(Post 03/01/2011) Xu hướng công nghệ chiến lược nào sẽ nổi lên trong năm 2011? Một số công ty như Gartner, Intel, IDC… vừa đưa ra dự báo về những xu hướng công nghệ đóng vai trò chiến lược đối với hầu hết công ty, doanh nghiệp trong năm tới.
Theo Gartner, một công nghệ chiến lược là công nghệ có khả năng tác động đáng kể đến doanh nghiệp trong ba năm tới. Một công nghệ chiến lược có thể là một công nghệ đã trưởng thành và hoặc trở nên thích hợp để sử dụng rộng rãi hơn. Công nghệ chiến lược cũng có thể là một công nghệ mới nổi, mang lại lợi thế chiến lược cho những công ty nào sớm ứng dụng nó.
Điện toán di động
Điện toán di động sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2011 nhờ sự bùng nổ của các loại thiết bị và ứng dụng di động. Công ty IDC cho rằng doanh số các thiết bị di động không phải là máy tính cá nhân (PC) và thiết bị có khả năng chạy ứng dụng (điện thoại thông minh, máy tính bảng…) sẽ vượt qua doanh số máy tính cá nhân trong vòng 18 tháng tới. Trong khi đó, các ứng dụng di động sẽ được tải khoảng 25 tỷ lần trong năm 2011, tăng 15 tỷ lần so với năm 2010.
Theo thời gian, các hệ sinh thái ứng dụng mới nổi này sẽ tái cơ cấu những kênh phân phối nội dung số và dịch vụ đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng của ứng dụng di động đang thúc đẩy khách hàng tương tác với các công ty nhiều hơn thông qua thiết bị di động. Điều này đã dẫn đến cuộc chạy đua của các doanh nghiệp trong việc tung ra ứng dụng di động để cải thiện quan hệ với khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Điện toán đám mây
Điện toán đám mây sẽ “cất cánh” trong năm 2011 khi công nghệ này ngày càng được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng, nhất là những công ty vừa và nhỏ. Theo dự báo của IDC, mức chi tiêu cho dịch vụ điện toán đám mây công cộng trong năm 2011 sẽ tăng 30% so với năm 2010 khi các tổ chức đưa phần lớn ứng dụng kinh doanh lên đám mây. Mức tăng trưởng này sẽ cao gấp 5 lần mức tăng trưởng của ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trong năm 2011.
Một điểm đáng chú ý khác là mô hình đám mây riêng tiếp tục phát triển khi các nhà cung cấp hạ tầng, phần mềm và dịch vụ hợp tác để tung ra một loạt dịch vụ và giải pháp mới.
Video
Trong năm 2011, các công ty sẽ sử dụng video nhiều hơn vào việc giao tiếp và cộng tác trong nội bộ và với những bên thứ ba. Ngoài ra, công cụ video còn được doanh nghiệp dùng để phục vụ và chăm sóc khách hàng, như cung cấp chi tiết sản phẩm mới, hoặc giới thiệu cách thức sử dụng sản phẩm và dịch vụ của mình. Gartner tin rằng video sẽ trở thành một loại nội dung và mô hình tương tác phổ biến của hầu hết người sử dụng trong ba năm tới. Đến năm 2013, hơn 25% nội dung mà nhân viên xem mỗi ngày sẽ ở dạng hình ảnh, video hoặc âm thanh.
Điện toán “nhận biết hoàn cảnh”
Điện toán “nhận biết hoàn cảnh” – thông qua sự kết hợp giữa những “cảm biến cứng” và “cảm biến mềm” – sẽ mở ra cơ hội phát triển loại thiết bị có khả năng dự báo nhu cầu của người sử dụng, tư vấn và hướng dẫn cho họ giống như một trợ lý cá nhân hơn là một thiết bị thông thường.
