(Post 27/9/2005) Khán giả truyền hình của cả nước đã thật sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh một chàng trai cao lớn với cái đầu ngúc ngoắc và những bước đi không bình thường bước lên bục nhận giải Nghị lực cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2004. Đằng sau giải thưởng của chàng trai này là một câu chuyện về ý chí, như tên thật của anh: Nguyễn Chiến Thắng.
Bi kịch màu da cam
Tháng 8/1979, Nguyễn Chiến Thắng chào đời. Lúc mới sinh ra, Thắng rất bụ bẫm, nhưng chỉ vài tháng sau, tay chân cậu bắt đầu co quắp và có những biểu hiện phát triển không bình thường. Bố mẹ Thắng đưa con trai đến bệnh viện nhờ bác sĩ Nguyễn Tài Thu châm cứu và chạy chữa suốt hơn 2 năm nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đưa Thắng đi chẩn đoán, chữa trị nhiều nơi, người thì bảo bị bại não, người bảo thần kinh… Nhiều lúc bố mẹ Thắng đã gần như tuyệt vọng bởi Thắng rất yếu.
Năm 10 tuổi, Thắng được bố mẹ đưa đến Làng trẻ em Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) để học đọc, viết cùng các bạn khuyết tật. Được 2 năm, Thắng đã có thể đọc tốt và viết được dù rất chậm bởi bàn tay bị co quắp, các bạn viết được nửa trang Thắng mới viết chưa được một dòng. Đó là chưa kể đến việc chiếc bút cứ gãy liên tục bởi đôi tay khó điều khiển của Thắng. Rất phấn khởi trước sự tiến bộ của con mình, bố mẹ đưa Thắng đến học tại một trường phổ thông ở gần nhà.
Ngay trong ngày đầu tiên đến lớp, do hình dáng khác người lại nói ngọng, Thắng bị các bạn trêu chọc và ném đá. Thắng và bố mẹ quá sợ hãi đành dừng việc học ở trường. Lúc này, cánh cửa học hành dường như đã đóng lại đối với cậu. Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân, bố Thắng kể lại: “Tôi không trách bọn trẻ bởi chúng còn quá nhỏ, nhưng tôi buồn vì xã hội ta lúc đó chưa tạo được một môi trường tốt cho trẻ em tàn tật có quyền được học hành và được sống như những người bình thường khác”.
Hơn hai năm trước, Thắng đã biết được đích xác nguyên nhân căn bệnh của mình là do ảnh hưởng của chất độc màu da cam, não phải bị tổn thương nặng, đặc biệt về khả năng nói và viết.
Tấm bằng Aptech và người bạn trên mạng
Để giúp con trai có thể hồi phục đôi tay, bố mẹ mua cho Thắng chiếc đàn organ để tập luyện. Thế nhưng Thắng lại không mấy hứng thú với chiếc đàn. Năm 1992, bố mua cho chị gái chiếc máy vi tính nhưng chính Thắng mới là người bị nó quyến rũ ngay từ phút đầu tiên. Bố mẹ Thắng cũng mừng bởi việc gõ máy tính cũng giống như một biện pháp vật lý trị liệu giúp cho đôi tay của Thắng. Thực tế cho thấy máy tính còn làm được nhiều điều hơn thế…
Kể từ khi có máy tính, Thắng suốt ngày say sưa với chiếc máy, chơi trò chơi và học đủ thứ về máy tính. Vào ngày nghỉ, bố mẹ dắt Thắng đi chơi và vào các hiệu sách, những cuốn sách Thắng yêu thích là về tin học. Thắng say mê tin học từ những chương trình đơn giản như tin học văn phòng, Foxpro cho đến các ngôn ngữ lập trình như Visual Basic, C++…
Năm 2002, Thắng quyết định đăng ký học tại Aptech. Anh Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc Aptech lúc đầu không tin Thắng có thể học được, bởi Thắng không biết tiếng Anh. Nhưng Thắng quả quyết mình sẽ học được bằng cái giọng ngọng líu ngọng lo và ngắt quãng của mình. Cảm động trước quyết tâm của Thắng, anh Thành đã nhận cậu vào học. Kỳ thi cuối khóa học Aptech năm 2003, Thắng là một trong 2 thí sinh đặc biệt của năm: Thắng được các bạn dịch hộ tiếng Anh để làm bài và được thời gian làm bài nhiều hơn so với các học viên khác. Thắng tốt nghiệp Aptech với tấm bằng loại khá.
Rồi, tình cờ Thắng làm quen với một người bạn Việt Nam trên mạng đang làm việc tại một trung tâm đào tạo của Microsoft tại Pháp. Người này đã giúp Thắng theo học một khóa đào tạo miễn phí của Microsoft. Một điểm đặc biệt hơn, người bạn này cũng bị tàn tật như Thắng và đã từng nếm trải những khó khăn khi học tập, làm việc ở Việt Nam. Hơn một năm trời, Thắng học chương trình của Microsoft qua mạng từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng hằng ngày (do bị lệch về múi giờ giữa Việt Nam và Pháp). Cuối khóa học, Thắng thi và tốt nghiệp loại ưu. Ngày 31/12/2004 – trước 1 ngày nhận giải Nghị lực cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2004 – Thắng đã nhận được chứng chỉ của Microsoft từ Pháp gửi về.
Tối 1/1/2005, khi bước lên bục nhận giải Nghị lực cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2004 với phần mềm “Giải pháp bảo mật tích cực cho web”, bố Thắng – Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân xúc động đến ứa nước mắt. Khi nhận giải, Thắng cũng không thể phát biểu rành rọt trước hàng triệu khán giả xem truyền hình. Thắng chỉ có thể biểu lộ niềm vui của mình bằng việc cười rất tươi và liên tục ngúc ngoắc đầu. Thắng còn vui mừng hơn khi anh Trương Gia Bình, Tổng giám đốc Công ty FPT tuyên bố sẽ nhận Thắng vào làm việc tại FPT, sau khi nghe bố Thắng nói ước mơ của cậu là được làm việc tại một công ty công nghệ tin học của Việt Nam.
Não phải bị tổn thương nặng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tiếng Anh của Thắng, kỹ năng rất cần cho việc học và làm việc sau này. Thế nhưng, hằng ngày Thắng vẫn giở từng trang sách tiếng Anh và cần mẫn học…
Hoàng Ly
(Theo Thanh Niên Online)
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |