11 Tôi và Melbourne

(Post 08/05/2006) “Tôi yêu Melbourne” – Đó là cảm nhận của bạn Hà Vĩnh Phương, cựu học viên FPT Aptech HN, hiện đang du học tại ĐH RMIT, Úc. 2 tháng chưa phải là nhiều để đưa ra những đánh giá chính xác nhưng Melbourne đã để lại trong lòng bạn những kỉ niệm khó quên.

Melbourne là một thành phố tuyệt vời, một “garden city” với 3.8 triệu người, đầy hoa và cây xanh. Tôi sang đây trước khi vào học một tuần. Tuần đầu ở Melbourne thật nhiều kỷ niệm. RMIT ở ngay trung tâm Mel, nơi góc phố Swanston cắt La Trobe, chỉ cách tâm điểm thành phố có hai ngã tư. Đối diện phía bên kia đường là State Library, trước cửa State Library là một bãi cỏ rộng lúc nào cũng đông người ngồi và các chú chim thơ thẩn. Nhìn qua ngã tư là Melbourne Central Station, một trong những nơi tập trung các chuyến tàu chính của thành phố nên các sinh viên và thầy cô giáo sống ở xa đến trường rất tiện. Nhà ga đẹp và nhiều tầng bao gồm cả khu siêu thị và các hàng ăn chỉ các tầng ngầm dành cho trains mà thôi. Tàu khi vào trung tâm thành phố thì đi ngầm dưới đất, chỉ khi ra khỏi city mới lên trên. Khu chính của RMIT có 12 tầng, dài hết đoạn phố giữa hai ngã tư, tầng hai là tầng thấp nhất cao ngang với mặt phố Swanston. Sau dãy nhà chính là các dãy nhà khác thấp hơn, và cũng còn các khoa nằm ở vài nơi khác trong thành phố.

Nói đến “city”, là chỉ nói vùng trung tâm thành phố. Khu vực này được xác định là một hình chữ nhật do 5 dãy phố dọc chính (còn các phố nhỏ song song ở giữa các phố chính) và 9 dãy phố ngang tạo thành. Phía nam, ngay dưới city là sông Yarra, xa hơn một tí là Royal Botanic Garden và đi ra ngoài về hướng này là biển. Phía tây là Telstra Dome (sân football nổi tiếng), cảng Victoria và đi xa hơn là vùng Footscray, trung tâm người Việt sinh sống. Trường Melbourne Uni nằm về phía bắc city.

Ngày đầu tiên tôi đến đây là đến vùng Richmond nơi hiện giờ tôi sống. Khu này đông người Việt lắm, ra ngoài đường toàn thấy người Việt nam. Mặt đường đều là các quán ăn của người Việt nam, người Tàu. Vùng này nổi tiếng về ẩm thực của Melbourne. Ngay cả vào ngân hàng cũng gặp người Việt làm nhân viên nữa.

Sáng ngày hôm sau, mua vé tháng mất 100 AUD, tiếc thì tiếc nhưng vẫn phải mua, nhất là gần đây có lần vừa hết vé tháng hôm trước, quên tịt mất nên nhẩy lên xe điện rồi mới nhớ ra, định trốn vé luôn vì chậm giờ học rồi cuối cùng loay hoay một lúc lại nhẩy xuống mua vé. Quyết định đúng đắn quá vì hôm đó bị kiểm vé hai lần liền, lại đúng là hai lần duy nhất bị kiểm vé trên xe điện, hú hồn.

Mua vé tháng rồi thì tiếc nên phải cố mà đi. Đầu tiên là mò đến trường RMIT, mùng 10 tháng 2 vẫn đang còn là mùa hè, trường vắng tanh, đi hỏi học xong thì đi sang State Library xem. Thư viện mở cửa tự do, ra vào không ai hỏi gì, phòng đọc chính rất rộng với mái vòm cao kiểu thánh đường, tôi đi ngồi thử khắp các chỗ trong thư viện, lên trên gác ngồi nhìn xuống thật thích. Đi xem phòng trưng bày, xem những bức tranh về thời kỳ mới hình thành Melbourne, những năm 1830 mới chỉ có vài túp lều, mấy năm sau đã thấy khác nhiều lắm.

Sau đó, tôi đi đến nơi muốn đến nhất, Rod Laver Arena. Giải Australian Open vừa xong, người ta đã cất hết các màn hình đi, không vào được tận trong sân để nhìn nhưng cũng thỏa mãn. Cả khu Tennis Melbourne Park vắng vẻ, chỉ có mấy đứa trẻ chơi ván trượt và vài người chạy bộ. Để đến đây tôi đi xe điện rồi đi bộ qua Queen Victoria Garden và Alexandria Garden. Đi một mình được cái thú là cảm nhận được hoàn toàn tự do, cũng không cần có mục tiêu đến đâu cả mà giữa trưa, đi chỗ nào cũng vắng, tha hồ mà hòa mình với cảnh vật.

Từ Tennis Park sang Cricket Ground, quay lại đi xuống Royal Botanic Garden. Botanic Garden là nơi tập hợp các loại cây nhưng được chia thành các vùng riêng biệt. Bạn sẽ cảm thấy có lúc như lạc vào rừng trúc trong Thập diện mai phục, nơi thì toàn các loại thông đẹp kì lạ, có vùng như đang ở rừng rậm Nam Mỹ, đặc biệt có vùng trông như miền Nam với những cây dừa đồng bằng sông Cửu Long. Tôi còn đến Botanic Garden thêm vài lần nữa, mỗi lần lại đi một con đường nhỏ khác và lại nhìn thấy các loại cây khắp nơi trên thế giới.

RMIT chẳng có gì đẹp nhưng Melbourne Uni thì rất tuyệt vời. Mỗi khu và mỗi nhà đều có kiến trúc riêng, cây cối trồng và khung cảnh chẳng hề lặp lại, có nơi những hành lang lát đá như những tu viện cổ, có những nơi lại giống như sân trường Trưng Vương xưa…

Melbourne là một thành phố êm đềm, yên bình và lãng mạn. Đi vào buổi tối dọc theo sông Yarra, nhất là vào lúc trời đã về đêm, từ bờ sông xuống dưới bờ đá bên dưới, hay đứng trên những cây cầu nhỏ qua sông nhìn những ánh đèn màu phản ánh dưới mặt nước, thấy lòng thật tĩnh lặng.

Kỷ niệm tuyệt vời nhất đối với tôi là được xem buổi hòa nhạc ngoài trời Sidney Myer Free Concert. Chương trình gồm 4 buổi biểu diễn liên tục Khi tôi sang đến nơi chỉ còn lại buổi duy nhất. Suýt nữa thì tôi bỏ lỡ mất một trong những giây phút đáng nhớ nhất đời, giây phút mà tôi “fall in love with Melbourne”. Khi tôi tới nơi, cả quả đồi Sidney Myer Music Bowl đã chật ních người. Mò mẫm một hồi, tôi may mắn tìm được chỗ ngồi tốt ngay sau hàng ghế khách mời. Từ đây nhìn xuống thật là rõ. Phần đầu trumpet solo và sau interval là bản giao hưởng số bốn của Tchaikovsky (Symphony no.4 in F minor). Đã nhiều lần tôi nghe hòa nhạc ở Nhà hát lớn và cũng đã từng nghe bản này ở đó, nhưng không hiểu sao tôi vẫn không kìm được cảm xúc. Âm nhạc tuyệt vời giữa không gian tự do của trời đất (các nhạc công ngồi dưới mái che nhưng công chúng thì ngồi trên thảm cỏ lưng đồi), kết thúc có một màn pháo hoa trong tiếng nhạc hùng dũng của đoạn kết (trích tờ giới thiệu: … “the introspection of the second movement and the extrovert nature of the Finale…”) đã để lại những cảm xúc không bao giờ quên.

Về sau tôi mới biết rằng ở Melbourne, nếu biết cách bạn có thể tìm thấy rất nhiều điều thú vị, mà bạn không phải bỏ một xu nào. Nhiều nhất là ăn free, trường tôi tổ chức nhiều buổi họp mặt cho sinh viên mới, tuần thứ hai tôi ăn free luôn, nào là họp mặt tân sinh viên của toàn trường, của hội sinh viên, của khoa, v.v….

Người Úc phải nói chung là thân thiện, lịch sự và đặc biệt là rất tốt. Vài chuyện nhỏ mà mình gặp khi mới sang làm tôi ngạc nhiên. Kết thúc buổi hòa nhạc khoảng 10 rưỡi tối, chắc phải hai ngàn người (vì ngọn đồi rất to) ra về qua mấy cái cổng chật (mỗi cổng ở một góc) chỉ đủ cái xe ôtô đi qua, hơi lo lo vì khi đó tôi mang tiền và cả passport trong người nữa, mà lạ vậy, cả ngàn người đi qua cổng không hề có xô đẩy, không hề có một tiếng cãi cọ… mà nhìn quanh không thấy cảnh sát đứng chỗ nào. Nói chung ở Melbourne hầu như không thấy cảnh sát, có thể nói cảnh sát là của hiếm, cả tuần mới thấy 1 lần.

Phép lịch sự thì thậm chí hơi buồn cười, bạn va vào họ mà họ lại nói “I’m sorry” trước, ai va vào người khác thường hay quan tâm hỏi lại “Are you OK?”. Sang đây được 1 tháng, hôm đó đứa bạn ở cùng than thở quên mất USB ở trường rồi, hai đứa chắc mẩm phải mua cái mới thôi. Sang tuần sau nó đến trường, vào hỏi phòng mất đồ thì có sinh viên nào nhặt được mang đến đó rồi, chỉ cần nói trong đó có cái gì thế là nhận lại được.

Sau chuyện đó lại có một chuyện khác, tôi ở trọ nhà một người Việt, anh chị ấy bán “second-hand laptops”. Hôm đó vào buổi sáng, chị ấy đang bận tiếp khách thì có 1 cô gái vào hỏi: “Bà có mất cái laptop nào không? Tôi đi qua vừa thấy có người khả nghi ôm cái laptop đi ra.” Lúc ấy kiểm lại mới biết bị mất một cái chừng 800 AUD. Chị ấy gọi police, cô gái kia nói chuyện với police qua điện thoại, rồi còn đứng lại chờ police đến để tả hình dạng tên trộm. Dĩ nhiên là sau đó anh chị cũng chỉ cảm ơn người ta mà thôi.

Nhưng cộng đồng nào cũng vậy, những “ người xấu” ở Melbourne cũng nhiều vô số. Nhưng nói chung không nhộn nháo như Sydney, bạn tôi ở Sydney còn khuyên tôi không nên mua laptop vì sợ không an toàn. Ở Sydney chắc ít người dùng laptop mà lại đi bộ, hì. Ở Mel thì đầy.

Cảm giác tự do ở đây thật là kỳ lạ. Thứ nhất bạn không nhớ nhà, nhớ quê hương vì có rất nhiều người Việt Nam xung quanh, chợ thì chợ Việt và Tàu, toàn rau quả như Việt nam, bán hàng và mua hàng cũng người Việt luôn. Siêu thị là để mua đồ tiêu dùng.

Thứ hai không có phân biệt chủng tộc, thậm chí không cần English cũng sống ngon, thành phố cảm giác như của đủ các loại dân tộc, trong đó sau English là tiếng tàu phổ thông mandarin được nghe suốt trên xe điện và trains.

