(Post 31/12/2012) Kính tương tác Google Glass, điện thoại đầu tiên có camera 41 “chấm”, công nghệ biến điện thoại di động thành công cụ soi xuyên tường… là những bước tiến quan trọng của ngành công nghệ năm 2012.
Leap 3D của công ty Leap Motion (Mỹ) cho phép dùng tay điề u khiển nội dung mà không cần chạm vào màn hình. Sản phẩm có khả năng nhận diện chuyển động (như khi chơi game, phóng to thu nhỏ ảnh, vẽ đồ họa…) đạt độ chính xác tới 1/100 mm, tức nhạy hơn tới 200 lần so với bất cứ sản phẩm nào từng được giới thiệu trên thị trường.
Sau những video “câu khách” cùng hình ảnh ông chủ Google đeo kính xuất hiện nơi công cộng, hãng dịch vụ tìm kiếm Mỹ cũng chính thức giới thiệu chiếc kính tương tác Google Glass vào cuối tháng 6. Sản phẩm tích hợp camera, microphone, nút di cảm ứng touchpad và một loạt cảm biến. Mục đích của dự án là cho phép người sử dụng ghi lại và chia sẻ ngay lập tức những gì họ quan sát được. Đây được đánh giá là xu hướng smartphone của tương lai.
Khi trình làng điện thoại 808 PureView, Nokia khiến giới công nghệ sửng sốt khi smartphone được tích hợp camera với cảm biến lên tới 41 megapixel. Mục đích của 5 năm nghiên cứu này là Nokia muốn người sử dụng không cần phải băn khoăn về chuyện zoom ống kính khi chụp ảnh. Với số chấm lớn, họ có thể chụp rồi sau đó cắt một phần bức ảnh theo ý muốn mà vẫn có được một tấm hình nét như ý.
Lĩnh vực màn hình TV chứng kiến hai công nghệ đột phá trong năm 2012: OLED và 4K. Màn hình OLED trước đây chỉ được dùng trong các thiết bị cỡ nhỏ tầm 15 inch trở xuống, nhưng đầu năm nay, cả LG, Samsung và Sony cùng công bố hệ thống TV OLED 55 inch siêu mỏng và tiết kiệm điện năng, cho thấy tiềm năng thay thế công nghệ LCD và plasma sẽ diễn ra trong tương lai gần. Trong khi đó, những mẫu TV độ phân giải Ultra HD (4K) với độ nét cao gấp 4 lần chuẩn Full HD của Sony, LG, Toshiba cũng bắt đầu được bán ra thị trường.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas (UT Dallas, Mỹ) thiết kế thành công một chip ảnh có thể biến điện thoại di động thành công cụ soi xuyên tường, quần áo, gỗ, nhựa, giấy và các vật thể khác. Nghiên cứu của nhóm dựa trên việc khai thác dải tần chưa dùng đến trong quang phổ điện từ và công nghệ vi mạch là Terahertz (THz), nằm giữa sóng viba và hồng ngoại. Nghiên cứu mới còn có thể được ứng dụng trong nhiều mặt của cuộc sống như tìm các lỗ hổng trên tường, xác thực tài liệu hay dò tiền giả…
Hệ thống T(ether) – công trình nghiên cứu của David Lakatos và Matthew Blackshaw, sinh viên Đại học công nghệ MIT (Mỹ) – bao gồm những chiếc găng tay cho phép điều khiển, di chuyển các vật thể ảo (như vật thể xuất hiện trên màn hình iPad). Xem video
Viện công nghệ Massachusetts (MIT) cũng đang phát triển camera có khả năng thu được vật thể bị che khuất. Máy ảnh bắn tia laser vào bề mặt đối diện với vật thể và bung ra thành các tia sáng (photon). Một vài photon sẽ va chạm với vật thể, bắn ngược trở lại bức tường trước khi lọt vào ống kính để tái tạo lại hình ảnh của vật thể đó. Xem video
Các nhà khoa học Australia, Mỹ và Hàn Quốc đã có một “chiến công” đáng ngưỡng mộ: lần đầu tiên tạo ra transistor (bóng bán dẫn) có thể ứng dụng thực tế chỉ từ nguyên tử đơn. Transistor nguyên tử được coi là bước tiến quan trọng trong việc sản xuất máy tính lượng tử – những thiết bị siêu mạnh có thể tính toán nhanh gấp hàng tỷ lần so với máy tính hiện nay.
Châu An
(theo Số Hóa)
FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |