(Post 01/02/2007) Cả hai giám đốc IT đều đang “cắp sách đến trường”, đang bước trên những chặng khởi đầu của con đường lập nghiệp, vươn tới những ước mơ lớn. Một người trẻ nhất trong công ty, một người là “sếp” của đội ngũ nhân sự toàn là sinh viên… Đó là Hà Huy Thanh sinh năm 1982, đang học Khoa Kinh tế ĐH Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm bảo dưỡng máy tính EM và Nguyễn Văn Hoà sinh năm 1985, 21 tuổi, là học viên của Trung tâm lập trình viên quốc tế Hanoi – Aptech, Giám đốc Công ty Giải pháp CNTT Halo.

Trượt đại học – một năm không uổng phí

Không kể là chủ doanh nghiệp thì hiện Hà Huy Thanh và Nguyễn Văn Hoà đều là lãnh đạo nhóm. Thanh đang được biết tiếng trong vai trò là thủ lĩnh của nhóm NTG (New Thinking Group – Tư duy mới) với những dự án khá quy mô về học cách học, xây dựng mô hình tổ chức không ngừng học tập đang triển khai tại một số trường đại học. Hoà là lớp trưởng của 20 học viên.

Thanh quê Hà Tĩnh; Hoà từ Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp THPT cả hai đều có một năm không đến trường. Thanh thi trượt đại học, còn Hoà, đỗ ĐH Quốc gia TP.HCM, khoa CNTT, nhưng vì hoàn cảnh riêng, năm ấy đã không thể theo học.

Cả hai đã bám trụ lại Thủ đô để kiếm việc làm. Một năm đó, cả Thanh và Hoà đều xác định được rõ nhu cầu, nguyện vọng và sở thích của mình – được làm việc, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ thực tế.

Một năm không đến trường với Hoà không uổng phí. Đó chính là bước ngoặt đối với Hoà, giúp cậu nhận rõ thiên hướng, khả năng của mình và quan trọng là Hoà đã tận dụng được những cơ hội về làm việc và học hỏi kinh nghiệm thực tế, dù là nhỏ cho những lựa chọn sau này…

Còn với Thanh, một năm không đại học với cậu không phải một năm u ám. Thuê nhà ở một mình để tiếp tục dùi mài kinh sử mà không chỉ ôn thi đại học, Thanh ngốn đủ loại sách tin học, ngoại ngữ, khoa học tìm thấy trên “thiên đường sách cũ” phố Láng hay Trung tâm văn hóa Đông – Tây (khi đó còn trên đường Nguyễn Chí Thanh).

Trong suốt một năm, Thanh cũng như Hoà đã trải qua nhiều công việc, nhiều vị trí khác nhau. Hoà từng đi làm thuê qua hàng chục nơi, từ việc ở cửa hàng photo, in ấn, nhập dữ liệu… đến lập trình, đồ hoạ. Chính từ những việc làm thêm đó đã dẫn Hoà đến say mê và quyết định thi vào Hanoi – Aptech. Lần đầu tiên Hoà trượt, thi đến lần thứ hai, sau một tháng, Hoà mới đỗ. Từ đó thực hiện quá trình vừa học vừa làm…

Thực tế thì ngay từ đầu, cả 2 vị giám đốc 8x này đều tự vạch ra hướng đi cho mình vì đã hiểu rõ bản thân cần gì và muốn vươn lên như thế nào. Với Hoà, đó là kinh doanh công nghệ cao, còn Thanh là khai thác tối đa tiềm năng con người…

Vừa học vừa lập công ty

Thanh “lợi khẩu”, nói mà như hùng biện, còn Hòa nhỏ nhẹ, chân thành, già dặn hơn so với tuổi. Ngành Kinh tế là sự lựa chọn cuối cùng của Thanh khi cậu đỗ đại học sau một năm tự thân vận động tại Hà Nội. Là sinh viên, Thanh bắt đầu đến với những khoá học về kỹ năng sống của Tâm Việt và dần trở nên gắn bó với nơi này khi nhận thấy đây là môi trường tốt để có “kỹ năng mềm” (soft skills) – những điều rất quan trọng trong môi trường làm việc hiện đại mà nhà trường không trang bị đủ. Thanh đã bộc lộ khả năng về việc đưa ra ý tưởng sáng tạo, khả năng thuyết trình và cải thiện tư duy. Dần dần Thanh trở thành người trợ giảng và bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về việc nâng cao khả năng tư duy của con người.

Thành công có thể coi là bước ngoặt đến với Thanh là khi cậu cùng một thành viên trong nhóm NTG giành giải nhất Cuộc thi Sinh viên Khởi nghiệp 2005 do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức với dự án Hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh. Tuy nhiên, một dự án khác cũng dự thi trong đợt này tuy không đoạt giải nhưng được đánh giá cao vì tính ứng dụng thực tế, đó là Trung tâm xử lý sự cố máy tính 113. Và chính đây là là xuất phát điểm cho việc hình thành Công ty bảo dưỡng máy tính EM có trụ sở tại phố Nguyễn Du, showroom (phòng trưng bày) tại phố Vọng.

Tuy nhiên, nhắc đến Hà Huy Thanh, rất nhiều SV còn nhắc tới vai trò là trưởng nhóm Tư duy mới NTG với khẩu hiệu “chất lượng tư duy tạo nên chất lượng cuộc sống”. Dự án Sơ đồ tư duy – Công cụ tư duy do chính sinh viên của một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội thực hiện đang được đưa vào đời sống sinh viên để nâng cao hiệu quả học tập trên cơ sở khai thác tiềm năng bộ não.

Chính các thành viên trong nhóm NTG cũng là lực lượng chủ chốt tại công ty do Thanh làm giám đốc. Làm việc với nhau tại trường nhiều nên họ cũng phối hợp khá “nhuyễn” và chuyên nghiệp trong môi trường công ty với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng. Chính sự năng động mà những người trẻ thể hiện đã tạo nên niềm tin tưởng với trường lớp, đối tác và chính họ nhận thức rõ hơn về bản thân.

Các buổi hội thảo, đào tạo, lễ khai trương trung tâm và ký kết hợp đồng với các đối tác của EM do những sinh viên – nhân viên trẻ thực hiện một cách chu đáo đã gây ngỡ ngàng cho không ít người có mặt, trong đó có cả đại diện báo chí. Những người trẻ khẳng định họ đang trên đường khai thác chất xám, khả năng tư duy, cải thiện “chất lượng nghĩ” không chỉ của bản thân mình, cho bản thân mình… Bằng chứng là cả Hòa hay Thanh đều trân trọng và không bỏ qua cơ hội khai thác, ứng dụng trí tuệ của những người đi trước; từ đó tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị cho xã hội.

Ở Trung tâm bảo dưỡng máy tính EM, Thanh đã bị coi là “già” so với đội ngũ nhân viên trẻ, trong đó có những người rất giàu thành tích khi là sinh viên. Còn ở Halo, Giám đốc Hòa lại là người nhỏ tuổi nhất công ty. Khi lập doanh nghiệp vào tháng 7/2005, Hòa tròn 20 tuổi.

Là con trai út trong nhà nhưng Hòa không sống phụ thuộc. Một phần số tiền để hình thành nên Halo là do Hòa gom góp được từ việc làm thêm, số còn lại được người anh trai tin tưởng đầu tư vào.

Quyết định lập công ty, Hòa tự tin khi thấy mình đã đủ kinh nghiệm thực tế qua suốt quá trình “lang thang” từ công ty này qua công ty khác và khám phá ra mình thực sự đam mê công việc “lập trình ứng dụng đồ họa”. Cậu quyết định ghi danh học lập trình ở một trung tâm chứ không phải ở một trường đại học nào có khoa CNTT vì Hòa nghĩ việc đi sâu và tiến nhanh vào thực tế lúc đó là phù hợp với bản thân khi có sự chuẩn bị kỹ càng về kỹ năng và kinh nghiệm.

Tuy vậy, Hòa không coi nhẹ kiến thức cơ bản mà tận dung tối đa thời gian để bồi đắp nó. Thế nên bình thường một tuần học ở trung tâm 4 buổi, mỗi buổi 2 giờ, nhưng Hòa có mặt tại thư viện, phòng máy bất cứ lúc nào có thể trong ngày.

Quyết định thành lập công ty ngay khi đang học, Hòa nói, là sự nắm bắt cơ hội và thực tế. Hòa tin mình vẫn có thể điều phối thời gian tốt trong điều kiện vừa học vừa làm. Đến nay Hòa đang bận rộn với việc thực hiện đề tài (project) cho ngày tốt nghiệp…

Họ đang bước tới

Hà Huy Thanh khẳng định, thế mạnh của mình và của giới trẻ bây giờ là khả năng học nhanh. Nếu nắm được phương cách biến thông tin thành kiến thức, từ kiến thức thành dịch vụ, sản phẩm thì sẽ khó có thể đứng ngoài cuộc đua trở thành người chiến thắng.

Chính Thanh và những người đang đến với những khóa học về tư duy đang tận dụng công nghệ học tập, công nghệ làm việc tiên tiến để giải quyết những vấn đề gặp phải bằng một cách nghĩ khác, cách làm việc mới, tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa thiết thực cho cá nhân và cộng đồng. Thanh bảo, chọn thứ phù hợp với giá trị của mình để bắt tay thực hiện là cách để khẳng định giá trị bản thân tốt nhất. Trung tâm EM do Thanh điều hành chỉ là bước đầu tiên của quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và cũng chỉ là một trong nhiều việc Thanh đang cùng lúc thực hiện…

Ngồi trò chuyện với Nguyễn Văn Hòa, điện thoại của anh liên tục reo vang. Hòa nói “21 tuổi, tôi không nghĩ mình còn trẻ để chần chừ, thời gan không chờ đợi ai cả. Muốn tiến kịp bạn bè, đối tác của mình, tôi sẵn sàng chạy đua với thời gian. Ngay như nhận một đơn đặt hàng thì công ty cũng buộc phải thực hiện đúng tiến độ, nếu không muốn người ta bỏ rơi mình…”.

“Nói và làm đều chắc chắn như nhau”, Hòa khẳng định đây là cách để gây thuyết phục đối với không chỉ Hòa mà với bất cứ ai, “Lợi thế lớn của tuổi trẻ chính là phát huy hết khả năng, sức lực vì tương lai”. Sản phẩm của công ty Hòa, không chỉ là ứng dụng trong nước mà còn hướng ra hội nhập với thế giới, có thể kể đến CD-ROM Những trang vàng 2006, CD-ROM Insight Vietnam, dự án Multimedia truyện tranh dân gian Việt Nam theo đặt hàng từ Thụy Sĩ để dạy và học tiếng Việt, các phần mềm về quản lý xuất nhập khẩu lao động, du lịch, kế toán…

Từ Hà Huy Thanh hay Nguyễn Văn Hòa nhìn rộng ra, rõ ràng đang hình thành một lớp doanh nhân IT ngày càng trẻ. Hiếm ngành nào lại có nhiều giám đốc 8x như ngành CNTT với hàng chục cái tên đang được biết tới hiện nay có thể kể ra. Nhiều người trong số đó đã khẳng định được mình trên thị trường. Nhưng điều có ý nghĩa không kém là sức sống và tinh thần sẵn sàng học tập, làm việc để tạo ra giá trị sống mà họ thể hiện.

“CNTT là một trong những ngành trẻ mà nhờ đó người trẻ có thể bắt kịp nhanh được với thế giới”, trong ngày gặp gỡ tỷ phú Bill Gates sang thăm Việt Nam, tôi đã nghe một giám đốc IT trẻ nhận định như vậy. Chính Bill Gates từng nói: “Máy tính và Internet đang thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách kinh doanh của thế giới”.

Các bạn trẻ như Hòa, Thanh… đang mang khát vọng không chỉ theo kịp bước tiến của công nghệ, của tư duy mà còn làm chủ và tạo ra những sản phẩm mới, xu hướng mới mang hàm lượng sáng tạo cao, được thừa nhận rộng rãi… Có vậy mới mong ngành CNTT Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới.

Làm thế nào để học nhanh? Câu hỏi này Hà Huy Thanh và những người bạn NTG của mình đang chứng minh và truyền đến nhiều sinh viên khác thông qua việc phối hợp với Đoàn trường ĐH Quốc gia Hà Nội, các CLB sinh viên để tổ chức những buổi hội thảo, giảng dạy, triển khai các dự án về tối đa hóa khả năng tư duy. Đây là sự “kết nối tri thức”, mà như Thanh nói, “để cùng nhau học tập, phát hiện các vấn đề còn thiếu của mình, của môi trường xung quanh so với yêu cầu thời đại”.

(theo VietNamNet)

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96