Chẳng hạn như một thiết bị di động có tên là Personal Vacation Assistant, sử dụng công nghệ điện toán nhận biết hoàn cảnh để giúp người sử dụng có những trải nghiệm tốt nhất khi đi du lịch. Thiết bị này dùng cảm biến cứng – camera ghi nhận vật thể và thông tin dựa trên hệ thống định vị toàn cầu (GPS) – và cảm biến mềm – những thông tin được người sử dụng nhập vào thiết bị, như lịch trình đi lại, sở thích ẩm thực… – nhằm đưa ra ngay tại chỗ những gợi ý về địa điểm tham quan, nơi ăn uống…
Một hệ thống điện toán nhận biết hoàn cảnh có thể giúp doanh nghiệp đoán trước nhu cầu của người tiêu dùng để cung cấp cho họ những nội dung, sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp nhất. Gartner dự báo rằng hơn phân nửa trong 500 công ty hàng đầu Mỹ sẽ áp dụng các sáng kiến về điện toán nhận biết hoàn cảnh vào năm 2013. Đến năm 2016, 1/3 hoạt động tiếp thị tiêu dùng di động trên thế giới sẽ được dựa trên công nghệ này.
Công nghệ LTE
Công nghệ LTE là một chuẩn mới của công nghệ mạng di động cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ cao. Công ty tư vấn Northstream (Thụy Điển) dự đoán rằng sự phát triển của công nghệ LTE sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới ngành công nghiệp di động toàn cầu năm 2011. Công ty Northstream cho biết: “Chín dịch vụ LTE thương mại đã được triển khai trong năm 2010, và dự kiến sẽ có thêm 44 dịch vụ tương tự xuất hiện trong năm 2011”.
Đối với doanh nghiệp, sự phổ biến của LTE là một trong những yếu tố quan trọng giúp ứng dụng doanh nghiệp trở nên di động và hấp dẫn hơn. Về phía người tiêu dùng, LTE đồng nghĩa với việc tốc độ tải dữ liệu, chia sẻ video và tập tin lớn qua mạng không dây nhanh hơn.
Thiết bị tiêu dùng vào doanh nghiệp
Hãng Intel dự báo rằng năm 2011 sẽ đánh dấu sự xóa mờ ranh giới giữa thiết bị tiêu dùng và thiết bị doanh nghiệp. Xu hướng này đã xuất hiện phần nào trong năm 2010 với sự hiện diện của điện thoại iPhone và điện thoại chạy hệ điều hành Android bên trong doanh nghiệp. Nhân viên sẽ muốn sử dụng các giải pháp riêng của mình để làm việc tốt hơn. Trong khi đó, giới chủ doanh nghiệp cũng muốn tăng cường sử dụng thiết bị tiêu dùng trong môi trường doanh nghiệp để thúc đẩy hiệu suất công việc. Công nghệ ảo hóa, chống trộm, quản lý từ xa và bảo mật sẽ được cần đến để hỗ trợ những thiết bị này khi chúng được đưa từ ngôi nhà đến nơi làm việc.
Truyền thông xã hội
Truyền thông xã hội có thể được chia thành bốn mảng là mạng xã hội, cộng tác xã hội, xuất bản xã hội và phản hồi xã hội. Trong số này, mạng xã hội thu hút nhiều sự quan tâm nhất của các doanh nghiệp với sự tỏa sáng của Facebook, nơi các nhà quảng cáo có cơ hội tiếp cận với hàng trăm triệu người sử dụng. Ngoài ra, các mạng xã hội như LinkedIn hoặc Twitter cũng mang lại nhiều cơ hội cho các nhà phát triển phần mềm doanh nghiệp.
Công ty IDC dự báo các doanh nghiệp sẽ tăng cường sử dụng công cụ mạng xã hội trong năm 2011, nhất là công ty vừa và nhỏ. Lý do là mạng xã hội giúp doanh nghiệp tăng cường hiện diện trên mạng, đồng thời cải thiện khả năng tìm kiếm, thu hút và giữ chân khách hàng mà không cần phải tốn kém chi phí xây dựng trang web truyền thống. Trong khi đó, công ty Gartner dự đoán rằng vào năm 2016, các công nghệ xã hội sẽ được tích hợp vào hầu hết ứng dụng kinh doanh của doanh nghiệp.
|
Th. Phương – tổng hợp
(theo Thời Báo Vi Tính Saigon)
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |