Xiaomi, Uber, Flipkart, Slack hay Razer đều khởi đầu từ những ý tưởng điên rồ nhưng đã được các nhà đầu tư để ý, rót vốn và thành công ngoài sức tưởng tượng…

Startup (khởi nghiệp) là một từ xuất hiện nhan nhản trong giới công nghệ gần đây. Các nhà đầu tư mạo hiểm, đặc biệt tại thung lũng Silicon, luôn muốn “chọn mặt gửi vàng” trong số hằng hà sa số các startup đang mọc lên như nấm. Họ không tìm kiếm những startup có nguy cơ “xịt” hay chỉ nhái các doanh nghiệp khác mà phải có triển vọng trở thành Facebook, Apple hay Google tiếp theo.

Một điểm chung của những startup này chính là ý tưởng khởi nghiệp của họ thường kỳ quái, điên rồ, khó hiểu. Họ cố gắng tạo ra thị trường chưa từng tồn tại. Thay vì để đối thủ vượt trước, họ song hành nhưng thực hiện điều gì đó hoàn toàn khác biệt.

Dưới đây là 5 startup sở hữu ý tưởng điên rồ nhưng thành công ngoài sức tưởng tượng, theo TechInAsia:

Xiaomi

Thành lập tại Trung Quốc năm 2010, Xiaomi hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới. Ngoài di động, hãng còn đầu tư vào các thiết bị tiêu dùng và nhà thông minh khác. Đến năm 2014, “hạt gạo nhỏ” (ý nghĩa của tên Xiaomi) đã có hơn 8.000 nhân viên và được định giá khoảng 46 tỷ USD.

Xiaomi không muốn kiếm tiền từ bán điện thoại. Công ty bán thiết bị với giá gần với chi phí sản xuất, dựa thuần túy vào kênh phân phối trưc tuyến trong khi các đối thủ lại chuyển hàng hóa đến các cửa hàng bán lẻ. Smartphone Xiaomi dùng Android. Nó sản xuất và bán sản phẩm theo từng đợt nhỏ và nhận phản hồi từ người dùng. Mục tiêu tiếp theo của Xiaomi là kiếm tiền từ thương mại điện tử, dịch vụ.

Vì sao Xiaomi thành công: Sự kết hợp của các hoạt động kể trên giúp hạ giá sản phẩm xuống. Như một hệ quả, người dùng trả tiền ít hơn nhưng nhận về giá trị nhiều hơn số tiền bỏ ra. Sản xuất nhỏ giọt phục vụ hai mục đích: tiết kiệm tiền hàng tồn kho và nhanh chóng đổi mới sản phẩm.

Thu thập và áp dụng phản hồi từ người dùng giúp tăng cao độ trung thành. Người dùng cảm thấy vui mừng khi ý kiến của họ được tiếp thu và thể hiện trong sản phẩm, từ đó trở thành người hâm mộ và ủng hộ công ty. Có thể nói ngoài Apple, Xiaomi là một trong số ít các hãng điện tử giành được sự tín nhiệm của người dùng.

Slack

Slack là công cụ chat văn phòng, ra mắt tháng 8/2013 và hiện được định giá hơn 1 tỷ USD với hơn 30.000 đơn vị đang sử dụng. Nó do Steward Butterfield thành lập, người đã sáng lập nên mạng chia sẻ ảnh Flickr rồi bán cho Yahoo.

Slack muốn thay thế email văn phòng bằng cách tập trung các tài liệu công việc và giao tiếp. Nó muốn trở thành một ứng dụng được dùng đến trong mọi thời gian làm việc.

Vì sao Slack thành công: Nó tích hợp các ứng dụng doanh nghiệp lớn như Dropbox, Google Apps, GitHub, Heroku, Zendesk… Slack theo dõi những gì bạn làm trên các dịch vụ đó và cung cấp tính năng tìm kiếm để bạn ngay lập tức truy cập dữ liệu và lịch sử tài liệu. Nó giống như Google trong liên lạc nội bộ. Ứng dụng có tương lai tươi sáng.

Flipkart

Flipkart là sàn thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ. Do hai cựu nhân viên Amazon là Sachin và Binny Bansal sáng lập năm 2007, đến nay Flipkart có giá trị ước tính khoảng 11 tỷ USD. Không tồi cho hai nhân vật từng bị bạn bè và gia đình phản đối vì cho rằng họ “mất trí” khi bỏ công việc được ao ước và mở công ty mới.

Flipkart ra đời vào thời điểm Ấn Độ còn thiếu cơ sở hạ tầng chuyển phát cho thương mại điện tử và mọi người không quen thuộc với việc mua sắm qua mạng.

Vì sao Flipkart thành công: Flipkart khởi đầu bằng cách tập trung vào một danh mục có chi phí thấp, đó là sách. Họ phát triển hệ thống thanh toán đáng tin cậy và dần dần hướng người dùng đến mua sắm trực tuyến. Họ tự xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng để chuyển phát hàng hóa đúng hạn. Các nhà sáng lập nhận ra dịch vụ khách hàng trong thương mại điện tử còn yếu kém nên tập trung giải quyết điểm yếu đó.

Đánh vào sự nhạy cảm về giá của người dùng Ấn Độ, Flipkart tung ra các chương trình giảm giá lớn. Chi phí hoạt động thấp cho phép họ chiết khấu nhiều hơn cửa hàng truyền thống. Tầm với hạn chế của các cửa hàng truyền thống làm lợi cho thương mại điện tử vì khách hàng thường có ít lựa chọn khi mua sắm ở các cửa hàng lân cận. Flipkart cho họ khả năng tiếp cận hàng hóa phong phú hơn bao giờ hết.

Uber

Uber là dịch vụ đi nhờ xe lớn nhất thế giới, được định giá 40 tỷ USD. Với hành khách, Uber mang tài xế taxi đến tận cửa nhà bạn và chỉ cần gọi xe qua ứng dụng. Với tài xế, nó cung cấp một cách tối ưu để đón khách và kiếm thu nhập. Họ giao dịch không bằng tiền mặt mà thông qua hệ thống của Uber.

Uber tin rằng smartphone sẽ trở thành phương tiện chủ yếu để mọi người gọi xe. Họ cũng tin rằng đội quân lái xe tư có thể hoàn thiện hay thậm chí thay thế ngành công nghiệp taxi.

Vì sao Uber thành công: Ứng dụng gây ấn tượng ban đầu bằng dịch vụ Uber Black hạng sang. Cái lợi lớn nhất cho người dùng không nằm ở vẻ ngoài mà chính là sự thuận tiện. Smartphone xác định địa chỉ người dùng, cho phép tài xế dễ dàng tìm thấy hành khách. Gọi xe chỉ mất vài lần chạm. Thanh toán nhanh chóng, thông suốt khi ứng dụng tự động trừ tiền trong thẻ tín dụng.

Một yếu tố quan trọng nữa là Uber đang tăng cường hỗ trợ tài xế trước các quy định ngặt nghèo tại những thị trường đang hoạt động. Điều đó giúp tài xế an tâm hơn và có thể tận dụng tối đa thời gian, phương tiện của mình.

Razer

Razer là công ty Mỹ chuyên sản xuất thiết bị điện tử cho game thủ. Thành lập năm 1998 và được định giá khoảng 1 tỷ USD, Razer phát triển chuột, bàn phím, laptop chơi game. Gần đây, hãng ra mắt vòng đeo tay thông minh riêng có tên Nabu.

Razer tin rằng nó có thể xây dựng một công ty phần cứng chỉ nhờ vào phục vụ game thủ. Năm 1998, doanh thu từ game còn xa mới đạt tới như ngày hôm nay. Razer cũng chú trọng đầu tư vào PC bất chấp tỉ lệ người dùng PC giảm theo thời gian.

Vì sao Razer thành công: Game bùng nổ và trở thành dòng chảy chính thống, tăng trưởng gấp 4 lần tại Mỹ từ năm 1998 đến 2008. Hoạt động thể thao điện tử cũng lớn mạnh. Twitch, dịch vụ phát các trận thi đấu game trực tiếp, được Amazon mua lại với giá gần 1 tỷ USD. Razer dường như đã tiên tri được hiện tại bằng cách phát triển sản phẩm ngách ngay cả trước khi thị trường ngách tồn tại. Hiện công ty đang sở hữu 30% thị trường game và bàn phím chơi game.

Du Lam (theo TechInAsia)
(nguồn ICTnews)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96