(Post 04/04/2012) Các cuộc tấn công có chủ đích của tin tặc diễn ra liên tiếp thời gian qua khiến bảo mật thông tin khi chuyển sang xu hướng điện toán đám mây trở thành một trong những đề tài được quan tâm nhất trong lĩnh vực công nghệ…

Chỉ trong hai thập kỷ qua, con người đã tạo ra 90% tổng dữ liệu của thế giới. Khi khối lượng thông tin ngày một gia tăng và các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh sang những thị trường tiềm năng mới, họ có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro nhất định nếu bị gián đoạn khi truy cập dữ liệu.. Do đó, nhiều tổ chức và doanh nghiệp hiện đã nhận thức được điều bắt buộc với họ là phải có giải pháp để duy trì các hoạt động liên tục, cũng như đảm bảo dữ liệu luôn được bảo vệ và sẵn sàng cho dù tốc độ hay quy mô kinh doanh có thay đổi.

Theo IDC, tính từ nay đến năm 2015, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ phát triển gấp khoảng 3,5 4 lần. Nếu tính riêng năm 2012, tốc độ phát triển sẽ đạt khoảng 50%. Ông Hàn Quốc Ân, Giám đốc bộ phận dịch vụ công nghệ toàn cầu của IBM Vietnam, nhận định đám mây sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố mới cho sự ổn định trong hoạt động kinh doanh nhờ sự linh hoạt cũng như hiệu quả về mặt chi phí và hiệu suất làm việc.

Nhưng dù lợi ích của điện toán đám mây là không thể phủ nhận, các doanh nghiệp vẫn có những quan ngại nhất định liên quan đến rủi ro về tính an toàn dữ liệu, gián đoạn khi truy cập, rào cản kỹ thuật… Như Sony đã “gặp hạn” trong năm 2011 khi liên tục bị hacker tấn công và làm mất dữ liệu của hàng triệu khách hàng.

Ông Oscar Chang, Phó chủ tịch của Trend Micro châu Á Thái Bình Dương, cho hay: “Trước đây, hacker tấn công từng máy tính một để lấy dữ liệu. Nhưng với điện toán đám mây, dữ liệu được tập trung ở một nơi nên kẻ tấn công sẽ khai thác được nhiều thông tin hơn và điều này gây lo ngại cho các doanh nghiệp”. Ông Chang cũng nói thêm rằng, đối với người tiêu dùng, việc tham gia mạng xã hội như Facebook hoặc các dịch vụ của Yahoo là mọi người đang sử đụng đám mây chung và nên biết cách bảo vệ các thông tin cơ bản như tên, tuổi, địa chỉ… (Một trường hợp mà người dùng Việt Nam gặp rất nhiều là hiện tượng mất nick Yahoo Messenger).

“Để tránh lỗi của một số nước khác trên thế giới là xây dựng hạ tầng CNTT rồi mới nghĩ đến vấn đề bảo mật, khi Việt Nam xây dựng các dự án điện toán đám mây nên có chính sách về bảo mật song song nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, công sức và đảm bảo về hạ tầng tốt hơn”.

Chiến lược về bảo mật hiện nay cũng không đơn giản là sử dụng firewall hay bảo mật cho từng máy mà phải là bảo mật chung cho tất cả thiết bị như smartphone, máy tính bảng… Thực tế cho thấy nhiều nhân viên mang tablet, laptop, điện thoại đến văn phòng sử dụng trong công việc như gửi email, tin nhắn ra ngoài. Điều này làm cho thông tin doanh nghiệp có thể bị tiết lộ. Do đó, các nhà quản trị IT cũng nên xây dựng chiến lược bảo mật hợp lý và toàn diện để giảm thiểu rủi ro trong xu hướng điện toán đám mây.

 

Châu An
(theo VnExpress)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96