(Post 14/12/2011) Chỉ cần nhìn vào các thỏa thuận mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) diễn ra trên thị trường công nghệ mỗi năm, có thể nhận thấy nhiều điều về những chuyển biến trong lĩnh vực này.
Theo trang Business Insider, năm 2010 là năm mà các hãng công nghệ “đói bộ nhớ”, với các hãng lớn như Dell, HP và EMC cùng chi mạnh để thâu tóm các hãng sản xuất bộ nhớ. Mục đích của các thương vụ này là tạo cơ sở cho việc hỗ trợ khách hàng xây dựng nên các trung tâm dữ liệu thế hệ mới và dịch vụ điện toán đám mây.
Năm 2011 chưa kết thúc, nhưng năm nay có lẽ nên được xem là năm của các thương vụ thuộc các mảng di động và viễn thông. Một điều đáng tiếng là thương vụ trị giá 39 tỷ USD mà hãng viễn thông Mỹ AT&T chào mua đối thủ T-Mobile nhằm cạnh tranh mạnh hơn với Verizon đã không được các cơ quan chức năng của Mỹ thông qua.
Business Insider đã liệt kê 10 thương vụ lớn nhất năm 2011 của ngành công nghệ, theo thứ tự từ dưới lên:
10. CenturyLink chi 2,5 tỷ USD thâu tóm Savvis
Là hãng viễn thông lớn thứ ba của Mỹ, CenturyLink mua lại Savvis nhằm cung cấp dịch vụ máy chủ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp. Thương vụ này được xem là câu trả lời đối với vụ hãng đối thủ Verizon mua công ty dịch vụ điện toán đám mây Terremark trước đó với giá 1,4 tỷ USD. Thỏa thuận được công bố vào tháng 4/2011 và đến tháng 7 thì hoàn tất.
9. Qualcomm mua Atheros với giá 3,1 tỷ USD
Qualcomm là một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các sản phẩm chipset không dây dành cho điện thoại thông minh. Thương vụ mua Atheros đưa Qualcomm nhảy vào lĩnh vực con chip dành cho các thiết bị Wi-Fi. Thương vụ được công bố vào tháng 1 và hoàn tất vào tháng 5/2011.
8. SAP chào mua SuccessFactors với giá 3,4 tỷ USD
Cho đến hiện tại, SAP vẫn tỏ ra chậm chân trong việc dịch chuyển mảng hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) của hãng theo hướng điện toán đám mây. Bằng chứng là hầu hết phần mềm của SAP vẫn đòi hỏi các công ty phải có những trung tâm dữ liệu với mức vốn đầu tư cao. Trong khi đó, SuccessFactors sở hữu các dịch vụ hoàn toàn dựa trên công nghệ điện toán đám mây, trong đó có một dịch vụ giúp các công ty theo dõi và đánh giá nhân viên.
Thương vụ giữa SAP và SuccessFactors mới chỉ được công bố vào cuối tuần vừa rồi.
7. Broadcom chào mua NetLogic với giá 3,7 tỷ USD
Broadcom là nhà sản xuất con chip dành cho các thiết bị giải mã truyền hình. Nếu có được NetLogic, Broadcom sẽ mở rộng sang lĩnh vực con chip cho thiết bị mạng – một lĩnh vực đang ngày càng trở nên quan trọng cùng với sự phát triển bùng nổ của khối lượng dữ liệu di chuyển trên Internet. Được công bố hồi tháng 9, thương vụ này dự kiến tới đầu năm sau mới hoàn tất.
6. Western Digital chào mua bộ phận sản xuất ổ đĩa cứng của Hitachi với giá 4,3 tỷ USD
Western Digital và Hitachi là đối thủ lớn của nhau trên thị trường ổ đĩa cứng. Tuy nhiên, thâu tóm bộ phận sản xuất ổ đĩa cứng của Hitachi chỉ là một phần trong kế hoạch của Western Digital trong kế hoạch tiến tới thâu tóm đối thủ chính Seagate. Để thương vụ này được thông qua, các nhà chức trách ở châu Âu đòi hỏi Hitachi phải bán bớt trước một số tài sản, bao gồm các nhà máy sản xuất ổ đĩa 3,5 inch để hạn chế mức độ độc quyền của Western Digital sau thương vụ.
Đây là thương vụ được công bố hồi tháng 3 và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2012.
5. Applied Materials mua Varian với giá 4,9 tỷ USD
Applied Materials hy vọng, việc có được Varian sẽ giúp họ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất thiết bị phục vụ cho chế tạo con chip máy tính. Ngoài mảng này, Varian còn là nhà cung cấp công nghệ sản xuất pin mặt trời và đèn LED. Thỏa thuận này được công bố vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 11/2011.
4. Texas Instruments chi 6,5 tỷ USD để mua lại National Semiconductor
Thâu tóm National Semiconductor đồng nghĩa với việc Texas Instruments gia tăng mạnh thị phần trên thị trường bộ xử lý tương tự (analog processor). Thỏa thuận này đã hoàn tất vào tháng 9 vừa rồi, 5 tháng sau khi được công bố.
3. Microsoft mua Skype với giá 8,5 tỷ USD
Microsoft khá kín tiếng về các kế hoạch của mình, nhưng một số nguồn tin cho biết, “đại gia” này muốn có Skype để bổ sung và nâng cấp các tính năng trò chuyện video của dịch vụ thông tin doanh nghiệp Lync cũng như các sản phẩm phục vụ khách hàng doanh nghiệp khác. Ngoài ra, tính năng trò chuyện video cũng có thể sẽ được Microsft bổ sung cho dịch vụ Xbox Live, điện thoại chạy hệ điều hành Windows, và thậm chí là Windows 8.
Bên cạnh đó, Skype là một thương hiệu mạnh, có lượng người sử dụng đông đảo, có thể giúp Microsoft thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm khác. Hai bên mất 5 tháng, từ tháng 5-10/2011, để hoàn tất thương vụ.
2. HP tung 10,2 tỷ USD để sở hữu Autonomy
Lĩnh vực phần cứng phục vụ khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là máy tính cá nhân và máy in, của HP đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu kém trong thời gian gần đây. Bởi vậy, HP đang nỗ gia tăng hoạt động ở lĩnh vực phần mềm và dịch vụ dành cho doanh nghiệp. Autonomy là công ty sản xuất phần mềm giúp các doanh nghiệp quản lý và theo dõi hồ sơ và dữ liệu, rất hợp với mục tiêu trên của HP.
Thương vụ thâu tóm Autonomy được HP công bố hồi tháng 8 dưới thời của CEO Leo Apotheker, nhưng tới tháng 10 – sau khi CEO Meg Whitman nhậm chức – thương vụ này mới hoàn tất.
1. Google “rút ví” 12,5 tỷ USD để có được Motorola Mobility
Khi thương vụ được loan tin, CEO Larry Page tuyên bố đây là vụ thâu tóm nhằm mục đích bảo vệ quyền sáng chế cho phần mềm Android. Tuy nhiên, tham vọng của Google đối với Motorola có thể còn sâu xa hơn nhiều, bao gồm việc “gã khổng lồ” tìm kiếm trực tuyến muốn tiến tới cạnh tranh toàn phần với đối thủ Apple trên thị trường điện thoại thông minh.
Ngoài ra, Motorola còn là nhà sản xuất thiết bị giải mã truyền hình hàng đầu, có thể làm lợi cho dịch vụ Google TV và các kế hoạch đang được đồn đoán của Google về dịch vụ IPTV. Được công bố vào tháng 8 vừa qua, thương vụ này dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm sau.
(theo Kiều Oanh/VnEconomy)
FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |