(Post 22/09/2009) Có nhiều công cụ sửa ảnh miễn phí, chạy trên trình duyệt, hứa hẹn chỉ vài cú nhấn chuột là có thể biến tấm ảnh của bạn có bộ mặt khác. Nhưng có khá nhiều khác biệt giữa công cụ tốt nhất và các công cụ còn lại.

Lúc đầu thì đó là Adobe Photoshop, một phòng tối kỹ thuật số đầy tiềm năng nhưng lại đắt đỏ và phức tạp. Các công cụ chỉnh sửa ảnh đơn giản hơn như Adobe Photoshop Elements và Corel Paint Shop Pro cũng có giá trên dưới 80USD; không tệ nhưng bạn vẫn phải tốn tiền. Tuy nhiên, không có chương trình nào kể trên phục vụ được hàng triệu dân đam mê nhiếp ảnh đang tìm vài công cụ đơn giản, dễ dùng để xử lý hình ảnh chia sẻ trực tuyến qua Facebook, Flickr, Picasa và những mạng cộng đồng tương tự.

Các công cụ chỉnh sửa ảnh mới ra lò không chỉ nâng cao giá trị của web mà chúng còn phải “sống” trong web. Với các dịch vụ chỉnh sửa ảnh dựa trên trình duyệt, bạn có thể truy cập từ bất cứ PC nào có kết nối Internet. Những công nghệ web này sửa ảnh trực tiếp trên các trang chia sẻ hình ảnh và mạng cộng đồng (bạn không cần tải ảnh về PC như trước) nên công việc nhẹ nhàng hơn nhiều; các công cụ này cũng làm việc với hình chứa trên ổ cứng của máy tính. Hầu hết dịch vụ chỉnh sửa hình ảnh trên web đều có một mức giá chung: 0USD.

Dù vậy, có vài điều lưu ý. Không có trình biên tập ảnh trực tuyến nào có đầy đủ chức năng và các công cụ biên tập chi tiết như Photoshop Elements và Paint Shop chạy trên desktop. Hầu hết chúng cũng thậm chí không cho in ảnh. Công cụ nền web còn chậm, hoặc khó dùng, hoặc cả hai. Và không như các phần mềm nền desktop truyền thống, các dịch vụ này chỉ hoạt động khi có kết nối web. Vấn đề này từng được bàn tán sôi nổi hồi tháng 7 vừa qua, khi mà nền tảng lưu trữ S3 của Amazon bị sự cố đã khiến một số trình chỉnh sửa hình ảnh trực tuyến khốn đốn.

Dù vậy, các công cụ chỉnh sửa ảnh trên web vẫn có những đồ nghề rất mạnh, tốc độ xử lý tốt và khá hữu dụng. Trong bài viết này, chúng ta cùng xem 6 dịch vụ gồm: FlauntR, FotoFlexer, Photoshop Express, Picnik, Picture2Life và Splashup. Tất cả đều có những tính năng chỉnh sửa cơ bản như cắt cúp, định lại kích thước ảnh và cân chỉnh màu sắc, cộng thêm vài hiệu ứng thú vị ( biến đổi hình, màu sắc cho giống dạng tranh vẽ).

Mọi dịch vụ đều cho bạn làm trực tiếp với các hình tải trên ít nhất là 3 trang web chia sẻ hình ảnh thông dụng nhất (xem bảng). Ngoài Picnik có thêm vài tính năng cho bản Premium với giá 25 USD/năm, không dịch vụ nào tính phí (FotoFlexer, Picture2Life và bản miễn phí của Picnik có quảng cáo; FlauntR, Photoshop Express và Splashup không có quảng cáo). FotoFlexer và Picnik có giao diện rõ ràng; giao diện của Picnik lạ nhưng rất tốt nên nó được đánh giá rất cao. Khi bạn cần chỉnh ảnh nhanh trên một trang web nào đó (hoặc trên PC không có công cụ chỉnh sửa ảnh) thì nó tỏ ra rất được việc và thú vị.

1. Picnik

Ưu: giao diện người dùng rất tuyệt, giúp sử dụng các lớp (layer) và các tính năng cao cấp khác dễ dàng.

Khuyết: có vài tính năng như xem toàn màn hình chỉ có trong bản trả tiền.

Picnik là cái tên dễ nhớ vì giao diện được bố trí theo tab có nền màu xanh da trời và tô điểm với vài cọng cỏ, những quả dâu rụng, bánh sandwich và cả những tiếng chim hót khi tải trang web. Những chức năng của dịch vụ rất hữu dụng. Thực chất, phiên bản miễn phí được đánh giá cao, thậm chí dù không có một số tính năng của bản Premium 25USD/tháng.

Bản Picnik miễn phí có ít công cụ hơn FotoFlexer nhưng lại nhiều hơn các trang web chỉnh sửa ảnh còn lại. Picnik không chỉ làm được mà còn làm tốt nhiều thứ. Các nút điều khiển để duyệt, chọn và sử dụng hiệu ứng rất tuyệt và có thể cho xem trước tác phẩm tức thì.

Picnik nhớ ảnh cuối cùng bạn chỉnh và tự động tải nó khi bạn quay trở lại. Dịch vụ cũng theo dõi 5 ảnh cuối cùng bạn chỉnh sửa và cho bạn làm lại (undo) những thay đổi bất kỳ lúc nào, thậm chí ngay cả sau khi lưu chúng trên một trang hình ảnh khác như Flickr hoặc Photobucket.

Picnik cũng là công cụ biên tập duy nhất trong nhóm thử nghiệm cho in ảnh. Ngoài ra, trang web còn có công cụ giúp đỡ rất tốt: các cửa sổ pop-up giải thích vắn tắt về những tính năng nếu bạn cần đến.

Khi thực hiện bài viết, Picnik đang thử nghiệm một tính năng mới gọi là Picnik Baskets, công cụ này gần giống với các layer của FotoFlexer. Tuy không mạnh bằng layer của Photoshop nhưng Picnik Baskets cho kéo thả và chồng đến 5 ảnh từ một cửa sổ xem ảnh thuận tiện bên trong cửa sổ chính và bạn có thể sử dụng các hiệu ứng khác nhau cho từng lớp để tạo một ảnh ghép hoàn chỉnh.

Những ảnh chỉnh sửa phải lấy từ PC hoặc trang web khác: không như các dịch vụ khác trong bài, Picnik không có chức năng lưu trữ ảnh nhưng lại hỗ trợ các trang web hình ảnh rất tốt. Một chức năng mà Picnik không có trong bản miễn phí đó là chế độ chỉnh sửa toàn màn hình; dịch vụ trưng các quảng cáo dạng banner nên cũng chiếm dụng cửa sổ biên tập ảnh (mọi dịch vụ khác trong bài trừ Picture2Life cho phép biên tập toàn màn hình).

Bản Premium không có quảng cáo và có thêm nhiều phông chữ đẹp, chỉnh cấp độ hình ảnh (level) và đồ thị màu (curve) giống như Photoshop. Bản Premium cũng không bị giới hạn 5 ảnh trong Picnik Basket và cho bạn theo dõi ngược bất kỳ ảnh nào đã từng chỉnh sửa và thực hiện undo bất kỳ thay đổi nào. Đối với người thường xuyên sử dụng, bản Premium đáng đồng tiền nhưng dịch vụ của Picnik vẫn rất tuyệt dù bạn không trả đồng nào.

2. FotoFlexer

Ưu: nhiều công cụ cao cấp gói trong một giao diện dịch vụ.

Khuyết: không được tối ưu cho ảnh độ phân giải cao; không thể chỉnh sửa layer hoặc hiệu ứng một khi đã lưu và đóng ảnh.

FotoFlexer tự dán quảng cáo với dòng: “Công cụ chỉnh sửa ảnh trực tuyến cao cấp nhất thế giới” thực sự đã gói rất nhiều khả năng đáng ngạc nhiên, trong đó có vài công cụ mà các dịch vụ khác không dám đưa vào.

Thực sự, Picnik vẫn tỏ ra lôi cuốn hơn nhưng dịch vụ đầy tham vọng này không phải là thua quá xa.

Giống như FlauntR và Picture2Life, FotoFlexer có nhiều công cụ xử lý hình ảnh và mọi loại xử lý, từ công cụ thông dụng (như chống mắt đỏ) cho đến mới lạ (như hiệu ứng phông chữ loé sáng). Nhưng không dễ dàng gì để tìm và sử dụng được những công cụ đó trong FotoFlexer, may còn có giao diện dạng tab, tổ chức các công cụ theo chức năng như hiệu ứng (Effects), trang trí (Decorate), đẹp (Beautify) và biến dạng (Distort).

Các chức năng về layer mở rộng của dịch vụ rất vượt trội so với các ứng dụng web khác và trực quan hơn cả giao diện layer của Splashup lấy ý tưởng từ Photoshop. Bạn có thể đặt nhiều hình vào trong 1 tập tin, trộn chúng và sau đó đưa những hiệu ứng đặc biệt vào cho từng layer, đây là cách rất tốt để tạo những tấm ảnh ghép.

Các công cụ nổi bật nhất của FotoFlexer nằm trong 1 tab có nhãn là Geek. Ví dụ, Smart Resize cho phép thay đổi từng phần ảnh bằng cách xóa các yếu tố như người lạ phía sau lỡ “dính” vào ảnh. Hiệu ứng này chỉ làm tốt với những ảnh có nền xung quanh gần giống nhau. Dù vậy, công cụ này dễ sử dụng và rất thú vị khi xem nó xử lý.

Ngoài việc có nhiều công cụ, dịch vụ này còn tuyên bố cho phép lưu trữ không giới hạn. Nhưng khi bạn đã lưu ảnh thì không còn làm gì được nữa: không thể mở ảnh và dời 1 layer, không thể undo hiệu ứng hoặc chỉnh 1 đoạn văn bản, điều vẫn làm được với Picnik và Splashup.

Ở chế độ mặc định, dịch vụ này giảm ảnh độ phân giải cao khi bạn tải hình mà không hề thông báo. Bạn có thể chỉnh sửa với ảnh có độ phân giải cao nhưng dịch vụ cảnh báo rằng điều này có thể gây “treo”. Tuy nhiên, nếu bạn không có ý định in ảnh khổ lớn thì việc giảm độ phân giải không phải là vấn đề.

3. Photoshop Express

Ưu: công cụ quản lý ảnh tích hợp, giao diện thân thiện, không giới hạn số lần undo.

Khuyết: thiếu vài công cụ cơ bản như chèn văn bản, đường biên.

Mặc dù mang “dòng máu” của Adobe nhưng Photoshop Express chẳng có gì gần gũi với Photoshop trên web. Dù dịch vụ mới này có vài thứ ấn tượng nhưng thiếu một số công cụ cơ bản có trong các trình biên tập ảnh khác.

Một ưu điểm lớn của Express là công cụ tổ chức hình ảnh rất tốt, cho bạn lưu trữ 2GB và cho tạo album riêng, chia sẻ và cả những đoạn slideshow hình 3D hấp dẫn. Tuy Photoshop Express không phải là trang web chia sẻ hình ảnh đầy đủ như của Flickr và SmugMug thì nó là dịch vụ quản lý hình ảnh tốt nhất.

Giao diện chỉnh sửa ảnh của Express không có chút gì giống với Photoshop hay Photoshop Elements nhưng có thiết kế tốt, chỉ thua mỗi Picnik. Khi bạn chọn một công cụ để chỉnh độ sáng, đánh dấu highlight hoặc làm sắc nét ảnh, bạn có được các ảnh nhỏ dạng thumbnail hiển thị các kết quả khác nhau của từng hiệu ứng. Tuy vậy, kích thước ảnh xem trước dạng thumbnail lại quá nhỏ nên khó thấy thay đổi rõ rệt trên ảnh nhưng khi nhấn vào bất kỳ thumbnail nào, ảnh nhỏ sẽ mở ở kích thước thật. Việc áp dụng hiệu ứng của Express cũng khá tốt, ngay cả bạn chỉnh sửa ảnh độ phân giải cao.

Tính năng undo nhiều lớp của dịch vụ này cũng là điểm hay, cho bạn thoải mái thí nghiệm mà không lo hư ảnh gốc. Hình thumbnail có một danh sách liệt kê những thao tác bạn đã làm; chỉ một cú nhấn chuột, bạn sẽ trở lại bất kỳ thời điểm chỉnh sửa nào trước đây. Chức năng này giống về mảng hình ảnh với tiện ích sao lưu Time Machine trong hệ điều hành Apple OS x 10.5 Leopard. Nhưng Express lại có ít hiệu ứng, so với hầu hết dịch vụ trong bài; thậm chí bạn không thể chèn văn bản vào hình, chèn khung hình cho ảnh. Bạn cũng không có cách nào thiết lập layer cho nhiều ảnh được. Cứ như thể là Adobe vừa mới hoàn thành được ½ công cụ chỉnh sửa ảnh hàng đầu của họ vậy (khi thực hiện bài này, Photoshop Express còn là bản thử nghiệm).

4. Splashup

Ưu: layer giống Photoshop và các công cụ chọn

Khuyết: ít hiệu ứng liên quan; trục trặc về tốc độ và tính ổn định; không có hướng dẫn trực tuyến.

Nếu có một giải thưởng nào đó về công cụ chỉnh sửa ảnh giống Photoshop nhất thì có lẽ Splashup (trước đây tên là Fauxto) sẽ đoạt giải. Menu sổ xuống, các thanh công cụ nổi và nhiều tính năng được bố trí giống hệt như sản phẩm đầu đàn của Adobe. Dịch vụ này không có “họ hàng” gì với Adobe và Photoshop, từng bị chê là có giao diện không trực quan. Dù gì thì FotoFlexer và Picnik cũng dễ định vị hơn Splashup.

Các tính năng được xem là chuẩn trong các công cụ chỉnh sửa ảnh nền desktop truyền thống nay được Splashup đem lên web, là một điều rất ấn tượng. Splashup là dịch vụ duy nhất trong bài cho bạn chọn từng phần của một tấm ảnh và sử dụng hiệu ứng cho riêng vùng chọn đó và nó đưa ra kiểu xử lý layer giống như Photoshop, cho bạn chồng vài tấm ảnh lên nhau thành 1 tập tin và áp các hiệu ứng khác nhau lên mỗi layer (dịch vụ sử dụng định dạng tập tin riêng để bạn có thể chỉnh sửa layer và các yếu tố khác nên về sau, bạn có thể mở ra sửa lại). Bạn cũng có thể mở nhiều hình cùng lúc; không phải lưu lại từng tấm ảnh trước khi mở ảnh tiếp theo.

Điểm tệ là dịch vụ không có mục trợ giúp; biểu tượng Launch Help trong menu Help tạm thời không vào được.

Và nếu xét về công cụ thì Splashup có quá ít cho việc chế biến ảnh. Nó có ít hiệu ứng đặc biệt hơn các dịch vụ còn lại và bạn không thể thêm đường biên hay hình clip art cho ảnh. Số lượng phông chữ của Splashup cũng ít hơn nhiều so với FotoFlexer và Picnik (chỉ có 12 phông chữ thông dụng nhất và kích thước tối đa chỉ ở 72, quá “khiêm tốn” với ảnh độ phân giải cao). Dịch vụ hỗ trợ các trang web chia sẻ hình ảnh cũng ít, chỉ có 3 so với 8 của FotoFlexer và Picnik.

Splashup tỏ ra chậm và dễ gặp trục trặc hơn các dịch vụ còn lại. Anh trong album Flickr tải chậm và đôi khi không mở được.

Các nhà phát triển Splashup cho biết họ đang chuẩn bị cho một phiên bản mới. Nhưng hiện thời, trừ khi bạn “nghiện” Photoshop, nếu không FotoFlexer và Picnik đáng dùng hơn.

5. FlauntR

Ưu: nhiều chức năng chỉnh ảnh và các công cụ như phông chữ và hình clip art.

Khuyết: giao diện phức tạp; một số chức năng không có khả năng undo.

FlauntR giống như một cửa hàng bắt mắt với đủ thứ hiệu ứng, phông chữ, clip art, đường viền và các công cụ. Nó có thể tạo slide show và tạo ảnh avatar cho mạng cộng đồng hoặc hình nền cho điện thoại di động. Bạn có thể áp các scheme màu sắc lấy từ các bức tranh nổi tiếng vào ảnh, tạo thiệp điện tử, hoặc thậm chí ghép cả ảnh trên một bìa quyển tạp chí nào đó.

Nhưng việc truy cập đến các chức năng kể trên khá khó khăn. Các tính năng phân loại của FlauntR được chia nhỏ trong nhiều ứng dụng phụ như StylR, EditR và TextR; nên điều này không phải lúc nào cũng rõ ràng rằng cái gì, ở đâu và phải mất thời gian để chuyển qua lại giữa các ứng dụng này. Nút Undo xuất hiện và biến mất tùy vào bạn đang ở đâu và các điều khiển để chỉnh hiệu ứng trong một cửa sổ quá nhỏ nên đôi khi phải cuộn chuột lòng vòng để xem được mọi tùy chọn mà một hiệu ứng nào đó có.

Còn 1 điều nữa: FlauntR chỉ chạy được với PC nền Windows. Mọi dịch vụ khác đều chạy được trên nền PC và Mac (điều cần thiết cho một ứng dụng nền web).

FlauntR không có gì gây bực bội như Picture2Life nhưng thiếu đi vẻ tươm tất và hiệu quả như FotoFlexer, Photoshop Express và Picnik. Ít ra thì FlauntR vẫn chưa công bố phiên bản chính thức mặc dù nó đã xuất hiện từ năm 2007, đến nay vẫn là bản thử nghiệm.

6. Picture2Life

Ưu: nhiều tính năng, có cả tạo ảnh ghép, slide show và chia sẻ hình ảnh.

Khuyết: giao diện người dùng rối rắm, chạy chậm.

Còn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng Picture2Life có những điểm cho thấy đây sẽ là một ứng dụng dễ dùng. Dù vậy, những điểm sáng đó lại bị lu mờ bởi giao diện người dùng rối.

Tin tốt là Picture2Life có đầy đủ “đồ nghề”, có 1 trong những hiệu ứng đặc biệt: công cụ tạo hình ghép độc đáo, cho bạn chèn vài tấm ảnh vào trong một mẫu tùy chọn hoặc có sẵn. Giống như Photoshop Express, nó có các công cụ tích hợp để lưu trữ, tổ chức và chia sẻ hình ảnh. Một tính năng thú vị là nó lưu một chuỗi các hiệu ứng mà bạn vừa sử dụng cho 1 tấm ảnh – như xén ảnh, rồi chuyển sang màu giả cổ (sepia), rồi thêm đường biên – và chuyển chuỗi hiệu ứng này cho tấm ảnh khác chỉ bằng 1 cú nhấn chuột.

Nhưng giao diện lấy ảnh của Picture2Life (giống với Flickr) còn quá rối rắm, dù nhập ảnh đã thành công nhưng dịch vụ không có thông báo gì, khiến bạn cứ tưởng là không nhập được. Đây là dịch vụ duy nhất trong nhóm không hiển thị kết quả của hiệu ứng cho đến khi bạn chính thức áp dụng hiệu ứng đó (may là chức năng undo khá dễ). Một nút nổi bật cho bạn xem ảnh ở kích thước thật nhưng không có các nút điều khiển trên màn hình để thu nhỏ hay phóng to ảnh. Đường liên kết để trợ giúp trực tuyến biến mất khi bạn đang ở trong chế độ chỉnh sửa và các nút Learn More trông có vẻ sẽ có ích nhưng lại không có gì xảy ra khi nhấn chuột vào đó (các nhà phát triển Picture2Life cho biết đang phát triển phiên bản khắc phục những vấn đề này và cải tiến giao diện).

Giống như FotoFlexer, Picture2Life tự động chỉnh lại kích thước ảnh, là bước để giúp tăng tốc độ xử lý cho dịch vụ nhưng bạn có thể quản lí được tính năng này (tối đa là 1600×1200). Dù sao đi nữa, các dịch vụ khác vẫn có đầy đủ các khả năng của Picture2Life và có giao diện rõ ràng hơn.

Lê Duy – PC World USA
(theo PC World VN)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96