Trong ngày 19/5, tại Hà Nội, Cần Thơ và TP. HCM, 27 đội thi lập trình FPT Edu Hackathon 2018 đã bước vào vòng sơ loại với phần bảo vệ ý tưởng trước BGK cuộc thi. Vòng sơ loại sẽ chọn ra 14 đội lọt vào vòng chung kết.

Vòng sơ loại cuộc thi lập trình được tổ chức kết hợp giữa hình thức offline và kết nối trực tuyến. Các hội đồng thi được kết nối với nhau bằng công nghệ teleconference, giúp các đội dự thi tại từng thành phố Hà Nội – TP. HCM – Cần Thơ có thể bảo vệ ý tưởng với BGK của cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon toàn quốc.

Được biết, BGK là các giảng viên của từng đơn vị trong Tổ chức Giáo dục FPT. Trong đó, thành viên BGK của Đại học FPT là thầy Phan Trường Lâm và thầy Trần Đình Trí, đại diện của FAI là thầy Nguyễn Tuân, của Đại học Greenwich (Việt Nam) là thầy Doãn Trung Tùng, của Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic là thầy Lã Ngọc Quang (đầu cầu Hà Nội), thầy Võ Hồng Khanh (đầu cầu Cần Thơ) cùng thầy Nguyễn Huy Hùng (đầu cầu TP. HCM).

Ngoài ra, do đặc thù trường học trên mây, 2 đội tuyển của FUNiX chọn hình thức bảo vệ “trên mây” khi thuyết trình ý tưởng của mình qua Skype.

Tại Hà Nội, không khí diễn ra vô cùng khẩn trương và có phần hồi hộp. Tại đây có 13 đội thi. Ở hội đồng thi Cần Thơ và TP. HCM lần lượt có 3 và 7 đội thi tham dự.

Đại diện đến từ đội DEGOI tham dự phần thi tại Hà Nội, sinh viên Nguyễn Tiến Tuấn Anh chia sẻ: “Nhóm đã dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho vòng sơ loại hôm nay. Nhưng chuẩn bị kĩ lưỡng đến đâu, đứng trước cửa phòng thi nhóm vẫn thấy lo lắng và hồi hộp.”

Cũng đến từ rất sớm, đội Koi Team đã tranh thủ thời gian trước thi ôn lại kiến thức, chuẩn bị kĩ càng cho phần thuyết trình. Bạn Nguyễn Minh Hiếu, thành viên của đội chia sẻ, “Dù chưa bắt đầu thi nhưng có vẻ như các đội đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Hy vọng, đội trưởng của nhóm mình sẽ vững vàng và thể hiện tốt nhất cho phần thi thuyết trình. Các thành viên đều tin tưởng bạn ấy”.

Vòng sơ loại cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2018 chính thức diễn ra vào lúc 8 giờ 30 phút tại đồng loại 3 đầu cầu. Mỗi đội sẽ có 5 phút trình bày và 10 phút trả lời hỏi đáp từ hội đồng

Phần trình bày mở màn với ý tưởng “Bể cá thông minh” của Koi Team nhận được khá nhiều câu hỏi về đặc tính kĩ thuật và tính khả thi từ hội đồng. Thầy Võ Hồng Khanh, BGK tại đầu cầu Cần Thơ đã đưa góp ý cho đội, “Đây là đề tài hay tuy nhiên tính rủi ro khá cao. Đội nên giới hạn lại đề tài và bổ sung thêm kiến thức về sinh học chuyên sâu hơn”.

Đội Ocean của ĐH FPT với ý tưởng thiết kế ứng dụng tư vấn sức khỏe cài đặt trên điện thoại như một phòng khám mini có thể kiểm tra sức khỏe thường xuyên, trực tiếp cho người sử dụng là đội trình bày nhận được nhiều câu hỏi phản biện của hội đồng nhất

Đặc biệt, trong phần thuyết trình đội còn đề cập đến hướng phát triển của sản phẩm này trong tương lai. Cụ thể, ứng dụng này ngoài kiểm tra sức khỏe cá nhân của từng người sẽ hướng đến kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Từ đó, tạo ra một vòng khép kín đảm bảo sức khỏe cho con người.

Tuy nhiên, BGK 3 miền nhận thấy đây là ý tưởng ít có khả năng hoạt động một cách độc lập mà cần có sự kết nối và trợ giúp từ các chuyên gia y tế. “Nếu đảm bảo được sự an toàn và chính xác các thông tin tư vấn sức khỏe và uy tín từ phía y tế thì đây là ứng dụng cần thiết bởi nó sẽ đưa ra lời khuyên hữu hiệu và có trách nhiệm đến người dùng”, thầy Trần Đình Trí nhận xét.

Trong lúc đó, các thí sinh đến từ Cần Thơ khá tự tin với phần chuẩn bị của mình. Ý tưởng “Hệ thống trồng rau thông minh” được đội CoderGang trình bày mạch lạc, tự tin. Tuy nhiên, các câu hỏi đến từ hội đồng BGK 3 miền đã làm đội khá lúng túng và cần bổ sung kiến thức để hoàn thiện ý tưởng hơn.

Nhận thấy sự lãng phí của các thiết bị điện hiện nay và nguồn năng lượng mặt trời rất hữu ích lại chưa được khai thác tốt, Đội Stack Override đã đem ý tưởng S-School (Smart – Strong – Secure) đến phòng thi sơ loại của Hackathon.

Cụ thể, ý tưởng sẽ hình thành hệ thống pin mặt trời tự động, lắp đặt hệ thống cảm biến để thu thập các thông tin về nhiệt độ, chuyển động và hướng ánh sáng, từ đó điều chỉnh độ sáng trong phòng sao cho phù hợp với điều kiện môi trường xung quanh, qua đó giảm thiểu điện năng tiêu thụ. Các câu hỏi của BGK gần như đã không làm khó đội thi.

Cũng là một trong những đội có đề tài dự thi thú vị, đội SHS của FPT Polytechnic có mặt tại hội đồng thi TP. HCM đã tự tin trình bày ý tưởng “Điều khiển thiết bị điện tử trong nhà bằng giọng nói thông qua thiết bị di động có học lệnh. Theo đội, đây là ý tưởng được đội ấp ủ đã lâu và mong muốn đưa vào triển khai thành sản phẩm thực tế.

Đặc biệt, tại vòng thi với mong muốn thuyết phục được BGK đội còn chuẩn bị phần video demo sản phẩm thông qua trình chiếu video.

Là đội gặp khá nhiều trở ngại vì các thành viên ở những tỉnh thành khác nhau, Bộ tứ Codefight của FUNiX đã nỗ lực vượt qua khó khăn để cùng nhau bước đến vòng sơ loại. Phần trình bày trên Skype của các thí sinh FUNiX với ý tưởng “Ứng dụng theo dõi quản lý các chỉ số sinh tồn từ xa (Fx04) đã đưa đến nhiều lợi ích” đã nhận được nhiều góp ý từ Hội đồng BGK.

Đội TabeASo với ý tưởng “Fparking: Một ứng dụng giúp người dùng tìm và đặt chỗ để xe gần nhất và rẻ nhất xung quanh vị trí của họ” đang tập trung cho phần thuyết trình trước BGK.

Cái nóng hầm hập giữa tháng 5 có lẽ cũng không thể nóng bằng tinh thần quyết tâm chiến đấu để giành vé vào chung kết FPT Edu Hackathon 2018 của các đội thi.

Thầy Phan Trường Lâm đặt câu hỏi phản biện về ý tưởng “Hệ thống book phòng và khóa cửa thông minh cho khách sạn/airbnb, sử dụng blockchain để lưu trữ và transact thông tin” của đội VTeam

Vào đến vòng sơ loại, các đội thi FPT Edu Hackathon 2018 đều là những đội “có võ”. Phần trình bày của mỗi đội đều có những điểm khiến Hội đồng chấm thi hài lòng. Tuy nhiên, cuộc thi nào cũng có những tiêu chí riêng. Thầy Phan Trường Lâm, đại diện BGK vòng Sơ loại cho biết, những phần trình bày được đánh giá cao ở vòng Sơ loại là những ý tưởng đáp ứng được các tiêu chí gồm: Ý tưởng có tính sáng tạo đột phá (30%); Khả năng hoàn thiện ý tượng đến khi kết thúc cuộc thi (40%); Tính ứng dụng vào thực tiễn (20%) và Khả năng ứng dụng rộng rãi (10%).

Kết thúc ngày thi Sơ loại, các thí sinh đều trông đợi mình lọt vào danh sách thi đấu của vòng Chung kết. BTC cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2018 cho biết, kết quả vòng sơ loại sẽ được BTC công bố sau 3 ngày thi. Theo đó, 14 đội sẽ bước tiếp vào vòng mentoring, chuẩn bị sẵn sàng cho Chung kết cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2018 vào ngày 09-10/06 tới đây, tại Campus Hòa Lạc, TP Hà Nội.

Bài: Ngọc Ánh
Ảnh: Ngọc Ánh – Trần Quyên – Phương Thảo

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

 

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96