FPT Aptech đã tổ chức Zoom Talk với chủ đề “LẬP TRÌNH | Sự học & Sự nghiệp” diễn ra tối 20/08 vừa qua cùng sự chia sẻ đồng hành của thầy Nguyễn Duy Hoàng – Giảng viên FPT Aptech. Sự kiện đã thu hút hơn 100 người tham gia trên nền tảng trực tuyến Zoom. Đây là một trong những Talkshow trải nghiệm từ “NÓI NHỎ, NÓI TO – Nhỏ tỏ cùng chia sẻ” là dự án cho đi bằng chia sẻ kiến thức & tri thức tới cộng đồng.

Trải qua gần 3 giờ đồng hồ với hơn 100 người tham gia, buổi chia sẻ đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, không chỉ là những câu chuyện về sự học, sự nghiệp mà còn là những vấn đề nóng liên quan đến thị trường, cơ hội việc làm, xu hướng nghề Lập trình…

Qua các khái niệm, định nghĩa cho tới cách thực hiện, thầy Hoàng với kinh nghiệm đào tạo hơn 11 năm về Lập trình Ứng dụng cũng như làm việc tại FPT Software đã “nhỏ to” về cơ hội việc làm trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin khi bạn đã hiểu về vai trò cần thiết của các môn học.

Thầy Nguyễn Duy Hoàng hiện tại là Giảng viên FPT Aptech, bên cạnh đó thầy còn là Thạc sĩ Kỹ thuật đã có kinh nghiệm 11 năm giảng dạy lập trình ứng dụng. Không chỉ được nhiều sinh viên yêu quý vì vốn kiến thức phong phú, đa dạng  mà còn vì sự nhiệt tình trong việc hỗ trợ hết mình đối với sinh viên khi có vấn đề cần giải đáp.

Các nội dung chính được thầy chia sẻ đó là Phân tích thiết kế Database; Vai trò của Front-end trong các dự án Web; Tại sao cần nắm chắc lập trình hướng đối tượng… và cả những vấn đề xoay quanh chuyện nghề Lập trình nói chung. Chắc hẳn sau buổi Zoom Talk, các bạn đang theo đuổi ngành lập trình nói chung và các bạn đang có những dự định tương lai với ngành lập trình nói riêng sẽ thu được những thông tin thiết thực và phù hợp.

Đã có rất nhiều câu hỏi tương tác được những người tham gia gửi tới thầy Hoàng trong phần hỏi đáp.

Vậy bạn đã từng bao giờ tìm hiểu rằng tại sao mình lại cần học những môn học này, hay kiến thức kia để có thể trở thành một Lập trình viên giỏi chuyên môn? Hoặc học môn học đó sẽ cần thiết cho công việc nào mà sau này bạn đang muốn làm? Cùng tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi đó với FPT Aptech ngay sau đây nhé!

Phân tích thiết kế database: Khâu quan trọng trong phân tích phần mềm

Với một khâu mang tính chất “base – nền tảng” như vậy, việc đầu tư vào học kĩ thiết kế database là rất cần thiết. “Những kiến thức được dạy về database ở kì 1, kì 2 nhất định không được lơ là, chủ quan” – Đây cũng là lời khuyên của thầy dành cho các bạn sinh viên FPT Aptech cũng như các bạn học về Lập trình tại trường khác.

Bên cạnh đó, thầy còn nhấn mạnh về việc nắm bắt chắc chắn về 03 bước chuyển hóa cơ sở dữ liệu: Loại bỏ dữ liệu bị trùng, bị hỏng, xác định xem các cột dữ liệu phụ thuộc vào primary key hay chưa và xác định các cột dữ liệu không phụ thuộc với nhau.

Những bài học quan trọng về phân tích thiết kế Database: “Database (cơ sở dữ liệu – CSDL) máy tính là một kho chứa một bộ sưu tập có tổ chức các file dữ liệu, các bản ghi và các trường”.

03 bước chuyển hóa dữ liệu trong Lập trình.

Front-end: Yếu tố “đinh” kích thích người dùng đến từ giao diện trang Web

Front-end là những gì mà người dùng nhìn thấy khi truy cập vào các trang Web hoặc Web ứng dụng. Hiểu một cách đơn giản, chính Front-end là giao diện của một trang Web. Nó mang lại cho người sử dụng các trải nghiệm (nghe, nhìn) trên trang Web đó.

Việc chia sẻ những thông tin về vai trò của Front-end trong các dự án Web không chỉ giúp các nhà lập trình viên tương lai chú trọng hơn vào các framework để cải thiện thiết kế trang Web như Material, AngularJS, React native, React, Bootstrap, hogan.j … mà còn cần chú trọng tới cảm xúc và xu hướng người dùng, tạo sự kích thích cho khách hàng từ chính trang Web, từ đó hấp dẫn được nhiều người dùng truy cập vào trang Web hơn.

Thầy Hoàng đã giới thiệu về các ngôn ngữ Lập trình và các Framework.

Tại sao cần nắm chắc Lập trình hướng đối tượng

Lập trình hướng đối tượng (Object Oriented Programing) là hoạt động gồm 4 công việc chính: Phân tích bài toán thành các đối tượng vì mỗi đối tượng có phương thức (hành vi) và thuộc tính (tính chất) chung của chúng, thực hiện các phương thức của chúng. Chính vì vậy, lập trình hướng đối tượng để thực hiện bài toán đặt ra ta cho các đối tượng tương tác với nhau.

Ngoài ra thầy cũng bật mí cách học Lập trình hướng đối tượng: “Học lập trình đối tượng, lấy ngôn ngữ C++ ra làm ví dụ”. Ngoài ra, các kiến thức liên quan tới design pattern (category, đặc tính, tác dụng…) cũng đều được thầy cung cấp đầy đủ và trực quan.

Những chia sẻ chi tiết về OOP đến từ Thầy Hoàng.

Lập trình – Sự học và Sự nghiệp

Song song với việc cung cấp kiến thức – “Sự học”, thầy còn chia sẻ cả những thông tin xoay quanh “Sự nghiệp” trong ngành Lập trình. Lập trình viên là những người tạo ra những đoạn code bằng các ngôn ngữ lập trình, nền tảng và các công cụ hỗ trợ như Html, Css, Java, Python, C++, C#, PHP… để xây dựng nên các phần mềm, ứng dụng, Website, App… trên nền tảng máy tính và di động.

Ngành lập trình là một ngành đi đầu trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin đòi hỏi Lập trình viên phải có một tư duy nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời và có sự đầu tư trong việc phát triển những kỹ năng chuyên môn của chính mình.

“Việc thiếu đam mê mà học theo trào lưu sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, tốn tiền bạc phí thời gian. Ngành này cũng là ngành có mức độ đào thải cao, chính vì vậy chỉ cần bạn thực sự có tư duy và đam mê với ngành mới có thể “trụ” lại được. Đồng thời, nếu chỉ nhìn phiến diện sẽ thấy nguồn cung đông nhưng thực chất nhân lực trong ngành này không nhiều, thậm chí là thiếu. Ví dụ như Nhật Bản họ còn có chính sách “bắt” học sinh học lập trình vì không đủ nguồn nhân sự, hay thuê người nước ngoài về làm… Chính vì vậy, có tư duy và cố gắng thì không lo thiếu việc làm trong ngành này” – đây cũng là câu chuyện thực tế từ Thầy Hoàng về tương lai của ngành Lập trình trong thời điểm hiện tại.

Bên cạnh những giải đáp về chuyên môn, thầy Hoàng nhận được những mong muốn về việc hướng dẫn phương pháp học Lập trình sao cho hiệu quả hơn.

Giỏi chuyên môn những Lập trình viên cũng cần có sự hiểu biết nhất định về các kỹ năng mềm bổ trợ cho việc học hay học tốt Tiếng Anh để thuận lợi hơn khi thao tác lập trình. Lập trình là lĩnh vực được dự đoán về sự phát triển nổi bật theo sự chuyển động không ngừng của Công nghệ Thông tin.

Một bạn ẩn danh đã đặt câu hỏi qua chatbox rằng “Liệu học lập trình có cần học và biết tiếng Anh hay không ạ?”. Thực tế rằng “Việc học tiếng Anh hiện tại là một yếu tố rất cần thiết cho ngành ngành lập trình này. Bạn không thể chỉ dựa vào những tài liệu lập trình được dịch sang tiếng Việt đã “lỗi thời” để bắt kịp với xu hướng hiện tại, bạn cũng không thể nào thăng tiến hay làm việc tại những thị trường nước ngoài phát triển như Nhật, Trung, Mỹ khi không biết tiếng Anh, kể cả việc đọc tài liệu lập trình (đa số tài liệu lập trình viết bằng tiếng Anh), sửa các lỗi code… cũng sẽ rất khó khăn nếu bạn không biết ngôn ngữ này, chính vì vậy hãy học tiếng Anh song song với kiến thức lập trình” – hy vọng câu trả lời từ thầy Hoàng đã giúp bạn hiểu hơn về sự quan trọng của tiếng Anh để có thêm nhiều cơ hội thăng tiến.

Cơ hội để mở mang và hệ thống hóa lại kiến thức nền tảng

Zoom Talk là không gian trực tuyến đón nhận các chia sẻ mở từ những người tham gia đến từ các vùng miền khác nhau. Đặc biệt có sự góp mặt của bạn Lý Đạt, sinh viên FPT Aptech Hồ Chí Minh nhiễm Covid-19 và đang tự cách ly y tế, tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn.

“TP.HCM vẫn đang trong tình trạng giãn cách xã hội, đồng thời mình cũng vừa mới qua khỏi cơn nguy kịch do nhiễm Covid-19, sức khỏe vẫn còn yếu, gia đình mình cũng đã đi cách ly hết rồi. Tuy nhiên mình không muốn lãng phí thời gian học tập chút nào cả, tham gia các Talkshow Online không chỉ giúp mình “giết” thời gian, giúp tinh thần lạc quan điều trị bệnh mà còn củng cố thêm nhiều kiến thức nền tảng về Lập trình” – là những điều Đạt giao lưu với BTC trước khi sự kiện chính thức bắt đầu.

Dù trong diện F0, sức khỏe vẫn còn yếu nhưng Bạn Lý Đạt vẫn nhiệt tình tham gia sự kiện. “Với mong muốn làm về Back-end trong tương lai, mình hi vọng sẽ có thêm nhiều chương trình chia sẻ về lập trình nói chung được tổ chức để có cơ hội học hỏi thêm”.

Dù dịch bệnh bùng phát, không thể đi đâu để đảm bảo an toàn phòng chống dịch như bạn Quang Minh đã có câu hỏi về tương lai của ngành: “Thầy ơi cho em hỏi về tương lai của ngành lập trình với ạ, nguồn cung nhân sự càng ngày càng đông thì liệu nguồn cầu có mở rộng theo hay không?”.

Bạn Quang Minh đã nhận thấy buổi Talkshow này là một cơ hội để vừa có thể đảm bảo an toàn trong mùa dịch đồng thời có thêm được nhiều kiến thức bổ ích.

Những câu chuyện vui, lời cảm ơn gửi tới thầy Hoàng cuối chương trình kết nối những con người tới từ nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S.

Kiến thức và kĩ năng để lập trình là một phương diện quan trọng – yếu tố “cần” cho ngành học này. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến việc sử dụng ngôn ngữ để lập trình – yếu tố “đủ”. Cơ hội là như nhau, nhưng quan trọng bạn vẫn cần có trong tay một hành trang về cả kiến thức từ lý thuyết lẫn thực hành thực thế để phát huy năng lực, tìm kiếm được cơ hội tốt cho bản thân trong ngành Lập trình ngay từ bây giờ!

Còn nếu cần tìm một hướng đi, một sự chỉ đường dẫn lối tới đam mê Lập trình thì đừng ngại tới FPT Aptech để chúng mình cùng nhau trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình nhé.

LỘC TOÀN/TRÀ MY

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96