Thứ ba, nếu muốn tìm việc làm thêm rất dễ, không bao giờ lo đói dù không nghề ngỗng gì, lương làm những việc chân tay như chạy bàn ban đầu là 9-10 đô úc / giờ, làm lâu năm sẽ khác. Bán hàng ở siêu thị lương ban đầu là 12-13 đô. Nếu học thật giỏi, quen biết thì xin làm lab assistant, lương 20-25 đô một giờ nhưng giới hạn 10h/ week thôi. Tôi cũng được bạn giới thiệu đi làm, bán cửa hàng thịt một tuần 2 ca, mỗi ca 5 tiếng, bán thịt chỉ cân rồi nhận tiền cho vào máy, lúc ít khách thì xay, phủ bột, làm các việc chuẩn bị, mới làm thì chưa được cắt thịt.

Thứ tư, bạn có thể làm gì bạn thích, ăn mặc ngoài đường thế nào cũng được không ai nhìn ngó (miễn đừng khỏa thân là được). Ở đây nhìn chằm chằm là không lịch sự, nên nếu thấy một cô gái đẹp hay một người trông khác người, đừng nhìn nhiều hay nhìn một cách chăm chú, họ sẽ tỏ thái độ khó chịu ngay lập tức. Phụ nữ Úc rất đẹp và thậm chí người Tàu bên này cũng đẹp hơn so với cảm nhận khi bạn ở Việt nam.

Chuyện chê trách thủ tướng bên này là thói quen của sinh viên, tôi thấy giống hệt như thái độ chúng ta ghét và chê Microsoft vậy.

Về việc học thì RMIT là một trường khá nổi tiếng về IT bên này. Mặc dù việc tôi xin chuyển tiếp từ Aptech lên không đơn giản, nhưng sang đây thì thấy chắc là RMIT tiếng tăm hơn Swinburne trong lĩnh vực này. Điểm mạnh nhất của RMIT nghe nói là kĩ thuật hàng không (aviation engineering) và ngoài ra thì là engineering nói chung. Tôi cũng đã tới Swinburne, đi bằng train khá dễ dàng từ RMIT, campus của Swinburne rất rộng, thư viện họ có 4 tầng, so với thư viện RMIT – Swanston Library ở tầng 5 building 8 và có 1 ít tầng 6 thì họ lớn và đẹp hơn nhiều. Trong campus Swinburne có ký túc xá sinh viên, thấy nhiều người đi lại bằng xe đạp.

Học thì rất thú vị. Tôi phải đăng ký học 4 môn một học kỳ, lúc đầu thì tưởng là ít nhưng nhìn số lượng assignment phải làm và đòi hỏi phải research để làm chúng thì sẽ thấy không chắc đã dư thời gian. Vào học thì toàn là các accent khác nhau, giáo viên người gốc Ý, người Tàu, người Ấn…tha hồ mà luyện nghe. Người Ấn Độ nói là khó nghe nhất vì cứ như chọc vào tai vậy. Khoa Computer Science and Information Technology của RMIT có gần 50% sinh viên là international, thành ra họ rất hiểu mọi vấn đề mà sinh viên nước ngoài có thể gặp phải và support rất tốt. Cái gì cũng hỏi được, có thể nói chuyện với Learning Advisor nếu bạn có khó khăn gì. Nói chung cái gì cũng rất rõ ràng, mọi lời dặn dò của thầy giáo đều thấy trên Discussion Forum, môn nào cũng có forum riêng và tha hồ hỏi thầy trên forum từ những thứ ngớ ngẩn nhất như định nghĩa này là gì, v.v…

Nếu bạn học FPT-Aptech thì bạn sẽ chẳng thấy có vấn đề gì khó hiểu ở học kì chuyển tiếp này. Hai môn JavaIntroduction to Database sẽ khó với những sinh viên mới nhưng lại quá dễ với dân FPT-Aptech. Đặc biệt nếu bạn đã làm project ở Aptech một cách nghiêm túc. Tôi thì khi đó đã làm hai project với thầy Đỗ Minh Ý và một với thầy Nguyễn Ngọc Chương, sau đó có thực tập tại Fsoft nên không hề vất vả như bọn cùng lớp, bao nhiêu đứa làm assignment chật vật mãi không xong một nửa. Môn khó nhất học kỳ này là Software Engineering Analysis and Design, học về dùng UML để phân tích và thiết kế phần mềm, phải viết nhiều mà tiếng anh tôi viết câu văn vẫn lủng củng, bị mất điểm vì viết quá dài dòng, marking tutor đọc không thích.

Trước khi tôi sang đã lo và hỏi nên được giới thiệu tìm nhà trước, không phải khổ sổ những ngày mới sang. Đây là một điều quan trọng, nếu không sẽ phải sống trong ký túc, giá hơi cao một chút tuy được cái có môi trường luyện tiếng. Tiếng Anh của RMIT đòi hỏi là IELTS 6.5 không có band nào dưới sáu, nhưng với Swinburne thì bạn vẫn có thể sang để học tiếng thêm trước khi vào học. Theo tôi nghĩ, nếu đi thi IELTS ở Hà Nội nên tránh British Council mà vào IDP thi. Khi tôi thi ở British Council, điểm đọc 8 và nghe 7.5 nhưng viết và nói đều chỉ được 6. Ngoài ra nên chú ý học UML đến mức càng khá càng tốt, dường như bên này đó là sự khác biệt để biết ai là người đã có đào tạo chính qui hay không…

Thêm một thay đổi trong cách suy nghĩ của tôi: thoải mái hơn trong xưng hô. Việc nhiều lúc có thể làm người khác mất lòng vì xưng hô “không đủ lễ phép” không có nữa. Tôi chẳng còn khó chịu với người kém 2 tuổi mà không gọi bằng anh, cũng như bạn có thể không thích gọi người hơn một tuổi là chị nếu hồi xưa bạn đi học sớm nhưng vì vậy mà người ấy cáu. Sang đây ngay cả người Việt với nhau cũng đơn giản hơn nhiều, không thích thì dùng english, xưng tên, chẳng thấy vâng dạ nữa trừ đôi khi các em gái vẫn dùng (nghe vâng dạ bây giờ đôi khi còn làm người ta giật mình nữa).

Nói chung Melbourne là một trong những nơi dễ sống nhất trên thế giới, mức tiêu nghe có vẻ cao nhưng nếu so với mức lương thì là rẻ. An toàn và dễ cảm giác mình đang ở nhà, không phải có nhiều thay đổi khi thích nghi, tôi thấy giống như cảm giác đang sống ở Hà nội mà vào Sài gòn vậy.

Tuy vậy, đi xa bao giờ chẳng nhớ nhà, những lúc buồn và cô đơn, hay trong những ngày nghỉ nếu không phải đi làm thêm, nhảy xe điện chừng 30 phút là ra đến biển. Ở đây tôi có thể lang thang trên bờ cát, đi trên mép sóng hay cảm giác mạnh một chút thì giẫm trên vỏ sò mà đi. Biển bao giờ cũng làm cho tôi cảm thấy nhỏ bé và vơi mọi nỗi niềm. Nước biển cực lạnh nhưng vẫn có người tắm, trên những cây cầu gỗ vươn ra ngoài xa, bao giờ cũng có những người câu cá. Câu cá có vẻ giống như thiền vậy, một đằng tìm sự tĩnh lặng còn một bên về với thiên nhiên. Ngồi xem người ta câu cá, thấy cuộc đời thật bình dị và giản đơn biết bao, những khó khăn lo lắng của tương lai như thả xuống cho biển, biển thì thật mênh mông mà âu lo thật là nhỏ bé.

 

Hà Vĩnh Phương

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96