Kết nối Wi-Fi thường bị nhiễu tín hiệu và tốc độ truyền giữa router với thiết bị có thể bị giảm. Sau đây là vài cách tinh chỉnh router đơn giản để giúp cải thiện tốc độ cho mạng Wi-Fi gia đình bạn…

Không thể phủ nhận rằng kết nối dây mạng trực tiếp vào máy tính vẫn vượt trội hơn về hiệu suất nhờ có tốc độ ổn định nhất, nhưng dù sao thì công nghệ kết nối mạng không dây đã giúp bạn tiết giảm việc kết nối qua dây cáp rối rắm.

Để khắc phục hiện tượng nhiễu tín hiệu, giảm tốc độ truyền hay mất hẳn tín hiệu giữa bộ định tuyến (router) với thiết bị, bạn có thể thực hiện vài cách tinh chỉnh router đơn giản sau đây để giúp cải thiện tốc độ cho mạng Wi-Fi gia đình.

1. Tự động hóa lịch khởi động lại router

Hầu hết các model router đời mới không cần phải khởi động lại thường xuyên, nhưng nếu trường hợp bị mất kết nối Internet mà không rõ lý do, việc đầu tiên bạn cần làm khởi động lại router. Thật vậy, trong hầu hết các trường hợp khi gọi cho hãng cung cấp dịch vụ Internet hay bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của hãng sản xuất router, việc đầu tiên họ thường khuyên bạn thực hiện là khởi động lại router.

Nếu cần khởi động lại router thường xuyên, một số phần mềm hệ thống (firmware) trên các mẫu router hiện nay đều có tùy chọn khởi động lại theo thời gian định trước. Bạn hãy thiết lập khởi động lại mỗi ngày một lần, nên chọn khoảng thời gian ban đêm trong khi ngủ để khỏi bận tâm về thời gian router tắt và khởi động lại.

2. Chọn loại anten tốt hơn

Anten trên hầu hết các mẫu router phổ thông cho người dùng gia đình thường không có phạm vi phủ sóng cao. Do đó, bạn có thể thay thế bằng anten phụ kiện được khuếch đại để cải thiện chất lượng tín hiệu mà không cần phải mua router mới. Các loại anten phụ kiện được khuếch đại có giá từ khoảng vài chục USD hay thậm chí có thể lên đến khoảng vài trăm USD.

Những thiết bị phụ kiện mở rộng tầm phủ sóng (extender) thường có giá đắt hơn một chút, nhưng có thể dùng làm anten được cấp nguồn riêng và bộ lặp không dây (wireless repeater) cùng một lúc. Giải pháp này tuy chưa hoàn hảo song có thể cải thiện đáng kể cho những trường hợp thường xuyên bị mất tín hiệu hay tín hiệu yếu.

3. Chọn vị trí đặt router

Vị trí đặt router rất quan trọng. Vì router phải “cạnh tranh” với mọi thiết bị khác có tần số 2,4GHz hay 5GHz trong nhà, nên việc thay đổi vị trí đặt có thể ảnh hưởng khá nhiều. Ngoài ra, kết cấu và vật liệu xây dựng của ngôi nhà cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến tín hiệu không dây. Thí dụ, nếu ngôi nhà có 90% làm bằng bê tông gia cố cốt thép thì tín hiệu không dây khó có thể xuyên qua tường và phủ sóng hoàn toàn.

Tốt nhất là bạn nên lập một bản đồ nhiệt ngôi nhà của mình để giúp thấy được vùng nào bị mất sóng và vùng nào có tín hiệu tương đối tốt. Một khi đã thực hiện bước lập bản đồ nhiệt, hãy chuyển router đến các vị trí khác nhau trong nhà để xem có thể cải thiện được tín hiệu đến các vùng mất sóng hay không. Công việc này khá tốn thời gian, nhưng bạn sẽ thấy tín hiệu được cải thiện đáng kể khi biết được chỗ nào là vị trí tốt nhất trong nhà để đặt router.

4. Cập nhật phần mềm router

Giống như mọi thiết bị điện tử khác, router được hãng sản xuất khuyến cáo nên cập nhật firmware thường xuyên. Các bản cập nhật này thường để vá lỗi bảo mật và không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ nhưng không có nghĩa là chúng không có giá trị giúp cải thiện tốc độ, nhất là nếu bạn không cập nhật firmware thường xuyên.

5. Vô hiệu hóa các giao thức không dây cũ

Các mẫu router đời mới dùng giao thức 802.11ac có khả năng vượt trội so với mức dịch vụ của nhiều hãng cung cấp dịch vụ Internet. Lúc đó, router có tốc độ nhanh nhưng các thiết bị kết nối lại đang dùng giao thức cũ (chẳng hạn như 802.11b/g) thì hiệu năng tổng thể của toàn hệ thống mạng sẽ giảm đáng kể. Để khắc phục vấn đề này, bạn hãy đăng nhập vào router, đổi chế độ 802.11 và chỉ cho phép dùng các giao thức mới hơn.

Trường hợp bạn vẫn phân vân không biết chọn thế nào thì hãy nhớ thứ tự từ nhanh nhất đến chậm nhất của các giao thức là ac, n, g và cuối cùng là b. Hãy thử gỡ bỏ các thiết bị dùng giao thức cũ nhất là “b” hay “g”.

6. Thay đổi độ rộng kênh

Router thường có hai kiểu thiết lập độ rộng kênh 20MHz và 40MHz, trong đó kiểu thiết lập thứ nhì chủ yếu là của các mẫu router đời mới hơn cần dùng các kênh không dây có độ rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, kiểu thiết lập này có tác dụng không tốt đối với những thiết bị dùng các giao thức cũ vì thường bị nhiễu sóng gây ra do thiết lập kênh dải rộng hơn. Điều chỉnh độ rộng kênh sẽ không thay đổi tốc độ khả năng duyệt web, nhưng sẽ giúp tăng tốc độ truyền dữ liệu hay chuyển tập tin giữa các thiết bị trong mạng.

7. Thay đổi kênh

Đối với người dùng Mac, có một tính năng ít người biết là có thể quét được sóng âm để tìm ra kênh ít bị nhiễu nhất. Để thực hiện, bạn hãy thực hiện các bước sau trên máy Mac:

  • Nhấn vào biểu tượng Wi-Fi trong thanh trình đơn
  • Chọn “Open Wireless Diagnostics…”
  • Bỏ qua trình đơn vừa nổi lên và thay vào đó hãy nhấn vào đường dẫn “Window” trong thanh trình đơn
  • Chọn “Scan”
  • Nhấn nút “Scan Now”

Nếu đang dùng máy tính chạy hệ điều hành Windows, tính năng này không được tích hợp sẵn nhưng có nhiều phần mềm tuyệt vời bạn có thể chọn tải để dùng thử như Acrylic Wi-Fi (miễn phí). Với công cụ này, bạn chỉ cần đăng nhập vào router của mình và đổi sang kênh được đề nghị. Đổi kênh có thể giúp cải thiện tốc độ nếu vấn đề chính là bị nhiễu sóng.

8. Đổi sang băng tần khác

Trong nhà chúng ta thời nay thường có nhiều thiết bị không dây. Từ TV, máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay và ngay cả thiết bị đọc sách, tất cả đều cần kết nối mạng và chúng sẽ “tranh giành” không gian trong một tầm tần số hạn chế của mạng gia đình. May mắn là các mẫu router 2 hay 3 băng tần hiện nay đều cho phép tách riêng các nhóm thiết bị ra để có được tốc độ tối đa.

Những gì bạn phải thực hiện chủ yếu là mở một “làn” khác để khai thông mạng. Trong khi đường một làn cũng sẽ rốt cuộc dẫn bạn đến đích, nhưng 2 hay 3 làn thì tốt hơn cho mọi người. Thay vì tất cả thiết bị phải tranh giành không gian trong dải băng tần 2,4GHz, bạn có thể cho vài thiết bị dùng dải băng tần phụ 5GHz vốn thường ít thiết bị dùng hơn. Nếu sở hữu loại router hỗ trợ 3 băng tần, bạn có thể phân phối mạng thành một băng tần 2,4GHz và hai băng tần 5GHz. Tốt hơn nữa là có thể chọn băng tần ít dùng nhất, hay chia các thiết bị vào các băng tần riêng để giúp tăng hiệu quả sử dụng mạng sau này.

9. Cài đặt firmware của hãng thứ ba

Nhiều router thường có một vài thiết lập tương đối không thể can thiệp để bạn không thể thay đổi được. Trong khi điều này rất tốt đối với hầu hết người dùng, thì lại là vấn đề khó chịu đối với người dùng cao cấp, nhất là khi thỉnh thoảng bạn muốn xâm nhập vào các thiết lập này.

Nếu muốn thực hiện, bạn có thể tìm trên mạng nhiều firmware nguồn mở dành cho một số mẫu router phổ biến nhất. Dù không hỗ trợ tất cả router, nhưng chắc chắn bạn sẽ có thể tìm ra các phần mềm tuyệt vời này và router của bạn có thể là một trong những loại được hỗ trợ.

Có thể kể đến một vài phần mềm thông dụng nhất là DD-WRT, OpenWRT và Tomato. Mỗi công cụ đều có ưu và khuyết điểm, nhưng tất cả đều có lẽ tiên tiến hơn nhiều so với firmware của hãng sản xuất mà bạn đang dùng. Một trong những phần mềm được ưa thích là Tomato vì có dung lượng nhỏ gọn và có tính năng theo dõi băng thông cũng như khả năng kết nối thời gian thực. Tomato cũng được đánh giá là có giao diện thân thiện với người dùng nhất và khá trực quan khi sử dụng.

10. Khóa chặn router để thông tin không bị mất hay bị xâm nhập

Rất nhiều người dùng dù hiểu biết công nghệ nhưng vẫn dùng tên đăng nhập và mật khẩu mặc định trên router. Tin tặc bậc trung thường có thể xâm nhập vào những mạng tương đối an toàn có mật khẩu không theo mặc định. Nếu bạn vẫn còn dùng tên đăng nhập và mật khẩu mặc định thì có nghĩa là bạn đang “mời” tin tặc xâm nhập vào mạng của mình để sử dụng nó theo cách họ muốn.

Mật khẩu Wi-Fi cũng quan trọng không kém. Dù bạn đã phân chia các thiết bị dùng các băng tần riêng, đã cập nhật firmware và thay đổi kênh vào những lúc sử dụng nhiều, thì nói chung những cố gắng trên vẫn vô ích nếu thiết lập mật khẩu Wi-Fi yếu. Khi đó, hàng xóm có thể lợi dụng mạng Wi-Fi của bạn và dùng để tải phim suốt ngày.

Ngoài việc dùng mật khẩu mạnh thì để đảm bảo an toàn, bạn còn phải thiết lập các chế độ mã hóa chặt chẽ. Nên tránh dùng chế độ WEP (Wired Equivalent Privacy) mà thay vào đó hãy dùng chuẩn bảo mật WPA (Wi-Fi Protected Access) hay WPA2 mạnh hơn với đặc tả mã hóa AES (Advanced Encryption Standard), nếu router có tùy chọn này, khi thiết lập bảo mật cho router.

 

Huy Thắng
(theo PCWorldVN)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96