(Post 02/01/2006) Trong khi các bạn đang đọc những dòng này, thì cuộc đời tôi vẫn đang tiếp diễn. Tôi đã sang năm 2 của trường, còn các thầy cô Aptech thì vẫn đang miệt mài bên giáo án, bên bài giảng và không ngừng thổi những ngọn gió mới vào những người đi sau. Tôi viết lên điều này để cám ơn những thầy, cô đã từng dạy tôi vì chính họ, các thầy, các cô đã làm tôi tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống vốn đã từng nhàm tẻ đối với tôi…
Sẽ như thế nào khi một ngày nào đó con người ta không còn ước mơ nữa – tôi vẫn thường hay tự hỏi mình như thế mỗi khi nhớ lại những gì còn xót lại từ thuở ấu thơ. Ngay từ bé tôi rất là ham chơi và mơ mộng. Tôi thường hay nhìn những cánh diều, những đám mây vô tình bay ngang rồi tưởng tượng mình đang cùng bay với đám mây, “mình sau này sẽ là một phi công để có thể bay khắp nơi mình muốn”. Nhưng rồi tôi chỉ nhận được một tràng cười, những lời châm chọc từ bố mẹ, cả cô giáo, bạn bè khi tôi trả lời họ như vậy. Dường như họ, những người lớn luôn muốn con cái mình làm quen sớm với những con số, những phép toán để rồi sau này phải là một bác sỹ, kỹ sư hay chí ít ra thì cũng phải là một tiến sỹ về luật – như lời bố tôi hay dạy thế. Thế là tôi không còn dám mơ ước gì, tôi không còn muốn nói với ai về mơ ước của mình nữa.
Khi tôi học trung học, tôi bắt đấu làm quen với máy tính, lúc ấy chỉ là những cái máy màn hình đen trắng, to đùng, quê kệch. Nhưng không hiểu sao tôi lại thích nó ngay từ dạo ấy. Tôi ôm nó cả ngày mà không biết chán, có hôm tôi mất cả ngày chỉ để loay hoay với vài phép toán đơn giản. Cứ có thời gian rảnh nào là tôi lại lao vào nó, lại loay hoay với mấy phép tính cũ mèm nhưng tôi không hề chán. Nhưng hình như những người lớn họ không nhận ra điều này, họ luôn mắng tôi khi thấy tôi yêu máy tính hơn những con số, những bài toán mà họ bắt tôi phải giải. Thầy giáo chủ nhiệm và cả bố tôi nữa, họ nói thẳng thừng với tôi rằng tôi phải có ước mơ gì cao sang hơn thế nữa tức là phải là một bác sỹ hay một ông tiến sỹ luật gì đó, chứ không phải là suốt ngày cắm cúi với cái máy vi tính vớ vẩn. Họ đã bắt tôi quay lại với những con số, những bài học mà chỉ có lý thuyết, lý thuyết… những mớ lý thuyết đến khó hiểu. Hàng ngày họ nhồi nhét vào cái đầu của tôi hàng tá đủ thứ trên đời mà tôi nghĩ ngay chính họ cũng chẳng thể nhớ hết được. Họ luôn doạ tôi phải thế này, phải thế kia để có thể đuợc điểm cao trong các kỳ thi. Nhưng họ không biết rằng họ đang nắn ép, gạt bỏ một niềm đam mê trong tôi.
Thời gian dần qua, tôi dần quen với những cách học, dạy bảo xưa cũ đó, cách học mà chỉ có thầy luôn luôn nói, học trò chỉ có việc chép, rồi học thuộc những gì thầy nói. Khi đi thi lại vác những lời đó ra mà viết lại để được điểm cao. Trong khi chính học sinh, sinh viên chúng tôi thì chẳng được phép suy nghĩ theo những gì mình nghĩ. Rồi tôi lớn lên trong mớ kiến thức chỉ toàn chữ nghĩa đó, ngay cả khi tôi vào đại học thì cũng chỉ là một sự may mắn bởi vì đó cũng chẳng phải là cái ngành mà tôi ưa thích nhưng lại càng có nhiều người lớn luôn bắt con mình phải thế. Các bạn nên nhớ rằng, mình chỉ thành công thực sự với những cái mà mình thật sự yêu, thật sự để tâm. Đúng là như thế, tôi đã mất nhiều năm để chạy vạy làm ở nhiều công ty lớn nhỏ với nhiều chức danh khác nhau nhưng dĩ nhiên là tôi không cảm thấy hứng thú gì khi cứ mỗi ngày, mỗi ngày mình làm một công việc duy nhất. Có thể là nhiều tiền thật nhưng sẽ đến đâu nếu sau nhiều năm làm việc mà bạn không thấy mình thu lượm được gì? Nhưng bố mẹ tôi lại rất tự hào về điều đó, họ cho thế là tôi thành công – nhưng thực tế ra tôi lại chẳng cảm thấy gì ngoài việc làm đúng giờ, về đúng giấc như một cái máy. Tôi cũng đã thử ghi danh vào học một vài trường buổi tối, tại chức ngành máy tính mà tôi yêu mến. Nhưng tôi cũng chẳng thấy có gì khác hơn với thời tôi đi học phổ thông cũng với kiểu học sinh chỉ làm theo lời thầy ấy. Quá chán ngán, mệt mỏi mỗi khi tan sở, tôi bắt đầu lao vào ăn chơi, bia bọt, rượu chè… với những thời gian rảnh rỗi của mình vì tôi chẳng có gì để phải quan tâm sau những giờ làm việc.
Nhưng rồi một hôm, trong chuyến đi công tác dài ngày của mình, tôi bắt gặp một mẩu quảng cáo nho nhỏ của một cái tên Aptech. Thú thật là tôi cũng chẳng tin gì vào cái trường này, tôi nghĩ những kiểu trường này nhan nhản có ở khắp mọi nơi tôi đi qua, chắc cũng chẳng khác gì những nơi tôi từng học. Mà tôi cũng chỉ ở đây có vài ba tháng lại lên đường đi tiếp. Nhưng thời gian rảnh rỗi chẳng biết làm gì ở cái nơi còn lạ lẫm với tôi này. Mà ngày xưa tôi cũng đã từng thi ở đây một lần thì phải lúc đấy còn thi ba môn: Tin học căn bản, tiếng Anh và trắc nghiệm IQ. Dĩ nhiên lần ấy tôi rớt thê thảm vì tôi chỉ đăng ký cho vui. Nhưng lần này thì tôi phải phục thù mới được, để cho cái bọn bạn tôi khỏi chê tôi là Nô Bi Ta, mà cũng để cho cái trường quỷ sứ kia còn đánh rớt tôi nữa hay không. Nhưng chẳng hiểu sao, sáng một hôm đang ngái ngủ sau đêm dài làm việc, điện thoại reo vang đầu dây bên kia là giọng một cô gái nhỏ nhẹ, bỏm bẻm hỏi tôi sao không đi học? Ái chà, được phụ nữ quan tâm thế là quý hoá lắm lắm, nhất là tôi ở đây được mấy tháng rồi mà chẳng gặp được ai quan tâm mình thế cả. Mắt sáng rỡ như được của báu, tôi cũng liều học thử vào mấy buổi tối thường đi nhậu nhẹt xem. Dù sao thì cũng chẳng hại gì…
Nhưng rồi sau buổi đầu tiên ấy, tôi cảm nhận một cái gì đó rất lạ, rất thật. Không phải là những gì mà ngày xưa các thầy cô chèn ép tôi phải học thuộc lòng. Mà cũng chẳng biết từ khi nào tôi lại biết ở nhà, mở cái Laptop cũ mèm và… làm bài tập ở trường. Rồi như có ma ám hay sao ấy, các thầy cô như cho tôi thấy lại cái niềm đam mê của mình, cái niềm đam mê mà ngày xưa bị bóp chẹt không thương tiếc vì nó không phải là những bài toán, những bài học thuộc lòng ngớ ngẩn. Tôi bắt đầu cầm sách đọc, lên thư viện tìm tòi những cái mới, tối tối lại lên NET tìm những bài học trực tuyến thay cho những chat chít vô bổ. Mắt tôi cứ dán dính vào cái màn hình máy tính mỗi khi được gần nó, tôi bắt đầu cảm thấy hứng thú, lạ lẫm thậm chí có lúc tôi còn hét lên sung sướng khi mình làm được cái gì đó. Chết mê, chết mệt vì cái máy tính, đến nỗi tôi còn đặt tên cho nó là “Vợ cả” nữa đấy. Hình như là mọi người ở đây đã thổi vào cuộc đời tôi một luồng sinh khí mới với biết bao đam mê và khát vọng. Nhưng cái quan trọng là họ, những thầy cô Aptech, đã móc ra trong đống bụi bẩn thời gian cái mà ngày xưa tôi tưởng là mình lãng quên đó là: ƯỚC MƠ. Nó cũng là cái mà tôi bị bắt phải quên đi mỗi lần tôi nhắc đến. Mà đâu nhất thiết cứ phải là bác sỹ, kỹ sư hay kiến trúc sư thì mình mới được gọi là người thành công?
Cứ thế, cứ thế hàng ngày các thầy cô Aptech không ngừng mệt mỏi chắp cánh cho những ước mơ của tôi, nhất là tôi càng ngày càng cảm thấy mình xích lại gần họ hơn, cảm nhận được cả những niềm đam mê của chính họ và cũng của chính tôi. Bạn bè của tôi nói tôi bắt đầu bị hâm với bà Vợ Cả rồi, nhưng tôi lại thấy thế làm thích thú vì chí ít ra thì Bà VỢ này cũng có ích hơn là nhậu nhẹt, say sưa. Rồi tôi quyết định ở lại cái nơi này, sau những lần công tác là tôi lại chạy ngay đến trường để học những gì mình còn thiếu. Cho dù tôi có phải làm việc cật lực hơn nhưng vẫn vui với những gì mình tìm lại được.
Trong khi các bạn đang đọc những dòng này, thì cuộc đời tôi vẫn đang tiếp diễn. Tôi đã sang năm 2 của trường. Còn các thầy cô Aptech thì vẫn đang miệt mài bên giáo án, bên bài giảng và không ngừng thổi những ngọn gió mới vào những người đi sau. Tôi viết lên điều này để cám ơn những thầy, cô đã từng dạy tôi vì chính họ, các thầy, các cô đã làm tôi tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống vốn đã từng nhàm tẻ đối với tôi.
Nguyễn Hoàng Linh – Wings
FPT-Aptech HCM 200410-0529 Bài dự thi Aptech Đồng Đội 2005
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |