(Post 23/04/2012) Instagram là một trong số rất ít những công ty đạt giá trị 10 con số chỉ sau hơn một năm ra đời. Ông chủ của nó mới 28 tuổi và toàn bộ nhân viên cũng chỉ có 13 người…

Instagram được thành lập vào tháng 6/2010 và ứng dụng ảnh cho iOS và Android trình làng tháng 10/2010. Sau 551 ngày, hay 78 tuần, 2 nhà sáng lập tuổi ngoài đôi mươi đã bán lại thành quả của họ cho Facebook với 1 tỷ USD, biến đội ngũ nhân viên ít ỏi (đa số gia nhập cuối năm 2011 đầu 2012) thành những người giàu có và được coi là may mắn bậc nhất thung lũng Silicon.

Nếu chia trung bình từ ngày thành lập, Instagram kiếm được 1,8 triệu USD mỗi ngày, hay 12,7 triệu USD mỗi tuần, từ mạng xã hội Facebook.

CEO Kevin Systrom, 28 tuổi, từng làm việc tại Google trong 3 năm. Anh sở hữu 40% cổ phần của Instagram, tương đương 400 triệu USD. Đồng sáng lập là Mike Krieger cũng chỉ có 25 tuổi, nắm giữ 10%, tức 100 triệu USD. Phần còn lại được chia cho các nhà đầu tư và 11 nhân viên. Đây được coi là khoản tiền khổng lồ với một công ty có sản phẩm mới xuất hiện 1,5 năm và nhất là đó chỉ là một ứng dụng tạo hiệu ứng cho ảnh chụp từ iPhone và Android (còn chưa hoạt động trên iPad và các nền tảng như Windows Phone, BlackBerry, Symbian..).

Instagram không phải ứng dụng di động đầu tiên cho phép mọi người chia sẻ ảnh lên Twitter, Facebook, Flickr… Nó cũng không phải chương trình đầu tiên hỗ trợ các bộ lọc và hiệu ứng để ảnh mang hơi thở mới. CEO Systrom cho hay họ cũng chưa từng bỏ ra một khoản tiền nào cho marketing. Nhưng nó may mắn khi thành công hơn hẳn các đối thủ khác.
Tuần trước, Instagram thu hút được 50 triệu USD từ nhà đầu tư và được ước tính trị giá khoảng 500 triệu USD. Mark Zuckerberg, CEO Facebook, được cho là từng đề nghị mua Instagram trước đó, nhưng khi có nguồn đầu tư trên, tỷ phú trẻ đã quay lại gặp Systrom với đề nghị khó từ chối: nâng mức giá lên gấp đôi.

Systrom, tốt nghiệp Đại học Stanford như nhiều triệu phú công nghệ khác, lớn lên ở Boston (Mỹ) và sớm có cơ hội cảm nhận về thời kỳ bùng nổ dotcom. Mẹ anh, bà Diane Systrom, từng làm việc cho trang Monster.com trong giai đoạn đầu của Internet và hiện là quản lý của Zipcar, một công ty cho thuê xe trực tuyến.

Ngay từ khi học đại học, Systrom đã rất mê nhiếp ảnh và luôn nghĩ ra những cách khác nhau để chia sẻ ảnh trực tuyến. Anh làm cho Google nhưng rồi lại chuyển tới Nextstop, trang tư vấn về du lịch được Facebook mua lại với giá 2,5 triệu USD.

Systrom sau đó khởi động Burbn (tên đồ uống mà anh yêu thích) – dự án tham gia vào những lĩnh vực “hot” trên di động như chia sẻ ảnh, địa điểm giống Foursquare. Nhưng nó thiếu sự định hướng rõ ràng. Đồng hành với Systrom có Krieger, cũng là một sinh viên Đại học Stanford. Cả hai nghĩ đến chuyện thu hẹp lại chiến lược và muốn chỉ tập trung vào phát triển thật tốt một thứ gì đó.

“Chúng tôi nhận thấy ảnh di động là cơ hội tuyệt vời để thử nghiệm những ý tưởng mới. Chúng tôi dành một tuần tạo một phần mềm chuyên về ảnh. Nó hoạt động thật kinh khủng. Vì thế, chúng tôi quay trở lại với Burbn”, Systrom chia sẻ. “Rất khó để quyết định, nhưng rồi chúng tôi về cơ bản gạt đi mọi thứ có trong Burbn trừ tính năng ảnh và bình luận. Phần còn lại đó chính là Instagram”.

Chính thức được công bố vào tháng 10/2010, Instagram lập tức gây sốt và đến nay đã đạt hơn 30 triệu lượt tải trên iPhone. Mọi người tỏ ra yêu thích những tấm hình trông như thể được chụp từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Giới công nghệ hiện nghi ngờ tương lai của Instagram khi “vào tay” Facebook, tuy nhiên những gì nó đạt được làm dấy lên hy vọng cho những chuyên gia phát triển thế hệ 8x, 9x đang tham gia vào lĩnh vực ứng dụng di động tiềm năng và màu mỡ.

Trang PC World (Mỹ) liệt kê một số ứng dụng nổi trội trên Android:

Lightbox Photos do một cựu nhân viên Google phát triển nên khai thác được hết sức mạnh của hệ điều hành này. Người dùng được cung cấp 18 bộ lọc để sửa ảnh rồi đăng lên mạng xã hội. Các tấm hình nằm trong một album riêng trên tài khoản Lightbox và người sử dụng có thể chọn chia sẻ cho cả cộng đồng Lightbox nếu muốn.

Camera360 Ultimate là ứng dụng được đánh giá cao. Ban đầu, khi nhìn vào danh sách hiệu ứng, người dùng có thể cảm thấy thất vọng vì chúng khá ít ỏi. Tuy nhiên cảm giác này sẽ sớm biến mất bởi chương trình đã bổ sung thêm nhiều bộ lọc cho mỗi lựa chọn hiệu ứng. Chẳng hạn, khi chụp ở chế độ Colorful, họ sẽ thấy thêm 10 bộ lọc nữa để áp dụng vào ảnh. Tính năng hay nhất là Camera360 cho phép so sánh ảnh mới sửa với ảnh gốc dễ dàng. Khác với hai ứng dụng trên, Camera360 không có mạng xã hội riêng nhưng vẫn hỗ trợ chia sẻ lên Facebook, Twitter…

Cuối năm 2011, website chia sẻ ảnh nổi tiếng Flickr đã thiết kế lại ứng dụng dành cho Android nhằm cạnh tranh với Instagram. Nó không cung cấp nhiều bộ lọc (10 so với con số 17 của Instagram) nhưng lại đặc biệt đơn giản và dễ dùng. Hạn chế ở đây là người sử dụng phải có tài khoản Yahoo để truy cập chương trình.

Hipster cũng là ứng dụng khá phổ biến với khả năng sử dụng bộ lọc để tạo thiệp (postcard), đính kèm vị trí địa lý nơi bạn chụp rồi chia sẻ qua e-mail hoặc mạng xã hội. Cộng đồng Hipster khá nhỏ nhưng thu hút nhiều nhiếp ảnh gia sáng tạo.

Magic Hour (2 USD) là ứng dụng thu phí duy nhất trong danh sách, nhưng người dùng sẽ cảm thấy số tiền họ bỏ ra là xứng đáng. Chương trình tích hợp sẵn 39 bộ lọc ảnh và hàng trăm bộ lọc khác mà họ có thể tải miễn phí trên kho ứng dụng. Vì thế, nó được mệnh danh là “thiên đường filter”. Không những hỗ trợ chia sẻ trên Facebook, Twitter, Flickr, nó còn cho phép đăng ảnh trực tiếp lên các mạng nhỏ khác như Cyworld, Me2day…

Picplz cung cấp 17 bộ lọc cùng rất nhiều lựa chọn để điều chỉnh độ no màu, tương phản, độ sáng… Bạn có thể thêm vào chú thích ảnh để trông sinh động hơn.

Pixlr-o-matic là ứng dụng đáng chú ý khi có sẵn tới 30 bộ lọc cùng nhiều lựa chọn khác về mẫu hình, khung ảnh… mà người dùng có thể tự tải về.

Pudding Camera khác biệt với những ứng dụng trên bởi thay vì áp dụng các bộ lọc hoặc hiệu ứng sau khi chụp, người sử dụng lại được cung cấp các phong cách ảnh noir, vivid… giống như ảnh được chụp từ máy film.

 

(theo VnExpress)

FPT Aptech – Hệ Thống Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế

FPT Aptech trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT có hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam, và luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các sinh viên và nhà tuyển dụng.
0981578920
icons8-exercise-96