những gì vừa được học. Nhưng bà lại chỉ ấn nút khóa màn hình mà nghĩ đã tắt nguồn.
Ông Zheng được các bạn trong lớp coi là “học sinh giỏi” vì chỉ có ông mới biết dùng điện thoại để chỉnh nhạc cho album ảnh. Nhưng ngay cả ông cũng gặp khó khăn với một số thứ nhất định. Khi biết đến chương trình “Người cao tuổi thông minh”, Zheng liền đăng ký tham gia và khóa học xua tan mọi lo lắng của ông. “Giáo viên ở đây khá tốt. Họ nắm lấy tay tôi và hướng dẫn riêng cho đến khi chắc chắn tôi hiểu”, ông nói.
Giáo án học thường gồm: Giới thiệu, giao tiếp, cuộc sống hàng ngày, đọc, giải trí và phòng chống gian lận, bên cạnh hai môn tự chọn là thanh toán và chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh. Một người học nói: “Bằng cách học cách sử dụng điện thoại thông minh, bạn có thể mở ra con đường đến với các thành viên trẻ trong gia đình”.
Trong một lớp học về chỉnh sửa ảnh, một người phụ nữ lớn tuổi đã mất cả buổi chiều để học cách tải xuống ứng dụng, cũng như cách thêm đường viền vào ảnh. Trong buổi học tiếp theo, một người đàn ông lớn tuổi hào hứng nói với giáo viên rằng bây giờ ông đã có “tiếng nói chung” với cháu gái. Khi ông mở một app chụp ảnh tự sướng với cháu gái, cô cháu đã thốt lên ngạc nhiên “Làm thế nào mà ông của cháu lại trở nên điệu nghệ như vậy?”.
Giáo sư Zhou Yuqiong (Đại học Thâm Quyến) nhận thấy, điều căn bản giúp người cao tuổi tiếp cận công nghệ là kết hợp giữa giáo dục trên lớp và giáo dục gia đình. Nhưng thực tế lại có trở ngại mà người cao tuổi đang phải đối mặt là họ không được các thành viên trong gia đình quan tâm về mặt công nghệ.
Ông Yang, 72 tuổi thích nghe nhạc, nhưng chỉ có bốn bài hát lưu trong điện thoại. Hai bài ông nghe nhiều nhất là các bản ghi âm từ các thiết bị khác chứ không phải tải. “Các con tôi từng dạy nhưng tôi quên mất. Sau đó chúng nó mất kiên nhẫn khi tôi hỏi lại”, ông nói.
Vài tháng trước ông nhờ một sinh viên đại học cạnh nhà giúp đỡ mới tải thêm được hai bài hát. Nhưng không lâu sau ông lại quên mất cách thêm nhạc, vì vậy không còn cách nào khác ngoài việc nghe đi nghe lại bốn bài hát. “Tôi không muốn trở nên phiền toái. Tôi vẫn hy vọng có ai đó ở nhà sẽ dạy tôi”, ông Yang nói.
Nhiều người già cho biết, khi họ hỏi con cháu thường bị càu nhàu “Già rồi còn đua đòi”, “Có dạy cũng không hiểu”… Hoặc con cháu họ sẽ tự làm chứ không hướng dẫn phải thao tác thế nào.
Nghỉ hưu đã 11 năm, ông Yang kết bạn với các cụ có thú vui đánh cờ. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện nhóm không đề cập đến bộ môn này, mà là vô tận các bài báo với lời khuyên sức khỏe đáng ngờ. Có lần ông đọc được bài báo không nên ăn tỏi hay bài trừ dùng xà phòng. Nhiều thông tin không được kiểm chứng mà Yang vẫn nghiên cứu miệt mài ngày này qua ngày khác. “Tôi đọc từng thứ từ đầu cho đến cuối, đôi khi tôi sẽ dành cả giờ chỉ để đọc chúng”, ông nói.
Nhiều thông tin sai lệch nhưng nó phản ánh đúng suy nghĩ của người cao tuổi Trung Quốc, đó là mối quan tâm về sức khỏe.
Giáo sư Zhou chỉ ra một lý do đơn giản nhưng thường bị bỏ qua cho sự phổ biến của những bài báo này, đó chính là người lớn tuổi có xu hướng tin vào những tin đồn trực tuyến vì họ lớn lên trong thời đại của phương tiện thông tin chính thống, nơi mọi thứ đăng tải được kiểm chứng, đáng tin cậy. Trong mắt họ, tác giả đằng sau những bài báo này phải là một chuyên gia có trình độ.
Một ngày gần đây, Cai Yijun nhìn thấy một người đàn ông lớn tuổi thò đầu nhìn vào lớp học. Cô ấy mời ông tham gia, nhưng ông xua ngay. “Tôi chắc chắn không thể học được”. Mặc dù Cai thuyết phục vào lớp, ông đã rời đi chỉ sau vài phút. Câu chuyện như một phép ẩn dụ: Trước ngưỡng cửa của thế giới kỹ thuật số, luôn có những người lớn tuổi bỏ đi trong thất vọng.
“Những người trẻ tuổi chúng ta không thể coi thường người già như thể công nghệ là một loại vũ khí tiên tiến mà chúng ta ban tặng cho họ. Nếu người già không theo kịp thời đại, đó không phải là lỗi của họ. Chúng ta nên cho phép họ lựa chọn lối sống mà họ thoải mái nhất”, Zhou nói.
Xu, một cựu công chức, là một trong những người Trung Quốc đầu tiên tiếp xúc với máy tính vào những năm 90 cho công việc văn phòng và giao dịch chứng khoán. Bây giờ, ông đang dùng điện thoại thông minh để đặt vé xe buýt, thanh toán trực tuyến và săn voucher du lịch… “Tôi thậm chí còn có loa thông minh ở nhà. Tôi có thể hỏi nó những điều như “Cách để tới công viên?”, “Thời tiết hôm nay?”. Thật là tiện lợi”, ông nói.
Mỗi sáng ra khỏi nhà, ông Xu quét mã QR để mở khóa một chiếc xe đạp công cộng. Sau bữa tối, ông mời các bạn trong một cuộc trò chuyện nhóm đến sân bóng rổ chơi.
“Chúng ta không thể chỉ đưa những người già đến ngưỡng cửa của thế giới mới này mà không đồng hành cùng họ trong ít nhất một phần của cuộc hành trình tiếp theo”, Zhou nói.
Bảo Nhiên (theo Sixthtone)
(nguồn VnExpress)
Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn
Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |