(Post 09/01/2006) Tuấn “Aptech” – cái tên đã trở thành thương hiệu khi người ta nói về Phạm Minh Tuấn – người đã góp phần làm đậm thêm dấu ấn của hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech tại Việt Nam…

Anh Phạm Minh Tuấn trên đất Mỹ.

“Muốn thành công phải làm cái mình thích!”, lý lẽ của anh nghe thật giản đơn, nhưng trên thực tế để phát huy nội lực của chính mình lại là một việc không hề đơn giản.

Thành công của người “ngoại đạo”

“Sẽ rất mệt mỏi nếu không được làm việc chỉ trong một ngày”, ông chủ 33 tuổi “biện minh” cho sự bận rộn của mình. Hiện tại, một tay gánh vác công việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Aprotrain – chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo, anh đồng thời khởi động một dự án khác: Công ty Asia Fabrics & Crafts tại Mỹ, chuyên sản xuất và bán các sản phẩm thủ công Việt Nam. Với anh, cơ hội kinh doanh lúc nào cũng đầy rẫy.

Nhìn kết quả công việc của anh hôm nay, ít ai biết rằng tại điểm xuất phát cách đây 4 năm, anh là người “ngoại đạo” trong “giới” công nghệ thông tin.

Tốt nghiệp Đại học năm 1994, anh về làm việc ở một Tổng công ty nhà nước liên quan đến tàu biển. Không chịu yên phận với những công việc nhẹ nhàng, “sạch sẽ” tại thủ đô Hà Nội, anh lao đi bất cứ nơi nào có thể, lăn lộn cùng những dự án tại Hải Phòng, Quảng Ninh… Những việc mọi người từ chối thì anh xung phong dấn thân. Cắn răng nhiều để rồi thu lại được không ít những bài học đắt giá và bổ ích trong trường đời. Anh trưởng thành cùng công việc quản lý và kinh doanh từ đó.

Sau khi kết thúc một khoá học tại Đan Mạch, anh tham gia một công ty gia công phần mềm. Cũng chính thời gian này, anh nhận ra sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin. Cầu thì quá lớn mà cung thì chỉ như “muối bỏ bể”. Anh xây dựng dự án đào tạo lập trình viên Quốc tế, cùng các cổ đông khác thành lập Công ty Indochinapro và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc. Năm đó anh 29 tuổi.

“Đây có thể coi là bước chuyển lớn trong sự nghiệp của tôi. Công việc này giúp tôi phát huy được hết khả năng. Qua hai tháng chuẩn bị, tháng 11 năm 2001, Trung tâm đào tạo Lập trình viên Quốc tế Hà Nội – Aptech tại 56 Nguyễn Chí Thanh ra đời”, anh nhớ lại. “Tôi đánh giá cao sự đóng góp của các anh em đồng sáng lập và những nhân viên đầu tiên làm việc cùng mình, những người đã hết sức cùng tôi vượt qua giai đoạn đầu đầy khó khăn”.

Năm 2003, Trung tâm đào tạo Lập trình viên Quốc tế Hà Nội – Aptech thứ hai trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội đi vào hoạt động.

Trong 4 năm, riêng hai cơ sở Hà Nội – Aptech đã thu hút được khoảng 3000 học viên. Học viên Aptech ra trường đến đâu có việc làm đến đó.

Trước đó, Trung tâm Aptech đầu tiên ở Việt Nam là FPT Aptech thành lập từ năm 1999. Đến khi Indochinapro nhập cuộc, hình ảnh của Aptech càng “trưởng thành” trong nhận thức của công chúng, quy mô đào tạo được nhân rộng, số lượng học viên tăng mạnh và hệ thống Aptech ngày càng được khuếch trương, đặc biệt ở khu vực miền bắc và Hà Nội.

Không dừng lại ở đây, nhận thấy đa số các doanh nghiệp trong nước đều thiếu cán bộ kinh doanh có chuyên môn, anh thành lập Trung tâm đào tạo Quản trị kinh doanh Thames trên cơ sở hợp tác với Informatics – tập đoàn đào tạo hàng đầu của Singapore.

Nhiều người cho rằng, anh có tài làm “thị trường”, nói về điều này, anh không phủ nhận vai trò quan trọng của công việc marketing. Nhưng phải chăng đằng sau những thành công đã được cả xã hội công nhận lại chỉ có vậy?

“Phong cách người Nhật”

Ấn tượng bám rễ sâu đậm trong tâm trí anh là phong cách làm việc của người Nhật. Anh hào hứng chia sẻ những bài học anh tâm đắc: Người ta nói rằng căn phòng đã được dọn rất sạch, nhìn qua thì đúng là sạch thật, nhưng người Nhật sờ lên nóc tủ, nơi không ai nhìn thấy, chỉ ra vết bụi và với họ, như vậy là chưa sạch. Họ lau cửa kính không để lại dấu vân tay, dán nhãn bao bì thẳng tắp mà điều này đôi khi người Việt Nam lại không coi trọng.

Những ví dụ trên cho thấy người Nhật họ làm việc rất cụ thể, chi tiết, họ nhìn ra những cái người khác không nhìn thấy, nỗ lực hết mình trong khả năng có thể. “Tôi quan sát và học họ. Chính vì thế tôi cũng khá nghiêm khắc và khắt khe với nhân viên. Nhiều người không chịu được có khi phát khóc, nhưng sau đó phần lớn họ đều cảm ơn tôi”, anh không giấu niềm tự hào.

Bước vào công việc với một niềm đam mê lớn, làm kinh doanh đấy nhưng không đặt mục đích kiếm tiền lên cao nhất, anh truyền niềm say mê đó cho đồng nghiệp. Đã làm cái gì phải làm thật tốt, không làm tốt thì không làm – Những nguyên tắc kiểu như vậy anh thường nhắc đi nhắc lại với nhân viên.

Những khoảnh khắc quý giá cùng vợ và con trai.

Góc khuất

“Nhìn lại phía sau, luôn thấy mình của ngày hôm qua rất nhỏ bé, tôi lại lao vào công việc phía trước với mong muốn được khẳng định mình, được ghi nhận nhiều hơn.

Tôi là người lạc quan, nhờ đó năng lượng tinh thần luôn dồi dào, giúp tôi làm việc không mệt mỏi.

Cũng phải cảm ơn số phận đã cho tôi một người vợ hiền, có thế thì mới chấp nhận cho tôi đi biền biệt. Hiện vợ và con trai 15 tháng tuổi của tôi đang định cư tại Mỹ. Đôi khi tôi vẫn giúp vợ trông con qua… webcam” – anh tâm sự.

Những ngày cuối năm này, anh và nhóm cộng sự đang gấp rút hoàn thành những công việc cuối cùng để đưa Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Aprotrain-Aptech tại 285 Đội Cấn, Hà Nội đi vào hoạt động. Song song với đó, nhãn hiệu sản phẩm thủ công đầu tiên của anh dự định sẽ ra mắt đầu năm 2006. Tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ, anh kỳ vọng sẽ thiết lập được một mạng lưới bán hàng trực tuyến mang lại hiệu quả cao.

Bật mí về kế hoạch một ngày không xa, lĩnh vực gia công phần mềm có thể là bước thử sức tiếp theo của anh.

Thu Hương
(Theo dantri.com.vn)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96