Mobile Developer (MD) – lập trình di động – là nghề “hot” đang được rất nhiều lập trình viên trẻ theo đuổi. Tuy nhiên không ít người đang băn khoăn nên đầu quân cho một công ty công nghệ hay trở thành freelancer (người làm tự do) để có thể viết ra những ứng dụng “trong mơ”.

Freelance MD làm gì?

Trong một thị trường ứng dụng smartphone bùng nổ như hiên tại, cơ hội dành cho các freelance MD thể hiện tài năng rất nhiều. Có thể lấy tấm gương những freelancer nổi tiếng như Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird có doanh thu đáng mơ ước ngay cả với các MD trên thế giới (dĩ nhiên về sau anh đã có nhóm làm việc của mình). Hay cái tên cô gái 8x Trương Thanh Thúy với ứng dụng Whiteboard từng gây ấn tượng mạnh tại Sillicon Valley, cán mốc 9 triệu lượt download trong vòng 4 năm sau khi phát hành và đem lại doanh thu hơn 1 triệu USD.

Tuy nhiên, thực tế để có thể vươn lên thành công rực rỡ, hoặc đơn giản hơn là có thể sống tốt với nghề không phải là câu chuyện đơn giản với các MD freelance.

Trao đổi với ICTnews trong một buổi offline nhỏ gần đây giữa các nhà phát triển, anh Đặng Thân, một MD có 5 năm kinh nghiệm trong nghề và từng có nhiều thời gian làm freelance chia sẻ thu nhập của các MD freelance chủ yếu đến từ những dự án outsource của các công ty nước ngoài, các công ty trong nước cũng có nhưng rất ít. Nếu là một người lành nghề thì thu nhập có thể lên đến hàng ngàn USD một tháng, nhìn chung là cao hơn so với các MD tại các công ty công nghệ nhưng nguồn thu này không ổn định. Có tháng làm không hết việc, có tháng ngồi chơi là chuyện quá phổ biến, nhưng đã dấn thân vào làm freelance thì đương nhiên phải chấp nhận mạo hiểm.

Thân cũng cho hay, công việc của một freelancer nhìn qua thì có vẻ rất thoải mái về mặt thời gian nhưng với MD thì không hẳn. Các dự án outsource của các công ty nước ngoài đòi hỏi người tham gia phải cùng làm việc trực tiếp, tức phải làm vào ban đêm hoặc sáng sớm do sự chênh lệch về múi giờ. Ngoài ra, với áp lực để hoàn thành dự án đúng hẹn thì nhiều MD freelance có thời điểm phải làm việc 24/24.

Không có sự giúp đỡ, hỗ trợ cũng như chia sẻ từ đồng nghiệp cũng là một điểm thiệt thòi với các MD freelance. “Tuy nhiên ở vị trí MD freelance, do yêu cầu công việc phải làm trọn gói từ A-Z nên các freelancer có thể trau dồi thêm những kĩ năng như quản lý thời gian, marketing, tương tác người dùng,… cũng như biết thêm nhiều nền tảng lập trình khác nhau”, anh Thân cho biết.

Một con đường khác cho các MD freelance là thử vận may với việc viết ứng dụng và tải lên các kho ứng dụng như Google Play hay App Store. Tuy vậy thực tế cho thấy đường này còn chông gai hơn bởi khả năng thành công là khá thấp, đôi khi còn phụ thuộc vào vận may và ngay cả khi ứng dụng có thành công thì việc duy trì doanh thu ổn định và phát triển nó lên cũng là cả một vấn đề.

Không ít các start-up đã gây dựng được thành công với 1, 2 ứng dụng ban đầu nhưng sau đó cũng phải ngậm ngùi đóng cửa. Ngay chính ứng dụng Whiteboard được nhắc đến ở trên cũng đã không thể tìm được hướng phát triển sau giai đoạn đầu thành công và dẫn đến việc Trương Thanh Thúy phải đóng cửa start-up của mình.

Full-time MD làm gì?

Đầu quân cho các công ty công nghệ là lựa chọn của số đông những MD sau khi vượt qua giai đoạn “học hành” ban đầu. Ở đó, các MD sẽ được chia vào các nhóm và thực hiện các dự án do công ty đầu tư. So với những người đồng nghiệp làm freelance, con đường này giúp các MD có được nguồn thu nhập ổn định, có được sự hỗ trợ về kĩ thuật và tài chính vững chắc và môi trường làm việc với nhiều đồng nghiệp trong team.

Anh Bùi Hải Nam, MD hiện đang làm việc tại GVN Technology (Hà Nội) cho biết, các freelancer được quyền chủ động đặt ra mức tiền công cho mình và “tăng lương” bất cứ khi nào họ muốn bằng việc đàm phán từng mức phí với từng khách hàng khác nhau thay vì đàm phán lương một lần và nhận lương tháng như MD full-time.

Thế nhưng áp lực với các MD freelance là lớn hơn rất nhiều, khi phải tự báo cáo mọi thứ cho khách hàng và tự quản lý thời gian để đảm bảo thời hạn hoàn thành công việc.

“Nếu trong trường hợp bạn bị trễ deadline, bạn không thể chỉ nói “Xin lỗi, tôi không đủ thời gian để làm kịp tiến độ”. Và với freelancers thì tất cả mọi trách nhiệm sẽ đổ hết lên đầu bạn khi có vấn đề gì xảy ra, trong khi nếu làm full-time (toàn thời gian) thì bạn không cần phải chịu trách nghiệm hoàn toàn cho một dự án”, anh Nam cho biết.

Anh Nguyễn Hữu Hòa – Software Manager (Trưởng phòng phần mềm) phụ trách dự án Zalo Pay của VNG chia sẻ thêm: “Đối với những người trẻ, việc đầu quân cho các công ty công nghệ là một hướng đi rất tốt bởi ở đây các bạn sẽ được làm rất nhiều việc, trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau trong một dự án, qua đó có cơ hội học hỏi từ những người đi trước”.

Với một MD mới bắt đầu sự nghiệp thì việc tích lũy kinh nghiệm, bồi bổ kiến thức và xác định hướng đi của mình trong tương lai nên là ưu tiên hàng đầu. Khi đã có một nền tảng nhất định, cảm thấy mình đã “vững” thì có thể bước chân trên con đường freelance. “Quan trọng nhất với người trẻ đó là dám làm và được làm”, anh Hòa nói.

Anh Hòa cũng cho biết, mô hình “start-up trong công ty” đang được xem là xu hướng của các công ty công nghệ trong nước. Mô hình này giúp xóa đi những định kiến về sự nhàm chán đối với một công việc full-time, duy trì được sự thoải mái, sáng tạo, giúp những thành viên tham gia dự án có thể vừa làm vừa học hỏi lẫn nhau mà một start-up vốn có.

Dự án Zalo Pay mà anh Hòa đang phụ trách cũng như nhiều dự án khác của VNG hiện đang hoạt động theo mô hình này. “Với việc được hỗ trợ công nghệ và tài chính ổn định từ công ty mẹ, các MD có thể yên tâm theo đuổi dự án mà không lo “đứt gánh giữa đường” như các dự án độc lập hay gặp phải”.

Người đang phụ trách phần mềm cho Zalo Pay cũng cho rằng, ngoài ra việc được tham gia vào môi trường làm việc tập thể, lập trình viên có thể chia sẻ những khó khăn và nhận được sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp, tham gia những hoạt động team building trong công ty cũng giúp giải tỏa căng thẳng cho đội ngũ MD rất nhiều sau cả ngày phải ngồi với chiếc máy vi tính.

Con đường nào cho MD trẻ?

Về lời khuyên cho những người trẻ, anh Đặng Thân cho rằng dù là làm freelance hay full-time, các MD đều hướng đến việc tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích và được nhiều người sử dụng. “Đây là niềm cảm hứng lớn lao cho sự nghiệp developer và đôi khi, các MD sẵn sàng từ bỏ những vị trí “lương cao, làm nhàn, chỉ tay năm ngón” để tìm kiếm cơ hội được trực tiếp làm ra sản phẩm”.

Trở thành một developer có thể làm việc với nhiều nền tảng và nhiều ngôn ngữ khác nhau là điều mà người trẻ nên hướng đến, anh Thân khuyên. Để có thể vươn đến vị trí này, các MD nói riêng và developer nói chung cần trang bị cho mình kiến thức rộng, không chỉ giới hạn trong việc lập trình. Chẳng hạn, một MD giỏi bên cạnh khả năng lập trình đa nền tảng còn phải nắm rõ kiến thức về thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng (UX/UI), có kiến thức kinh doanh và khả năng marketing cho sản phẩm của mình nữa. Đó là những thứ không thể có được trong vòng một sớm một chiều và chắc chắn, không dành cho những developer thiếu đam mê.

Chung quan điểm này, anh Hữu Hòa cũng khuyên các MD trẻ cần phải được làm việc càng nhiều càng tốt để bổ sung thêm kinh nghiệm và kiến thức, thay vì chỉ chú trọng vào việc kiếm ra nhiều tiền. Chẳng hạn nếu mải mê vào việc làm những dự án outsource, vô tình các MD sẽ không có thời gian để học thêm những kiến thức mới mà quanh năm suốt tháng chỉ làm những công việc tương tự nhau, dẫn đến khó kiếm việc khác khi không còn “bầu sữa” outsource. Hoặc nếu chỉ làm việc mãi với một nền tảng (chẳng hạn chỉ lập trình ứng dụng cho Android hoặc iOS), MD cũng sẽ sớm đi vào lối mòn và nhanh chóng bị đào thải trong vòng quay khắc nghiệt và yêu cầu làm mới kiến thức liên tục của làng công nghệ hiện nay.

 

 

Hải Đăng
(theo ICTNews)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96