(Post 16/06/2009) Thiết lập một mạng không dây có thể đơn giản với một số người hiểu biết về công nghệ nhưng không phải đơn giản với tất cả mọi người. Để tự mình xây dựng một mạng không dây, bạn cần thực hiện một số công đoạn cần thiết nhưng không phải quá khó như chọn router, cấu hình router, thiết lập chế độ bảo mật, kết nối thiết bị, và mở rộng phạm vi kết nối.

Chọn router không dây

Để đảm bảo cho những nhu cầu nâng cấp tương lai, chiếc router của bạn nhất thiết phải hỗ trợ chuẩn 802.11n. Đây là chuẩn không dây mới nhất có tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn, trong khi vẫn tương thích với các chuẩn cũ như 802.11g và 802.11b. Điều đó có nghĩa là nếu bạn có một chiếc laptop hỗ trợ chuẩn 802.11b/g thì bạn vẫn có thể sử dụng với router thế hệ mới, miễn là phải cấu hình khả năng tương thích ngược của chúng. Chuẩn 802.11n có phạm vi phủ sóng xa hơn, tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn nhưng vẫn chưa được cấp chứng nhận là chuẩn chính thức. Dự kiến tới năm 2010, chuẩn 802.11n sẽ trở thành chính thức, vì vậy ngay từ bây giờ bạn nên trang bị cho mình một chiếc router 802.11n để có thể dễ dàng nâng cấp sau này.

Yếu tố cần thiết thứ hai của một router chính là khả năng hoạt động trên 2 băng tần. Các loại router này sẽ hoạt động trên 2 băng tần không dây: 2.4GHz và 5GHz, giúp xử lý dữ liệu nhanh hơn và nhiều hơn. Rất nhiều loại router (chẳng hạn như loại Linksys Simultaneous Dual-N Band Wireless Router (WRT610N)) có khả năng phân chia lưu lượng thành hai số SSID (tên mạng) khác nhau, cho phép quy hoạch các thiết bị 802.11b (tốc độ chậm hơn, bảo mật kém hơn) vào một mạng riêng. Hay như các loại router khác (như Netgear Rangemax Dual Band Wireless-N Gigabit Router (WNDR3700)) có khả năng phân chia lưu lượng trên 2 mạng không dây khác nhau. Chẳng hạn bạn có thể thiết lập 2 mạng không dây, một dành cho bạn và một dành cho hàng xóm. Khi đó mạng không dây của bạn có thể thiết lập chạy ở chế độ nhanh nhất, trong khi mạng dành cho hàng xóm có thể giới hạn tốc độ và ngắt bớt các tính năng.

Nhiều loại router không dây hiện nay vẫn sử dụng cổng 100Base-T Ethernet thay vì cổng 1000Base-T (Gigabit Ethernet) có tốc độ nhanh hơn. Khi mua router, bạn nên chọn loại router có cổng kết nối Gigabit Ethernet để đảm bảo cho khả năng truyền video trên mạng không dây. Về số lượng cổng Ethernet, nếu có thể và có điều kiện, bạn nên mua cho một loại router có nhiều cồng hơn để sử dụng khi cần. Một số loại router còn có cả cổng USB để kết nối với máy in hoặc ổ cứng. Nếu tính năng này là cần thiết đối với bạn thì nên cân nhắc và xem xét kỹ bởi một chiếc router có thêm cổng USB thường đắt hơn router không có cổng USB.

Nếu muốn router có phạm vi phủ sóng rộng hơn thông thường thì bạn nên chọn loại router có cổng ăngten mở rộng, và đừng bao giờ tin vào khoảng cách phủ sóng mà nhà sản xuất quảng cáo bởi chúng sẽ không bao giờ đúng với thực tế. Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách phủ sóng này, trong đó có cấu trúc các tòa nhà xung quanh. Nếu bạn muốn phủ sóng Wi-Fi cả một căn nhà thì bạn cần phải mua thêm một điểm truy cập không dây thứ hai.

Cấu hình router

Hầu hết loại router nào cũng có đĩa cài đặt riêng, nhưng tốt nhất là bạn nên cấu hình thủ công router thông qua trình duyệt Web. Đĩa cài đặt chỉ thích hợp cho những không có nhiều kinh nghiệm về sử dụng Internet bởi chúng chỉ thiết lập sẵn các thông số mặc định. Còn những thông số cao cấp khác chỉ có thể cấu hình thông qua trình duyệt Web.

Để có tầm phủ sóng tối đa, bạn nên đặt router ở vị trí trên cao, tốt nhất là gần trần nhà. Rồi sau đó kết nối router với modem băng rộng thông qua cáp ethernet. Bạn có thể kết nối PC với router không dây thông qua cáp ethernet (kết nối vào cổng LAN của router) để truy cập vào Internet. Còn những thiết bị di động khác như laptop sẽ kết nối với router qua mạng không dây.

Thông số đầu tiên bạn cần biết đó chính là địa chỉ IP của router. Hãy tìm địa chỉ này in trên router hoặc trong sách hướng dẫn (địa chỉ thường có dạng 192.168.1.1 hoặc 192.168.0.1). Hãy mở trình duyệt Web và nhập địa chỉ IP này vào. Bạn sẽ được yêu cầu nhập tên đăng nhập vào mật khẩu (được cung cấp trong sách hướng dẫn) để truy cập vào phần cấu hình bên trong.

Khi đã vào phần bên trong, việc đầu tiên là bạn đổi mật khẩu quản trị. Tiếp theo hãy thay đổi địa chỉ IP và địa chỉ subnet trong của router. Sau khi thay đổi xong, bạn hãy lưu lại phần cấu hình mới, rồi thoát khỏi router và đăng nhập lại để xem những thay đổi đã được thực hiện hay chưa.

Tiếp tới bạn cần đổi tên SSID và kích hoạt mã hóa Wi-Fi (WPA2) để bảo vệ an toàn cho dữ liệu và router. Không phải router nào cũng hỗ trợ chuẩn bảo mật không dây WPA2 (cao cấp nhất), mà có thể là WPA hoặc WEP (cấp thấp hơn), tuy nhiên đây vẫn là 2 chuẩn được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Kết nối thiết bị client

Các thiết bị PC khách không dây thường có sẵn phần mềm cấu hình, hoặc có thể sử dụng Windows Control Panel để cấu hình. Bạn mở phần Network Connections trong Control Panel ra rồi nhấn chuột phải vào Wireless Network Connection rồi chọn Properties. Tiếp tới chọn thẻ tab Wireless Networks, nhấn Add, nhập tên SSID và nhấn Connect. Bạn nên chọn chuẩn bảo mật WPA2 trong phần Network Authentication, và AES trong mã hóa dữ liệu (Data encryption), rồi nhấn OK hai lần.

Tiếp theo bạn lại nhấn đúp vào phần Wireless Network Connection trong Control Panel rồi chọn tên mạng không dây. Hãy nhấn và Connect, nhập mật khẩu mạng rồi kích tiếp Connect. Máy tính sẽ lưu mật khẩu, và sẽ kết nối tự động trong những lần đăng nhập tiếp theo.

Bảo mật tường lửa

Thường thì tưởng lửa router gồm 2 phần: NAT (biên dịch địa chỉ mạng) và SPI (kiểm tra trạng thái gói tin). Thông thường, NAT luôn được bật mặc định để lưu lượng mạng đi qua router bằng địa chỉ IP; còn SPI sẽ đảm bảo dữ liệu đến theo đúng như yêu cầu gửi đi từ PC. Chắc năng tường lửa SPI nằm trong trang cấu hình của router (dưới thẻ bảo mật). Khi SPI được kích hoạt, router sẽ bỏ qua những lưu lượng mạng mà bạn không yêu cầu.

Sử dụng Switch để thêm cổng kết nối

Nhiều mạng gia đình hoặc văn phòng nhỏ có thể cần nhiều hơn 4 cổng kết nối (số cổng mặc định của router), chẳng hạn như kết nối thêm PC hoặc máy in mạng. Thay vì mua thêm router, bạn nên sử dụng switch để tiết kiệm chi phí trong khi vẫn đảm bảo được hiệu quả. Switch có thể gửi và nhận dữ liệu cùng một thời điểm, vậy nên hãy chọn cho mình loại switch có đủ số cổng bạn cần. Công việc kết nối sẽ rất đơn giản, bạn chỉ cần nối cáp ethernet từ router tới switch, và rồi kết nối thiết bị mới với các cổng còn lại của switch.

(theo Tạp chí BCVT)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96