“Con người trong quá trình khám phá thế giới đã tự mình tạo nên kiến thức đồng thời tự tạo nên thế giới của chính mình. Còn giáo dục chỉ là sự giúp đỡ để con người có thể tự học, tự khai sáng” – đó là điều mà anh Dương Trọng Tấn – Nguyên Giám đốc Điều hành FPT Aptech muốn chia sẻ về chìa khóa cho thành công bền vững đó là học tập trọn đời.

Hiện tại anh Dương Trọng Tấn là Chủ tịch HĐQT Agilead Global – một trong những người tiên phong truyền bá tri thức Agile tại Việt Nam với việc sáng lập Hanoi Scrum và Agile Vietnam.

Anh Dương Trọng Tấn – Nguyên Giám đốc Điều hành FPT Aptech và hiện tại là Chủ tịch HĐQT Agilead Global truyền cảm hứng học tập tới thế hệ Gen Z nói riêng và các bạn trẻ đã, đang chuẩn bị đưa ra những lựa chọn quan trọng cho tương lại của mình tại TalkshowNghệ thuật học tập suốt đời do Viện Đào tạo Quốc tế FPT tổ chức ngày 16/10 vừa qua.

Anh Tấn chia sẻ rằng phần đông mọi người đều nghĩ rằng lâu lâu đọc một cuốn sách, lâu lâu dự một hội thảo nào đó, tiếp xúc với một Guru (Tiếng Phạn: một chuyên gia hàng đầu) trong lĩnh vực nào đó thì đã gọi là học. Những thứ đó chỉ mang lại cho bạn những ý niệm ban đầu. Còn để học nó, hiểu nó, bạn phải bỏ thời gian đi học, và hiểu được cốt lõi của ba yếu tố:

  • Why – Tại sao lại học suốt đời
  • How – Học thế nào
  • What – Học cái gì

Trí tuệ, trình độ và kiến thức của mỗi người sẽ quyết định vị thế, vai trò của cá nhân trong tổ chức, ngoài cộng đồng mà không thể một sớm một chiều tích lũy được nếu không thông qua tư tưởng hướng học trọn đời.

Học tập trọn đời là chìa khóa cho thành công bền vững

Học không phải là chuẩn bị cho cuộc sống, học chính là cuộc sống. Bằng những nhân vật truyền cảm hứng thực tế, anh Tấn đã đem đến góc nhìn cụ thể hơn cho việc chủ động học tập và vun đắp tri thức, dành cả đời để học tập.

Cách đọc của các cụ: Đọc – dịch – giao lưu & đối thoại – quan sát & suy ngẫm – lăn vào cuộc sống sinh động, làm thì học – càng khốn khó, càng nỗ lực, học hỏi càng hăng.

Các nhà tri thức lớn như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh mới chỉ tốt nghiệp trung học đều là những người có tinh thần tự học cao mà trở thành các nhà tri thức đặc biệt.

Lớp tri thức tiếp theo như Trương Tửu, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài thì vì hoàn cảnh nghèo nàn cũng không được học “đến đầu đến đũa”. May nhờ có tinh thần tự học rất cao nên họ đã đủ sức gánh vác, làm rạng rỡ cho nền văn học Việt Nam.

Cụ Đào Duy Anh, cụ Trần Huy Liệu, cụ Dương Quảng Hàm cũng là những tấm gương bước ra từ bom đạn khói lửa khi điều kiện học tập vô cùng khó khăn, nhưng với tinh thần tự học tuyệt vời đã làm rạng danh nền giáo dục nói chung và văn học nói riêng của nước nhà.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 – 2021) – người bộ đội, giáo viên, dịch giả, thợ may và thậm chí khi nước nhà sống chung trong cảnh khó khăn ông đã từng về quê nuôi lợn và đây cũng chính là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất đương đại.

Hay nhà thơ Dương Tường là một trường hợp điển hình về khi phải học tập trong điều kiện vô cùng khó khăn do lớn lên trong kháng chiến chống Pháp và nhờ cố gắng vượt qua hoàn cảnh mà trở thành nhà tri thức: “Trong ba lô của anh lính mới của trung đoàn luôn có từ điển tiếng Pháp Larousse dày cộp và tập thơ “Con tàu say””.

Nhà giáo Phạm Toàn/Châu Diên – Nhà văn, Dịch giả, Nhà hoạt động xã hội đồng thời ông cũng là công chức tại Bộ giáo dục. Tuy nhiên ông đã quyết định từ bỏ biên chế để dành cuộc đời mình cho trải nghiệm và sáng tác. Trong cuộc đời ông đã để lại cho thế hệ sau tổng công trình sư bộ sách Cánh Buồm (tự giao việc) – khởi nghiệp ở tuổi gần 80.

Nhà giáo Phạm Toàn là một người thông tuệ, tinh thần hăng hái và sức làm việc bền bỉ. Suốt cả cuộc đời, ông đều tâm niệm đừng quan trọng vào kết quả mà quan trọng là chúng ta đã dám làm, bắt tay vào làm rồi mới có thêm mơ ước cao xa.

Qua những tấm gương sáng về tinh thần tự học kể trên, anh Tấn đã nhấn mạnh thêm những thông điệp ý nghĩa về học tập.

Cứ mỗi năm lại có một phần mềm mới ra, thêm một kênh để làm Marketing, hay một phương thức mới để mua sắm hàng hoá. Những thay đổi mạnh mẽ này đồng nghĩa với yêu cầu ta phải thay đổi tương ứng. Tất cả chúng ta đang cùng chứng kiến sự phát triển của một hệ sinh thái học tập mới, giúp các cá nhân ở mọi độ tuổi cập nhật kĩ năng của mình một cách dễ dàng.

Những video YouTube, những bài giảng hay trên các nền tảng học trực tuyến này đang ngày càng trở nên nổi tiếng. Nhu cầu tham gia vào các khoá học online dạy bởi những chuyên gia hàng đầu thế giới đang ngày càng gia tăng, và độ tuổi trung bình của các học viên đã lên tới 30. Trở thành một học viên không còn liên quan tới độ tuổi còn nhỏ hay thiếu kinh nghiệm, mà học tập trọn đời sẽ là yếu tố cần thiết nếu bạn muốn tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Câu hỏi được anh Tấn đặt ra là tại sao ngày xưa khi điều kiện học và trang thiết bị còn nghèo nàn và nhiều khó khăn thì các bậc cha ông vẫn luôn nỗ lực chiến thắng hoàn cảnh và làm chủ tri thức của nhân loại?

Với sự trợ giúp của công nghệ và khả năng tiếp cận kho tri thức trên Internet, thư viện ảo, giới trẻ đang có điều kiện đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần, nếu không nâng cao tinh thần học tập, tự học, tự rèn luyện thì không thể tài giỏi và trở thành những người có ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Tri thức được bắt nguồn từ nhiều phương thiện khác nhau như đọc sách, học hỏi từ những người giỏi hơn hoặc ngay cả thông qua quá trình làm việc và không ngừng sáng tạo.

So với thảm hoạ của chiến tranh, Covid-19 chỉ mới là thử thách bước ban đầu và qua tất cả những minh chứng bước ra từ bom đạn trong lịch sử tới nay, diễn giả muốn đặc biệt nhắn gửi đến các bạn rằng chúng ta ngày nay có mức độ dễ dàng học hành hơn nhiều, tất cả chỉ còn phụ thuộc ở ý chí và quyết tâm của mỗi người.

Anh Tấn kể lại câu chuyện vào năm 2014 khi anh cùng đồng nghiệp xuất bản sách, xây dựng đội ngũ nhà giáo: “Tìm kiếm được một người đủ chuyên môn để tham vấn là quá khó, dịch đã khó biên tập lại còn khó hơn vì phải qua nhiều lần giải trình lý luận. Thông qua quá trình “tự thân vận động” đó, bản thân đã học hỏi được rất nhiều bởi vậy mới biết chỉ khi tự bước vào quá trình mới tự giác ngộ ra những vấn đề mà chỉ nhìn và nghe không bao giờ thấu tường được”.

Sự “trỗi dậy” của các nhân tài

Một thế hệ tài năng mới đang trỗi dậy: Các Marketer học SQL, các Designer học thêm về UX, và các nhà khởi nghiệp học cách bắt đầu kinh doanh, các Developer học thêm kỹ năng mềm và thậm chí cả diễn viên cũng đang tham gia các khoá học trực tuyến để trau dồi chuyên môn. Những “Tài năng thích nghi” này sẽ biến đổi cùng công nghệ và Rô-bốt sẽ không thể cướp mất công việc của họ. Trái lại, họ sẽ tham gia và hoàn thiện công việc cùng với quá trình tự động hoá.

Bên cạnh đó, luồng thông tin và kho tri thức nhân loại đã trở nên khổng lồ nhưng lại rất dễ tiếp cận, là tài nguyên mà ai cũng có thể khai thác nhưng muốn làm chủ, “master” được chúng thì không thể thông qua mua bán, vay mượn mà chỉ có con đường duy nhất là học tập, tự học hỏi để “nạp”, để tích lũy cho bản thân và ứng dụng vào công việc, cuộc sống một cách có ý nghĩa nhất.

Mật mã của tài năng bắt nguồn từ việc rèn luyện không ngừng và chuyên sâu luyện tập.

Trước giờ chúng ta quá ỷ lại vào vai trò dạy kiến thức của nhà trường. Nhưng vai trò của nhà trường trong thời đại bây giờ sẽ không phải là nơi để dạy kiến thức cho học sinh nữa, mà là dạy các bạn kỹ năng tự học. So với các cụ ngày xưa chúng ta có nhiều phương tiện để tiếp cận tri thức hơn, chưa bao giờ con người lại được trao quyền lực và nguồn nhân lực to lớn như vậy về phương diện tri thức

Vậy đâu là những đầu sách “bổ não” giúp chúng ta mở mang tri thức hơn về nhiều lĩnh vực hơn nữa? Anh Tấn cũng giới thiệu đến các bạn nhiều tựa sách nổi tiếng như: Chương trình Libero học từ sách “kinh điển”: Lược sử loài người, Dân chủ và giáo dục, Quân Vương, Lý thuyết về công lý,…

Mỗi người trẻ nên có cho mình một thần tượng để noi theo đức hạnh và phẩm giá của họ, ví dụ như tác giả Peter Drucker – “cha đẻ” ngành Quản trị học hiện đại cũng chính là cây bút mà anh Tấn thần tượng và có nhiều câu nói tâm đắc.

Tri thức (khách quan) hiện bao gồm lý thuyết, cách thức giải quyết vấn đề, cẩm nang, cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên tri thức ẩn mới chính là nền tảng quan trọng, phần tri thức này bao gồm niềm tin, biểu tượng, quan điểm, cách nghĩ, kỹ năng chân tay, kỹ năng tư duy và bí quyết nhà nghề. Luyện lập và cải thiện thì kết cấu não sẽ thay đổi. Tài năng được bồi bổ nhờ quá trình rèn luyện và vun đắp.

Hoá ra phần chìm của tảng băng mới chính là kho tàng tri thức giá trị của mỗi người.

Ngay tại Talkshow, nhiều câu hỏi được các bạn đặt ra như “Từ 25-30 muốn thay đổi nghề nghiệp làm sao để có được động lực và tinh thần để bắt đầu lại từ đầu” và lời khuyên của anh Tấn chính là đừng để vị trí và tuổi tác làm rào cản, tước bỏ đi những thứ như danh hiệu trở về với đúng bản chất nguyên sơ và cởi mở để đón chào tri thức mới.

Ngoài ra hãy bắt tay ngay vào việc gây dựng từ những thói quen nhỏ nhất như: dậy sớm, đọc sách thông minh, học một cách thường trực hay liên tục tìm tòi những cái mới,…

Tuy nhiên tựu chung lại, quan trọng nhất vẫn là hình thành thói quen như vậy não bộ mới thích nghi được việc liên tục thu nhận kiến thức mới.

Ngoài ra các công cụ giúp quá trình tổng hợp kiến thức hiệu quả trở nên dễ dàng hơn cũng được anh kể đến như: Bút nhớ; Sơ đồ tư duy. Tuy nhiên anh Tấn nhấn mạnh điều quan trọng không phải công cụ mà là thói quen ghi chú. Evernote gần đây cũng là một ứng dụng tương đối tiện lợi lại bắt kịp xu thế 4.0.

Bạn Trúc Huyền đến từ TP.HCM chia sẻ việc gặp khó khăn về vấn đề tập trung trong khi học tập, làm việc và “làm thế nào để vượt qua sự trì hoãn? Có khoảnh khắc nào mà diễn giả cảm thấy giác ngộ về việc học?”

