Vào khoảng thời gian này 50 năm trước, phần mềm đầu tiên viết bằng ngôn ngữ Basic đã chạy thành công trên một máy tính lớn GE-225 tại Đại học Dartmouth. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong lịch sử máy tính.
Ngày nay, các lập trình viên có thể có nhiều sự lựa chọn cho mình khi bước vào thế giới lập trình. Chẳng hạn, ở cỡ thiếu niên từ 8 đến 12 tuổi thì có thể sử dụng công cụ Scratch của MIT Media Lab để xây dựng một chương trình với những tùy chọn trực quan và đầy màu sắc. Lớn hơn chút nữa thì dùng HTML và Javascript để viết kịch bản Python cho máy tính Raspberry Pi. Hoặc cũng có thể tải về các trình biên dịch (Compiler) miễn phí và môi trường phát triển cho các ngôn ngữ lập trình C hay C++.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn Processing – một ngôn ngữ lập trình mã mở, thiết kế với mục đích lập trình đồ họa trên nhiều môi trường khác nhau như Linux, Window, Mac, Android và cả Web. Thậm chí, hiện có rất nhiều lựa chọn để bạn có thể xây dựng các vật phẩm phức tạp trong thế giới ảo của Minecraft. Các khóa học trực tuyến hay video hướng dẫn cũng vô cùng phong phú trên Internet.
Nhưng trong những năm 1980, hầu hết trẻ em không được tiếp cận với Internet, không có được một môi trường phát triển tích hợp với đồ họa phong phú, thậm chí còn không có sự lựa chọn về ngôn ngữ lập trình. Những gì có được vào thời điểm đó chỉ là máy tính 8-bit có chức năng cơ bản với con trỏ nhấp nháy.
Stephen Cass, biên tập viên cao cấp của tạp chí IEEE Spectrum nhớ lại: Vào năm 1985, khi đó anh 12 tuổi, thì anh có được chiếc máy tính Texas Instruments TI-99/4A. Đây là chiếc máy tính 16-bit đầu tiên và anh đã bắt đầu viết những trò chơi đơn giản. Lúc đó, để tạo ra những trò chơi này, anh phải rất kiên nhẫn để viết ra rất nhiều chuỗi code kiểu IF… THEN GOTO. Sau đó, anh cũng trải qua nhiều khó khăn mới mày mò được mẫu code FOR… NEXT và thêm âm thanh tự tạo với lệnh SOUND.
Vào những năm 1980 tại Mỹ, các chính trị gia và người nổi tiếng luôn tuyên bố trên tivi (phương tiện truyền thông chủ yếu thời đó) rằng máy vi tính là xu hướng của tương lai. Vì thế, cha mẹ cũng phải cố gắng để trang bị cho con cái mình một máy tính để phục vụ việc học tập. Dần dần, các phòng thí nghiệm máy tính (Computer lab) và câu lạc bộ máy tính đã xuất hiện trong các trường học.
Đáp ứng nhu cầu của hàng triệu bậc cha mẹ đang lo lắng cho tương lai của con cái, hàng loạt các công ty ra đời và sau đó là sự bùng nổ của “Kỷ Cambri” cho máy tính gia đình. Apple II là chiếc máy tính gây được tiếng vang lớn nhất tại thời điểm này. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị các đối thủ cạnh tranh khác lấn át như TRS-80, Commodore 64, Sinclair ZX Spectrum và Dragon 32. Ngoài ra còn có một số máy ít được biết đến hơn như Sord M-5, the Oric-1 và Coleco Adam.
Điều đặc biệt là tất cả các máy tính được cài sẵn phần mềm Basic, đa số được tích hợp luôn trong chip ROM.
Sau khi máy tính, ngôn ngữ và phần mềm lập trình đã có, các chương trình truyền hình lúc đó ồ ạt cho ra những bài học đơn giản qua tivi. Các nhà sách cũng bắt đầu bán những cẩm nang về lập trình Basic với những dòng mã được in dày đặt bên trong. Thậm chí các nhà xuất bản còn bán ra những cuốn truyện phiêu lưu, nội dung bên trong cũng đi kèm với những chương trình Basic để việc học lập trình bớt “nặng đầu” hơn.
Tuy nhiên, “thiên đường” Basic vào năm 1980 lại phát sinh một lỗ hổng khá lớn. Mặc dù hầu hết máy tính gia đình được tích hợp một trong hai CPU (hoặc Zilog Z80 hoặc MOS Technology 6502) và tất cả được chạy Basic, nhưng thực tế thì mỗi máy lại có cách lập trình riêng trong ngôn ngữ này.
Hậu quả của việc này là các máy tính có các lệnh khác nhau sẽ gặp tình trạng bị nhòe điểm ảnh hoặc chớp tắt những chấm nhỏ trên màn hình. Các nhà xuất bản cũng cố gắng khắc phục những rắc rối này bằng cách kèm theo những mục phụ lục “Conversion Box” (khung chuyển đổi) ở cuối mỗi chương trình. Việc này cũng phần nào giúp một chương trình có thể chạy được với nhiều máy tính hơn.
Chất lượng của các nhà sản xuất máy tính, cách triển khai Basic cũng ngày càng thay đổi. Nếu ở Mỹ lúc đó có nhiều chương trình truyền hình dạy Basic dành cho tuổi teen thì ở Anh và Ireland thì máy Micro Acorn của BBC lại được nhiều người đón nhận.
Micro Acorn của BBC được tung ra vào năm 1981 như là một phần của chiến dịch chống mù máy tính của Anh. Sự kết hợp giữa những tiêu chuẩn khắt khe của BBC và kỹ năng của những lập trình viên giỏi (nhiều người trong số này sau đó đã tạo ra kiến trúc vi xử lý di động ARM mà hiện đang được sử dụng trên 95% điện thoại thông minh trên khắp thế giới) đã tạo ra được kết quả rất khả quan. Những giảng viên Basic của BBC Micro đã cung cấp những tính năng tiên tiến cho cấu trúc chương trình và quy cách truy cập mới vào phần cứng máy tính.
Trên hết, chương trình Basic của BBC Micro đã hỗ trợ Inline Assembler (lắp ráp nội tuyến) cho phép bạn có thể trộn lẫn và kết hợp các khối mã với các câu lệnh Basic. Đây là cách dễ dàng nhất để bắt đầu lập trình Basic.
Stephen Cass chia sẻ thêm, sau đó anh được sử dụng một máy tính chạy ngôn ngữ Forth và thực sự sốc với việc từ bỏ hoàn toàn những dòng mã số (line number) và lệnh GOTO. Vào khoảng cuối những năm 1980, nhiều nhà sản xuất máy tính đã từ bỏ việc kinh doanh máy tính và chuyển sang bán máy chơi game console cho nhu cầu giải trí. PC và Mac lúc này chỉ dành cho những người những yêu cầu phức tạp hơn trong công việc.
Sau đó, có nhiều cách lập trình rẻ tiền và dễ dàng hơn ra đời hướng đến nhiều đối tượng từ trẻ em, thanh thiếu niên đến những chuyên gia khiến cho “Thời hoàng kim” của Basic kết thúc.
Đô Nguyễn
(theo PC World VN)
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |