(Post 01/12/2006) Ngày nay, cụm từ CGI (Computer-Generated Imaging – dựng hình ảnh bằng máy tính) đã không còn xa lạ với khán giả yêu thích điện ảnh. Trong vài năm gần đây, CGI trở thành công nghệ không thể thiếu trong nhiều bộ phim. Đặc biệt trong lĩnh vực phim hoạt hình, CGI đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự lên ngôi của thể loại hoạt hình 3D (hay còn gọi là phim hoạt hình máy tính). Thể loại phim này đã gây một “cơn địa chấn” trong năm 2004 vừa qua bằng nhiều bộ phim thành công như The Incredibles (thu về 600 triệu USD trên toàn cầu) và Shrek 2 (được xem là phim có lợi nhuận đứng hàng thứ ba từ trước đến nay).

Mới đây, câu chuyện chú người máy khao khát được trở thành nhà phát minh trong bộ phim hoạt hình Robots đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên xếp hạng doanh thu Hollywood. Robots là bộ phim CG mới nhất của Fox Studios, hãng phim đã sản xuất thành công Ice Age năm 2002.

Những thành công rực rỡ của các bộ phim CG đã tác động không ít đến ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood. Hầu hết các hãng phim lớn ở Hollywood hiện nay đã đầu tư và trang bị thêm xưởng phim hoạt hình CG riêng cho mình, từ Imageworks của Sony đến Blue Sky (hãng phim thực hiện Robots và Ice Age) của Fox Studios. Không có gì bất ngờ khi lịch ra mắt các phim mới trong 2005 có rất nhiều phim hoạt hình CG. Hãng Dreamworks với Madagascar là câu chuyện kể về những con thú từ sở thú phải đấu tranh sinh tồn nơi hoang dã. Disney sau “cuộc chia tay” với cặp bài trùng Pixar, đánh dấu sự thành lập xưởng phim CG riêng của mình bằng Little Chicken.

Sự thống trị của… cá và đồ chơi ?!

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi liệu thời kì hoàng kim của công nghệ phim CG sẽ còn kéo dài trong bao lâu. Nếu như trước đây, các phim hoạt hình máy tính thành công phần lớn nhờ sự mới lạ trong hình ảnh và cốt truyện, thì trong vài năm gần đây, sự đơn điệu và trùng lặp khiến khán giả cảm thấy bắt đầu nhàm chán.

Mặc dù đã cố gắng đổi mới cốt truyện, thu hút thị hiếu khán giả trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các hãng phim vẫn vướng phải nhiều vấn đề, chủ yếu là cản trở kĩ thuật. Công nghệ máy tính vẫn chưa đạt được trình độ dựng những hình người như thật, nên các nhà biên kịch vẫn còn quanh quẩn trong những câu chuyện về cá, quái vật, và các món đồ chơi.

Pixar đánh dấu sự lên ngôi của thể loại phim hoạt hình CG vào năm 1995 với Toy Story, bộ phim truyện hoạt hình dài đầu tiên được dựng hoàn toàn trên máy tính. Thời điểm đó, nhiều nhà phê bình và nhà làm phim vẫn còn chưa thừa nhận thành công của bộ phim này vì họ cho rằng nó còn quá máy móc và nhiều giới hạn trong phong cách dẫn truyện.

Chris Wedge, đạo diễn của Robots, cho biết đoàn làm phim của ông đã phải đối mặt với vô số khó khăn khi diễn tả cảm xúc nội tâm của nhân vật. “Làm những thanh kim loại trông sống động và có cảm xúc là cả một công việc cực kì khó khăn. Chúng tôi phải tìm ra cách làm sao thể hiện được nhiều cảm xúc cho nhân vật mà không phá vỡ tính thuyết phục của hình ảnh”.

Những nhà làm hoạt hình của xưởng phim Blue Sky đã tạo biểu cảm trên gương mặt những con robot bằng cách gắn thêm chân mày và miệng lên chúng. Xưởng phim này là một trong những nhà tiên phong trong công nghệ diễn hoạt ánh sáng trên vật thể. Trong thế giới thực, ánh sáng luôn luôn đến từ nhiều nguồn, vì vậy việc tái tạo bóng đổ và chiều sâu trong phim hoạt hình cực kì phức tạp. Hãng phim này phải phát triển riêng một phần mềm cho phép đặt nhiều nguồn sáng xung quanh vật thể, để chúng đạt được độ thuyết phục cao hơn.

Rào cản công nghệ

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để biến thế giới của máy tính đạt đến gần thực tế hơn, nhưng những bộ phim truyện bằng CG chưa thể vượt qua rào cản công nghệ. Rolf Herken, thiết kế hoạt hình của xưởng phim Mental Images cho biết: “Cố gắng giả lập con người là một công việc nguy hiểm. Công nghệ CG dường như vẫn còn chưa đạt đến tầm vóc đó”.

Anh chỉ ra một bằng chứng mới nhất là bộ phim The Polar Express (Chuyến tàu Bắc Cực). Mặc dù bộ phim không hề thất bại về mặt doanh thu, nhưng bộ phim nhận được khá nhiều lời phê bình. Khuyết điểm lớn nhất là biểu cảm trên gương mặt vẫn còn rất “giả”. Còn diễn xuất nhân vật chủ yếu vẫn nhờ vào khả năng diễn xuất thật của Tom Hanks qua công nghệ motion-capture.

Một trong những nỗ lực trước đó là Final Fantasy cũng gặp thất bại tương tự. “Vì hạn chế kĩ thuật, các nhân vật con người đều phải mang một cái bóng nhỏ dưới mũi như bộ râu của Hitler. Một khi khán giả mà phát hiện được chi tiết đó, bộ phim trở thành một trò hề!”

Lý do lớn nhất khiến việc diễn tả biểu cảm gương mặt khó thực hiện là vì nó quá gần gũi với con người. Dựng hình những thứ chưa ai nhìn thấy như khủng long, hay ít gần gũi như gấu hay ốc sên vẫn dễ dàng hơn nhiều. Nhưng gương mặt con người thì quá quen thuộc và khán giả sẽ không thể chấp nhận nếu con người “bị” diễn tả sai với thực tế.

Tuy nhiên, so với 10 năm trước con người đã không ngừng cải tiến và khắc phục được rất nhiều nhược điểm. Những hạn chế kĩ thuật vô tình hình thành một giải pháp thay thế: xu hướng thiết kế những nhân vật con người giống hoạt hình như các nhân vật trong phim The Incredibles. Dù không hoàn hảo nhưng không thể phủ nhận các nhân vật CG ngày nay đã đạt được độ “thực” rất cao. Các bộ phim như Spiderman, The Matrix, Lord of the Rings, Blade và Star Wars đều có các nhân vật dựng bằng máy tính. Rất nhiều trường hợp nhân vật máy tính là giải pháp thay thế hiệu quả cho những diễn viên đóng thế cảnh nguy hiểm. Nếu bạn là đạo diễn, bạn sẽ không dám tóm lấy Keanu Reeves và quẳng anh ta lên không trung rồi rớt xuống một chiếc xe đang chạy trong The Matrix. Chắc chắn bạn sẽ dùng máy tính làm điều đó vì sự an toàn.

“Cuộc chiến” phim CG – phim hoạt hình truyền thống?

Những hạn chế kĩ thuật không thể che lấp sự thành công và lên ngôi của thể loại phim CG. Ngày nay, phim CG trở thành chủ đề chính trong hầu hết các cuộc bàn tán về phim hoạt hình. Phim hoạt hình CG trở thành “mối đe dọa thường trực” cho thể loại hoạt hình vẽ tay truyền thống. Việc hãng phim Disney quyết định đóng cửa một xưởng phim hoạt hình truyền thống ở Florida là một bằng chứng thuyết phục nhất.

Đó là không kể đến sự xuống cấp trầm trọng về mặt chất lượng của các sản phẩm hoạt hình vẽ tay trên TV và video gia đình ( hông chiếu rạp). Điều này đã khiến nhiều họa sĩ hoạt hình truyền thống lâm vào cảnh khó khăn. “Chỉ vì sự thành công của Pixar mà người ta cho rằng hoạt hình 3D sẽ thay thế hoạt hình truyền thống. Thật là đáng xấu hổ!” – nữ họa sĩ hoạt hình truyền thống Lee Crow nói – “nếu người ta tiếp tục dở bỏ các xưởng phim và đuổi các họa sĩ đi, loại hình nghệ thuật này sẽ dần biến mất và không dễ dàng quay trở lại nữa”.

Thế nhưng, Rolf Herken, một nhà thiết kế của xưởng phim Mental Images thì cho rằng ngành công nghiệp hoạt hình có một trở ngại cuối cùng sẽ phải vượt qua. Đó là biến công nghệ máy tính thành một công cụ thông minh và là trợ thủ đắc lực cho đôi bàn tay của các họa sĩ. Một khi điều đó xảy ra, công nghệ sẽ không còn đơn thuần là công nghệ, mà nó trở thành một công cụ nghệ thuật thực sự. Khi kiến thức và sự sáng tạo của con người là nguồn tài nguyên vô tận, thì tại sao không thể hi vọng và chờ đợi?

Lê Thanh Nhân
(Theo YXine.com)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96