FPT đã quyết định “tài trợ” chứ không lấy kinh phí thì mới được chấp nhận làm dự án này; sau đó họ tuyển 1 quản lý kỳ cựu nhất cộng một team 50 nhân tài từ bên trong và ngoài Tập đoàn, làm ngày làm đêm thì mới hoàn thành đúng deadline đã đề ra. Thành quả, từ chỗ HoSE chỉ xử lí được 900.000 lệnh/ngày, đến nay hệ thống đã xử lý được trôi chảy đến 3-5 triệu lệnh/ngày.
Ông Dương Dũng Triều – Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin (FPT IS) đã chia sẻ tất tần tật những khó khăn và thuận lợi của doanh nghiệp mình gặp phải, khi thực hiện dự án xây dựng phần mềm mới cho HoSE cách đây chưa lâu, trong Talk show Nguy và Cơ do VnExpress và S-World phối hợp thực hiện.
Thời kỳ ‘đen tối’ của sàn HoSE trước khi FPT nhúng tay vào
Trong quý IV/2020, tình trạng nghẽn giao dịch vì số lượng nhà đầu tư chứng khoán tăng đột biến, phát sinh tình trạng hệ thống không giao dịch được tại HoSE ngày càng nghiêm trọng.
Bài toán này phát sinh từ việc hệ thống phần mềm giao dịch của HoSE vẫn đang sử dụng là giải pháp xưa cũ của Thái Lan (chính phủ Thái Lan đã tài trợ giải pháp này từ năm 2000) với tổng số lệnh giao dịch trong một ngày ước tính chỉ khoảng 600.0000 đến 900.000 lệnh.
Với số lượng giao dịch quá ít này, HoSE đã làm một việc: phân bổ lượng giao dịch cụ thể cho từng công ty chứng khoán, động thái này đã gây ra 2 hậu quả xấu.
Hậu quả đầu tiên là tình trạng nghẽn cục bộ: nếu một số doanh nghiệp lớn như SSI hay VNDirect gặp tình trạng lệnh giao dịch tăng đột biến, sẽ chạm tới ngưỡng giới hạn lệnh, hệ thống của họ tự động dừng lại và không giao dịch được nữa, từ đó không có kết quả được trả về.
Hậu quả thứ hai: nếu tổng giao dịch trên thị trường của tất cả các công ty chứng khoán đạt đến 90% trong số 900.000 lệnh, thì hệ thống sẽ xảy ra tình trạng “ùn tắc”, dù không sập nhưng lệnh giao dịch sẽ chậm đi và không trả kết quả ra.
Cả hai vấn đề này đều dẫn đến mẫu số chung là các nhà đầu tư không thể gửi lệnh giao dịch. Thêm vào đó, sàn giao dịch không đọc được kết quả trả về, dẫn đến hiện tượng “mù” thông tin, các nhà đầu tư không biết nên mua hay nên bán, gây ra tâm lý lo lắng tạo sự hỗn loạn trên thị trường.
Ví dụ: lúc đó, trong top 20 công ty chứng khoán hàng đầu, số lượng lệnh giao dịch tăng ít nhất trung bình trên 3 lần, có lúc lên đến 5 – 6 lần. Có những ngày, từ 15 phút đầu tiên, hệ thống đã nghẽn rồi – mà nghẽn ở công ty chứng khoán cụ thể, chứ thị trường không nghẽn.
Khi mà ông Dũng Triều biết sự việc này, ông có tiếp xúc ít nhất 3 lần với cả lãnh đạo của HoSE và 1 lần với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, để đề xuất việc FPT có thể triển khai thay thế hệ thống cũ bằng hệ thống mới.
Tuy nhiên, cả HoSE lẫn Ủy ban Chứng khoán đều đang vướng dự án KRX, họ đã đầu tư rất nhiều tiền và theo nguyên tắc của Nhà nước, thì không thể đầu tư 2 lần trên 1 dự án được. Lúc đó, vì khúc mắc nói trên, nên cả hai vẫn lưỡng lự với đề nghị từ FPT.
Sau đó, ông Bình (Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT) đã ‘ra tay’ – ông là một nhân tố quan trọng trong dự án, ông tự xem mình như một doanh nghiệp tư nhân và đồng ý tài trợ cho Bộ Tài chính và HoSE cũng như Ủy ban chứng khoán, sẽ thay thế 1 phần mềm mới, nhằm giải quyết vấn đề cơ bản là nguồn vốn đầu tư ở đâu. Vậy nên, phải đến năm 2021, dự án này mới chính thức được triển khai.
FPT IS và “điệp vụ” 100 ngày xây hệ thống mới
Bắt tay vào triển khai xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới để thay thế cho hệ thống cũ trong thời hạn 100 ngày, ông Triều cho biết: “Bởi trong quá bàn luận trước đó, FPT cũng đã tạo ra được phương án giải quyết và hai bên đã có sự đồng thuận nhất định. Nên khi đồng ý nhận dự án, FPT đã có sẵn khung kế hoạch cho các đầu việc và vạch ra được những hướng phát triển dự án.
Ngoài ra, FPT đã có 30 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển hệ thống và đồng hành ngành chứng khoán từ năm 2000, nên hiểu biết của FPT với ngành chứng khoán rất phong phú, với nền tảng kiến thức vững chắc. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống mới với FPT là một ‘điệp vụ rất khả thi’”, Chủ tịch FPT IS tiết lộ.
Có thể nói, nhận nhiệm vụ này với FPT, thì vừa phấn khích vừa lo lắng. Phấn khích vì đây là cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân như FPT có thể tham gia giải quyết các bài toán của quốc gia.
Lo lắng vì thời gian 100 ngày không hề dài, trong khi áp lực về sự quan tâm to lớn của cộng đồng dành cho dự án này khi dự án sẽ rất lớn, bởi nó tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến hàng trăm nghìn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cả nước.
“Tự tin là thế, nhưng khó khăn cũng rất nhiều. Để chạy được một phần mềm, không chỉ là vấn đề phần mềm mà còn liên quan đến các vấn đề như hạ tầng thiết bị, phần cứng, mạng lưới, bảo mật…; thậm chí còn liên quan đến vấn đề cơ chế. Phần mềm chỉ là một phần thôi.
Thứ hai là bài toán nhân sự. Để có thể giải quyết triệt để vấn đề, dự án cần có một lãnh đạo am hiểu sâu rộng và có cái nhìn bao quát sự việc. Chúng tôi đã chọn 1 anh quản lý dự án, anh này cũng có rất nhiều kinh nghiệm – đây là điều cần thiết vì thời gian chỉ có 100 ngày thôi, rất ngắn.
Chúng tôi đã yêu cầu anh ấy phải có khả năng chia nhỏ các luồng công việc, nhìn thấy được các luồng công việc song song với nhau để có thể đảm bảo hệ thống hoàn thiện sau đúng 100 ngày và một đội ngũ làm việc chặt chẽ, hệ thống theo các định hướng chung.
Rồi chúng tôi phải tập hợp các nguồn nhân lực vì dự án này khá phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao. Để xử lí việc này, chúng tôi đã huy động nguồn lực khoảng 50 cán bộ từ các đơn vị thành viên của tập đoàn FPT và một số công ty phần mềm bên ngoài để triển khai hệ thống.
Cuối cùng, phải có cơ chế phối hợp cùng HoSE để họ có thể giải quyết các vấn đề không phải công nghệ liên quan đến dự án. Như làm sao được chấp nhận văn bản của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán, làm sao để họ phối hợp cùng mình cả đêm lẫn ngày, làm sao để dự án có thể triển khai suôn sẻ và hoàn tất sau 100 ngày”, ông Dương Dũng Triều hồi tưởng.
Thành quả, từ chỗ HoSE chỉ xử lí được 900.000 lệnh/ngày, đến nay hệ thống đã xử lí được trôi chảy đến 3-5 triệu lệnh/ngày.
Xây dựng khó và triển khai cũng không hề dễ
Khi đã hoàn thành dự án và triển khai vào ngày 05/07/2021, một thách thức rất lớn khác lại đến từ 73 công ty chứng khoán. Bởi mỗi công ty đều có phần mềm hệ thống khác nhau, dẫn đến sai lệch trong khâu vận hành trên thị trường.
Cụ thể: có công ty có phần mềm tốt có công ty không tốt bằng, sau khi đấu nối cùng hệ thống phần mềm mới, thì hóa ra hệ thống của FPT IS đẩy dữ liệu kết quả ra rất nhanh và vì quá nhanh nên một số công ty không nhận được, dẫn đến việc hệ thống nhận kết quả của họ có vấn đề.
Hai ngày vận hành đầu tiên của hệ thống mới, số lượng lệnh giao dịch đổ vào hệ thống rất nhiều, dẫn đến phần mềm của một vài công ty chứng khán bị sập. Một loạt công ty chứng khoán không lường được số lượng người vào tăng đột biến, nên bị nghẽn và sau đó bị sập. Có công ty phải đóng cửa cả ngày.
Việc này đòi hỏi FPT IS phải nhanh chóng có hướng thuyết phục, hướng dẫn, giải thích cho các lãnh đạo HoSE và Bộ Tài chính, cũng như đề xuất truyền thông để giải thích nguyên nhân không phải do hệ thống không khớp lệnh từ sàn HoSE, mà là từ công ty chứng khoán và hỗ trợ nhanh chóng khắc phục các lỗi này trên từng doanh nghiệp.
Mục tiêu mà FPT và Bộ Tài chính đặt ra khi triển khai hệ thống mới: nâng số lượng giao dịch trong một ngày lên con số 3 đến 5 triệu lệnh và bỏ cơ chế phân bổ số lượng lệnh cụ thể cho các công ty chứng khoán, đảm bảo việc không xảy ra tắc nghẽn với số lượng lệnh như thời điểm hiện nay.
Sắp tới, khi thị trường tiếp tục bùng nổ và số lượng lệnh có thể tăng lên, thì với việc làm chủ công nghệ của FPT cũng như các doanh nghiệp trong nước, chúng ta có thể dự đoán được – ví dụ tháng tới hệ thống sẽ cao hơn mức này, sau đó sẽ phải tiến hành tăng phần cứng lên – chỉnh chỗ này sửa chỗ kia, nhằm đảm bảo hệ thống vẫn mượt mà và không tắc nghẽn như trước kia nữa.
“Để giải được bài toán đấy, đòi hỏi chúng tôi phải hiểu biết về nghiệp vụ, về công nghệ, phải có tầm nhìn tổng quát để nhận biết rằng: yếu tố nào là yếu tố rủi ro, yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến việc vận hành của hệ thống.
Đứng về mặt quản trị, phải có một người bao quát được hết các luồng thông tin, nhìn được các yếu tố, xác định được những rủi ro để đạt đến tiến độ như đã đặt ra. Tất cả chính là kinh nghiệm được FPT hun đúc trog suốt 30 năm qua từ việc triển khai các dự án lớn của đất nước”, ông Dương Triều Dũng khẳng định.
Để đảm bảo hệ thống được vận hành trơn tru trong tình hình dịch bệnh hiện nay, trong vòng 30 ngày tới, FPT IS sẽ hỗ trợ cho HoSE về các trung tâm vận hành dự phòng, đảm bảo hệ thống vẫn hoạt động liên tục trong thời gian tới mà không bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Với các phương án dự phòng đã được lên kế hoạch bài bản từ rất sớm, ông Triều tự tin kết luận: “Việc tắc nghẽn hệ thống phần mềm mới là không thể xảy ra”.
Chuyển đổi số trong Covid-19 – cơ hội cho công ty công nghệ Việt Nam
So sánh phần mềm công nghệ nước ngoài và phần mềm được phát triển tại Việt Nam, ông Triều cho biết các phần mềm nước ngoài có thể giải quyết được các khía cạnh “rộng” của vấn đề, nhưng các phần mềm của Việt Nam có thể giải quyết được các khía cạnh “sâu.
Cụ thể: các công ty nước ngoài triển khai phần mềm cho cả thế giới chứ không phải cho riêng một quốc gia nào, vì thế, các phần mềm sẽ mang tính chất giải quyết tổng quát hoặc đáp ứng được các nhu cầu tương lai. Trong khi đó, các phần mềm đến từ Việt Nam có thể giải quyết được các vấn đề cấp bách, đặc thù và cơ động tại Việt Nam.
Sau thành công với dự án của HoSE, ông Triều tự tin cho rằng, các công ty trong nước có thể tiếp nhận được và đủ hiểu biết để triển khai những giải pháp tương tự nước ngoài. Và vì có thêm lợi thế tận dụng những đặc thù Việt Nam, sẽ đảm bảo hệ thống tốt hơn, triển khai thành công hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Triều cho biết thêm, nếu một doanh nghiệp công nghệ có thể tạo ra một “đứa con lai”, đó là tận dụng hiểu biết và các thế mạnh của các phần mềm nước ngoài và kết hợp với các lợi thế của phần mềm Việt Nam để xử lý những vấn đề tại thị trường Việt Nam, đó sẽ là tin vui cho các công ty chứng khoán và nhà đầu tư cả nước.
Điệp vụ 100 ngày bất khả này của FPT IS là một ví dụ cụ thể để giúp các doanh nghiệp thấy rõ hơn và có niềm tin vững chắc hơn vào kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là bản lĩnh nắm bắt toàn cầu – am hiểu địa phương của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Dù là công ty lớn hay là một startup, trong thích ứng và phát triển với chuyển đổi số, điều quan trọng nhất để thành công không phải chỉ nằm ở phần mềm mà còn nằm ở chiến lược, tầm nhìn bao quát thông qua “Agile Mindset” – tư duy linh hoạt để có thể luôn luôn ứng biến trong mọi rủi ro.
FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001 |
Sa Mộc
(theo Vietnam Businesss Insider)
Tổ Chức Giáo Dục FPT – fpt.edu.vn
Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn
FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng. |