(Post 06/11/2009) Thành phần điện tử siêu nhỏ có khả năng “nhớ” trạng thái điện ngay khi tắt nguồn, bộ xử lý với 32 nhân, pin có thể sạc không dây, điều khiển tivi bằng cử chỉ… Sự thật hay giả tưởng?
Mạch điện có khả năng “ghi nhớ” trạng thái
Từ trước đến giờ, chúng ta thường chỉ biết đến 3 thành phần cơ bản trong một mạch điện tử – đó là điện trở, cuộn cảm và tụ điện. Nhưng vào năm 1971, nhà nghiên cứu Leon Chua tại Đại học UC Berkeley đã đưa ra mô hình lý thuyết cho sự tồn tại của một thành phần thứ 4 với tên gọi memristor – có khả năng đo được lưu lượng của dòng điện chạy qua chính nó. Và bây giờ, chỉ 37 năm sau, Hewlett-Packard đã biến giả thuyết trên thành hiện thực.
Đúng như tên gọi, memristor có thể “nhớ” đã có bao nhiêu dòng điện chạy qua để từ đó trở thành một thành phần trong mạch điện với những thuộc tính độc đáo. Đáng chú ý nhất là memristor có thể lưu lại trạng thái điện của nó ngay cả khi dòng điện cung cấp bị ngắt, điều này giúp memristor trở thành ứng viên xuất sắc thay thế cho bộ nhớ dạng flash hiện nay.
Về lý thuyết, memristor sẽ rẻ hơn và nhanh hơn nhiều so với bộ nhớ dạng flash, cho phép các nhà sản xuất đạt được một mật độ bộ nhớ xuất sắc hơn (hay đơn giản là dung lượng lưu trữ sẽ cao hơn). Không những thế, khi trở nên phổ biến, memristor còn có thể thay thế thành phần chip trong bộ nhớ RAM; vì thế sau khi bạn tắt máy tính, memristor sẽ nhớ được chính xác những gì chúng đã thực hiện (trạng thái điện trước đó) mỗi khi bạn mở lại máy tính. Chi phí sản xuất giảm và các thành phần được hợp nhất có thể giúp tạo ra những máy tính dạng rắn (solid state) đủ mạnh, kích thước nhỏ gọn để có thể nhét gọn vào túi áo và hoạt động nhanh hơn nhiều so với máy tính hiện nay.
Và lúc nào đó, memristor có thể tạo ra một chủng loại máy tính hoàn toàn mới nhờ vào khả năng nhớ được một loạt trạng thái điện, thay vì chỉ đơn giản là trạng thái tắt hoặc mở mà những bộ xử lý (BXL) số hiện nay có thể nhận dạng. Bằng cách làm việc với một dãy động các trạng thái dữ liệu ở chế độ tương tự (analog), máy tính sử dụng thành phần memristor có khả năng xử lý những tác vụ phức tạp hơn chứ không đơn giản là chuyển đổi qua lại giữa hai trạng thái 0 (tắt) và 1 (mở).
Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngay thời điểm này không có những rào cản thực sự đối với việc triển khai memristor vào mạch điện. Tuy nhiên, vẫn còn đó những yếu tố về mặt kinh tế để có thể thương mại hóa sản phẩm này. Memristor được sản xuất để thay thế bộ nhớ RAM (nhờ chi phí sản xuất và mức tiêu thụ điện năng thấp hơn) có khả năng sẽ xuất hiện trước tiên, và mục tiêu của HP là giới thiệu chúng vào năm 2012. Xa hơn nữa, memristor sẽ có khả năng thay thế cả DRAM lẫn đĩa cứng vào những năm 2014-2016. Còn với máy tính cá nhân nền memristor, có lẽ mọi thứ sẽ được hiện thực hóa sau hơn 20 năm nữa.
Bộ xử lý 32 nhân
Hiện nay, nếu BXL mà bạn đang sử dụng chỉ có một nhân (lõi) duy nhất thì đó rõ ràng là “đồ cổ”. Trên thực tế, điện toán 4 nhân đang trở nên phổ biến; ngày nay bạn thậm chí có thể sở hữu máy tính xách tay với BXL 4 nhân. Tuy nhiên, cuộc chiến mới chỉ thực sự bước vào giai đoạn bắt đầu, các hãng dẫn đầu trong thị trường BXL sẽ sớm khẳng định ai sẽ đạt được nhiều nhân xử lý nhất, chứ không phải ai đạt được tốc độ xung nhịp cao nhất. Cả AMD và Intel đang cố gắng “nhồi nhét” nhiều nhân vào một đế bán dẫn (có thể hiểu đơn giản đó là một BXL) để tiếp tục cải thiện sức mạnh xử lý và trợ giúp các quá trình xử lý đa tác vụ. Các con chip với kích thước thu nhỏ hơn nữa sẽ là “chìa khóa” để sắp xếp vừa vặn những nhân xử lý và các thành phần khác trong một không gian giới hạn. Intel dự kiến trình làng BXL được sản xuất trên nền tảng công nghệ bán dẫn 32nm vào năm 2009 (hiện Intel đang sản xuất BXL với công nghệ 45nm).
Intel đã hoàn thành tốt lộ trình giới thiệu các sản phẩm của mình. Vào thời điểm này, BXL 6 nhân dựa trên thiết kế của Itanium đã xuất xưởng, và từ đây Intel bắt đầu chuyển sự tập trung vào kiến trúc Nehalem mới, được quảng cáo với cái tên Core i7.
BXL Core i7 sẽ có đến 8 nhân và các hệ thống 8 nhân sẽ có mặt trong năm 2009 hay 2010. Trong khi đó, dự án BXL 8 nhân của AMD có tên gọi Montreal được báo cáo là sẽ xuất hiện trong năm 2009.
Intel cũng cho biết đã hủy bỏ dự án BXL 32 nhân Keifer, dự kiến có mặt vào năm 2012, có lẽ do tính phức tạp của BXL này (dù công ty không xác nhận). Nhiều nhân xử lý đòi hỏi phải có một cách thức mới để “thỏa thuận” với bộ nhớ, chúng ta không thể có 32 bộ não làm việc với bộ nhớ RAM có hạn. Nhưng chúng ta vẫn có thể hy vọng số lượng nhân xử lý sẽ tăng lên nhanh chóng khi những khó khăn trên sẽ được giải quyết: BXL 16 nhân có mặt vào năm 2011 hay 2012 (khi mà các thành phần bán dẫn được dự báo sẽ giảm xuống mức 22nm), thì BXL với 32 nhân vào năm 2013 hay 2014 là điều có thể dễ dàng đạt được. Intel cho rằng, BXL trong tương lai có thể chứa đến hàng trăm nhân xử lý.
Điện toán 64-bit hỗ trợ dung lượng RAM cao hơn
Năm 1986, Intel giới thiệu BXL 32-bit đầu tiên nhưng đến tận năm 1993 hệ điều hành Windows thực sự 32-bit đầu tiên là Windows NT 3.1 mới xuất hiện và chính thức “xóa sổ” kỷ nguyên 16-bit. Hiện nay, BXL 64-bit đã trở thành tiêu chuẩn trong các MTĐB và MTXT, dù thế Microsoft vẫn sẽ không thể trình làng một phiên bản Windows hoàn toàn 64-bit. Tuy nhiên, Windows cũng không thể tồn tại vĩnh viễn trong thế giới 32-bit.
Các phiên bản 64-bit của Windows đã có mặt từ Windows XP, và danh sách BXL 64-bit ngày càng dài ra. Trên thực tế, gần như mọi máy tính bán ra hiện nay đều được trang bị BXL 64-bit. Đến một lúc nào đó, Microsoft sẽ phải “sa thải” mọi phiên bản 32-bit như từng làm với phiên bản 16-bit khi trình làng hệ điều Windows NT, nếu muốn khách hàng (và các nhà phát triển phần mềm/phần cứng thứ 3 khác) tiến hành nâng cấp. Nhưng điều đó gần như không giống với Windows 7: phiên bản hệ điều hành sắp tới đã sẵn sàng chạy thử nghiệm trên phiên bản 32-bit và 64-bit. Tuy nhiên, sự hạn chế trong cấu trúc địa chỉ của hệ điều hành 32-bit cuối cùng cũng sẽ trói tay người dùng: đã xuất hiện một lỗi xảy ra với người dùng phiên bản Vista 32-bit khi mà hệ điều hành không thể truy xuất hơn 3GB dung lượng bộ nhớ RAM mà lý do thì chỉ đơn giản là hệ điều hành không có đủ lượng bit cần thiết để truy xuất vùng bộ nhớ mở rộng (trên mức 3GB).
Nhiều người hy vọng thấy được sự chuyển đổi sang nền tảng 64-bit sẽ tăng tốc với sự xuất hiện của Windows 7. Microsoft sẽ có thể chuyển hoàn toàn sang nền tảng 64-bit kể từ Windows 8 nhưng sớm nhất cũng vào năm 2013. Trong lúc đó, hệ điều hành Mac OS X Leopard đã hỗ trợ 64-bit và vài nhà sản xuất phần cứng hiện đang cố gắng chuyển tiếp khách hàng của mình sang các phiên bản 64-bit của Windows. Samsung cho biết sẽ chuyển toàn bộ dòng sản phẩm máy tính cá nhân sang nền tảng 64-bit từ đầu năm 2009. Còn đối với điện toán 128-bit, được cho là sẽ tạo ra một cú nhảy vượt bậc, xem ra mọi thứ không thể thay đổi trong một sớm một chiều bởi các bước chuẩn bị cho nền tảng này sẽ chỉ có thể khởi động vào năm 2015.
Kết nối USB siêu tốc
Thực tế cho thấy, kết nối USB đã trở thành một trong những phát minh xuất sắc nhất trong lịch sử phát triển ngành điện toán. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 2 tỷ thiết bị sử dụng kết nối USB được bán ra. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên của thế hệ đĩa cứng dung lượng đạt mức terabyte (TB) thì tốc độ 480MB/s của các thiết bị USB 2.0 thực sự không thể làm hài lòng người dùng. Chuẩn USB 3.0 (thi thoảng còn được gọi là chuẩn USB siêu tốc – SuperSpeed USB) hứa hẹn tăng hiệu năng (tốc độ) lên 10 lần, giúp tốc độ kết nối 2 chiều về mặt lý thuyết có thể đạt tối đa 4,8Gb/s hay mỗi giây có thể xử lý gần như toàn bộ nội dung của một đĩa CD-R. Các thiết bị chuẩn USB 3.0 sẽ sử dụng một cổng giao tiếp (đầu nối) hoàn toàn khác biệt, tuy nhiên cổng kết nối USB 3.0 có khả năng tương thích ngược với thiết bị USB hiện tại (và ngược lại). Chuẩn USB 3.0 cũng cải thiện xuất sắc hiệu năng sử dụng điện của các thiết bị, đồng thời tăng giá trị dòng điện từ mức 0,1A lên 1A. Điều đó có nghĩa là thời gian sạc pin sẽ nhanh hơn và sẽ có ngày càng nhiều thiết bị điện tử dân dụng xuất hiện trên mặt bàn làm việc.
Đặc tả kỹ thuật của chuẩn USB 3.0 gần như đã hoàn tất và các thiết bị sử dụng chuẩn kết nối mới này được dự đoán sẽ xuất hiện vào năm 2010. Trong khi đó, nhiều chuẩn kết nối “cạnh tranh” khác như DisplayPort, eSATA và HDMI sẽ sớm phổ cập trên máy tính, phần lớn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nội dung độ nét cao; thậm chí chuẩn FireWire đang hướng đến việc nâng cấp lên mức tốc độ 3,2Gb/s. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cổng kết nối chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi ở mặt sau thùng máy của các thế hệ MTĐB mới, tuy nhiên tối thiểu bạn sẽ có được nhiều tùy chọn tốc độ cao để kết nối với các thiết bị ngoại vi.
Hợp nhất CPU và GPU
Khi AMD mua lại hãng sản xuất card đồ họa ATI, hầu hết giới quan sát trong ngành công nghiệp máy tính đều cho rằng AMD sẽ bắt đầu việc hợp nhất BXL máy tính (CPU) và BXL đồ họa (GPU). Trong khi GPU nhận được rất nhiều sự quan tâm thì card đồ họa rời lại tương đối “xa lạ” với người dùng máy tính bởi 75% MTXT hiện sử dụng đồ họa tích hợp (theo công ty nghiên cứu Mercury Research). Trong số những nguyên nhân của vấn đề này có thể kể đến chi phí bổ sung cho card đồ họa rời, khó khăn trong quá trình cài đặt và tiêu thụ điện năng. Việc đặt những tính năng xử lý đồ họa trực tiếp vào CPU sẽ giúp loại bỏ 3 rắc rối nêu trên.
Các nhà sản xuất chip mong đợi hiệu năng của GPU được tích hợp thẳng vào CPU sẽ rơi vào khoảng giữa của card đồ họa tích hợp và card đồ họa rời – nhưng cuối cùng, các chuyên gia tin tưởng rằng hiệu năng của chúng có thể đuổi kịp và làm cho card đồ họa rời trở nên lạc hậu. Có ý kiến cho rằng, 4 nhân (xử lý) trong một BXL 16 nhân là đã đủ cho nhu cầu xử lý đồ họa.
Nền tảng Nehalem sắp ra mắt của Intel sẽ có thành phần xử lý đồ họa đi cùng chip xử lý, nhưng thành phần này nằm ngoài đế bán dẫn thực sự của CPU. Swift của AMD (nền tảng Shrike), sản phẩm đầu tiên của dòng Fusion, được cho là có cùng thiết kế, hiện cũng được lên kế hoạch ra mắt vào năm 2009.
Việc đặt GPU trực tiếp lên cùng đế bán dẫn CPU hiện vướng phải nhiều thách thức, nhưng đáng quan tâm nhất là vấn đề tản nhiệt – tuy nhiên không có nghĩa là những trở ngại đó không thể giải quyết. Hai nền tảng kế tiếp Nehalem của Intel là Auburndale và Havendale, được dự kiến ra mắt cuối 2009, có thể là những chip đầu tiên đặt GPU và một CPU trên cùng đế bán dẫn, tuy nhiên Intel vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết.
Cấp điện không cần dây dẫn
Khái niệm truyền dẫn điện không dây đã xuất hiện từ khi nhà phát minh Nikola Tesla tưởng tượng ra một thế giới chật kín những cuộn dây Tesla khổng lồ. Tuy nhiên, điện năng không dây cho đến nay đã thất bại trong việc thâm nhập có ý nghĩa vào lĩnh vực thiết bị điện tử dân dụng.
Mùa hè này, các nhà nghiên cứu tại Intel đã biểu diễn thử nghiệm một phương pháp – dựa trên nghiên cứu của học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT) – để truyền dẫn điện năng trong khoảng cách chừng 1 mét mà không cần đến dây dẫn cũng như không gây nguy hiểm cho những người đứng xung quanh. Intel gọi đây là “liên kết năng lượng cộng hưởng không dây” và công nghệ này hoạt động bằng cách gửi một tín hiệu (dòng điện) ở tần số 10MHz thông qua một cuộn dây dẫn, và một cuộn dây cộng hưởng tần số tương tự đặt gần đó sẽ tạo ra dòng điện chạy qua cuộn dây này. Dù thiết kế còn ở mức cơ bản nhưng dòng điện tạo ra bằng phương thức này có thể thắp sáng một bóng đèn 60W với hiệu suất 70%.
Nhiều rào cản đang tồn tại, đầu tiên là dự án Intel sử dụng dòng điện xoay chiều. Để cấp nguồn (sạc pin) cho các thiết bị điện tử, chúng ta phải có một phiên bản sử dụng dòng điện một chiều và kích thước của bộ dụng cụ thí nghiệm cũng cần phải nhỏ hơn nữa. Nhiều rào cản sẽ được khắc phục trong quá trình thương mại hóa những hệ thống như thế, và yếu tố an toàn cho người sử dụng cũng sẽ được xem xét một cách triệt để hơn.
Giả sử mọi thứ đều trở nên hoàn hảo, những mạch điện có khả năng cấp nguồn từ xa có thể được tích hợp vào mặt sau của MTXT trong vòng từ 6 đến 8 năm nữa. Khi đó, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn nếu bạn muốn sạc pin cho chiếc MTXT của mình mà không phải lôi chúng ra khỏi túi xách.
Điều khiển thiết bị – chỉ, không cần nhấn
Thi thoảng, khi đang ngồi trên xa lông để thưởng thức một bộ phim DVD trên MTXT hay nghe nhạc MP3 đang phát trên PC ở phòng khác, bạn không hề muốn phải nhấc mình để nhấn chuột vào những gì mong muốn. Những nỗ lực thay thế thiết bị trỏ chuột (máy tính) – cho dù là bằng cách nhận dạng giọng nói hay quét sóng phát ra từ não bộ của người dùng – đã luôn thất bại, tuy nhiên giải pháp thay thế khác đang nổi lên.
So với tính phức tạp của phương pháp nhận dạng giọng nói, phương pháp nhận dạng cử chỉ có thể xem là một ý kiến khá đơn giản. Ý tưởng ở đây là sử dụng một máy quay (như webcam trên MTXT) để quan sát người dùng và phản hồi những cử chỉ bằng tay của họ. Ví dụ, cử chỉ giơ thẳng lòng bàn tay ra sẽ tương ứng với lệnh “ngưng phát” nếu như bạn đang xem phim hay nghe nhạc. Và cử chỉ vẫy nắm tay có thể tương ứng với thao tác nhấn chuột, trong khi đó để rê chuột bạn chỉ cần di chuyển nắm tay của mình.
Các hệ thống nhận dạng cử chỉ hiện đang “rón rén” bước ra thị trường. Toshiba, hãng tiên phong trong thị trường này, đã có tối thiểu một sản phẩm hỗ trợ phiên bản đầu tiên của công nghệ trên: đó là MTXT Qosmio G55, có khả năng nhận biết các cử chỉ của người dùng để điều khiển tính năng giải trí đa phương tiện. Toshiba cũng đang thử nghiệm một phiên bản dành cho tivi của công nghệ này, qua đó có thể quan sát những cử chỉ bằng tay của người dùng thông qua một máy quay nhỏ được đặt trên đỉnh tivi. Dù vậy, theo những thử nghiệm của PC World Mỹ, tính chính xác của những hệ thống như thế này vẫn cần nhiều cải thiện.
Nhận dạng cử chỉ là một cách thức khéo léo để ra lệnh tạm phát (pause) một đĩa DVD trên MTXT, tuy nhiên công nghệ này gần như chắc chắn đang tồn tại đủ sự phức tạp để có thể áp dụng trên diện rộng. Nhưng dù gì đi chăng nữa, sự phát triển thành công của công nghệ này sẽ thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ đông đảo người dùng “không thể tìm thấy thiết bị chuột”. Hy vọng công nghệ nhận dạng cử chỉ sẽ có thêm vài bước tiến lớn trong những năm tới để có thể trở nên phổ biến vào năm 2012.
Tru2way – truyền hình số tương tác
Mặt sau của các dàn máy giải trí thường trông rất bừa bộn với vô số cáp nối, và người dùng cũng cảm thấy bối rối trước nhiều thiết bị điều khiển từ xa trong phòng khách. Với nền tảng Tru2way, những phiền toái này có thể được hóa giải.
Liệu bạn có thể quên CableCard, công nghệ từng được cho là có khả năng truyền phát nội dung truyền hình cáp đến các thiết bị giải trí nghe nhìn nhưng cuối cùng lại “bặt vô âm tín” bất kể ưu thế vùng phủ sóng rộng và sự quảng cáo rầm rộ? CableCard đã không làm tốt những gì đặt ra và mở ra cơ hội mới cho Tru2way.
Tru2way là một nhóm các dịch vụ và tiêu chuẩn được thiết kế để giải quyết những thất bại của CableCard bằng cách nâng cấp những gì mà CableCard có thể thực hiện (bao gồm việc hỗ trợ những tính năng liên lạc 2 chiều như hướng dẫn chương trình và xem nội dung theo yêu cầu, mà CableCard không thể điều khiển được) bằng cách cung cấp khả năng tương thích tốt hơn, tăng độ ổn định và hỗ trợ các ứng dụng dò đài đôi (dual-tuner) ngay bên ngoài thiết bị. Vì thế, nếu có một chiếc tivi hỗ trợ nền tảng Tru2way, bạn chỉ cần cắm dây nối và có đầy đủ các dịch vụ cáp tương tác (trong đó có những tính năng tìm kiếm cục bộ, thu thập tin tức, mua sắm trực tuyến và trò chơi) mà không cần thiết bị bổ sung, điều khiển từ xa hay nhân viên kỹ thuật của công ty cáp đến tận nơi.
Thiết bị hỗ trợ Tru2way đã được thử nghiệm trong cả năm nay, và thành phố Chicago và Denver sẽ là những thị trường đầu tiên khai thác công nghệ này. Liệu Tru2way sẽ thực sự tạo ra tiếng vang? Hầu hết hãng cung cấp dịch vụ cáp tên tuổi đã đăng ký tham gia triển khai công nghệ này, và tương tự nhiều hãng sản xuất tivi trong đó có LG, Panasonic, Samsung và Sony. Được biết, Panasonic đã bắt đầu xuất xưởng 2 mẫu tivi hỗ trợ chuẩn Tru2way từ cuối tháng 10 vừa qua, trong khi đó Samsung có thể giới thiệu những sản phẩm sử dụng công nghệ này trong khoảng thời gian từ đầu cho đến giữa năm 2009.
Hóa giải bản quyền số
Để chống lại nạn sao chép bất hợp pháp, Hollywood từ lâu đã dựa vào một giải pháp kỹ thuật không cho phép tự do trao đổi trên mạng ngang hàng các bản sao của các tác phẩm. Tuy nhiên, công cụ dùng để qua mặt bản quyền số (DRM) cho mọi loại nội dung số hiện xuất hiện đầy rẫy và nhiều bộ phim thường có mặt trên BitTorrent trước khi chúng được công chiếu ở rạp. Nhưng thật tiếc cho những người dùng tôn trọng pháp luật bởi DRM phần lớn mang lại sự phiền toái trong việc thưởng thức những nội dung hợp pháp trên nhiều thiết bị.
Loại bỏ bản quyền số có nghĩa là không còn cơ chế ngăn người dùng chuyển đổi nội dung nhạc hay phim ảnh từ định dạng này sang định dạng khác. Những người ủng hộ DRM chỉ trích giấc mơ vào một ngày nào đó, khi bạn đặt đĩa DVD vào máy tính và bạn sẽ nhận được tập tin video dạng nén có thể phát lại trên bất kỳ thiết bị nào mà mình sở hữu. Hơn thế nữa, bạn cũng sẽ không còn cần đĩa DVD nữa, bạn chỉ cần trả tiền để mua phiên bản tải về không được bảo vệ của một bộ phim và mình có thể tải lại bất kỳ khi nào.
Ở góc độ công nghệ, không có gì ngăn cản các công ty từ bỏ DRM trong tương lai nhưng hiện DRM vẫn tồn tại. Lĩnh vực âm nhạc đã có sự thay đổi lớn khi dịch vụ trực tuyến Amazon và iTunes đều bán các tập tin MP3 không có DRM để bạn có thể thưởng thức trên nhiều thiết bị. Lĩnh vực phim ảnh cũng đang bước “chập chững” theo hướng này. Ví dụ, phần mềm RealDVD của RealNetworks (hiện đang gặp phải sự kiện tụng) cho phép nén các đĩa DVD sang máy tính, tuy nhiên chúng vẫn được bảo vệ bởi hệ thống DRM. Trong khi đó, các hãng phim đang thí nghiệm việc đóng gói hẳn một bản sao nội dung số có thể sao chép hợp pháp lên đĩa phim DVD, trong khi các dịch vụ trực tuyến đang thận trọng trong việc cho phép người dùng ghi bản sao tải về hợp pháp ở dạng nội dung số của một bộ phim lên đĩa.
Mọi thứ vẫn đang tiến triển, tuy nhiên việc từ bỏ hoàn toàn DRM còn phải chờ thêm vài năm nữa, chí ít là đến năm 2020.
Hệ điều hành Google
Google đang có mặt trên mọi phương diện của điện toán. Từ trình duyệt web cho đến điện thoại di động, bạn sẽ sớm có thể sử dụng cả ngày với các sản phẩm, dịch vụ của Google. Liệu Google có tạo ra một hệ điều hành riêng cho máy tính trong thời gian tới?
Mọi thứ đều có thể xảy ra. Google Checkout cung cấp giải pháp thay thế cho PayPal, hay Street View là cách thức tốt để chụp lại hình ảnh của mọi căn nhà trên mọi tuyến phố tại Mỹ… Và niềm vui chỉ mới bắt đầu: phiên bản thử nghiệm trình duyệt Chrome của Google đã đạt 1% thị phần chỉ sau 24 giờ xuất hiện. Trong khi đó, Android – hệ điều hành cho điện thoại di động của Google – hiện đã có mặt trên các thiết bị cầm tay, đang trở thành một thách thức đáng kể cho iPhone.
Dù Google dường như đang bao trùm mọi thứ nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng nỗ lực kế tiếp của gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm là tấn công vào một mảng lớn của thị trường phần mềm: hệ điều hành.
Trình duyệt Chrome là đợt xâm nhập đầu tiên của Google vào lĩnh vực này. Vì trình duyệt là phương thức để người dùng tương tác với hầu hết các sản phẩm của Google nên việc hiện thực hệ điều hành trở nên không cần thiết dù Chrome cần một hệ điều hành để vận hành.
Dù vậy, để làm cho Microsoft trở nên không còn cần thiết, Google sẽ phải dò dẫm qua “bãi mìn” những trình điều khiển và thậm chí kết quả đạt được cũng không là giải pháp tốt đối với người dùng có nhu cầu ứng dụng chuyên biệt, trong đó phần lớn là người dùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, một hệ điều hành Google đơn giản – về cơ bản giống như một bản phân phối Linux – kết hợp với phần cứng giá rẻ có thể là vài yếu tố mang đến sự thay đổi cho lĩnh vực máy tính cá nhân, theo kiểu những hãng nhỏ đã thực hiện bấy lâu nay với hệ điều hành mã nguồn mở là điều hoàn toàn khả thi. Từ giờ cho đến năm 2011, trong khi chờ đợi sự xuất hiện của hệ điều hành mang “quốc tịch” Google, bạn có thể tìm hiểu một dự án mang tên gOS (www.thinkgos.com).
Mạng di động “mở”
Lý do mà giá của hầu hết điện thoại di động (tại Mỹ) hiện quá rẻ là vì các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang “bao cấp” chúng, do đó bạn sẽ phải ký vào một hợp đồng dài hạn.
Doanh thu từ việc kinh doanh điện thoại di động (và dữ liệu di động) sẽ thay đổi đáng kể khi mọi loại ĐTDĐ có thể hoạt động trên bất kỳ mạng di động nào. Khi bức tường này được phá vỡ, chúng ta sẽ thấy được sự phát triển nhanh chóng của các mẫu điện thoại, những công ty quy mô nhỏ hơn sẽ trở nên tốt hơn, tất cả tạo ra sự tiến bộ trong thị trường di động vốn dĩ khép kín trước đây. Quãng thời gian 2 năm có thể được xem là “vĩnh viễn” trong thế giới di động. Phiên bản iPhone đã được công bố, giới thiệu và ngưng bán chỉ sau chưa đầy 2 năm, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ mạng yêu cầu bạn đăng ký một hợp đồng sử dụng trong thời hạn 2 năm nếu muốn sở hữu chiếc điện thoại giá ưu đãi này. (Tệ hơn nữa, tại những quốc gia khác, thời gian hợp đồng 3 năm là chuyện bình thường). Cuối năm ngoái, hãng Verizon đã hứa hẹn rằng “mọi thiết bị, mọi ứng dụng” sẽ sớm được cho phép sử dụng trên mạng di động “đóng” của họ. Trong khi đó, AT&T và T-Mobile lưu ý rằng mạng GSM của họ đã được “mở” từ lâu.
Hiện bạn có thể sử dụng hầu hết điện thoại GSM không bị khóa trên mạng AT&T và T-Mobile, và Verizon Wireless cũng đã bắt đầu chứng nhận thiết bị của hãng thứ 3 để có thể hoạt động trên mạng của họ trong tháng 7 vừa qua (dù tính đến thời điểm này, hãng chỉ phê chuẩn được 2 sản phẩm). Nhưng tương lai không phải toàn màu hồng như mong đợi khi Verizon đang cố trì hoãn thực hiện yêu cầu hợp pháp để “mở” mạng tần số 700MHz vừa được cấp phép của họ cho những thiết bị khác, theo một quyết định mà tổ chức FCC đã ban hành sau sự vận động của Google; vài chuyên gia lập luận rằng các điều khoản của FCC là không hiệu lực triệt để. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thực sự biết khái niệm “mở” được định nghĩa như thế nào cho đến khi mạng di động mới [của Vezizon] bắt đầu hoạt động, dự kiến vào năm 2010.
Ngón tay điều khiển mọi việc
Năm ngoái, Microsoft đã giới thiệu Surface, chiếc bàn với một màn hình cảm ứng tích hợp. Khi đó, nhiều nhà quan sát công nghiệp xem Surface là sản phẩm tiên phong cho công nghệ điện toán cảm ứng được nhúng vào mọi thiết bị. Có thể Sureface là giải pháp mang tính đột phá, tuy nhiên tính thực tế của các thiết bị cảm ứng lại được dẫn dắt bởi điều gì đó hoàn toàn khác biệt và dễ sử dụng hơn: đó là iPhone.
Với iPhone, công nghệ đa chạm (cho phép bạn sử dụng nhiều ngón tay để thực thi những hành động cụ thể) đã phát minh lại (reinvent) những gì mà chúng ta biết về thiết bị trỏ chuột (touchpad) thông thường. Từ khi iPhone được giới thiệu, công nghệ đa chạm đã tìm được con đường riêng để xuất hiện trên nhiều thiết bị phổ thông, trong đó có máy tính xách tay Eee PC 900 và máy tính dạng bảng Dell Latitude. Hiện mọi cặp mắt lại đổ dồn về Apple để thấy được bằng cách nào hãng này cải tiến hơn nữa công nghệ đa chạm (Apple đã mang công nghệ này vào thiết bị trỏ chuột của máy tính xách tay). Các bằng sáng chế mà Apple đã đệ trình cho một máy tính cá nhân dạng bảng hỗ trợ công nghệ đa chạm khiến nhiều người mong đợi hãng này sẽ tập trung mạnh vào thị trường đã bị bỏ bê này, để biến máy tính bảng trở thành đại trà và từ đó có thể tạo sự tăng trưởng bùng nổ.
Đó không phải là câu hỏi khi nào công nghệ đa chạm xuất hiện, mà là xu hướng sẽ phát triển nhanh như thế nào. Trong năm 2006, có chưa đến 200.000 thiết bị đa chạm được xuất xưởng? Các phân tích viên tại iSupply dự báo sẽ có đến 833 triệu thiết bị đa chạm được bán trong năm 2013. Số liệu cụ thể sẽ được tính toán khi mà các thiết bị trỏ dạng “một chạm” trở nên lỗi thời và mang bàn phím vật lý có trong nhiều thiết bị.
“Giấy” điện thoại di động
Khái niệm văn phòng không giấy tờ đã xuất hiện từ rất lâu, thời Bill Gates còn “đi nhà trẻ” nhưng dù gì thì khi bạn rời khỏi bàn làm việc thì chuyện in ấn coi như “bó tay”. Trong khi đó, người dùng thường cần in bản đồ, biên nhận và hướng dẫn khi không có máy tính bên cạnh! Thiết bị trợ giúp cá nhân (PDA) thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu này, thế rồi điện thoại di động đã trở thành cứu tinh.
Các ứng dụng để loại bỏ nhu cầu in ấn trong hầu như mọi tình huống đang tràn ngập thị trường. Cellfire (cellfire.com) cung cấp các phiếu mua hàng di động mà qua đó bạn có thể mang chúng lên trên điện thoại di động và xuất trình cho người bán; Ticket.com hiện cung cấp vé điện tử cho các buổi hòa nhạc trên điện thoại di động thông qua dịch vụ Tickets@Phone.
Vài ứng dụng ĐTDĐ có thể thay thế giấy in đã xuất hiện (có thể xem các ứng dụng trên iPhone), thậm chí vé lên máy bay (boarding pass) dạng điện tử cũng từng bước lộ diện. Hãng Continental đang thử nghiệm hệ thống check-in bằng ĐTDĐ mà qua đó cho phép bạn xuất trình một mã vạch 2D được mã hóa cho nhân viên an ninh sân bay thay cho vé lên máy bay bằng giấy thông thường. Được giới thiệu đầu tiên tại sân bay Houston Intercontinental, dự án này đã được triển khai thực tế từ đầu năm nay, và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai tại 3 sân bay mới trong năm 2008.
Định vị bằng ĐTDĐ
GPS đang thoái trào vì các nhà sản xuất ĐTDĐ và cung cấp dịch vụ mạng nhận thấy rằng khách hàng thường chẳng hề quan tâm đến việc họ đang ở đâu. Các dịch vụ dựa trên vị trí (Location-base Service – LBS) lấy dữ liệu GPS thô – chỉ ra vị trí hiện tại của bạn – và cải tiến thông tin này với những dịch vụ bổ sung, từ việc cung cấp địa điểm của những nhà hàng gần nhất cho đến chỉ rõ bạn bè của bạn hiện đang ở đâu.
LBS được mường tượng cơ bản như đơn giản là sử dụng phép lập lưới tam giác tín hiệu ĐTDĐ để xác định vị trí của người dùng, khi ngày càng trở nên thông dụng và tinh vi hơn thì GPS đang khẳng định không chỉ dễ sử dụng và chính xác mà còn trở thành nền tảng cơ bản cho những dịch vụ mới. Nhiều khởi động đã bắt đầu xung quanh các dịch vụ LBS. Bạn cần sắp xếp một cuộc hẹn? Không cần quan tâm những ai hợp tính, những ai ở gần? Meetmoi (www.metmoi.com0) có thể tìm thấy họ. Bạn cần tụ họp nhiều người tại một địa điểm? Cả dịch vụ Whrrl (www.whrrl.com) và uLocate của Buddy Beacon (www.ulocate.com) sẽ thông báo cho bạn biết bạn bè của bạn ở đâu theo chế độ thời gian thực.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng hài lòng với LBS: còn đó những lo lắng về việc bị theo dõi một cách lén lút hay khả năng hàng đống thư rác sẽ được gửi đến ĐTDĐ của người dùng. LBS đang phát triển nhanh chóng. Điều duy nhất có thể kìm lại sự phát triển này là sự thu hút chậm chạp của ĐTDĐ có khả năng hỗ trợ GPS (và kinh phí cao để các nhà cung cấp kích hoạt dịch vụ này). Tuy nhiên, với hiện tượng iPhone bán chạy như tôm tươi, mọi trở ngại có thể không quá khó để vuợt qua. Chúng ta hy vọng sẽ thấy được sự áp dụng rộng rãi những công nghệ này trong năm 2009 và 2010.
Hồng Vy – PC World USA
(theo PC World VN)
FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |