Nhờ việc cài đặt, nâng cấp, bảo trì hệ thống phần mềm, website của 15 khách hàng, Nguyễn Hồng Linh (TPHCM) sống khỏe giữa mùa dịch dù thu nhập giảm chỉ còn 30 triệu đồng/tháng.

Nguyễn Hồng Linh bỏ việc vì cảm thấy không thể phát triển bản thân ở công ty cũ.

Bỏ việc ngàn đô ở doanh nghiệp lớn

Khoảng 5 năm trước, Nguyễn Hồng Linh (27 tuổi, quê ở An Giang) tốt nghiệp loại Khá ngành Công nghệ thông tin ở TPHCM. Cũng giống những sinh viên mới ra trường, cô xin vào làm việc ở một công ty thiết kế phần mềm tại TPHCM, với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Một năm sau, cảm thấy thu nhập thấp, cô nghỉ việc.

“Khi đi làm, em nhận ra mình bán trí tuệ quá rẻ. Công ty họ nhận dự án lên tới hàng trăm triệu đồng rồi giao cho em làm. Mỗi tháng làm khoảng 5 dự án khác nhau, từ sáng tới khuya, không nghỉ cuối tuần nhưng chỉ có lương cứng, không thưởng. Dù mình mới ra trường nhưng em cảm thấy công sức không xứng đáng”, Nguyễn Hồng Linh kể về lý do nghỉ việc.

Thất nghiệp khoảng 2 tháng, Nguyễn Hồng Linh được mời đến phỏng vấn tại một doanh nghiệp công nghệ khá có tiếng ở TPHCM nằm trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình). 10 ngày sau, cô được nhân sự gọi đến ký hợp đồng làm việc với mức lương 28 triệu đồng/tháng.

“Lúc đó em cảm thấy khá vui, cả đêm em không ngủ được. Em cũng hơi lo vì ngoài thiết kế các phần mềm cho dự án, còn kiêm thêm việc nâng cấp, bảo trì hệ thống và các hệ quản lý cơ sở dữ liệu, phục hồi CSDL. Tuy vậy, với mức lương khá cao ngày đó, em chấp nhận tất cả”, cô gái quê An Giang tâm sự.

Sau 2 năm làm việc, cô cảm thấy không có khả năng phát triển bản thân thêm ở công ty nên tiếp tục xin nghỉ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Nguyễn Hồng Linh quyết định tự nhận các dự án của những khách hàng quen về làm với mức chi phí chỉ bằng 50 – 70% khi ký hợp đồng với các công ty.

“Một số khách hàng em phải miễn phí thiết kế web, bảo trì, training cho nhân viên của họ để gây thiện cảm. Rồi cứ khách hàng này giới thiệu khách hàng khác, có khi một tháng em nhận đến 10 dự án. Công việc làm không kịp thì lại thuê sinh viên làm, có tháng thu nhập của em đến cả trăm triệu đồng”, Nguyễn Hồng Linh chia sẻ thêm.

Cô gái tâm sự hiện nay khá nhiều dân IT (công nghệ thông tin) chọn hướng đi này. Có nhiều người thành công nhưng cũng không ít thất bại. Với cô gái trẻ này, nghề thiết kế phần mềm, website cho các doanh nghiệp vẫn luôn là “miếng mồi béo bở” của những người biết nắm bắt cơ hội.

“Để làm nghề này ổn định cần phải biết đánh giá kỹ thuật các phần mềm ứng dụng. Phải thường xuyên cải tiến, nắm bắt các tính năng mới, ứng dụng tự động để khách hàng dễ dàng sử dụng. Đồng thời, việc quản lý, bảo trì cũng phải chuyên nghiệp, tận tâm để khách hàng yêu quý”, Nguyễn Hồng Linh nói thêm.

Trong mùa dịch, Nguyễn Hồng Linh vẫn có thu nhập đáng mơ ước.

Ngày chỉ làm 3h/ngày vẫn sống khỏe

Từ khi chuyển ra làm riêng, chưa khi nào Nguyễn Hồng Linh có nhiều thời gian rảnh như bây giờ. Lúc trước phải dậy từ 6h để kiểm tra phần mềm cho khách hàng, thì nay có thể ngủ tới 10h. Lúc trước mỗi ngày cô làm việc 14-16h thì nay chỉ khoảng 3-5h.

“Khoảng một năm gần đây em ít có khách hàng mới, chủ yếu chăm những mối cũ. Do hệ thống dữ liệu đã ổn định nên công việc bảo trì khá nhẹ nhàng. Giờ em đang quản lý phần mềm, website của hơn 40 khách hàng, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng”, Nguyễn Hồng Linh chia sẻ.

Theo cô, hiện nay ở TPHCM có khoảng 20.000 IT đang hoạt động tự do. Hàng tháng, nhóm có họp kín và chia sẻ những dự án với nhau. Thu nhập mỗi tháng trung bình khoảng 40-50 triệu đồng/người/tháng, chênh lệch đến từ năng lực của mỗi cá nhân.

Chia sẻ về vấn đề trên, anh Phạm Gia (chuyên gia IT, ngụ quận Tân Phú) cho biết, công việc thiết kế phần mềm tại nhà đang là xu hướng và ngày càng phát triển. Đây là một công việc đầy tiềm năng với mức thu nhập cao nhưng cạnh tranh khá gay gắt.

Công việc tưởng chừng tự do nhưng áp lực. Để thu hút được khách hàng, người làm phần mềm cần có kỹ năng tư duy hệ thống, giải quyết vấn đề và khả năng tự học, cập nhật ứng dụng mới. Lĩnh vực IT thường xuyên thay đổi nên khả năng tự học của các nhân sự IT cũng cần phải được nâng cao hơn để bắt kịp với xu hướng công nghệ.

Chuyên gia IT này cho rằng, nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay quá lớn so với nhân lực hiện có. Những IT đủ tự tin để đứng ra làm tự do sẽ không lo thiếu việc. Người có năng lực tốt có thể kiếm được hàng chục hợp đồng mới mỗi tháng và doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao hơn mặt bằng để có được website đẹp.

Theo báo cáo nghiên cứu về thị trường IT Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin năm 2021 tăng khoảng 36% so với năm trước, với nhu cầu rất lớn khoảng 117.000 lập trình viên, trong khi khả năng đáp ứng chỉ khoảng 12%.

Năm 2020, toàn ngành IT Việt Nam thiếu 400.000 người nhưng mỗi năm số sinh viên tốt nghiệp chỉ có 50.000 sinh viên. Như vậy khoảng cách về số lượng nhân lực IT Việt Nam còn đang thiếu rất nhiều.

Xuân Hinh
(theo Dân trí)

Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn

Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96