(Post 02/03/2006) Ngày 2/4/2006 sẽ có đợt thi sát hạch chuẩn kỹ sư CNTT Nhật Bản, chắc chắn sẽ có nhiều Aptechite tham gia nhất là vừa qua Aptech Việt Nam đã chính thức ký kết hợp tác với VITEC để mở chương trình đào tạo Cầu nối Aptech HDSE-FE, chương trình bổ sung kiến thức cho các sinh viên năm 2 Aptech muốn dự thi chuẩn FE. Mục Người Aptech kỳ này xin giới thiệu bài viết chia sẽ kinh nghiệm thi FE của bạn Nguyễn Khánh Minh – sinh viên FPT-Aptech Hà nội, người đã thi đậu chuẩn này với điểm số khá cao 185.5/200.

FE (Fundamental Information Technology Engineer Examination) là một trong 4 môn thi để đạt được chứng chỉ sát hạch chuẩn Công nghệ thông tin của Nhật Bản. Hiện nay chứng chỉ này đã được công nhận tại 11 nước trong đó có Việt nam. Vượt qua kì thi sát hạch chuẩn, các kĩ sư CNTT đã có một bước đệm tốt cho công việc của mình. Doanh nghiệp nơi các kĩ sư này làm việc cũng sẽ có cơ hội khẳng định mình với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên tỉ lệ thi đỗ của thi này rất thấp khoảng xấp xỉ 14%. Để giúp các bạn quan tâm đến việc thi những chứng chỉ này, nội san Aptechite kỳ này xin giới thiệu bạn Nguyễn Khánh Minh, thành viên lớp C0411L thuộc trung tâm FPT-APTECH, một trong những học viên Aptech đã đạt được chứng chỉ FE và với số điểm tương đối cao: 185,5/200. Bạn Khánh Minh sẽ chia sẻ với chúng ta những kinh nghiệm thực tế mà bạn đã trải qua trong quá trình chinh phục FE.

Lời khuyên đầu tiên cho bạn là bạn nên đăng kí dự thi vào tháng 4 thống kê cho thấy cả ở Nhật và Việt nam, đợt thi tháng 4 hàng năm tỷ lệ thí sinh đạt cao hơn so với tháng 10 (mùa thu). Đề thi tháng 4 hàng năm thì có lẽ dễ hơn tháng 10, không có nhiều dạng bài mới. Như có người nói đùa: “Dường như họ chỉ làm đề mới vào tháng 10, còn tháng 4 là tráo lại đề ”. Bạn không cần thiết phải đi học thêm ở trung tâm nào cả để đạt chứng chỉ FE. Tốt nhất là bạn nên có cả nhóm ôn thi cùng. Ôn thi cùng không có nghĩa là cùng nhau học tất cả mọi thứ. Các bạn chỉ nên trao đổi những gì không hiểu sau khi học, làm đề. Nếu chưa học, chưa làm đề mà chỉ trông đợi vào bạn mình thì sẽ gây tâm lý chán nản cho bạn, và ỷ lại cho mình. Chất lượng và tốc độ sẽ giảm.

Phần thi buổi sáng

Đề thi buổi sáng, đơn giản chỉ cần đọc hết một lượt tất cả 4 quyển sách ôn tập. Bạn nên đọc sách tiếng Anh nếu có thể, vì nhiều thuật ngữ trong quyển tiếng Việt dịch không ổn. Đề thi là song ngữ nên bạn có thể làm quen thêm các thuật ngữ đã được Việt hoá trong đề thi. Chỉ riêng phần Accounting – kế toán của quyển 1 thì các bạn nên đọc phần tiếng Việt, vì phần này chúng mình không được học nhiều, và có những từ tiếng Anh khó hiểu với dân IT, nhưng khi đọc tiếng Việt thì thấy rất dễ.

Sau đó hãy làm tất cả các đề thi một lượt. Tổng cộng có khoảng 18 quyển đề thi. Trong đó, có 10 quyển là đề buổi sáng. Theo kinh nghiệm của mình, lúc làm nên làm nhanh, không cần tra cứu nhiều, thì mới đảm bảo tốc độ. Bạn nên in, hoặc phôtô tất cả các đề thi ra giấy, nháp lên đề luôn trong quá trình tính toán. Sau khi làm xong mỗi đề, chép lại câu trả lời của mình vào một tờ giấy. Sau đó so với đáp án, hoặc so với các bạn của mình.

Những câu mình sai, đánh dấu lại, đọc kỹ và làm lại để không sai nữa. Bạn sẽ thấy mình thường xuyên sai một dạng câu hỏi, đó là do bạn còn trống chính mảng kiến thức đấy. Khi đó, bạn nên đọc thêm sách tham khảo phần này.

Khi thi, nên làm qua tất cả các câu hỏi, tuần tự. Câu nào không chắc, hoặc tính toán quá lâu thì bạn nên đánh dấu tạm. Đến cuối giờ soát lại.

Phần thi buổi chiều

Sau khi thi buổi sáng thời gian khá dài, bạn nên nghỉ một chút trước khi thi buổi chiều: ăn đầy đủ, nằm một chút. Có thể bạn không ngủ, vì không có nhiều thời gian, nhưng nằm một chút sẽ giúp bạn tỉnh táo lên rất nhiều. Lúc thi giữ cho tinh thần thoải mái, đừng cố tập trung quá, sẽ bị đau đầu, mà không hiệu quả. Nếu bạn đã luyện đề buổi chiều thì sẽ căn thời gian tốt hơn.

Các câu 1,2,3, 4,5 liên quan rất nhiều đến kiến thức ôn tập, thật ra có thể coi là cách hỏi khác của kiến thức buổi sáng. Câu hỏi về thuật toán và thiết kế chương trình các bạn nên luyện ở nhà, để làm quen với cách ký hiệu, và cách tư duy. Mặc dù đa số thuật toán khá đơn giản, nhưng bạn nên vẽ ra, để tránh nhầm lẫn. Cách thiết kế chương trình cũng vậy. Vì học trên Aptech không được dạy về phần này nhiều, bạn nên đọc lại sách ôn FE và các sách như: “Cấu trúc dữ liệu và giải thuật”, “Phân tích thiết kế hệ thống” để tham khảo.

Các câu về lập trình, đa số chúng ta chọn C hoặc Java. Đề thi C nói chung là khó hơn Java, mặc dù đề khá ngắn, nhưng đòi hỏi tư duy lôgic chặt chẽ. Có thể nói là: “chạy thay máy”.

Học Aptech thì nên làm Java. Kiến thức cần thiết để làm Java trong FE chỉ là Core Java nhưng phải hiểu bản chất vấn đề. Phân phối bộ nhớ trong Java tuy không “lộ” như C (có con trỏ) mà gián tiếp qua đối tượng. Nhưng các bạn nên hình dung, suy nghĩ về phân phối bộ nhớ trong Java, chủ yếu là về mảng và thuộc tính của đối tượng, và gọi phương thức của lớp hay hành vi của đối tượng. Nếu phân biệt rõ các vấn đề này, bạn sẽ thấy làm bài khá đơn giản. Đề thi Java tuy dài, nhưng đọc không lâu như C, và lại có tính gợi nhớ. Nếu không trả lời được có thể câu trả lời nằm ngay trong đề. Hỏi về mảng trong Java thường là đếm xuôi, ngược, dùng chỉ số (index). Có một trường hợp đặc biệt là tháng 10 năm nay, đề thi lại rơi vào tuyến đoạn (threat) trong Java. Còn đa số bẫy nằm ở hai phần tôi đã nêu trên.

Nếu thấy đề thi Java khó, bạn có thể chuyển sang C. Làm bài C ít khi gặp vấn đề về đọc hiểu ngôn ngữ, nhưng đọc hiểu, và “chạy” thủ thuật toán thì khá mệt mỏi. Lại một lần nữa, bạn nên viết ra, rất dễ lẫn khi làm bài này.

Thi buổi chiều có điều khá khó chịu là tên biến ví dụ đầu vào toàn tiếng Nhật, đọc đau cả đầu, dễ nhầm lẫn.

Nói tóm lại, nếu ôn tập cẩn thận, và làm hết đề và trao đổi với bạn bè, đến khi hiểu mới thôi, bạn sẽ đỗ. Hiểu ở đây cụ thể là: xem đáp án, giải thích được vì sao có đáp án đó, tại sao tích câu này mà không chọn các câu kia. Nếu lật ngược vấn đề lại như vậy, bạn sẽ hiểu được bản chất vấn đề hơn. Không được xem đáp án trước khi làm bài. Không được ỷ lại vào đáp án, mà phải hiểu bản chất. Hiểu bản chất vấn đề sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình học Aptech nói riêng, học sẽ nhàn hơn rất nhiều, vì bạn tư duy đúng hướng. Nói chung, ôn thi FE không chỉ mang lại cho các bạn chứng chỉ để làm việc cho Nhật, mà nhiều hơn, đó là kiến thức cơ bản, giúp bạn tư duy tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn.

Khánh Minh

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96