(Post 08/06/2006) Trong mục Trò chuyện trong tháng kì này, chúng ta sẽ có dịp đối thoại với anh Lê Khắc Hoạt. Anh Hoạt hiện đang công tác tại Công ty Quang Minh D.E.C. Đây là một công ty cung cấp dịch vụ SMS (tin nhắn trên ĐTDĐ) và Game Online(R.Y.L Game) hàng đầu Việt nam. Lý do chúng tôi chọn anh là nhân vật kì này bởi các bạn học cùng anh ở Aptech năm ấy thường thán phục: “Hoạt là một trong những người trẻ “có chất”.
PV: Chào anh Hoạt. Anh có thể nói qua về công việc của mình?
HoạtLK: Nói chung là rất bận rộn. Công việc của tôi làm hàng ngày thì rất nhiều nào là lập trình các ứng dụng phục vụ cho các nhân viên trong công ty cập nhật các bản tin, bài báo, hình ảnh, âm thanh…về tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, nhằm cung cấp cho khách hàng sử dụng các dịch vụ SMS để nhận thông tin về máy ĐTDĐ; lập trình và quản trị 3 trang web về báo điện tử phục vụ cho các dịch vụ và quảng cáo của công ty như: dec.com.vn, mwt.com.vn, ryl.com.vn…Quản trị 15 server SMS và server Game của công ty.
Trước khi là học viên của Aptech Tôi đã tốt nghiệp khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐHBK Hà nội năm 1997. Tôi yêu thích CNTT và quyết tâm theo nghề này.
PV: Nhưng theo học một nghề hoàn toán khác với chuyên môn công nghệ thực phẩm thì việc học tập với anh khi ấy có nhiều khó khăn lắm không?
HoạtLK: Hồi học ở Aptech,Tôi học lớp C0108g do Thầy Trần Đình Trí chủ nhiệm.
Tôi cũng như rất nhiều người, ban đầu bước vào trung tâm có rất nhiều bỡ ngỡ, choáng ngợp. Khó khăn lớn nhất là đọc sách tiếng Anh. Tôi đã rất cố gắng và với sự giúp đỡ của bạn bè, tôi đã khắc phục nhược điểm trong thời gian sớm nhất.
PV: Anh có thể kể lại một vài kỷ niệm vui trong thời gian học tại trung tâm?
HoạtLK: Có lẽ trong suốt quá trình học tập tại trung tâm thì các thời kỳ làm project là có nhiều kỷ niệm nhất với tất cả các học viên. Đối với tôi, kỳ project thứ 2 DISM) đã giúp tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc tập thể trong công việc sau này.
Và cũng rất nhiều những kỷ niệm không bao giờ quên.
Khác với Project kỳ 1 còn đang rất mơ hồ, đến kỳ Project thứ 2 tôi đã hình dung được một sản phẩm phần mềm thiết thực là như thế nào. Tôi được phân công làm trưởng nhóm 4 thành viên, tôi thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao. Phải nắm chắc được nghiệp vụ” của đề tài để giao việc” sao cho thích hợp với sở trường của từng thành viên và báo cáo lại với thầy giáo trong quá trình làm việc. Vấn đề lớn nhất đối với tôi khi đó là chọn đề tài, mình phải làm cái gì sao cho vừa thiết thực với thực tiễn, đề tài phải phù hợp với kiến thức của cả nhóm và thời gian cho phép.
Tình cờ tôi gặp lại cậu bạn đang làm tư vấn cho công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế AIA. Cậu bạn “rủ rê” tôi đi làm tư vấn bảo hiểm ngoài giờ học để “kiếm thêm”, công việc là tư vấn, ký kết và quản lý hợp đồng cho khách hàng. Ngay lúc đó tôi có ngay ý tưởng đi học lớp nghiệp vụ 2 tuần về bảo hiểm và đề tài Quản lý hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong công ty AIA” ra đời.
Tôi bắt đầu đốc thúc các thành viên trong nhóm nghiên cứu thêm tài liệu và chờ đợi 2 tuần nữa tôi sẽ “mang” nghiệp vụ về. Và sau 2 tuần tham gia khoá học tôi đã mang về cho cả nhóm “Chứng chỉ Tư vấn bảo hiểm nhân thọ” kèm theo 500.000 VND tiền bồi dưỡng của AIA. Chương trình Quản lý bảo hiểm nhân thọ trong công ty AIA cũng được hoàn thành tốt đúng thời hạn sau những đêm dài trà đá và bánh mỳ và nhà tài trợ chính cho kinh phí là AIA !!!.
PV: Sau khi học xong ở trung tâmanh có học thêm gì nữa không trước khi đi làm?
HoạtLK: Sau khi lấy được chứng chỉ DISM năm 1 tôi đã có ngay việc làm tại một công ty phần mềm và tôi đã chuyển lớp học năm thứ 2 sang buổi tối.
Sau 1 năm học ở trung tâm tôi đã rất tự tin trong công việc tại công ty mới. Và kiến thức vẫn đang rộng mở chờ tôi ởnăm học thứ 2 (HDSE).
PV: Nếu so sánh giữa giá trị tấm bằng và những kiến thức có được thì điều gì quan trọng hơn trước khi anh được nhận vào làm việc?
HoạtLK: Những công ty tôi đã và đang làm việc thì kiến thức mới là điều họ cần. Chỉ cần giấy chứng nhận là học viên trung tâm là tôi đã được gọi thi tuyển. Cái quan trọng là bạn thể hiện kiến thức như thế nào qua những vòng thi tuyển.
Còn nếu tôi có dự định xin việc tại một công ty nhà nước thì trước hết tôi phải có một tấm bằng ĐH.
PV: Trong công việc hiện tại thì anh đang sử dụng khoảng bao nhiêu % kiến thức mình có được từ Aptech?
HoạtLK: Tất cả các kiến thức tôi trau dồi được tại trung tâm đều áp dụng rất đều đặn” cho công việc của tôi bây giờ, các môn học đều cho ta những kỹ năng riêng. Cho dù trong công việc ta chọn ngôn ngữ lập trình khác, cách thực hiện công việc khác cho phù hợp với thực tiễn thì kiến thức đó vẫn là xương sống cho mọi vấn đề.
PV: Anh đã đi làm được một thời gian, đã có điều kiện để kiểm chứng những gì mình đã học, anh có thể làm một phép so sánh giữa Aptech và các trung tâm đào tạo tin học khác hoặc mô hình đào tạo CNTT trong trường Đại học. Theo anh thấy những ưu/nhược điểm trong mô hình giáo dục của Aptech là gì?
HoạtLK: Tôi đã đi làm qua nhiều công ty, được làm việc với các đồng nghiệp từ những trung tâm và các trường ĐH khác nhau. Ưu điểm lớn nhất của các học sinh Aptech là hoà nhập và hình dung ra được mô hình công việc rất nhanh, kỹ năng lập trình tốt. Nhược điểm lớn nhất là học sinh Aptech rất hạn chế kiến thức về các môn học như: Kiến trúc máy tính, phân tích thiết kế hệ thống, cấu trúc dữ liệu và giải thuật… nên khi tham gia các dự án lớn thường không tự tin. Điểm này bạn nên khắc phục ngay trong quá trình học.
PV: Trong thời gian tương lai gần sắp tới thì anh có dự định gì không?
HoạtLK: Hiện tại tôi rất hạnh phúc với nghề và công việc của mình. Mức thu nhập của tôi khoảng 8 triệu. Trước mắt tôi đang có rất nhiều công việc và cơ hội tốt ở công ty nên chưa có dự định gì. CNTT nước nhà đang thay đổi và phát triển rất nhanh. Điều đó có nghĩa là trong tương lai công ty của tôi có rất nhiều cơ hội phát triển, trong đó có cả tương lai của tôi nữa.
Hoàng Quân
(theo Nội san Aptechite)
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |