(Post 05/01/2006) “Tiếp xúc với Hoàng Yên Bình, một thanh niên Hà Nội 22 tuổi với cá tính nghịch ngợm, quần áo đầu tóc luôn theo phong cách hip hop, người ta khó có thể tin rằng học viên năm cuối của FPT Aptech này đang điều hành một công ty thương mại điện tử của riêng mình và là giám đốc kỹ thuật cho doanh nghiệp khác với mức thu nhập xấp xỉ 7 triệu đồng/tháng. Nhưng điều khó tin hơn cả là dù chưa hề được học cấp 3, Bình vẫn là một học viên ưu tú của Aptech” – VnExpress. Bình được chọn là nhân vật trò chuyện cuối năm của tạp chí Aptechite.

PV: Xin chào Bình, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân?

Hoàng Yên Bình (H.Y.B): Tên đầy đủ của tớ là Hoàng Yên Bình, sinh ngày 1-10-1984. Tớ đã từng mở một công ty riêng, thu nhập một tháng gần 7 triệu. Hiện bây giờ tớ đang tập trung thời gian để hoàn thành chương trình học ở Aptech thật tốt sau đó chuyển tiếp học đại học ở trường Southern Cross (Úc). Tớ rất thích làm giàu nên ước mơ cháy bỏng của tớ là trở thành một doanh nhân thành đạt.

PV: Chúng tôi được biết bạn có một quá trình học tập khá đặc biệt. Bạn có thể kể cho bạn đọc biết về điều này được không?

Quá trình học tập à? (Cười). Tớ cũng đi học lớp 1, lớp 2 như ai nhưng mà đến giữa lớp 4 thì có một lý do rất là “pờ rai vết” khiến tớ không tiếp tục học ở trường nữa mà lục tục làm thủ tục sang Australia học tiếp. Rồi thì học được 2, 3 năm, nhớ mẹ quá mình lại trở về Việt nam. Hệ thống giáo dục ở Úc và ở mình khác nhau rất nhiều. Khi tớ sang Úc học lớp 4, trông tớ bé tí tẹo nhưng đã khiến hội cùng lớp phải ngạc nhiên vì những bài toán khó tớ làm băng băng. Chương trình học bên đó dạy chậm hơn nước mình nhiều, chỉ khi vào đại học chương trình học mới bắt đầu nặng. Thế nên khi về Việt Nam, tớ thấy bỡ ngỡ quá không đi học nữa. Việc duy nhất làm tớ tự tin là thi đỗ bằng C tiếng Anh lúc mới 11 tuổi. Tớ phải theo học gia sư để hoàn thành giáo trình lớp 12. Năm 2002 tớ bắt đầu vào học tại Aptech.

PV: Lý do nào khiến bạn không chọn con đường thi vào Đại học?

H.Y.B: Lý do không chọn con đường thi vào ĐH như các bạn là một phần vì thi ĐH ở Việt Nam yêu cầu phải có bằng cấp 3 mà tớ lại không có. Cho dù có học kiến thức khá mà không có bằng cấp cũng đành chịu. Đấy là lý do thứ nhất, còn điều thứ hai nữa là nếu bây giờ có cho tớ chọn lại, tớ cũng không thấy thi vào ĐH là hay. Ví dụ như thằng bạn tớ học Điện Tử Viễn Thông trong Bách Khoa mà có thấy nó dùng gì về Hóa mặc dù đó là môn nó thi đại học. Sao không chuyên môn từ lúc thi mà cứ phải bắt thi 3 môn nhỉ? Tớ thực sự không hiểu điều này lắm. Vả lại tớ thấy rằng muốn thành công, không phải cứ liều chết vào ĐH mà có thể đi bằng con đường khác. Giáo sự Huỳnh Hữu Tuệ – Chủ nhiệm bộ môn xử lý thông tin, ĐHQG Hà Nội có nói rằng “Giáo dục của Việt Nam có một nhược điểm lớn là không quan tâm đến thế hệ kế thừa. Người ta đang quan tâm đến thành tích Olympic 5, 10, 15, 20 tuổi nhiều hơn việc đào tạo ra ngay tại trong nước những tiến sĩ, thạc sĩ thực sự giỏi và có tâm huyết”. Điều đó thể hiện rằng bạn có thể là tiến sĩ đi theo con đường chính quy nhưng bạn sẽ làm được gì mới là điều quan trọng? Hay chỉ là một cái bằng và bạn tự hài lòng với nó? Sao không đi theo con đường khác để rồi cả thế giới biết đến bạn?

PV: Vì đâu bạn lại chọn theo học tại FPT-Aptech? Phải chăng nghề LTV có một sức “quyến rũ” đặc biệt với bạn?

H.Y.B: Thứ nhất, Aptech là một môi trường tốt cho những “tài năng” lập trình viên. Khi bạn đi làm, bạn sẽ thấy Aptech là một nơi bạn học được nhiều thứ nhất và ra ngoài áp dụng hết được kiến thức là đủ thành công rồi. Các thầy ở đây chủ yếu dạy về kỹ năng và truyền lại các kinh nghiệm mà các thầy đã trải qua, không hề có cái gì gọi là lý thuyết sách vở ở đây cả. Nói thì bạn nào chưa học có thể không tin, chứ kể cả thi lý thuyết, gọi là lý thuyết đấy nhưng nếu bạn chỉ ngồi ôm sách mà đọc không thôi thì sẽ chỉ đủ điểm qua. Tớ “đam mê” nghề lập trình và vì thế cũng đam mê Aptech.

PV: Công việc hiện tại của bạn là giám đốc công ty tin học?

H.Y.B: Gọi là giám đốc công ty tin học cho oai thôi chứ công ty tớ chỉ có gần 10 người, cả code lẫn Design, đa số sản phẩm làm ra đều là Website, chỉ có một số ít là phần mềm. Tớ không quản lý anh em theo kiểu sơ đồ cây mà quản lý theo kiểu “the ring”, không có lương cứng chỉ có phần trăm hợp đồng, kể cả tớ cũng thế.Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm không ăn.

PV: Công việc quản lý dường như rất khác so với chuyên môn và kỹ năng của một LTV. Vậy bạn đã “hoà trộn” chúng như thế nào?

H.Y.B: Đúng là công việc quản lý rất khác so với công việc của một lập trình viên vả lại tớ cũng chưa bao giờ được đào tạo về nghiệp vụ quản lý hay điều hành. Nhưng tớ rất tự tin. Thứ nhất các anh em trong công ty đều làm trên tinh thần xây dựng cho toàn cục chứ không lợi ích riêng mình, cái này làm lâu rồi tớ hiểu. Thứ hai gọi là quản lý chứ thực ra mỗi khi quyết định một điều gì, một phương án gì, tớ đều họp các anh em lại, tuy nhiên thì tớ vẫn đưa ra quyết định cuối cùng nhưng vẫn phải được sự nhất trí của anh em. Và cũng chính vì học lập trình viên nên việc nói chuyện với anh em sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tớ hiểu các anh bên Design có khó khăn gì, các anh bên Code khó khăn gì, làm sao để dung hòa, gắn kết mọi người với nhau. Tớ may mắn có thể hiểu được điều đó vì tớ đã học lập trình viên.

PV: Ước mơ của bạn trong tương lai?

H.Y.B: Tớ không muốn sống mơ mộng và tớ sống không có ước mơ mà chỉ có mục đích. Mà đã là mục đích thì đặt ra là phải làm được. Mục đích trước mắt của tớ là tìm cơ hội theo học trường SCU, sau đấy có thể sẽ đi làm ở một công ty bên đó lấy kinh nghiệm. Nếu cảm thấy về Việt nam ổn hơn tớ sẽ về, vì chẳng đâu thích bằng quê hương mình. Nhưng bôn ba xứ người có lẽ sẽ tốt hơn cho cuộc sống của tớ. Có thể khi già rồi mới về Việt nam an dưỡng Càng đi nhiều, biết càng nhiều. Tớ thích đi và tớ sẽ không chịu bó gối trước bất kỳ tình thế nào.

PV: Cảm ơn Bình. Chúc bạn luôn vững bước trên con đường bạn đã chọn.

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96