Và lời khuyên từ diễn giả dành cho bạn Huyền đó là không nên đặt mục tiêu quá cao quá xa quá lớn lao, hãy đặt những mục tiêu bé ngắn hạn và chinh phục nó. Có mục tiêu rồi phải bắt tay ngay vào hành động đồng thời thiết lập không gian chuyên nghiệp loại bỏ các yếu tố gây sao nhãng.

Trúc Huyền đã gửi lời cảm ơn tới anh Tấn và tâm sự rằng bạn sẽ thử theo cách mà anh Tấn đã đưa ra với hy vọng bản thân có thể thay đổi một cách tích cực hơn khi đã có mục tiêu, định hướng cùng sự tập trung trong bất kỳ công việc nào.

Bạn Chu Thành Bách – Sinh viên FPT Coking cho biết sau khi được nghe và cảm nhận toàn bộ về những nội dung hay câu chuyện mà anh Tấn chia sẻ về chủ đề học tập với tinh thần tự học, Bách đã liên hệ bản thân và rút ra được rất nhiều phương pháp học tập hữu ích. Đồng thời Bách cũng đã lan tỏa năng lượng tích cực đó tới những người đang tham gia Talkshow.

Ngoài ra thầy Đào Xuân Hùng – Giảng viên FPT Aptech Hà Nội tham gia Talkshow với vai trò người tham dự, hậu bối của anh Tấn nhận thấy đây là buổi chia sẻ hay và ý nghĩa đối với tất cả mọi người. Hay có bạn Xuân Trường nhận thấy những câu chuyện của anh Tấn “rất cuốn” và thú vị với chất giọng đều đều, du dương mà không hề nhàm chán.

Nán lại rất lâu sau buổi Zoomtalk, diễn giả Dương Trọng Tấn đã dùng chính kinh nghiệm vàng son của mình để giúp các bạn giải đáp những câu hỏi không chỉ xoay quanh vấn đề học – đọc mà còn về tư duy và phong cách sống.

Cuối cùng trên cương vị một bậc tiền bối đi trước, anh Tấn muốn nhắn gửi tới tất cả mọi người rằng hãy nâng cao tinh thần học tập, tự học, tự rèn luyện để trở thành những người tài giỏi, thành công và đóng góp sự sáng tạo cho cộng đồng, cho đất nước.

Còn riêng với các bạn Gen Z – thế hệ phải cạnh tranh bằng sự khác biệt có phát triển bền vững được hay không, câu trả lời tùy thuộc vào sự chuẩn bị và sẵn sàng của chính các bạn. Vã hãy tin tưởng rằng chìa khóa cho sự thành công chính là học tập trọn đời bằng tinh thần tự học mọi lúc mọi nơi.

“NÓI NHỎ, NÓI TO” là một chuỗi talkshow chia sẻ, lan toả kiến thức, tri thức kiến thức, tri thức về đa lĩnh vực, các kiến thức trong sách vở, trường lớp tới những trải nghiệm thực tế. Mỗi tuần sẽ có khoảng 03 talkshow được diễn ra theo chủ để khác nhau được tổ chức từ nay đến tháng 11/2021.

Với mong muốn ai cũng được tiếp nhận kiến thức & tri thức trong mùa Covid, cùng được trải nghiệm học tập online dù đang ở bất kỳ nơi đâu, Viện đào tạo quốc tế FPT (FAI) cùng các cán bộ, giảng viên, các khách mời, cộng sự và các đối tác tổ chức một chuỗi talkshow với tên gọi NÓI NHỎ, NÓI TO – “Nhỏ – to cùng chia sẻ” để lan toả kiến thức, tri thức về nhiều lĩnh vực từ Mỹ thuật Đa phương tiện, Công nghệ thông tin tới Tiếp thị số, các kiến thức trong sách vở, trường lớp tới những trải nghiệm thực tế.

Cùng tinh thần Sharing & Giving, dự án NÓI NHỎ, NÓI TO – “Nhỏ – to cùng chia sẻ” có mục tiêu lan toả giá trị về cả tri thức lẫn tinh thần tích cực tới 4.500 người & dành cho những ai muốn học hỏi thêm kỹ năng mới, tìm hiểu một lĩnh vực mới hay nâng cấp thêm kiến thức của bản thân để sẵn sàng cho công việc sau khi dịch bệnh đã qua đi.

Linh Đan – Trà My

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96