11 Thâu tóm tin trên mạng

(Post 03/07/2007) Tin tức trên web hiện nay nhiều vô kể và bạn không thể nào có đủ thời gian để đọc hết. Có một số công cụ và dịch vụ web có thể giúp bạn kiểm soát hiệu quả nguồn thông tin vô cùng phong phú này.

Công nghệ tiến bộ nhanh chóng nhưng thông tin còn phát triển nhanh hơn. Khó mà theo kịp dòng thác tin blog và các nguồn tin trên Internet hiện nay nếu như bạn chỉ dùng trình duyệt web thông thường. Giải pháp cho vấn đề này là những dịch vụ giúp sàng lọc tin tức hiệu quả và các trình đọc tin (TĐT) cho phép đăng ký nhận tin để đọc như email.

Gần như tất cả các giải pháp lọc tin trên web đều dựa trên nguồn tin dạng RSS (Really Simple Syndication) – định dạng XML đặc biệt dùng để quảng bá nhanh thông tin tóm lược của bài viết, tin blog… Nguồn tin RSS thường được nhận diện bằng ký hiệu “XML” hay “RSS” màu cam trên các website. Sau khi nhập nguồn tin (nhấn chuột phải lên ký hiệu “XML” để lấy địa chỉ liên kết) vào TĐT, trình này sẽ định kỳ kiểm tra nguồn tin để lấy tin mới. Những TĐT tốt cho phép bạn duyệt qua các site chỉ mất nửa thời gian so với dùng trình duyệt. Nếu phát hiện tình trạng “spam” ở một nguồn tin nào đó, bạn có thể ngưng không lấy tin từ nó nữa.

Mặc dù các TĐT giúp duyệt tin nhanh nhưng chúng có thể làm bạn mất nhiều thời gian để đọc tin hơn trước đây vì bạn sẽ dễ bị cám dỗ đăng ký càng nhiều nguồn tin hơn. Đó chính là lý do xuất hiện các site lọc tin.

Phổ biến liên kết: TECHMEME SO VỚI TAILRANK

Techmeme cung cấp những tin công nghệ hàng đầu trong ngày được dịch vụ này nhận diện bằng cách giám sát các blog và nguồn tin “hạng A”. Nó cung cấp giao diện tương tác, có nhiều liên kết đến các diễn đàn trực tuyến. Site này thiên về tin tức Web 2.0 và thường liên kết đến các blog hàng đầu cùng nhóm chủ đề. Trong khi Techmeme có thể sử dụng một vài tùy chọn tùy biến, site này cho cái nhìn tổng quan về thế giới blog công nghệ.

TailRank cũng dựa trên mô hình tương tác như Techmeme nhưng cho phép tạo bộ lọc tin riêng để tìm những tin được liên kết đến nhiều nhất trong các nguồn tin mà bạn yêu cầu nó giám sát. Giao diện trông “thô” hơn Techmeme nhưng TailRank có thông tin phong phú hơn và khả năng tuỳ biến cao hơn.

Lọc tin

Dựa vào cấu trúc thông tin trao đổi trên Internet, thói quen đọc tin của bạn và thói quen duyệt web của những người có cùng khuynh hướng, một bộ lọc tin tốt có thể giúp bạn đi ngay đến tin mà bạn quan tâm. Tuy nhiều site loại này vẫn còn chưa hoàn thiện nhưng phần lớn đáng để thêm vào danh sách site tin tức chủ chốt của bạn.

Techmeme (techmeme.com) là một trong những site tốt nhất thuộc loại này. Site này (trước đây là tech.memeorandum) tự phong là “Trang A1” (hàng đầu) của thế giới blog công nghệ, cung cấp tin được nhiều người quan tâm nhất trong ngày. Techmeme truy cập liên tục những nguồn tin (website, blog) công nghệ hàng đầu để nhận diện những tin được liên kết đến nhiều nhất và những thảo luận cũng như các tin liên quan.

Đây là nơi tập hợp các tin công nghệ mới nhất trên web và cũng là nơi tuyệt vời để tìm blog cung cấp nguồn tin. Gabe Rivera, chủ sở hữu duy nhất của site này, áp dụng thuật toán để tạo các bộ lọc tin chuyên về chính trị (Memeorandum.com), bóng chày (Ballbug.com) và về những người nổi tiếng (WeSmirch.com), tác giả còn dự định tiếp tục bổ sung những chủ đề mới.

Một website tương tự có tên TailRank (tailrank.com) cố gắng tạo “tờ báo” hàng đầu đặc biệt hướng đến các mối quan tâm của bạn, dựa trên các nguồn tin mà bạn yêu cầu thu thập. Nó sẽ đếm số các site liên kết đến các tin trong nguồn tin của bạn và đưa ra các tin theo mức độ phổ biến. TailRank còn có một phiên bản cá nhân hoá có tính năng “người thích tin X cũng thích tin Y” của Amazon.com, dựa trên cơ sở so sánh các nguồn tin của bạn với những người khác.

Tuy TailRank không khôn khéo bằng Techmeme trong việc lọc những tin trùng và đảm bảo các liên kết liên quan thật sự, nhưng nó có một tính năng rất hữu ích: khi nhấn vào một nút, TailRank sẽ kiểm tra history, cache hay cookie trình duyệt của bạn để xác định những blog hay site tin tức mà bạn truy cập gần đây và cho bạn bổ sung vào danh sách nguồn tin.

Giám sát việc đọc tin

Có ba site khác áp dụng giải pháp thông minh hơn để điều chỉnh tin tức theo sở thích bằng cách kiểm tra tin bạn đã đọc. Google News có lẽ là cái tên nổi tiếng nhất trong số này. Sau khi bạn đăng nhập với Google ID, site này sẽ giám sát thói quen xem tin và tìm kiếm trên web của bạn để điều chỉnh các tin hiển thị trên trang Google News. Các thay đổi tùy biến cá nhân thực hiện chậm và không được đánh dấu rõ ràng nhưng site này làm tốt việc hiển thị nổi bật các tin quan trọng nhất và mới nhất mà không cần có người nhúng tay vào. Nhấn liên kết “Standard News” để xem sự khác biệt giữa các trang mặc định và tùy biến cá nhân.

Findory sử dụng phương pháp tương tự nhưng cho phép bạn bổ sung danh sách site tin của mình. Trong “tích tắc”, site này thay thế loạt tin đủ loại mặc định của nó bằng các tin mà bạn quan tâm. Nhưng không có cách nào để site này biết những tin mà bạn không quan tâm.

Tuy nhiên, bạn có thể làm điều đó với Spotback, một site vừa ra mắt vào tháng 5 và cung cấp nhiều phương thức để bạn điều chỉnh các tin cần xem. Một thanh trượt cho phép bạn chỉ định mức độ quan tâm với từng tin theo thang điểm từ -5 đến +5. Ngoài ra, còn có menu sổ xuống Less” và “More” để bạn chặn hay yêu cầu nhiều tin hơn từ một nguồn tin hay nhóm chủ đề nào đó.

Giao diện người dùng xuất sắc của Spotback đặt màu nền vàng bên dưới những tin bạn đã đọc và khi xếp hạng một tin bạn sẽ nhận được phản hồi tức thời: site này sử dụng kỹ thuật Ajax để chèn vào tin bài có liên quan ngay bên dưới tin mà bạn vừa cho điểm. Tiếc là Spotback có vấn đề về thời gian đưa tin. Phần “Computers and Internet” thỉnh thoảng đưa những tin cũ 6-7 ngày – vô cùng lạc hậu ở thời đại tin trực tuyến.

Trí tuệ của số đông

Bình chọn của độc giả tạo nên sự phổ biến rộng rãi của các site tin tức cộng tác, những site dùng trí tuệ của cộng đồng độc giả để xếp hạng tin. Site Digg nhờ kỹ thuật này mà trở thành site tin tức công nghệ phổ biến qua mặt cả đàn anh Slashdot.

Kỹ thuật của Digg hết sức đơn giản: người dùng gửi các liên kết và những người dùng khác bình luận và cho điểm. Theo lý thuyết, tin nào được điểm cao nhất sẽ nhảy lên trang đầu. Digg có kế hoạch mở rộng mô hình này cho loại tin khác ngoài công nghệ.

Thành công của Digg đã tạo nên một số “bản sao” khá thú vị. Fantacular là site bắt chước khá sát, chỉ tập trung về tin công nghệ. Gather.com là site blog cộng tác với đủ các mục từ thơ văn đến thực phẩm.

CrispyNews và Reddit thể hiện tương lai của các bộ lọc tin cộng đồng. CrispyNews cho phép người dùng tạo riêng bộ lọc cộng đồng thu nhỏ bao gồm những chủ đề hẹp. Reddit, một site giống Digg, tập trung vào những tin mới và phổ biến trên web, trang chính của nó có thêm dịch vụ đề cử dựa trên sở thích của bạn và hiển thị nổi bật những tin mà những người dùng có thói quen đọc tin tương tự đã bình chọn. Reddit có tham vọng phân tích nội dung của tin cũng như siêu dữ liệu và từ khoá.

Bình chọn của độc giả: DIGG SO VỚI REDDIT

Site xếp hạng tin tức phổ nhất trên web, Digg, cho chúng ta biết đủ loại tin tức liên quan đến công nghệ. Người dùng Digg bình chọn sớm và thường xuyên có thể đưa tin nóng lên trang đầu với tốc độ cực nhanh. Tiếc là thông tin thảo luận ít hơn của Slashdot và đôi khi tính dân chủ đưa đến kết quả không đặc sắc.

Reddit đang bắt kịp Digg về độ phổ biến. Độc giả ở site cộng tác này thường ưa chuộng các luận văn, lời khuyên khởi nghiệp và tin công nghệ thuần túy. Thông tin thảo luận thú vị hơn so với của Digg nhưng ưu điểm chính của Reddit là cơ chế đề cử có khả năng tùy biến.

Kiểm soát tin

Đây là điều tuyệt vời của các site lọc tin: Một khi sử dụng chúng thành thạo, bạn có thể dùng đầu ra của chúng làm nguồn RSS cho TĐT độc lập để thực hiện nhiều điều khiển hơn.

Đây là cách hiệu quả nhất để tùy biến luồng tin tức. Trước hết chọn TĐT cho tải về hay trực tuyến để làm việc, sử dụng nó để tạo danh sách nguồn tin của bạn. Bạn sẽ có khá nhiều lựa chọn, gồm các trang chủ có thể tùy biến (xem “Netvibes so với My Yahoo”), TĐT làm việc trên web, phần mềm chuyên dụng cho phép bạn tinh chỉnh từng nguồn tin hay tin, thậm chí các trình email và trình duyệt web có hỗ trợ RSS.

Hầu hết TĐT đều cho phép xuất danh sách nguồn tin ưa thích của bạn ra tập tin văn bản có đuôi là .opml để có thể nhập tập tin .opml này vào TĐT bất kỳ nào khác.

Radio Userland đã giúp thúc đẩy định dạng RSS vào thời kỳ đầu và hiện nó vẫn làm việc. Mặc dù yêu cầu tải về, Radio Userland làm việc như TĐT trực tuyến, liệt kê tất cả tin trong 1 cột, theo thứ tự thời gian ngược. Dạng này được gọi là giao diện “dòng tin”, tương tự như giao diện hộp thư inbox của hầu hết trình email.

Nhiều chương trình khác, bao gồm Google Reader, đã đi ngược lại giải pháp đơn giản này. Về nhiều phương diện, Google Reader là TĐT tương đương Gmail. Nó hoàn toàn không dùng folder, làm việc cực nhanh nhờ sử dụng kỹ thuật lập trình Ajax. Nhưng cũng như Gmail, các tùy biến của Google Reader hạn chế. Ví dụ, bạn chỉ có thể sắp xếp tin theo ngày hay theo thuật toán riêng của Google.

Bloglines thích hợp cho người mới làm quen với TĐT, dịch vụ trực tuyến này được Ask.com mua lại vào năm 2005. Bạn cần có địa chỉ email để đăng ký sử dụng, site có sẵn các nguồn tin cho những nhóm người dùng cụ thể (ví dụ, Bookworm cho người mê sách, Conservative Politico dành cho người quan tâm đến chính trị, Parental Unit dành cho các bậc cha mẹ…), màn hình đọc tin có 2 khung hiển thị các folder dễ cấu hình ở bên trái và tin ở bên phải.

Tính năng hay nhất của Bloglines là cung cấp địa chỉ email không giới hạn dùng để đăng ký danh sách nhận tin. Tin có thể gửi email, lưu hay ghi blog. Site làm việc chưa được nhanh lắm và cần có nhiều tùy chọn hiển thị hơn. Bloglines còn có phiên bản di động dùng để giới thiệu blog rất hay và trình báo tin cho tải về.

TĐT trực tuyến cạnh tranh Rojo cũng có các nhóm người dùng thiết lập trước và chấp nhận tập tin .opml, cho phép bạn đăng ký thêm nguồn tin của mình. Rojo mặc định hiển thị các tin liên quan được xác định theo số người dùng bình chọn. Ngoài ra còn có tùy chọn hiển thị theo loại tin và theo thời gian.

Rojo gần đây bổ sung tab Today hiển thị những tin hiện được nhiều người quan tâm, tuy nhiên giá trị của nó còn hạn chế vì mới chỉ có ít người dùng Rojo bình chọn; công cụ “bookmarklet” cho phép đăng ký nhanh các site khi duyệt web. Rojo là TĐT trực tuyến tốt nhưng không cho phép sắp xếp lại các tin theo những folder khác nhau và không có trình báo tin.

Thuật toán mới: FINDORY SO VỚI GOOGLE NEWS

Google News được biên tập bằng thuật toán nhanh và toàn diện, với các tùy chọn để phân các nguồn tin theo các mục tạo sẵn hay theo từ khóa tìm kiếm. Cơ chế đề cử của nó có vẻ kém thông minh và trong suốt so với Findory. Bạn không có cách nào để hạ điểm đánh giá của một tin và cũng khó biết những tin nào được đề cử (ngược với các lựa chọn Google News thông thường). Nhưng Google có thể dùng cả tìm kiếm web có đăng nhập và thói quen đọc tin của bạn để huấn luyện các bộ lọc của nó.

Hệ thống đề cử của Findory làm việc khá hay nhưng nó xem mỗi nhấn chuột của bạn trên một tin như là sự đề cử – phương thức sơ khai hơn của Digg. Dù sao, Findory cũng cho bạn biết những tin nào được đề cử và lý do đề cử. Ngoài ra, Findory còn có nhiều nguồn tin từ blog hơn Google News và cho phép bạn bổ sung nguồn tin cần giám sát chặt. Khiếm khuyết của nó như ảnh tin, giữ lại từ khoá tìm kiếm và khả năng di chuyển các mục trên màn hình không phải là vấn đề khó đối với các nhà phát triển Findory.

TĐT trực tuyến dùng Ajax

Bloglines và Rojo đều tốt, nhưng còn có các site khác hay hơn nhờ biết khai thác những kỹ thuật lập trình web hiện đại như Ajax.

Ví dụ, Alesti dùngAjax để tạo TĐT trực tuyến có 3 khung theo kiểu Outlook, cho phép bạn duyệt nhanh qua các folder nguồn tin. Nó tạo được ấn tượng tốt nhưng còn cần phải hoàn thiện: chẳng hạn khi nhấn nút back của trình duyệt, bạn “văng” khỏi site này thay vì quay lại tin vừa đọc. Alesti cũng còn thiếu một số tính năng cơ bản như gửi email tin.

Bloxor là TĐT trực tuyến nguồn mở dùng Ajax. Nó chỉ làm việc với các trình duyệt dựa trên Gecko (tên mã thư viện trình duyệt) như Firefox và Mozilla và dường như hướng đến cộng đồng hacker trẻ tuổi (tên chính thức của site này là “t3h Blox0r”). TĐT 3 khung này khác biệt với các TĐT khác bởi khả năng chuyển đổi dễ dàng thành dạng 3 cột và đáng kể hơn là khả năng lấy tin trực tiếp từ website gốc thay vì lấy nội dung text của tin từ nguồn XML. Tuy giải pháp này không phải lúc nào cũng tốt nhưng các tin đọc trong môi trường bình thường của nó trông dễ chịu. Site này thiếu một số tính năng cơ bản như email và ghi blog, nhưng nếu bạn muốn TĐT tốc độ trong khi vẫn nhìn thấy các site ở dạng HTML gốc của chúng thì đây là lựa chọn tốt.

SpeedFeed Reader của Gritwire chọn Flash để thực hiện TĐT 3 khung có giao diện khá đẹp. Tiếc là nó thiếu các tùy chọn cấu hình và đôi khi bị đứng khi nhập nguồn tin RSS 1.0. Nó cũng bị những hạn chế của Flash, như thoát khỏi chương trình nếu vô tình nhấn nút back.

Trang chủ có thể thay đổi: NETVIBES SO VỚI MY YAHOO

Muốn có trang chủ đọc tin tùy biến? Netvibes cho phép bạn kéo và thả các thành phần để xây dựng trang chủ linh hoạt bao gồm nguồn tin RSS, web mail, tin thời tiết và mảng hình Flickr. Không yêu cầu đăng nhập, Netvibes ghi nhớ thiết lập cho các lần viếng thăm sau từ cùng máy tính.

My Yahoo cũng là trang chủ tuyệt vời cho phép thêm, di chuyển và gỡ bỏ các thành phần có sẵn một cách dễ dàng nhưng không có cách nào để thêm web mail ngoài Yahoo; banner quảng cáo của nó gây rối mắt. Tuy hình tin tức đẹp nhưng việc thêm hình từ Flickr (thuộc Yahoo) vào My Yahoo khó hơn Netvibes.

Lấy tin mọi nơi

Nếu bạn thích giải pháp đọc tin di động, hãy thử NewsGator Online (newsgator.com). Site NewsGator có TĐT tích hợp và có thể kết hợp với thư viện Outlook của NewsGator hay TĐT trên PC như FeedDemon (đã được NewsGator mua lại). Nó có các tính năng email và đánh dấu tốt cũng như giao diện dạng folder hay “dòng tin” gọn gàng. Site NewsGator không được thiết kế giống ứng dụng client (chạy trên PC) và làm việc khá chậm khi chuyển từ nguồn tin này sang nguồn tin khác. Không giống nhiều TĐT trực tuyến khác, nó cho phép bạn tạo folder và di chuyển tin giữa chúng, đồng bộ các thay đổi của bạn với phần mềm client của nó.

Người dùng không đăng ký nhận được 1 tài khoản email miễn phí (người dùng có phí nhận được 5) để đăng ký nhận tin hay tạo nguồn tin RSS dùng chung. Người dùng NewsGator có thể chuyển 1 tìm kiếm từ khóa trên web thành nguồn tin (người dùng có phí chuyển được 5). Dịch vụ này cũng có trình client di động, truy cập POP3 và các công cụ cho blogger và cho người dùng muốn đồng bộ podcast và videocast với PC hay thiết bị di động.

Mặc dù có tính năng phong phú, nhưng site này làm việc chậm và thiếu cơ chế tìm kiếm nên khó dùng; nó chỉ đáng quan tâm như là bổ sung cho thư viện Outlook của NewsGator hay FeedDemon.

Phần mềm chính thống

Với nhu cầu đọc tin RSS cơ bản, bạn có thể không cần gì khác hơn trình duyệt web đáng tin cậy. Xem phần “Trình dyệt hỗ trợ RSS: IE 7 Beta 2 so với Firefox (với Sage) so với Opera”. Tuy nhiên, với nhu cầu đọc tin “chuyên nghiệp” thì cả trình duyệt và dịch vụ trực tuyến đều không đủ nhanh cũng như cấu hình không đủ linh hoạt bằng trình client tải về.

Ngay bản beta như SharpReader (sharpreader.net) cũng đã hiệu quả hơn nhiều trong việc di chuyển nhanh giữa các nguồn tin so với TĐT trực tuyến tốt nhất. Mặc dù có thể tốn nhiều bộ nhớ nhưng SharpReader có các cửa sổ thông báo và hỗ trợ phân loại tuyệt vời, lại có thể hiển thị những tin được liên kết từ các nguồn khác – dấu hiệu về mức độ quan trọng của tin. Phần mềm này cũng thực hiện tốt việc nhận diện đường dẫn nguồn tin RSS khi bạn nhập vào địa chỉ URL của một site.

Awasu lại là một bước tiến bộ khác. Phiên bản miễn phí của nó bao gồm TĐT 3 khung trau chuốt và nhiều tính năng với trình duyệt đầy đủ trong khung thứ ba có khả năng duyệt tab giúp dễ dàng quay lại nguồn tin trước đó. Awasu cũng cho phép tìm các nguồn tin nhanh chóng và trong số hàng loạt tùy biến của nó có các thư viện cho phép thiết lập tìm kiếm Google, lưu các tập tin multimedia vào thư mục định trước và đăng ký các nhóm tin của Yahoo. Khuyết điểm duy nhất của Awasu là thiếu các lệnh bàn phím và có khuynh hướng ngốn nhiều tài nguyên hệ thống. Phiên bản có phí (29 USD) không bị những hạn chế về số thư viện và nguồn tin, cho phép người dùng đăng ký nguồn tin có bảo vệ bằng mật khẩu.

FeedDemon 2.0 của NewsGator xứng đáng với cái giá 30USD. Nó làm việc rất nhanh, không tốn nhiều bộ nhớ và kết hợp nhiều tùy chọn bố trí giao diện trực quan với một loạt tùy chọn đáp ứng phong cách đọc tin của bạn.

Công cụ send-to cho phép bạn dễ dàng gửi tin đến site đánh dấu cộng tác Del.icio.us, sao chép nó vào bộ nhớ tạm hay gửi email, ghi blog. Khung thứ hai hỗ trợ nhiều tab có thể dùng để nạp nguồn tin hay hiển thị tin được chọn theo dạng duyệt web, bạn có thể đưa tin vào Favorites của IE. Khuyết điểm đáng kể duy nhất của chương trình này là thứ tự sắp xếp nguồn tin theo chữ cái không thay đổi được và phương thức mở tin cứng nhắc trong một tab mới. Đây chỉ là những lỗi nhỏ nhặt. Thiết kế độc đáo và tính năng phong phú của FeedDemon, kết hợp với khả năng đồng bộ nhiều máy tính và TĐT di động của NewsGator làm cho FeedDemon trở thành ứng dụng đọc tin số 1.

Trình đọc ưa thích: TRÌNH ĐỌC TIN TỐT NHẤT
Các TĐT cho tải về như FeedDemon có khả năng cấu hình linh hoạt, trong khi TĐT trực tuyến như Bloglines thích hợp cho người mới dùng. Điều hấp dẫn nhất: hầu hết miễn phí.
Trình đọc tinDạngDành choTính năng tốt nhất
Awasu Personal Edition
Miễn phí
find.pcworld.com/54006
TĐT tải vềNgười dùng RSS có kinh nghiệm, người nghe podcast và những người đăng ký các nguồn tin khác có tập tin đính kèm.Giám sát những thay đổi của các trang web tĩnh và có tính năng duyệt tab.
Thư viện bổ sung làm cho trình đọc mạnh này trở thành chọn lựa tốt; bản thương mại giá 29 USD không bị giới hạn 100 nguồn tin. Điểm 83 (rất tốt)
Bloglines
Miễn phí
find.pcworld.com/54008
TĐT trực tuyếnNgười mới làm quen với TĐT RSS và muốn tìm phương thức xây dựng danh sách nguồn tin ưa thích.Cung cấp tài khoản email miễn phí không giới hạn để đăng ký nhận tin
Bloglines đơn giản thích hợp cho người mới làm quen nhưng cũng có một số tính năng dành cho người có kinh nghiệm. Điểm 78 (tốt).
NewsGator FeedDemon 2.0
Miễn phí
find.pcworld.com/53814
TĐT tải vềBất kỳ ai cần ghi blog hay lấy tin một cách nghiêm túc.Trình duyệt có thanh địa chỉ và cho phép mở nhiều tin trong các tab.
Tính năng duyệt tab và các tính năng nâng cao khác đem lại điểm tốt cho TĐT này. Điểm 91 (xuất sắc).
Rojo
Miễn phí
find.pcworld.com/54010
TĐT trực tuyếnGiống Bloglines, Rojo cung cấp sẵn các mục tin dành cho người mới làm quen với RSS.Sắp xếp thông minh các tin theo thói quen đọc tin của bạn.
TĐT này thiếu một số tính năng tiện lợi của Bloglines, nhưng nó có thiết kế tốt và khá nhanh. Điểm 82 (rất tốt).
SharpReader
Miễn phí
find.pcworld.com/54012
TĐT tải vềNgười có kinh nghiệm muốn tìm công cụ miễn phí và có khả năng tuỳ biến.Nhiều tùy chọn cấu hình cho phép sắp xếp, nhóm các nguồn tin thành thư mục.
TĐT miễn phí, nhanh này thiếu trình duyệt đầy đủ tính năng, nhưng nó có nhiều tuỳ chọn cấu hình. Điểm: 84 (rất tốt)

Tin như mail

Một số chương trình, như News Gator Inbox 2.6 (find.pcworld.com/53816), kết hợp các nguồn RSS với email. Quá trình cài đặt News Gator Inbox đơn giản, có tuỳ chọn tiện lợi để đưa vào các loại nguồn tin cho trước. Tuy nhiên, quá trình nhập vào nhiều nguồn tin tốn bộ nhớ và mất nhiều thời gian.

Một ứng dụng thú vị khác, Omea Reader (www.jetbrains.com/omea), là một phần của gói sản phẩm đầy tham vọng với giải pháp tổng hợp. Nó có thể làm việc như TĐT độc lập, hay tích hợp với Omea Pro giá 49 USD để trở thành trình email, trình đọc RSS, trình duyệt web, lịch làm việc, trình IM và ứng dụng tìm kiếm desktop.
Omea Pro có một số tính năng xuất sắc, như có tab cho phép đọc các nguồn tin theo từng hàng, nhiều vùng làm việc để tách biệt các dự án và một trình quản lý địa chỉ email.

Các công cụ kiểm soát tin tức nói chung vẫn còn sơ khai và cần tiếp tục được cải tiến. Trong khi chờ giải pháp hoàn hảo, có lẽ cách tốt nhất là kết hợp nhiều giải pháp để khai thác những tính năng hay. Lấy các nguồn RSS từ các site cộng tác như Digg đưa vào các site đề cử như TailRank hay Findory rồi lấy nguồn tin tùy biến riêng để dùng cho TĐT mà bạn ưa thích; bạn sẽ có được hầu hết những tin cần thiết mà không phải mất cả ngày lục lọi.

Trình duyệt hỗ trợ RSS: IE 7 BETA 2 SO VỚI FIREFOX (VỚI SAGE) VÀ OPERA

Trong số các trình duyệt web, Opera đã đi trước khá lâu trong việc hỗ trợ nguồn tin RSS: cho phép dễ dàng thêm nguồn tin mới và thông báo cho người dùng biết khi có tin mới. Tuy nhiên, giao diện 2 khung theo chiều ngang trông hơi thô sơ và thiếu hỗ trợ hình ảnh.

Thư viện Sage của Firefox khá xuất sắc, có thể lấy nguồn tin từ Favorites nhưng chỉ xử lý được 1 folder. Sau khi thiết lập nguồn tin, bạn chỉ việc nhấn Alt-S để hiển thị khung lề trái và cửa sổ 2 cột hiển thị từng tin với hình ảnh bên trong từng ô riêng.

Tuy muộn, nhưng IE 7 Beta 2 hỗ trợ RSS rất tốt. Các nguồn tin được tích hợp với danh sách địa chỉ web ưa thích (Favorites) và mặc dù giao diện một cột không thật tiện nhưng trông dễ chịu hơn giao diện của Sage và Opera. Bạn có thể tìm từng nguồn tin và sắp xếp tin theo ngày, tựa hay tác giả. Nếu việc phát hiện nguồn tin được cải thiện, IE 7 có thể qua mặt các đối thủ.

Nguyễn Lê
PC World Mỹ 8/2006

(theo PC World VN)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96